Quanh giải Nobel văn chương của Boris Pasternak năm 1958
Theo quy định của Ủy ban Nobel, tất cả những tài liệu liên quan tới quá trình xét giải đều được giữ bí mật trong vòng 50 năm. Đầu tháng 1/2009, kho lưu trữ tư liệu năm 1958 (năm nhà văn Xôviết Boris Pasternak được nhận giải Nobel văn chương) đã được xoá dấu tối mật. Và nhiều điều thú vị và bất ngờ đã được các nhà báo Thụy Điển khám phá khi làm quen với những tư liệu cũ.
Quyết định về người sẽ được nhận giải Nobel thường được một hội đồng đặc biệt của Viện hàn lâm Khoa học Thụy Điển thông qua. Mỗi năm, hội đồng này xem xét tới hàng chục, thậm chí hàng trăm ứng cử viên mà các viện sĩ, các giảng viên văn học tại các trường đại học cũng như các hội nhà văn các nước và những người từng được nhận giải Nobel văn chương trước đó giới thiệu.
Theo quy chế xét giải Nobel, mỗi một ứng cử viên có thể được giới thiệu một số lần không hạn chế. Thí dụ, nhà văn Đan Mạch Johannes Vilhelm Jensen (1873-1950) từng được đề cử vào giải Nobel tới 18 lần và cuối cùng đã được nhận nó vào năm 1944. Nữ văn sĩ Italia Grazia Deledda (1871-1936, giải Nobel văn chương năm 1926) từng có tên trong danh sách các ứng cử viên 12 lần, còn nhà văn Pháp Anatole
Từ những nguồn tư liệu đã được công khai trước đây, có thể biết rằng nhà văn Xôviết Boris Pasternak (1890-1960) đã được xem xét như một trong những ứng cử viên của giải Nobel văn chương từ năm 1946, tức là trong vòng 11 năm cho tới khi tiểu thuyết "Bác sĩ Zhivago" (vốn bị cấm ở Liên Xô) được in lần đầu ở Milano bằng tiếng Italia.
Theo nhận định của Viện hàn lâm Thụy Điển, giải Nobel văn chương được trao cho Boris Pasternak "nhờ những thành tựu xuất sắc trong thi ca trữ tình hiện đại, cũng như nhờ sự tiếp nối truyền thống tiểu thuyết sử thi vĩ đại của văn học Nga". Mặc dầu thế, do những điều kiện cụ thể ở thời đại nên ở Moskva khi đó lại cho rằng, Boris Pasternak được trao giải Nobel văn chương là nhờ một cuốn tiểu thuyết mang khuynh hướng "bài Xô" rõ rệt.
Thêm vào đó, năm 1958, theo thông tin của Moskva, trong danh sách các ứng cử viên của giải Nobel văn chương còn có một nhà văn Xôviết xuất sắc khác là Mikhail Solokhov, tác giả của bộ tiểu thuyết đồ sộ "Sông Đông êm đềm". Những tư liệu đã được công bố ở Moskva cho thấy, chính năm đó Liên Xô rất muốn để nhà văn vô sản Mikhail Solokhov được nhận giải Nobel văn chương.
Trong bối cảnh đó, quyết định trao giải Nobel văn chương năm 1958 của Ủy ban Nobel cho nhà văn Boris Pasternak được Moskva đánh giá như một hành động cố tình khiêu khích. Giả thuyết này đã được củng cố thêm bởi sự việc, trước Boris Pasternak chỉ duy nhất có một nhà văn Nga nữa cũng được nhận giải Nobel văn chương, đó là Ivan Bunin, sống lưu vong ở nước ngoài!
Trong bối cảnh đó, Boris Pasternak đã gặp phải khó khăn trong việc công khai đứng ra nhận giải Nobel văn chương. Ông đã buộc phải từ chối vinh dự đó rồi qua đời vào năm 1960. Mãi tới năm 1989, người con trai Evgueni của ông mới đứng ra nhận thay cha mình giải Nobel văn chương được trao từ hơn 30 năm trước.
