Phê bình âm nhạc: Đừng tụt hậu

Thứ Ba, 06/09/2005, 09:36

Trong khi đời sống âm nhạc đang có nhiều vấn đề cần đến lý luận phê bình thì xem ra công tác này đang bị coi nhẹ, thậm chí bỏ trống. Hội Nhạc sĩ Việt Nam cũng thừa nhận thực tế này nhưng vẫn chưa có giải pháp thích hợp. Công tác lý luận và phê bình âm nhạc đang tụt hậu so với sự phát triển của nền âm nhạc nước nhà.

Trong bản báo cáo tổng kết nhiệm kỳ VI Hội Nhạc sĩ Việt Nam (NSVN) tại Đại hội VII của Hội NSVN, khi đề cập đến công tác lý luận và phê bình âm nhạc, nhạc sĩ Trọng Bằng đã nói: "Nhìn chung, công tác lý luận phê bình âm nhạc của Hội trên báo chí tuy có nhiều cố gắng nhưng vẫn chưa xứng với vị trí và trách nhiệm của mình. Sinh hoạt lý luận của Hội còn mờ nhạt, thường bị dư luận phê phán là thiếu tính nhạy bén hoặc còn lảng tránh trước những bức xúc trong đời sống âm nhạc xã hội. Phê bình chưa theo kịp với đời sống âm nhạc, chưa định hướng có hiệu quả cho sáng tác và biểu diễn cũng như chưa định hướng được dư luận công chúng.

Một trong những nguyên nhân để xảy ra tình trạng trên là chúng ta còn thiếu những nhà lý luận phê bình có trình độ lại quan tâm đến vấn đề này một cách sát sao. Công việc phán xét về những hiện tượng âm nhạc hàng ngày diễn ra trong đời sống âm nhạc thường rơi vào một số người viết báo bình thường, hiểu biết chung chung, do đó hoạt động phê bình chưa đủ tầm để có thể tham gia việc điều chỉnh, khuyến khích những khuynh hướng sáng tác lành mạnh, phê phán ngăn chặn những khuynh hướng tiêu cực, xây dựng thị hiếu tích cực cho công chúng ca nhạc, bảo vệ có sức thuyết phục đường lối văn nghệ của Đảng".

Còn nữa, ý kiến của vị lãnh đạo Hội NSVN còn ở chỗ, trong cơ chế thị trường mà nhiều lỏng lẻo ở khâu quản lý thì sự can thiệp của công nghệ quảng cáo bằng tiền tài trợ luôn chi phối hoạt động âm nhạc trên sàn diễn, màn ảnh nhỏ, đương nhiên làm giảm tác dụng và giá trị của công tác phê bình âm nhạc và những vấn đề có liên quan đến sự đổi mới trong sáng tác và biểu diễn vẫn chưa được giải quyết ngã ngũ…

Đề cập lại chính kiến của lãnh đạo tổ chức xã hội này, chúng tôi cho rằng, nếu so với một số tổ chức khác, chẳng hạn Hội Nhà văn, một tổ chức mà Đại hội gần đây nhất cũng tự đánh giá sự yếu kém trong mảng lý luận phê bình, Hội NSVN còn thua kém rất xa, trong đó trách nhiệm cơ bản thuộc về bản thân cơ quan lãnh đạo và chính những thành viên thuộc bộ môn lý luận phê bình của ngành nhạc.

Hội Nhà văn, dù tự cho là còn bất cập, song công tác lý luận phê bình có sức sống, có dấu ấn, dù đôi khi chỉ là cuộc tranh cãi có phần gắt gao giữa vài hội viên, nhưng trên mặt những ấn phẩm của Hội, chẳng hạn tờ Văn nghệ, một ấn phẩm có số lượng bạn đọc rộng hơn nhiều so với ấn phẩm duy nhất của Hội NSVN, công việc hệ trọng ấy vẫn chẳng hề vắng mặt và nếu phải kể đến tác giả, nhiều người nhận ngay ra không ít cây bút quen biết. Ngoài ra, trong nhiều trang báo khác nhau, sự xuất hiện của công tác phê bình văn học là khá phong phú, lôi cuốn sự tham gia của đông đảo các tầng lớp nhân dân, thể hiện yếu tố xã hội hoá và đáp ứng nhu cầu của bạn đọc. Đáng tiếc là mọi việc như thế, tịnh không thấy ở giới nhạc.

