Quốc Vượng sum họp gia đình

Thứ Hai, 01/09/2008, 11:23
"Về đến nhà, để lại tất cả sau lưng, thằng Vượng lao vô vòng tay mẹ hắn khóc như một đứa trẻ. Bà nhà tui ôm con vào lòng rồi khóc nấc lên" - bố của Quốc Vượng xúc động nói.

Sau gần ba năm thụ án, ngày 30/8/2008, tuyển thủ quốc gia Quốc Vượng được trả tự do. Trong số 499 phạm nhân được giảm án nhân Quốc khánh 2-9 năm nay tại Trại giam số 6, ngôi sao bóng đá Quốc Vượng là người được hưởng ân sủng nhiều nhất: 15 tháng 20 ngày. Ngày đầu tiên về với gia đình, Quốc Vượng trào dâng cảm xúc lễ tạ tổ tiên và vấn an những người thân yêu của mình.

Từ sáng sớm 31/8, tôi đã có mặt tại nhà Quốc Vượng. Chậm một chút là tôi đã không gặp được tuyển thủ này, bởi anh đang chuẩn bị chuyến hành hương về quê nội Nghi Xuân, Hà Tĩnh làm lễ tạ nhà thờ đại tôn và đưa niềm vui được tự do về với dòng họ Lê ở Tiên Điền.

Trong lúc chờ đợi để được gặp  Quốc Vượng, ông Lê Văn Quang, bố đẻ Quốc Vượng tay bắt mặt mừng tiếp tôi. Ông thân tình kể: Ngày 28/8, cả nhà vui mừng đến trào nước mắt khi nhận được tin Quốc Vượng được đặc xá tha tù trước thời hạn. Tin vui nhanh chóng loan khắp mọi nơi. Chuông điện thoại liên tục đổ với những cuộc điện thoại của người thân, bạn bè và người hâm mộ gọi tới chúc mừng.

Văn phòng Báo Thể thao hằng ngày tại Nghệ An, ngỏ lời mời gia đình ông cùng đi chung chuyến xe của của họ lên Trại giam số 6 ở huyện Thanh Chương đón Quốc Vượng. Ông Quang khéo léo từ chối, vì ông muốn dành cho con trai mình vòng tay yêu thương ấm áp, nâng niu của gia đình ngay giờ phút đầu tiên Vượng được tự do.

Ông còn muốn chặng đường hơn 60km từ Trại giam số 6 về nhà, chỉ có những người thân yêu nhất ở bên cạnh Quốc Vượng. "Tui muốn truyền hết cho con trai sinh lực, tình yêu để từ đây, cháu lấy lại những gì nó đã tự đánh mất", ông Quang nói.

Giọng ông nghèn nghẹn. Tôi biết ông cố kìm giữ nhưng nước mắt ông cứ trào ra. Nước mắt của người đàn ông tóc ngả màu sương, khóc về con trai sau những ngày cải tạo đã được giảm án, khiến lòng tôi bùi ngùi và cay cay nơi sống mũi.

Lau khô nước mắt và khi giọng nói đã không nghèn nghẹn nữa, ông kể: Sáng 30/8, cả nhà ông Quang trừ bà Hạnh (mẹ Quốc Vượng), do quá xúc động về tin vui mà phát ốm ở lại, còn tất cả những ai có thể đi được đều lên đường hướng về phân trại 1 của Trại giam số 6. Ban tổ chức ưu tiên đọc lệnh ân xá cho Quốc Vượng đầu tiên để Vượng có thời gian trả lời phỏng vấn báo chí.

Ông Quang xúc động: "Về đến nhà, để lại tất cả sau lưng, thằng Vượng lao vô vòng tay mẹ hắn khóc như một đứa trẻ. Bà nhà tui ôm con vào lòng rồi khóc nấc lên". 

Thời gian còn lại của ngày 30/8, nhà ông Quang liên tục người thân, bè bạn, đồng nghiệp và người hâm mộ Quốc Vượng vào ra, thăm hỏi. Ông Quang bày tỏ: "Cháu nó đã trở về, bậc cha mẹ như bày tui chỉ mong: Cháu có nghề, đã sửa xong lầm lỗi, nay lại được hành nghề. Chưa vô sân thi đấu thì cũng sớm được tập luyện. Thậm chí vô sân đi nhặt bóng cháu nó cũng vui vẻ làm…".

Quốc Vượng xuất hiện bảnh bao trong bộ trang phục màu trắng nở nụ cười tươi chào tôi. Anh cho biết: Những ngày ở trại giam, anh được Ban giám thị giao cho nhiệm vụ, buổi sáng khâu bóng, buổi chiều tập bóng cho cán bộ, chiến sỹ Công an trại giam. Theo Vượng, đây là sự ưu ái của lãnh đạo trại dành cho anh. Nhờ đó mà ba năm qua, anh như vẫn được tập luyện, rèn nghề. Cũng nhờ đó mà thể lực của anh không sụt giảm. Khi là tuyển thủ sung mãn, trọng lượng anh là 64 cân thì nay vẫn vậy.

Quốc Vượng không hề giấu giếm, anh bộc bạch: Trong thời gian ở trại giam, nhiều CLB trong đó có Viettel Thể Công cử người đến thăm, giúp đỡ anh cả về vật chất và tinh thần, cho anh thêm niềm tin để cải tạo tốt. Anh chưa có quyết định gì về tương lai sắp tới cả.

Quốc Vượng tâm sự: "Em còn nhiều duyên nợ với CLB nhà. Sông Lam là nơi đào tạo, nuôi dưỡng tài năng cho em. Hơn nữa hợp đồng của em với Sông Lam vẫn còn, nên Sông Lam là CLB quyết định tất cả".

Ông Quang xin lỗi tôi: "Để cha con lên đường về đất tổ dòng họ ở Tiên Điền (Hà Tĩnh), lễ tạ nhà thờ đại tôn và thăm người thân họ hàng kẻo muộn, bên nớ họ hàng đang đợi". Tôi hiểu ông, ngày đầu tiên này ông muốn dạy con mình hãy về với dòng dõi để sống cho xứng đáng với mong ước của họ hàng, tổ tiên

Tô Lan
.
.
.