Nữ đạo diễn Việt Hương: Những lựa chọn bất ngờ

Thứ Năm, 04/05/2006, 08:20

7 năm làm đạo diễn, chị đã “ẵm” 7 giải thưởng phim truyền hình toàn quốc mà gần đây nhất là cú hattrick đủ cả giải vàng, giải bạc và bằng khen cho 3 bộ phim âm nhạc. Có thể gọi chị là một Tài nữ trong làng phim ca nhạc truyền hình, chứ không phải là “người đàn bà gặp may” như có người lầm tưởng...

Cùng vào học Nhạc viện với Thái Bảo, cùng học đàn dân tộc, và cùng trở thành ca sĩ, nhưng khi Thái Bảo trở thành “ngôi sao ca nhạc” thì Việt Hương chia tay nghề ca sĩ vào học đạo diễn tại Trường đại học Sân khấu - Điện ảnh. Tác phẩm tốt nghiệp của Việt Hương là phim tài liệu “Người viết Cảm tử quân”, cũng là phim đầu tay, đoạt giải Bông Sen Bạc tại liên hoan phim Việt Nam lần thứ 12, và tiếp đó là phim “Tìm về những bài ca Hoàng Quý” đoạt giải Huy chương Bạc Liên hoan Truyền hình toàn quốc đã đưa tên chị vào làng đạo diễn. Cả hai phim này đều hướng tới cuộc đời và tác phẩm của nhạc sĩ Hoàng Quý, nhạc sĩ đầu đàn của phong trào Hướng đạo sinh và nhóm Đồng Vọng hơn nửa thế kỷ trước.

Cuộc tìm về những giá trị quá khứ, và làm sáng lên vẻ đẹp lấp lánh của những viên ngọc bị thời gian vùi lấp là tâm niệm đáng trân trọng của người đạo diễn trẻ này. Và tâm niệm ấy của Việt Hương không chỉ dừng lại ở đấy, năm 2000 chị tiếp tục dòng tâm niệm này qua phim “Tiếng đàn xưa”, rồi mấy năm sau là phim “Thuở bình minh Tân nhạc”, (cả 2 phim đều đoạt giải thưởng Huy chương Bạc tại Liên hoan Phim truyền hình toàn quốc) . Rồi “Hương mùa xưa”, “Một ngũ cung quê hương” (đều được tặng bằng khen), và giải thưởng Video Clip xuất sắc cho “Mùa thu giấu em”… Tất cả đều mang thông điệp của người nữ đạo diễn trẻ đầy trăn trở về những giá trị đặc sắc của tâm hồn Việt không thể tàn phai.

Việt Hương sinh ra trong một gia đình mà mẹ là giáo viên, bố là nhạc sĩ Lê Việt Hòa với nhiều ca khúc nổi tiếng như “Gửi em chiếc nón bài thơ”, “Gửi sông La”, “Mùa xuân trên sông Tô”, v.v… nhưng chị không theo học sáng tác và lý luận âm nhạc như mong muốn của bố mà thi vào khoa nhạc cụ dân tộc của Nhạc viện Hà Nội.

Chiếc đàn tam thập lục cứ tưởng gắn bó với chị suốt đời. Bỗng một hôm bố Hòa viết nhạc cho phim “Chốt tiền tiêu”, nhưng ca khúc cho phim mãi đến gần ngày cuối cùng mới xong. Thế là Việt Hương trở thành ca sĩ bất đắc dĩ thu thanh ca khúc “Mùa xuân biên cương” cho bố. Không ngờ Hương được nhạc trưởng Đình Hùng khen. Thế là Hương thi vào Nhà hát Ca múa nhạc trung ương và trở thành ca sĩ.

Bài hát “Hoa sim biên giới” của nhạc sĩ Minh Quang được Việt Hương hát, nổi đình nổi đám trên sóng phát thanh một thời được nhiều người yêu thích là kỷ niệm khó quên trong đời chị. Công chúng, đặc biệt là những người lính ở biên cương, hải đảo đã bắt đầu nhắc đến tên ca sĩ Việt Hương cùng với tên những bài hát mà họ yêu thích. Nhưng Hương đã có một quyết định bất ngờ: chuyển nghề. Tất nhiên là cái nghề mới Hương chọn không cắt đứt với những gì mà chị đã học đã làm trước đó, nghề đạo diễn phim âm nhạc.

