Phản biện xã hội trên báo chí
Khi đất nước bước vào thời đổi mới và hội nhập, các phương tiện truyền thông đại chúng ngày càng phát triển trở thành một công cụ hữu hiệu góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Ngòi bút của nhà báo, nhà văn, nhà khoa học, nhà quản lý và bao bạn đọc vô danh khác đã thực sự trở thành lưỡi dao giải phẫu những bệnh trạng xã hội, khắc tinh của tham nhũng, cường quyền, gian lận, bất công và chệch hướng.
Báo chí đã đóng vai trò lương tri xã hội với biết bao phản biện nhanh nhạy, sắc sảo và đầy dũng khí. Song, những phản biện văn hóa, xã hội trên báo chí cũng đầy rẫy những điều thái quá hay bất cập, thậm chí có lúc trở thành con ngựa thành
Những con mồi của phản thông tin
Trong "Từ điển Bách khoa toàn thư Liên Xô" tập 8, xuất bản năm 1972 từ phản thông tin (denzinformatxia) được giải nghĩa là sự phổ biến một thông tin đã được tính toán từ trước.
Trong các nước tư bản, người ta sử dụng rất rộng rãi phản thông tin làm phương tiện tuyên truyền chính trị nhằm mục đích đánh lừa dư luận, nhất là tạo hình ảnh sai lệch về thực tế các nước XHCN.
Khi dẫn ra định nghĩa này, các học giả người Pháp Philippe Breton và Serge Proulx đã gọi tên những người tiến hành các chiến dịch phản thông tin là "những thợ kim hoàn tinh xảo" trong việc chế tác những "con mồi", "những vật giả", cho chúng chạy đi chạy lại như vật thật để thực hiện các mục tiêu phá hoại một cách ăn chắc nhất những mục tiêu mà họ làm ra vẻ như bảo vệ.
Trong cuộc chiến vùng Vịnh thập kỷ 90, các media liên quốc gia đã truyền đi tấm ảnh của một con chim cốc nhầy nhụa trong nước thủy triều đen, khiến những chiến sĩ bảo vệ môi trường hiền lành nhất cũng phải phẫn nộ.
Trên báo chí của ta, trong các chiến dịch phản biện văn hóa, xã hội rất nhiều những hình ảnh mang tính kích động kiểu con chim cốc đã được tung ra với tần suất lớn.
Chẳng hạn hình ảnh người dân nghèo đóng thuế, hình ảnh dân nghèo thiếu trường học, thiếu những cây cầu được tung ra như mưa để phản biện các công trình văn hóa phục vụ định hướng xây dựng bằng ngân sách.
Thực chất ngân sách còn nhiều nguồn thu khác lớn hơn gấp bội như nguồn thuế của các doanh nghiệp lớn, các nguồn viện trợ không hoàn lại, v.v... nhưng các nhà phản biện hay diễn trò ảo thuật quy ngân sách về thuế của người nghèo để từ đó họ nghiễm nhiên đứng ra phân bổ lại ngân sách, đòi chuyển ngân sách duyệt chi cho đầu việc này sang chi cho hàng trăm, hàng ngàn việc nhỏ lẻ khác, nằm trong các dự án, các mục tiêu và các chương trình khác.
Cách lập luận khá phổ biến là: Tại sao không dùng tiền xây trung tâm biểu diễn quốc gia để xây nhà tình nghĩa cho các gia đình thương binh, liệt sỹ, dùng tiền làm phim lịch sử để xây những mái trường, những bệnh viện cho người nghèo, dùng tiền dựng tượng danh nhân để cải tạo môi trường, dọn sạch những vũng nước bẩn thỉu trong thành phố?
Những phản biện kiểu này thiếu tính khoa học, nặng tính kích động xã hội, thiếu tầm chiến lược, nặng về tiểu tiết cảm tính, thậm chí nhiều khi thể hiện trình độ thấp và thái độ thực dụng, bè cánh tinh xảo của những người viết. Những bài báo, tờ báo sử dụng kỹ thuật phản biện nặng tính kích động xã hội nhiều khi tạo áp lực lớn có thể làm lung lay cả một định hướng chiến lược trong sự nghiệp văn hóa nói riêng và trong lộ trình phát triển xã hội nói chung. Khi bảo vệ một công ty game online kinh doanh không giấy phép, có tờ báo đã đưa ra con số hai triệu game thủ sẽ phản ứng nếu công ty này bị đóng cửa khiến các nhà quản lý phải chùn tay.