Sau khi Boris Pasternak qua đời, những cuộc tranh luận về việc trao giải Nobel văn chương cho ông vẫn không chấm dứt. Đã có rất nhiều bài báo viết về các khía cạnh khác nhau của sự việc này. Một số tác giả cho rằng, phía Thụy Điển đã cố tình gây ra một hành động không hữu nghị đối với Liên Xô khi trao giải thưởng danh giá nhất cho một cuốn tiểu thuyết "bài Xô". Một số tác giả khác lại khẳng định, các viện sĩ Thụy Điển đã không ngờ tới việc quyết định của họ lại có thể gây nên một vụ tai tiếng quốc tế đến như thế.
Ngoài ra, trong thời gian gần đây lại dấy lên cuộc tranh luận về việc những hậu thuẫn từ phía các cơ quan tình báo ở Washington, cụ thể hơn là từ phía CIA, đã có tác động như thế nào tới quyết định trao giải thưởng Nobel văn chương cho Boris Pasternak năm 1958.
Khả năng có tác động của CIA tới Viện hàn lâm Thụy Điển đã được xem xét trong cuốn sách mới được xuất bản gần đây của tác giả Nga Ivan Tolstoy "Cuốn tiểu thuyết được tẩy rửa của Pasternak: "Bác sĩ Zhivago" giữa CIA và KGB". Đầu tháng 1/2009, chủ đề này lại được đề cập tới trên một số tờ báo Tây Ban Nha, cụ thể hơn là trên các tờ ABC và La Stampa…
Theo website Lenta.ru, vấn đề liên quan hay không liên quan của CIA với việc trao giải Nobel văn chương cho Boris Pasternak có lẽ sẽ rất khó xác định trên cơ sở các kho lưu trữ tư liệu của Viện hàn lâm Thụy Điển. Và không nên buộc cho CIA cái tội đó. Tuy nhiên, coi thường những cơ hội quan trọng mới nhờ kho tư liệu này là không nên.
Phóng viên báo Thụy Điển Sydsvenskan, người đầu tiên được tìm hiểu những tư liệu mới được xoá dấu tối mật trong kho lưu của Viện hàn lâm Thụy Điển, viết rằng, giữa những "đối thủ" của Boris Pasternak năm 1958 có bốn người: nữ văn sĩ Đan Mạch Karen Blixen (1885-1962), nhà thơ Pháp Saint - John Perse (1887-1975) cùng hai nhà văn Italia là Salvatore Quasimodo (1901-1968) và Alberto Moravia (1907-1990).
Hai người trong số này (Alberto Moravia và Karen Blixen) cho tới cuối đời vẫn không được trao giải Nobel văn chương, mặc dù văn tài của họ quá xứng đáng. Karen Blixen là một trong những nữ văn sĩ quan trọng và có ảnh hưởng lớn nhất ở khu vực Scadinavia, còn Alberto Moravia đã là đại diện ưu tú nhất của dòng văn học tân hiện thực Italia. Và đây là nguyên nhân khiến nhiều trí giả trách cứ Viện hàn lâm Thụy Điển đã bỏ lỡ những tài năng đích thực!
Nhà thơ Pháp Saint - John Perse và nhà văn Italia Salvatore Quasimodo đã được may mắn hơn. Nhà văn Italia này đã được nhận giải Nobel văn chương ngay sau Boris Pasternak, vào năm 1959 ("Nhờ những bài thơ trữ tình với sự sống động cổ điển thể hiện kinh nghiệm bi thảm của thời đại chúng ta"). Còn nhà thơ Pháp cũng đã được nhận giải Nobel văn chương năm 1960 ("Nhờ sự cao cả và hình tượng đã sử dụng các phương tiện của thi ca thể hiện các cảnh huống của thời đại chúng ta").
Tờ Sydsvenskan cũng nêu tên Mikhail Solokhov trong số những ứng cử viên của giải Nobel văn chương. Nhà văn Xôviết đã được đề cử bởi nhà văn, viện sĩ Viện hàn lâm Thụy Điển Harry Martinson (1904-1978) cùng với Câu lạc bộ Văn bút (PEN Club). Về phần mình, Pasternak đã được nhà văn Pháp Albert Camus (1913-1960, giải Nobel văn chương năm 1957) giới thiệu.
