Nơi ra đời bản Tuyên ngôn độc lập: Lắng nghe những câu chuyện lịch sử của đất nước

Thứ Ba, 25/08/2015, 10:30
Đúng 70 năm tròn, kể từ khi Hồ Chủ tịch đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, chúng tôi thăm lại nơi Người đã khởi thảo bản Tuyên ngôn lịch sử trong ngôi nhà 48 Hàng Ngang.

7 thập kỷ trôi qua, với bao thăng trầm của thời gian và những cuộc chiến, căn nhà vẫn giữ được những nét xưa cũ, từ không gian rộng lớn của những căn phòng, đến những bộ bàn ghế sofa mềm mại, cả những bức rèm lụa trắng dịu dàng bay trong gió, bên những ô cửa xinh xinh… Tất cả đều như còn nguyên hơi ấm từ quá khứ vọng về.

Nằm trên con phố cổ nổi tiếng, ngôi nhà 4 tầng có diện tích khá rộng, chừng 400m2, mặt trước quay ra phố Hàng Ngang, mặt sau quay ra 35 phố Hàng Cân. Ngôi nhà này vốn của gia đình ông bà doanh nhân Trịnh Văn Bô - Hoàng Thị Minh Hồ. Tầng dưới xưa làm cửa hàng bán tơ lụa, tầng 2 và tầng 3 có nhiều phòng rộng rãi, dùng làm phòng tiếp khách, phòng ăn, phòng ngủ, tầng 4 có kho chứa hàng và sân thượng. Với 2 cổng vào ở 2 phố và cầu thang lên các tầng độc lập, gia đình ông bà Trịnh Văn Bô - Hoàng Thị Minh Hồ là cơ sở cách mạng, nên ngôi nhà đã được chọn làm địa điểm đón Chủ tịch Hồ Chí Minh khi từ chiến khu Việt Bắc trở về.

Ngày 25/8/1945, đồng chí Lê Đức Thọ đã đón Bác Hồ từ Tân Trào về đến Hà Nội và Bác đã được các đồng chí Võ Nguyên Giáp, Trường Chinh đưa đến nhà 48 phố Hàng Ngang, ở và làm việc tại tầng 2 cùng các đồng chí của Người. Trước đó, sau khi Ủy ban Khởi nghĩa ban bố Lệnh Tổng khởi nghĩa giành chính quyền tại Thủ đô Hà Nội và giành thắng lợi hoàn toàn vào chiều 19-8 thì đến ngày 22/8/1945, cũng tại ngôi nhà số 48 Hàng Ngang, Tổng Bí thư Trường Chinh cùng Thường vụ Trung ương Đảng đã họp và ra chỉ thị cho các nơi tiếp tục giành chính quyền.

Chiếc bàn nơi Hồ Chủ tịch ngồi soạn thảo Tuyên ngôn Độc lập.

Trong cuốn “Những năm tháng không thể nào quên”, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã ghi lại: "Đối với những người giúp việc trong gia đình và hàng xóm thì Bác và chúng tôi là "các cụ và các ông ở nhà quê ra chơi...". Thường lui tới nhà số 48 Hàng Ngang có các đồng chí trong Thường vụ Trung ương Đảng. Ở và làm việc cùng Bác có đồng chí Trường Chinh, Nguyễn Lương Bằng, Võ Nguyên Giáp, Lê Đức Thọ, Trần Đăng Ninh".

Căn phòng phía ngoài tầng 2 rộng chừng 50m2, được chia làm phòng ở của Bác và phòng tiếp khách. Phòng khách có ban công nhìn ra mặt phố Hàng Ngang, được giữ nguyên trạng, từ cửa kính, cửa chớp, đến những bức rèm lụa trắng. Sát tường bên trái có kê một chiếc tủ và một đi văng ở góc, nơi các đồng chí bảo vệ Bác thường ngồi quan sát. Nhìn chung, đồ đạc trong các phòng đều rất đơn sơ, hầu như không có gì ngoài bàn ghế, giường nằm cũng tạm bợ. Thế nhưng, chính tại đây, bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã được Bác khởi thảo.

Người đã dành trọn 3 ngày, từ 28 đến 30/8/1945, tập trung tâm lực, trí tuệ, bản lĩnh để soạn thảo bản Tuyên ngôn bằng chiếc máy chữ Người từng sử dụng ở căn cứ địa Việt Bắc và đọc tại Quảng trường Ba Đình vào ngày 2/9/1945, mở ra một kỷ nguyên mới cho dân tộc Việt Nam.

Sau 70 năm, ký ức xưa vẫn được lưu giữ nguyên vẹn qua bộ bàn ghế mà Bác và Thường vụ Trung ương Đảng dùng để họp, cùng hàng ghế 5 chiếc mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn thường nằm nghỉ sau giờ làm việc. Chiếc máy đánh chữ do Bác mang về từ chiến khu Việt Bắc vẫn nằm nguyên trên chiếc bàn nhỏ kê ở góc phải phía ngoài của phòng họp, như 70 năm trước Người đã từng ngồi đánh các Chỉ thị của Đảng và soạn thảo bản Tuyên ngôn Độc lập.

Chiếc máy chữ Hồ Chủ tịch dùng để đánh máy bản Tuyên ngôn Độc lập.

Từ năm 1970, ngôi nhà 48 Hàng Ngang đã trở thành di tích cách mạng, lưu dấu nhiều ký ức về Hồ Chủ tịch và từ năm 1979, ngôi nhà đã được công nhận là Di tích lịch sử. Với những người dân Hà Nội, ngôi nhà đã trở thành niềm tự hào, khi là chứng tích lịch sử quan trọng - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi thảo bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á. 

Kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, ngôi nhà sẽ là một địa điểm để người dân đến đây, gặp gỡ những ký ức xưa qua những hiện vật còn được lưu giữ nguyên vẹn để được lắng nghe những câu chuyện lịch sử của đất nước…

Nhân kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, tại Di tích 48 Hàng Ngang, Sở VHTT&DL Hà Nội đã khai mạc triển lãm chuyên đề “Ngôi nhà 48 Hàng Ngang - Nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh viết Tuyên ngôn Độc lập”. Triển lãm trưng bày 80 hình ảnh, tài liệu, hiện vật theo 3 chủ đề: Ngôi nhà 48 Hàng Ngang và gia đình nhà tư sản yêu nước Trịnh Văn Bô; Bối cảnh lịch sử và sự ra đời bản Tuyên ngôn Độc lập; Ý nghĩa của bản Tuyên ngôn Độc lập 2-9-1945, nhằm giới thiệu thêm những thông tin về sự kiện lịch sử quan trọng diễn ra tại ngôi nhà 48 Hàng Ngang. 

Dạ Miên
.
.
.