Phản biện loạn tiêu chí và loạn hướng
Nhiều bài viết phản biện trên báo chí có động cơ xây dựng và thái độ trung thực, không có ý đồ hay xảo thuật phản thông tin, nhưng lại rơi vào trình trạng loạn tiêu chí do người viết cảm tính, phiến diện hoặc ngộ nhận về mục đích của các công trình, dự án mình đang phản biện.
Khi phản biện việc bảo vệ các công trình văn hóa, chính trị phi lợi nhuận hay siêu lợi nhuận như việc bảo tồn Hoàng thành hay Đàn Xã tắc, bảo vệ cảnh quan sông Hương hay Hồ Gươm có những ý kiến lấy tiêu chí phát triển thực dụng, hay dựa theo những nguyên tắc toàn cầu hóa kinh tế và thời thượng, trong khi lẽ ra phải lấy những nguyên tắc về đa dạng văn hóa của UNESCO làm tiêu chí.
Khi phản biện một công trình văn hóa phục vụ chính trị xây dựng và củng cố các giá trị cơ bản của xã hội thì những người viết lại dựa vào các tiêu chí giải trí và thương mại, đòi công trình đó phải có lãi.
Hay cũng đều dựa trên tiêu chí thương mại có lãi, tiết kiệm thuế của dân, nhưng các tác phẩm nhà nước đặt hàng có sự tham gia hay ủng hộ của nước ngoài, nhất là các nước Âu Mỹ thì thường nằm ngoài tầm phản biện của giới truyền thông.
Tình trạng loạn tiêu chí và loạn hướng thể hiện rất rõ trong thời gian gần đây khi công luận phản biện việc mở rộng Thủ đô.
Khi xác định tiêu chí Thủ đô của một nước Việt Nam phát triển nhiều người không dựa trên bối cảnh cụ thể và nhu cầu thực tế của thủ đô Hà Nội trong chiến lược phát triển chung, mà lại dựa vào các định nghĩa và các tiếu chuẩn thủ đô trong sách vở, hay dựa vào mô hình thủ đô của ngoại quốc cho rằng các nước này thủ đô không cần lớn, các nước kia thủ đô không làm kinh tế, hay dựa vào những thực tế nước ta trong quá khứ cho rằng thời xưa đã mấy lần dở dang thất bại trong việc mở rộng Thủ đô chứng tỏ việc này là không khả thi.
Các ý kiến dựa trên tiêu chí bảo tồn văn hóa Thăng Long truyền thống thì đối lập Hà Nội ngàn năm văn vật với các công trình phát triển của Thủ đô tương lai, cho rằng đó là một sự pha loãng khó khăn hay pha loãng văn hóa Tràng An; nhưng các ý kiến biện chứng sâu sát thực tế hơn lại thấy việc mở rộng Thủ đô là một giải pháp bảo tồn Hà Nội do có điều kiện bóc tách một Hà Nội hiện đại hóa đang chen lấn một Hà Nội ngàn xưa.
Các ý kiến phản biện dựa trên tiêu chí bảo vệ nông dân các tỉnh sáp nhập vào Hà Nội có thái độ đối lập đời sống nông dân với phát triển đô thị, cho rằng nông dân sẽ khổ hơn khi quê hương họ được sáp nhập vào Thủ đô, trong khi đó, những ý kiến phản biện xây dựng trên tiêu chí vận động và tương tác lại tìm thấy sự cải thiện đời sống đông đảo nông dân và cải thiện môi trường trong một Hà Nội hiện đại và mở rộng.
Những người tuyệt đối hóa vai trò trí tuệ của các nhà khoa học thì đòi phải nghiên cứu câu dầm trước khi hành động, trong khi đó, các đại biểu của nhận thức luận hiện đại với như Edga Morin, Karl Popper đã cho rằng các nhà nghiên cứu đi tìm những kết luận chính xác kiểu kim đồng hồ, còn thực tế cuộc sống lại sinh động, phức hợp và biến ảo như những đám mây kia, cần một tư duy phức hợp, một tư duy mờ dám đối diện với sự bấp bênh.
Mancolm Galdwell tác giả các cuốn sách nổi tiếng "Điểm bùng phát" và "Trong chớp mắt" cũng đề cao vai trò sáng suốt của trực giác nhanh nhạy quyết đoán trong khoảnh khắc không cần qua nghiên cứu và suy nghĩ.
