Phá Bàu - Lễ hội đặc sắc của người Khmer Bình Phước

Thứ Bảy, 06/04/2019, 12:19
Phá Bàu là lễ hội truyền thống có từ lâu đời của người đồng bào dân tộc Khmer. Sau thời gian bị lãng quên, năm 2011 lễ hội được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Phước phục dựng trong niềm hân hoan của người Khmer. Năm nay, lễ hội Phá Bàu được UBND xã Lộc Khánh, huyện Lộc Ninh tổ chức, thu hút đông đảo bà con đồng bào Khmer tham gia.

Các già làng làm lễ

 Xã Lộc Khánh hiện có 41% số dân là đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu là người Khmer. Bảo tàng chọn Lộc Khánh để phục dựng lại lễ hội Phá bàu, vì có cộng đồng người Khmer sinh sống đông, lâu đời và có tinh thần đoàn kết. Hội đồng già làng xã có 7 thành viên, là những người uy tín trong khu dân cư, có trách nhiệm bảo tồn, truyền bá văn hóa dân tộc cho các thế hệ con cháu.

Đông đảo người dân địa phương và du khách thích thú tham gia lễ hội

Theo tục lệ, sau khi Hội đồng già làng thực hiện các nghi lễ truyền thống và nghi thức cúng các thần linh cầu mưa thuận, gió hòa, cho mùa màng bội thu, cầu cho buổi Phá Bàu được thuận lợi, bà con thu hoạch được nhiều cá, tôm…Sau đó, đông đảo bà con đồng bào dân tộc Khmer với các dụng cụ truyền thống thô sơ như: Nơm, rút, sneng, giỏ, đồ xúc…thi nhau bắt cá. Những con cá bắt được đầu tiên được dâng lên cho già làng.

Các sản phẩm bắt được trong lễ hội được chế biến thành những món ăn truyền thống như: Mắm chua được làm từ cá nhỏ và tép, cá hấp lá chuối, cá nướng, cua nướng…Hầu hết các loại cá đều được làm bằng cách thông qua nướng trên lửa. Sau đó, được chấm với muối ớt tươi, ăn kèm với các loại rau rừng.

Bà Thị Chay, ấp Sóc Lớn, xã Lộc Khánh, huyện Lộc Ninh, xúc động: “Đây là lễ hội truyền thống lâu đời của người đồng bào Khmer. Hôm nay, tôi rất vui mừng khi được tham gia. Vui hơn là bắt được cá. Theo quan niệm của người Khmer, người bắt được cá trong lễ hội sẽ gặp nhiều may mắn và gia đình sang năm sẽ có một mùa màng bội thu”.

Già Lâm Bức, Phó chủ tịch Hội đồng già làng xã Lộc Khánh, cho biết: “Phá Bàu là lễ hội truyền thống của dân tộc Khơme ở Bình Phước. Phá Bàu được tổ chức vào mùa khô, trước Tết Chôl Chnăm Thmây. Trước đó, theo quy định của dân làng, bàu nước tự nhiên là tài sản chung của cộng đồng, già làng là người đại diện quản lý. Trong thời gian 1 năm, khi chưa được phép của già làng, không ai có quyền đánh bắt cá ở bàu. Nếu vi phạm tùy theo mức độ sẽ bị phạt, nặng nhất là 1 con heo”.

Được biết, Lễ hội Phá Bàu tạo điều kiện để bà con đồng bào dân tộc thiểu số trong vùng gặp gỡ, giao lưu, trao đổi những kinh nghiệm trong hoạt động sản xuất, cuộc sống. Qua đó, phát huy tinh thần đoàn kết, thi đua lao động, sản xuất phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu.

Đức Trung
.
.
.