Quản lý văn hóa không thể cảm tính
Thời gian qua, khá phổ biến tình trạng vi phạm trong quảng cáo của một số ông bầu tổ chức biểu diễn ở Hà Nội, khi theo qui định thì chỉ được treo 15 biển, nhưng đơn vị quản lý đã linh động để cho treo gấp 3 lần số biển, mà nhà tổ chức biểu diễn vẫn vi phạm với mức gấp cả chục lần. Nhưng nhà quản lý chỉ biết đi theo giật xuống, còn nhà tổ chức biểu diễn thì lại đi sau nữa để tiếp tục… treo lên, như một trò chơi.
Cách đây chưa lâu, dư luận “cồn” lên trước việc Sở VH,TT&DL một địa phương không cấp giấy phép cho việc quảng cáo bằng băng-rôn vẽ mặt nạ của một ca sĩ chỉ vì bất đồng quan điểm. Phía ca sĩ thì cho rằng mình kế thừa từ nghệ thuật truyền thống và quan trọng nhất là không vi phạm vào điều luật nào. Còn nhà quản lý không đồng ý nhưng với lý do cảm tính, chứ không “duy danh định nghĩa” được khiến dư luận phản ứng.
Mới đây, việc cấp phép cho một ông bầu tổ chức biểu diễn ở Hà Nội cũng khiến dư luận hồ nghi về tính khách quan của nhà quản lý ở cấp Cục. Bởi vẫn chương trình ấy, cấp Sở đã đưa ra các lý do vi phạm rất rõ ràng và không cấp phép. Ấy nhưng lên đến cấp Cục thì lại đồng ý. Vì thế mà Bộ VH, TT&DL đã yêu cầu phải giải trình việc cấp phép “kỳ quặc” này và mọi chuyện sẽ được “hạ hồi phân giải” trong vài ngày tới.
Nói cho cùng thì nếu mọi điều lấy luật pháp làm gốc thì không thể có những chuyện như trên. Chính cách quản lý cảm tính đã không thuyết phục được cả dư luận lẫn cấp trên. Vì thế, đòi hỏi chính nhà quản lý cần phải thực hiện đúng luật pháp, chứ không thể dựa vào cơ chế “xin- cho” để lạm dụng cái “gậy” quyền lực trong tay mình khi hành xử.
Để làm được, trước hết, những người cầm cân nẩy mực trong lĩnh vực quản lý văn hoá phải am hiểu pháp luật ở lĩnh vực của mình, để không chỉ vận dụng cho người khác mà chính bản thân họ cũng phải “sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật”. Khi xử lý một vấn đề gì, phải nghiên cứu, tìm hiểu các điều luật để áp dụng. Như trong những trường hợp cụ thể vừa nêu, phải áp vào các nội dung đã được qui định trong Pháp lệnh Quảng cáo, các qui định về hoạt động biểu diễn nghệ thuật v.v… để xem xét. Không thể có chuyện cùng một hành vi mà ở cấp Sở thì cho rằng sai, nhưng lên cấp Cục lại khẳng định là đúng. Vì như thế, rõ ràng là luật đang bị dẹp sang một bên vì những lý do không nói ra nhưng ai cũng biết.
Trong trường hợp người xin phép không sai phạm mà cơ quan quản lý không cấp phép, thì cơ quan đó vi phạm pháp luật. Ngược lại, nếu người xin phép vi phạm mà vẫn được cấp phép thì đơn vị cấp phép cũng phải bị xử lý. Thiết nghĩ, Bộ VH-TT&DL cần sớm có kết luận về vụ việc này, tránh tạo tiền lệ xấu.
Một khi xã hội bị quản lý bằng cảm tính chứ không phải bằng các qui định cụ thể, chắc chắn sẽ tạo nên sự lộn xộn và kéo lùi sự phát triển. Vì thế, mọi người cần bình đẳng trước pháp luật, chứ không thể quản lý văn hóa trên cơ sở quyền lợi cá nhân của một hay một nhóm người được