Khi đã về công tác tại Đài Truyền hình Việt Nam, Việt Hương vẫn có ý hướng học tiếp để trở thành một đạo diễn truyền hình thực thụ. Và chị đã nhận bằng đại học báo chí tại Phân viện Báo chí và Tuyên truyền. Còn bây giờ thì Việt Hương đang học tiếp chương trình cao học tại Trường đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội với đề tài “Giai điệu và Khúc thức âm nhạc trong nghệ thuật tạo hình Điện ảnh”.

Vừa làm phim, vừa học, vừa lo việc nhà, chăm sóc chồng con… công việc thật bộn bề đối với một người phụ nữ vẫn không làm phai nhạt nụ cười tươi tắn của Việt Hương trên bước đường đi tới.

“Làm đạo diễn ở Đài Truyền hình cũng có nghĩa là làm phóng viên báo hình, vì thế Việt Hương phải tự mình thích nghi với nhiều thể loại và đề tài, và phải luôn tìm tòi ngôn ngữ điện ảnh mới cho những tác phẩm của mình. Việt Hương rất thích tìm kiếm những hình ảnh đẹp chứa đựng nội dung hiện thực và giàu tính ẩn dụ. Có lẽ vì thế mà Hương không bao giờ đưa vào phim những hình ảnh không có nội dung, những hình ảnh rỗng”. Việt Hương tâm sự. Đó cũng chính là quan niệm nghiêm túc của chị về Điện ảnh - Truyền hình.

Nhưng từ quan niệm đến hiện thực là cả một quá trình đầy gian nan vất vả, là nghĩ suy và lao động cật lực, là mồ hôi nước mắt và nụ cười. “Có lần Hương tự lái xe con đi chọn cảnh, mải nghĩ mải nhìn quá nên bánh xe bị sa vào một vũng lầy không tài nào lên được. May mà dân làng thương tình khiêng xe lên cho. Có lần làm đạo diễn cho đêm chung kết Sao Mai, đang chuẩn bị khai mạc thì gặp sự cố nổ điện, lo sợ đến dại cả người. Nhưng rồi sự cố cũng được khắc phục, và Hương thì 3 giờ sáng mới về được đến nhà. Có lần làm đạo diễn chung kết Khu vực Hà Nội và vòng loại toàn miền Bắc thời gian quá gấp, một tối mà ghi hình đến 38 bài hát. Một kỷ lục khủng khiếp. Thật nhiều những bất ngờ trong công việc đạo diễn mà nếu không cố gắng thì không thể nào vượt qua được…”. Hương kể lại những kỷ niệm khó khăn.

Nhưng điều quan trọng nhất đối với Hương lại không phải những vất vả bên ngoài, những vất vả trông thấy mà chính là những lao tâm khổ tứ cho những đứa con tinh thần mà chị luôn ấp ủ. Từ ý tưởng đến kịch bản. Từ kịch bản đến chọn ca sĩ, êkíp làm phim, quay phim, dựng phim... Rồi người viết lời bình, người đọc lời bình… Tất cả đều cần một lựa chọn chính xác đến tuyệt đối.

Tôi đã gặp NSND đạo diễn Đào Trọng Khánh và nhà thơ nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha, hai nghệ sĩ đã từng hơn một lần viết lời bình cho phim của Việt Hương. Cả hai ông đều rất trân trọng tinh thần sáng tạo và bản lĩnh nghề nghiệp của người đạo diễn trẻ này. Các ông đều cho rằng, điều quan trọng là Việt Hương đã biết lựa chọn để làm cái điều mà chính các ông tâm đắc.

Vâng, điều ấy cũng đúng với cả sự lựa chọn nghề nghiệp của Việt Hương, đấy là chị đã lấy nghề đạo diễn làm nghiệp trọn đời

.
.
.