Phát lộ nhiều cổ vật tại Khu di tích Thương cảng Vân Đồn

Thứ Ba, 03/06/2014, 09:11
Khu di tích lịch sử - văn hóa Thương cảng Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh) được xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia và đã được UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt lập quy hoạch tổng thể để bảo vệ, tôn tạo. Tuy nhiên, từ tháng 3/2014, một nhà máy xử lý rác thải với quy mô lớn vẫn được xây dựng tại một địa điểm nằm ngay trong vùng lõi của khu di tích này.

* Đề nghị đình chỉ xây dựng nhà máy xử lí rác thải ngay trên khu di tích.

Ngày 26/5, trong khi san gạt mặt bằng nhà máy xử lý rác thải tại thôn Sơn Hào, xã Quan Lạn, các công nhân xây dựng đã phát hiện nhiều cổ vật quý nằm sâu trong lòng đất. Từ những nguồn tin do người dân cung cấp, chính quyền địa phương đã nhanh chóng xác minh, thu hồi cổ vật và báo cáo cơ quan chức năng. Bảo tàng tỉnh Quảng Ninh đã cử đoàn công tác tới hiện trường để khảo sát.

Ông Trần Trọng Hà, Giám đốc Bảo tàng Quảng Ninh cho biết, các cổ vật thu giữ được tại Sơn Hào hầu hết là đồ gốm, thuộc nhiều niên đại khác nhau, trong đó có cổ vật thuộc các đời Lý, Trần, Lê, Mạc là những thời kỳ phát triển hưng thịnh nhất của Thương cảng Vân Đồn. Theo ông Hà, vị trí tìm thấy cổ vật nằm tại khu vực Cống Cái. Đây là một vùng nước kín gió, có cửa lạch nối thẳng tới sông Mang, một vị trí quan trọng trong quy hoạch vùng di tích lịch sử Thương cảng Vân Đồn. Qua nắm tình hình, đoàn công tác của Bảo tàng Quảng Ninh phát hiện thêm tại khu vực này một nền nhà cổ, một giếng cổ và nhiều hiện vật quý giá khác.

Các cổ vật được phát hiện tại khu vực Cống Cái, thôn Sơn Hào.

Việc phát hiện cổ vật tại Sơn Hào đã thu hút sự chú ý của đông đảo người dân địa phương và khách du lịch. Có mặt tại hiện trường khu vực Cống Cái, chúng tôi ghi nhận, trên mặt bằng rộng khoảng 2ha là công trường thi công nhà máy xử lý rác thải của 2 xã Minh Châu và Quan Lạn do UBND huyện Vân Đồn là chủ đầu tư. Tại khu vực phía Nam của công trình (nơi phát hiện cổ vật), một công nhân lái máy xúc cho biết, khi đào xuống cách mặt đất hơn 1m thì anh phát hiện có cổ vật, do va chạm với máy xúc nên nhiều bát đĩa cổ đã bị vỡ, tuy nhiên vẫn có một số còn nguyên vẹn và đã được thu nộp cho cơ quan chức năng. Hiện tại toàn bộ công trường đã dừng thi công.

Ông Lê Văn Chính, Phó Ban quản lý các khu di tích trọng điểm của tỉnh Quảng Ninh, người đã nhiều lần khảo sát tại Khu di tích lịch sử Thương cảng Vân Đồn khẳng định: Cống Cái là một điểm nằm trong vùng lõi của Khu di tích lịch sử Thương cảng Vân Đồn. Theo tài liệu của các cuộc hội thảo khoa học trong nước và quốc tế, tại đây còn nhiều dấu ấn ghi nhận của một khu dân cư sầm uất qua các thời kỳ. Vì vây, sau khi khảo sát thực địa, Ban Quản lý các di tích trọng điểm tỉnh Quảng Ninh sẽ báo cáo UBND tỉnh và các cơ quan chuyên môn, đồng thời tổ chức đào các hố thám sát, nghiên cứu khảo cổ học, xác định rõ quy mô và diện tích cụ thể của điểm di tích này.

Khu vực được phát hiện cổ vật.

Trao đổi với PV, ông Phạm Văn Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Vân Đồn cho biết, việc xây dựng nhà máy xử lý rác thải cho 2 xã Minh Châu và Quan Lạn tại khu Cống Cái, là nằm trong qui hoạch chung về phát triển kinh tế, xã hội của Khu kinh tế Vân Đồn. Quá trình lập và triển khai dự án, huyện đã không biết được địa điểm xây dựng nằm trong quy hoạch tổng thể của khu di tích. Đồng thời, địa phương cũng đã không tham khảo ý kiến của các cơ quan chuyên môn thuộc ngành Văn hóa, cụ thể là Ban quản lý các di tích trọng điểm của tỉnh Quảng Ninh, cơ quan có trách nhiệm quản lý nhà nước về mọi hoạt động trong khu vực di tích.

Việc xây dựng nhà máy xử lý rác thải trong Khu di tích lịch sử Thương cảng Vân Đồn là việc làm vi phạm nghiêm trọng pháp luật về bảo vệ di sản. Để đảm bảo an toàn cho khu di tích, đề nghị các cơ quan chức năng huyện Vân Đồn đình chỉ việc thi công nhà máy xử lý rác thải; phối hợp với các cơ quan hữu quan tổ chức khai quật, thẩm định giá trị lịch sử, văn hóa của khu vực để bảo vệ và phát huy giá trị của di tích theo đúng những quy định của pháp luật

Trịnh Mạnh
.
.
.