Phim "hợp tác" không còn bản sắc

Thứ Hai, 26/05/2008, 12:01
Nhìn lại những bộ phim hợp tác với các hãng nước ngoài ta không khỏi giật mình, bởi ngoài những giải thưởng quốc tế mà một số phim đoạt được, dường như hai chữ "hợp tác" đang làm phim Việt mất dần bản sắc vốn dĩ đã khá nhạt nhòa...

Xu hướng tất yếu

Từ lâu, các nền điện ảnh lớn trên thế giới đã có sự hợp tác với nhau để sản xuất những bộ phim kinh điển, trình chiếu trên khắp thế giới với doanh thu khổng lồ. Ở Việt Nam, phương thức này mới xuất hiện khoảng 15 năm nay, bắt đầu bằng một số bộ phim của các đạo diễn nước ngoài gốc Việt.

Trong số ấy phải kể đến đạo diễn có công "khai sơn phá thạch" - đó là Trần Anh Hùng với các phim như "Mùi đu đủ xanh", "Xích lô", "Mùa hè chiều thẳng đứng". Anh cũng là cái tên đầu tiên được nhắc tới mỗi khi người ta đề cập đến dòng phim có... nhãn mác Việt kiều.

Trong số đó, "Mùi đu đủ xanh" là thực hiện tại trường quay ở Pháp, các phim còn lại có nhiều cảnh quay được thực hiện tại Việt Nam, với sự tham của một số diễn viên và ê-kíp làm phim người Việt.

Khi phim "Người Mỹ trầm lặng" của đạo diễn người Mỹ Phillip Noyce ra đời - bộ phim có sự tham gia và làm nên tên tuổi của diễn viên Hải Yến - thì dấu ấn về những bộ phim nước ngoài hợp tác với điện ảnh trong nước mới thực rõ nét.

Hàng loạt các bộ phim được người ta gọi là "có yếu tố nước ngoài" ra đời từ năm 2001 đến nay như "Vũ khúc con cò" (hợp tác với Singapore) đã quy tụ dàn diễn viên đến từ... 15 nước; "Hạt mưa rơi bao lâu" của hai chị em đạo diễn Việt kiều Đoàn Minh Phượng và Đoàn Thành Nghĩa; "Thời xa vắng" của đạo diễn Hồ Quang Minh và "Mê Thảo - Thời vang bóng" của đạo diễn Việt Linh là sự hợp tác giữa Hãng phim Giải Phóng với Pháp; "Mùa len trâu" của Tiến sĩ vật lý Nguyễn Võ Nghiêm Minh (cũng của Hãng phim Giải Phóng) với sự hợp tác của các đơn vị đến từ Bỉ, Pháp, Canada.

Một số bộ phim hợp tác gây chú ý khác như Hãng phim Hội Nhà văn có hai phim truyện nhựa là "Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Công" (hợp tác với Hãng phim Châu Giang) và "Hà Nội, Hà Nội" (hợp tác với Xưởng phim Dân tộc Vân Nam). Không chỉ hợp tác với những "người bạn lớn", điện ảnh Việt Nam còn hợp tác với Lào để cho ra đời bộ phim "Cầu ông Tượng" - một bài ca về những chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam chiến đấu trên đất bạn Lào.

Không chỉ hợp tác để sản xuất những bộ phim truyện nhựa nghệ thuật ngắn tập như cách thường gọi, mà lĩnh vực phim truyền hình cũng đã được các nhà sản xuất nước ngoài quan tâm.

Bộ phim sitcom dài tập "Lẵng hoa tình yêu" do Hãng phim Truyền hình Đài Truyền hình TP. Hồ Chí Minh phối hợp với đối tác Hàn Quốc thực hiện. Sự hợp tác giữa Hãng phim Truyện I với Đài Truyền hình SBS (Hàn Quốc) được đánh dấu bằng bộ phim "Cô dâu Hà Nội", sau đó là "Cô dâu vàng" dài 50 tập mới ra đời.

Trước đó, các phim như "Tình xa" của Hãng phim Truyền hình Đài Truyền hình Việt Nam và "Đôla trắng" của Hãng phim Truyền hình Đài Truyền hình TP. Hồ Chí Minh là sản phẩm hợp tác với nước láng giềng Thái Lan.

Ngoài ra, sự xuất hiện của điện ảnh tư nhân Việt Nam dẫu khá muộn màng nhưng đã lập tức có hiệu ứng với trào lưu này: Hãng phim Phước Sang đã kịp hợp tác với Bily Pictures (Hàn Quốc) sản xuất bộ phim kinh dị "Mười" với tổng chi phí lên tới 3 triệu USD; Hãng phim Vifa Việt Nam hợp tác với CJ Media (Hàn Quốc) sản xuất phim "Mùi ngò gai" có độ dài lên tới gần 100 tập; Hãng Senafilm sản xuất "Những chiếc lá thời gian" và được Hãng Green Lake Producation phát hành tại Mỹ...

Đừng đánh mất mình

Không thể phủ nhận những đóng góp khá thành công của những bộ phim là sản phẩm của sự hợp tác, nhất là những phim truyện nhựa được làm một cách nghiêm túc, công phu, tốn kém và tất nhiên là chuyên nghiệp. Một số phim theo cách riêng đã ra được với thế giới, góp phần quảng bá cho đất nước, con người, văn hóa và lịch sử Việt Nam. Nó cũng ít nhiều gây ra sự tò mò chú ý của khán giả nước ngoài đối với một đất nước vốn được biết đến nhiều bằng hai từ "chiến tranh".