Vai trò của nhà văn Harry Martinson trong câu chuyện này rất đáng để tò mò. Thứ nhất, chính ông năm 1957 đã đề cử Pasternak. Thứ hai, hiểu biết của Harry Martinson về văn học Xôviết không thể nào chỉ là "sơ kiến tân giao" - là một nhà văn xuất thân từ quần chúng lao động, với một lý lịch vô sản lý tưởng (nhưng lại chịu ảnh hưởng sâu sắc của chủ nghĩa hậu hiện đại), Harry Martinson ngay từ năm 1934 đã được mời sang Liên Xô để tham dự Đại hội lần thứ nhất Hội Nhà văn Liên Xô. Chuyến đi đó oái oăm thay lại làm cho Harry Martinson không cảm thấy thích người Nga, đến mức, vốn tính bốc đồng, ông đã tình nguyện đăng lính để tham gia cuộc chiến giữa Phần Lan và Liên Xô, chống lại Moskva!
Còn một sự việc nữa đáng chú ý trong chuyện đề cử Mikhail Solokhov làm ứng cử viên cho giải Nobel văn chương năm 1958. Khi đó, theo tư liệu của tờ Sydsvenskan, các viện sĩ Thụy Điển cho rằng, trong thời gian gần đó Mikhail Solokhov không có những tác phẩm mới. Và vì thế trong một thời gian dài, họ đã làm lơ với nhà văn Xôviết nổi tiếng. Khi Mikhail Solokhov cuối cùng cũng được trao giải Nobel văn chương năm 1965 nhờ "Sông Đông êm đềm", lý do cũ đã được lờ đi.
Còn có một tờ báo Thụy Điển nữa là tờ Svenska Dagbladet - trên cơ sở những tư liệu đã được tờ Sydsvenskan công bố, đã đặt ra câu hỏi về việc công bố tiểu thuyết "Bác sĩ Zhivago" đã có vai trò quyết định đến đâu trong việc trao giải Nobel văn chương cho Boris Pasternak? Theo phóng viên của tờ báo này, các viện sĩ Viện hàn lâm Thụy Điển liên quan tới quyết định năm 1958 về giải Nobel văn chương, đã không lường được những hệ lụy chính trị của việc họ làm.
Ngoài ra, cũng không nên quên rằng, cho tới thời điểm năm 1958, Boris Pasternak cũng đã hơn một thập niên là một trong số ứng cử viên của giải Nobel văn chương. Năm 1957, ông bị chối từ, như có thể thấy từ các tư liệu vừa được công bố, không phải bởi những tác phẩm của ông (lúc này chưa có tiểu thuyết "Bác sĩ Zhivago") kém giá trị mà vì năm 1956, giải Nobel văn chương đã được trao cho một nhà thơ rồi (đó là nhà thơ Tây Ban Nha Juan Ramon Jimenez, 1881-1958). Các viện sĩ Thụy Điển khi đó cho rằng, nếu trong hai năm liền mà trao liên tục hai giải Nobel văn chương cho dòng thơ trữ tình "khó đọc" thì có thể làm ảnh hưởng không tốt tới danh tiếng của giải Nobel.
Tuy thế, việc xuất bản tiểu thuyết "Bác sĩ Zhivago" năm 1957 cũng cần được đánh giá đúng mức. Có lẽ chính sự xuất hiện của cuốn tiểu thuyết này đã trở thành quyết định trong cuộc đua trước các "đối thủ" khác. Thư ký Thường trực của Viện hàn lâm Thụy Điển Anders Oesterling sau khi làm quen với bản tiếng Italia của "Bác sĩ Zhivago" đã nhận xét rằng, tác phẩm này đứng trên cả chính trị. Chính vì thế nên Oesterling đã ủng hộ Pasternak, bất chấp cả việc "Bác sĩ Zhivago" lúc đó chưa được xuất bản ở Liên Xô là quê hương nhà văn.
Cũng theo nhận định của website Lenta.ru, việc làm quen ban đầu của các nhà báo Thụy Điển với kho tư liệu vừa được công khai hoá của Ủy ban Nobel cần phải được tiếp tục. Và nhờ thế, việc nghiên cứu kỹ lưỡng tình huống xét trao giải Nobel văn chương cho Pasternak sẽ giúp soi rọi nhiều khoảng còn tối trong không chỉ riêng câu chuyện này mà trong cả lịch sử văn học thế giới ở giữa thế kỷ XX