Phản biện vuốt đuôi và phản biện nặc danh
Một thái độ phản biện có tính xây dựng bao giờ cũng tức thời, vì những phản biện nhanh nhạy dù rụt rè và chưa hoàn chỉnh vẫn có giá trị cảnh báo, ngăn chặn sớm những sai lầm và lãng phí. Thế nhưng ở ta có một loại phản biện đặc biệt là phản biện vuốt đuôi, do người viết quá thận trọng, quá khôn ngoan hay có một ý đồ riêng nào đó.
Những người phản biện mai phục, phản biện vuốt đuôi không lên tiếng ngay khi vấn đề nảy nở trong tư duy của họ, mà chờ đến thời cơ nhất định mới tung vấn đề ra như kích hoạt một quả mìn nổ chậm đã gài vào lô cốt địch.
Khi ấy, những ý kiến phản biện đúng cũng bắt xã hội đi vòng lại một chặng đường xa, những ý kiến phản biện sai sẽ gây rối loạn vì nguy cơ đảo ngược thế cờ, những ý kiến phản biện kiểu ăn theo nói leo một cách hùng hồn cũng làm rối trí những người có trách nhiệm bởi cách nói mạnh mẽ của người nói chậm.
Trước đây, khi chưa có mạng Internet, các phản biện nặc danh nhân danh quần chúng hầu như không có, vì khi in ra ý kiến độc giả các tòa soạn phải có thư bạn đọc trong tay với tên tuổi và địa chỉ rõ ràng. Nếu có ai muốn bịa ra ý kiến độc giả thì cũng phải nhờ bạn bè, hàng xóm hay vợ con đứng tên.
Từ khi có mạng Internet, mỗi người có thể làm một Tôn Hành Giả nhổ lông thổi phù thành hàng trăm độc giả ký những cái tên nặc danh thời thượng gắn với địa chỉ a-còng.
Thành ra, có những tờ báo in hàng chục, hàng trăm ý kiến phản biện của độc giả, nhưng chẳng ai biết được đó thực ra có phải là ý kiến của một vài người thường xuyên nặc danh bằng Gmail hay Yahoo hay không.
Vì ai chẳng biết bây giờ có thể chỉ mất vài phút là có thể tạo ra được một account để lớn tiếng phản biện những vấn đề có tầm chiến lược trên những tờ báo lớn.
Ấy vậy mà những trang báo in địa chỉ nặc danh thời thượng ấy vẫn cứ gây áp lực mạnh mẽ với xã hội vì phản biện xã hội vốn là một món hàng ăn khách, lắm lợi nhuận và lắm tri âm.
Phản biện xã hội trên các kênh truyền thông đại chúng ở các nước tư bản đã phát triển theo hướng marketing kinh tế và marketing chính trị. Quảng cáo chính trị xuất hiện trên truyền hình Mỹ năm 1952 trong chiến dịch tranh cử tổng thống dẫn đến chiến thắng của Tổng thống Eisenhower.
Theo J. Gestle, "sự hờ hững của người đi bầu cộng với sự lưỡng lự trong một cuộc vận động không có sự xác định rõ ràng (...) càng làm cho quảng cáo chính trị tăng thêm xác suất gây hiệu quả trực tiếp đến kết quả bầu". Các chiến dịch quảng cáo chính trị trên truyền hình trong các cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ được tiến hành theo những kỹ thuật phản thông tin rất điêu luyện.
Chẳng hạn, trong chiến dịch tranh cử Tổng thống Hoa Kỳ, những người ủng hộ Tổng thống Bush đã tạo ra các chương trình quảng cáo chống đối thủ All Gore một cách tinh xảo, như chương trình nói về thuốc cho người nghèo đã vẽ cái tên All Gore chạy qua màn hình như một con chuột lẻn lút, gây ấn tượng rất xấu cho người xem.
Ở ta chưa hình thành các quảng cáo chính trị theo kiểu các xã hội tư bản, nhưng những năm gần đây, phản biện xã hội trên báo chí đã có những hơi hướng của marketing chính trị và kinh tế một cách gián tiếp.
Về bản chất, những phản biện loại này không phải lúc nào cũng có hình thức phù hợp với những sự chọn lựa mang tính định hướng chiến lược về chính trị, kinh tế và văn hóa.
Vì thế, phản biện xã hội trên báo chí hiện vẫn còn là một vấn đề cần nghiên cứu để vừa phát huy quyền tự do dân chủ, vừa tránh tình trạng marketing chính trị và kinh tế trá hình