Tại Đại hội VII vừa qua, đại đa số tham luận của đại biểu đều bày tỏ sự lo lắng trước sự lấn sân của âm nhạc thị trường, nhiều tác giả đáng kính đăng đàn báo động sự méo mó về hình ảnh một nền âm nhạc cách mạng đang bị xâm hại. Số ít người thờ ơ, ra dáng vô cảm với một lập luận cho rằng đời sống tự nó sẽ điều tiết, không cần quá lo ngại, số khác đề xuất Hội phải có biện pháp xây dựng nền âm nhạc đúng như nó cần có chứ không là phải có, trong đó nổi bật là yêu cầu về một thứ âm nhạc bác học cho xứng đáng với thực tiễn Việt Nam và đây mới là những nguyện vọng đáng quan tâm hơn hết. Cũng đáng tiếc, chính vào dịp này, một bản nhạc kịch chưa đúng tầm, nói đúng là chưa chuẩn về thể loại lại được trình làng một cách vội vã và tự nó bộc lộ sự bất cập ngay ở công tác lý luận phê bình âm nhạc.

Trong tờ báo của Hội, trước đây nhiều tác giả đã để lại ấn tượng tốt, như những nghiên cứu của các nhạc sĩ Tô Ngọc Thanh, Tú Ngọc, Thụy Loan. Hôm nay đã khác, cuộc sống đang biến đổi và cần có những cái phù hợp với yêu cầu tất yếu của nó. Cũng từ ấn phẩm này, gần đây, tôi lại đọc thấy ý kiến của ai đó, tự cho mình là nhà nghiên cứu nọ kia, sở học của tác giả đến đâu chưa biết song luôn nói lời cao đạo bằng luận lý mà nhiều người trong chúng ta có thể là quá quen trong những trang giáo trình này nọ, lúc thì mơ về một nền lý luận đẹp đẽ, lúc lại tưởng tượng ra nền phê bình gì đó… và chỉ quên việc làm của chính mình và đơn vị mình?!

Tôi cho rằng nếu chỉ biết đứng ngoài để nhìn và để phán theo cái kiểu sách vở như thế, "tác phẩm" loại ấy sẽ chẳng có ý nghĩa tích cực hơn so với vài bài báo của các phóng viên trẻ, dù họ non nớt về chuyên môn, song có tính thực tiễn và rõ ràng là đã mang hơi thở của cuộc sống. Năm ngoái, cơn bạo bệnh "đạo nhạc" làm xấu hổ cả giới nhạc, thử hỏi, ngoài các bài viết có tính chiến đấu từ các cây bút khác, giới lý luận của Hội có được mấy bài viết cho sắc sảo, hay chỉ là những lời chung chung?

Hàng loạt vấn đề mang tính học thuật và có tính đời sống được báo chí khuấy động một cách tích cực và cũng có khi chưa ngã ngũ, cần nghe chính kiến của giới chuyên ngành, tiếc là đều nhận được sự im lặng. Có thể do e ngại, cũng có thể bất lực về chính kiến… chưa ai biết, nhưng, như đã nói trên, khi mà bản thân giới lý luận của cơ quan Hội hay các đơn vị chuyên ngành còn tồn tại một sức ỳ đến như thế, có lẽ họ chớ nên trách cứ những cơ quan thông tấn ngoài ngành và đẩy "trái bóng" sang cho người khác.

Bàn về cải tiến mảng công tác lý luận và phê bình âm nhạc, có lẽ nhiệm kỳ mới sẽ tính đến bước đột phá nào đó, hơn là đi theo nếp cũ

Nguyễn Lưu
.
.
.