Không thiếu những bộ phim từng đoạt những giải thưởng uy tín như "Vũ khúc con cò" - giải Phim truyện nhựa hay nhất là Liên hoan phim Milano (Italia) năm 2005; "Hạt mưa rơi bao lâu" - giải phim ASEAN hay nhất tại Liên hoan phim Băng Cốc 2006; Phim "Mùa len trâu" từng tham dự hàng chục liên hoan phim quốc tế và khu vực và đoạt 4 giải thưởng đáng kể...

Không những thế, tham gia làm phim với các đối tác nước ngoài là cách để các đạo diễn, diễn viên Việt Nam học tập kinh nghiệm làm việc khoa học, chuyên nghiệp của nước ngoài. Hơn nữa đó cũng là cơ hội để hình ảnh, tên tuổi nghệ sĩ Việt Nam đến được với thế giới, dù vẫn bằng con đường... tiểu ngạch.

Tuy nhiên, trong các bộ phim đã được kể tên, thông thường số lượng diễn viên tham gia rất ít ỏi, cơ hội cọ sát, học hỏi của họ cũng không nhiều. Rất hiếm diễn viên chuyên nghiệp của Việt Nam được giao những vai "tầm cỡ" như Trương Ngọc Ánh, Hải Yến, NSND Như Quỳnh...

Cũng vì lý do phía đối tác thường chi phối về mặt kinh phí, phương tiện kỹ thuật, cho nên phía Việt Nam chủ yếu đảm nhiệm những công việc nhỏ lẻ, có tính chất "dịch vụ" nhiều hơn là việc chung tay ra các quyết định có ảnh hưởng tới nội dung, chất lượng phim.

Có những phim về đề tài phụ nữ Việt Nam, nông thôn Việt Nam nhưng lại được nhìn qua lăng kính của đạo diễn Việt kiều không nhiều kiến thức về nguồn cội cũng từng gây hiểu nhầm, thậm chí phản cảm.

Đạo diễn Trần Anh Hùng được xem là Việt kiều có nhiều phim "bản địa" nhất, nhưng phải đến "Mùa hè chiều thẳng đứng" người xem mới cảm nhận được "hương vị Việt" trong phim của anh. Tất nhiên, phải kể đến sự "cộng hưởng" của âm nhạc Trịnh Công Sơn mà đạo diễn này đã sử dụng.

Bên cạnh đó có những phim hợp tác ăn ý đến nỗi người xem khó mà nhận ra đó là phim của Việt Nam nếu như không có phần đối thoại tiếng Việt, đó chính là trường hợp của bộ phim "Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Công". Đành rằng, bối cảnh phim xảy ra ở Hồng Công, sự tham gia của đạo diễn người Trung Quốc và nhiều diễn viên nước bạn, nhưng chỉ xem phim thì khó mà tìm thấy vai trò của đạo diễn Khắc Lợi là đại diện phía Việt Nam ở đâu!

Những lo ngại về sự "hòa tan" chỉ thực sự xuất hiện khi làn sóng hợp tác với Hàn Quốc liên tục "đổ bộ" vào Việt Nam. Hai bộ phim truyền hình dài tập "Lẵng hoa tình yêu" và "Mùi ngò gai" được xem đậm đặc mùi... kim chi của Hàn Quốc với những cảnh yêu đương lãng mạn, rồi đẫm nước mắt pha chút hài hước... Trào lưu "Hàn Quốc hóa" vì thế không còn là tín hiệu vui cho điện ảnh nước nhà nữa mà còn là tiếng còi báo động.

Giữa năm ngoái, khi phim "Mười" ra mắt trong sự đói khát phim kinh dị "made in Việt Nam", thì khán giả lập tức nhận ra đó là bộ phim kinh dị Hàn Quốc chính hiệu chất lượng thấp, chỉ lấy bối cảnh là Việt Nam mà thôi.

Gần đây, nhân tuần phim Hàn Quốc tại Hà Nội, bộ phim "Cô dâu vàng" cũng chính thức ra mắt khán giả Việt Nam. Trong số 50 tập của bộ phim này, được biết chỉ có khoảng... 2 tập phim được quay ở Việt Nam.

Qua bộ phim này, NSND Như Quỳnh cũng được Đài Truyền hình SBS của Hàn Quốc trao giải đặc biệt cho diễn viên nước ngoài. Điều này cho thấy, phía Hàn Quốc xem "Cô dâu vàng" hoàn toàn là sản phẩm của họ chứ đâu có nói tới cụm từ "hợp tác sản xuất" với Việt Nam như chúng ta đang nghĩ.

Điện ảnh Việt Nam vốn được xem là có "độ lùi" đáng kể so với thế giới và khu vực, hơn nữa sự độc đáo về bản sắc lại không được đánh giá cao. Xem ra, nếu không muốn nhận là mình đang đánh mất bản sắc riêng vốn cũng nhạt nhòa đã có của mình, thì điện ảnh Việt Nam cần thiết xem lại hai chữ "hợp tác" mỗi khi đề cập tới một bộ phim có yếu tố nước ngoài.

Gọi là phim "hợp tác" có lẽ chưa tương xứng với những gì phía Việt Nam đóng góp, mà chỉ nên khiêm tốn là phim "có sự cộng tác". Bởi vì nếu cứ "vin" vào hai chữ "nước ngoài" để làm sang cho mình thì điện ảnh trong nước cũng đang đối diện với nhiều câu hỏi lớn của khán giả về nội dung cũng như chất lượng của những bộ phim ấy.

Nếu hợp tác là để những bộ phim Việt ra đời lại giông giống phim Hàn, hao hao Trung Quốc đại lục, lại có nét của cộng đồng Pháp ngữ thì thực sự họ đang đưa điện ảnh Việt Nam về đâu?

Việt Hà - VNCA80
.
.
.