Phê bình âm nhạc - người ở đâu?

Thứ Năm, 16/06/2005, 07:02

Dòng chảy âm nhạc liên tục phát triển với nhiều cái mới lạ, tốt - chưa tốt, hay - không hay… mà cả người sáng tác lẫn người thưởng thức đều loay hoay chưa định hướng rõ ràng. Lúc này, cần những nhà phê bình thẩm định song lại chẳng có mấy ai.

"Vẫn có chứ" - Giáo sư Ca Lê Thuần - Tổng Thư ký Hội Âm nhạc Tp.Hồ Chí Minh khẳng định và kèm theo chữ "nhưng". Theo đánh giá của ông, điều đáng báo động trong công tác phê bình lý luận là những người làm công việc này hầu hết đã chuyển sang công tác đào tạo, nghiên cứu, sưu tầm. Những người còn lại vẫn đang hoạt động tích cực nhưng để trở thành đội ngũ rõ nét và cá nhân tiêu biểu thì chưa có.

Từ thực tế này, có thể thấy phê bình âm nhạc đã chưa đồng hành với đời sống âm nhạc và nếu có chăng thì ở mức độ vừa yếu vừa chậm. Điều này cũng phần nào được chứng thực khi mới đây, ngày 14/6, một chuyên san về âm nhạc lại tổ chức hội thảo bàn về vấn đề lý luận phê bình âm nhạc trong khi phần việc này là trách nhiệm chính của những nhà quản lý, những nhà phê bình chuyên nghiệp…

Nhạc Việt đang phát triển nhưng chưa cân đối, hài hòa. Nghệ thuật âm nhạc đang được một bộ phận người sáng tác lẫn người nghe xem như một trò chơi, giải trí đơn thuần, và là "phương tiện" kiếm tiền… Hàng loạt hiện tượng nảy sinh trong làng nhạc trẻ gây "sốc" cho nhiều giới như ca khúc "mì ăn liền" ào ạt ra đời lai nhạc Hoa, nhạc Thái... Bài nào cũng na ná nhau, bấy nhiêu ca từ diễn giải về tình yêu đôi lứa bi lụy được xáo qua trộn lại; người hát được vài bài qua bàn tay nhào nặn của "bầu sô" trở thành ca sĩ "sao", tác giả sáng tác vài bài nghiễm nhiên tự tin xưng là nhạc sĩ; nhạc dân tộc lại dùng âm thanh điện tử...

Một số phương tiện truyền thông lên tiếng nhưng thường là chê bai, phản ánh, vạch ra mặt trái của những hiện tượng ấy… Có nghĩa là mới chỉ dừng ở mức độ phê, còn việc bình, phân tích và định hướng thì đợi mãi vẫn không thấy dáng dấp của các nhà lý luận phê bình.

Khi tác phẩm "mong chờ" được… phê bình

Bên cạnh những hiện tượng phản cảm ấy vẫn có khá nhiều khuynh hướng âm nhạc mới, lạ phát sinh trong quá trình hội nhập như nhóm nhạc Nguyên Lê, Hương Thanh đã hòa âm và dùng dàn nhạc jazz cho những bài dân ca Việt Nam; tác phẩm của nhạc sĩ Nguyễn Thiên Đạo, nhóm Vũ Nhật Tân, nhóm "Dân ca miền không biết"… Quá hiếm nhà lý luận phê bình để có thể nhìn nhận, đánh giá những khuynh hướng này.

Khi bề nổi của những ca khúc thị trường chiếm phần lớn sự chú ý của người nghe, thì vẫn có nhiều nhạc sĩ âm thầm sáng tác bằng tâm huyết của mình. Họ vẫn rất cần được phê bình để đánh giá được giá trị những "đứa con tinh thần" của chính mình, để tìm lối đi mới.

Sự mất cân đối và "loạn" ca khúc trong thời gian qua làm cho một bộ phận người nghe, chủ yếu là giới trẻ ngộ nhận và dễ dàng chấp nhận, có phần lớn trách nhiệm của giới phê bình âm nhạc. Đã đến lúc phê bình âm nhạc cần phải được những nhà quản lý văn hóa và cả công chúng nhận thức đúng và hiểu sâu sắc tầm quan trọng trong đời sống âm nhạc. Từ đó mới có thể đầu tư, chăm sóc, xây dựng và tạo điều kiện để có được những người làm công việc lý luận phê bình. Đội ngũ này mạnh sẽ góp phần rất lớn làm phong phú, đa dạng đời sống văn hóa, tạo nên một nền âm nhạc chuyên nghiệp hơn và cũng là nâng cao trình độ dân trí, thưởng thức âm nhạc cho công chúng

Hạnh Chi
.
.
.