Phát hiện di tích có liên quan đến lăng mộ vua Mai Hắc Đế
Bên cạnh các dấu tích trên, trong lòng kiến trúc cũng đã phát hiện nhiều di vật như ngói mũi lá, đồ sành, sứ đặc trưng của văn hóa Trần. Dựa trên kiến trúc nền móng còn lại và các di vật, các chuyên gia đã bước đầu xác định được di tích này có mặt bằng kiến trúc hình chữ nhật, khung gỗ, mái lợp ngói lá, khoảng cách các cột trong gian là 3,3m, di tích có chiều rộng là 6m.
Điều đặc biệt là di tích này có kiến trúc khá khác lạ với số gian thiên về số chẵn (6 gian) khác với số gian lẻ thường thấy ở các kiến trúc phổ biến cùng thời kỳ. Phía trước di tích là khoảng sân có diện tích dài 14,5m, rộng 8,1m, nối với kiến trúc di tích điểm thứ nhất với một hệ thống bậc tam cấp.
Tượng chim uyên làm bằng đất nung được phát hiện trong di tích. |
Điểm thứ 2, được khai quật tại vị trí phía Tây của khu đất thứ nhất, tại đây phát hiện một mặt bằng kiến trúc hình vuông, có diện tích 129,6m², còn nguyên bó nền và gia cố trụ móng được xây dựng khá kiên cố với cấu trúc gồm 2 phần, phần đế rộng trung bình 60cm đến 80cm, được xếp bằng đá; phần thân xếp bằng gạch, hình chữ nhật, màu xám và màu đỏ, điều khá thú vị và đặc biệt tại địa điểm này là gạch bó nền hình chữ nhật và múi bưởi thời Tùy - Đường.
Tại điểm khai quật này, cũng đã phát hiện nhiều di vật để sử dụng trong việc trang trí kiến trúc như: tượng chim uyên ương, tượng đầu rồng, tay rồng, lá đề, đầu đao được làm từ đất nung. Ngoài ra còn phát hiện được các mảnh tháp bằng đất nung loại nhỏ 5 tầng, cao trung bình 30cm - 40cm.
Di tích Động Lỗ Ngồi cũng được đánh giá là quần thể kiến trúc thời Trần đầu tiên được phát hiện ở khu vực Nghệ An và cũng là kiến trúc sớm nhất do triều đại phong kiến Việt Nam xây dựng để tôn vinh, ghi nhận công lao của vua Mai Hắc Đế được biết tính đến thời điểm này.