Nỗ lực giữ gìn tượng nhà mồ của đồng bào dân tộc Cơ Tu

Thứ Ba, 25/08/2015, 08:28
Ngoài nói lý, hát lý thì đồng bào Cơ Tu ở huyện miền núi Nam Đông (tỉnh Thừa Thiên - Huế) còn thể hiện bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mình qua cách dựng nhà mồ và chế tác, điêu khắc tượng nhà mồ. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân khác nhau nên đến nay, nét văn hóa trong cách chế tác, điêu khắc tượng nhà mồ ở vùng cao nơi đây đang dần mai một và có nguy cơ thất truyền.

Với mong muốn tìm hiểu nét văn hóa đặc trưng xoay quanh những bức tượng nhà mồ, chúng tôi đã tìm đến xã Thượng Long, huyện Nam Đông để tìm gặp nghệ nhân Ta Rương Via (59 tuổi) - người có hơn 40 năm làm nghề tạc tượng nhà mồ.

Nghệ nhân Via cho biết: “Nếu như nhà mồ là công trình kiến trúc độc đáo, thể hiện nét văn hóa vật thể và phi vật thể thì tượng nhà mồ mang tín ngưỡng dân gian truyền thống của đồng bào Cơ Tu. Theo quan niệm từ xa xưa, khi một người về bên kia thế giới thì họ phải mang những tập tục, văn hóa của đồng bào đi theo. Vì thế mà người trước khi mất thường căn dặn con cháu hoặc người thân trong gia đình tạc nhiều tượng nhỏ bằng gỗ có chạm khắc, sơn hoa văn... để đặt lên quan tài. Từ đó, đồng bào chúng tôi xem việc điêu khắc tượng nhà mồ như nét văn hóa đặc trưng, không thể thiếu trong hoạt động liên quan đến tín ngưỡng thờ cúng, chôn cất người chết...”.

Ông Ta Rương Mão (trái) và nghệ nhân Ta Rương Via giới thiệu về tượng nhà mồ của đồng bào Cơ Tu.

Khác với lăng mộ của người Kinh, nhà mồ của đồng bào Cơ Tu được xây dựng nhỏ gọn, đơn sơ nhưng đây là nơi lưu giữ rõ nhất nét văn hóa truyền thống của người Cơ Tu. Theo đó, nhà mồ được xây dựng theo hình chữ nhật hoặc hình vuông, được chạm khắc nhiều hoa văn, phần trên có mái che gắn hình đầu trâu, quanh các trụ được chạm khắc những con vật thân thuộc như chim, kỳ đà. Đặc biệt nhất là cỗ quan tài được chạm khắc bằng gỗ như một chiếc thuyền độc mộc. 

“Sau khi đưa quan tài đặt vào nhà mồ thì gia chủ sẽ làm lễ đặt mâm bằng gỗ có 4 bức tượng nhà mồ ở 4 góc ngay phía trên quan tài nhằm thể hiện lòng biết ơn giữa người sống và người đã mất”, nghệ nhân Via chia sẻ phong tục tạc tượng, đặt tượng tại nhà mồ của người Cơ Tu. Tuy nhiên, theo nghệ nhân Hồ A Linh, ở xã Thượng Long thì không phải người nào cũng có thể tạc được tượng nhà mồ bởi cách thức chế tác tượng rất khó học và chỉ truyền dạy cho người thân tín trong gia đình.

Ông Ta Rương Mão, cán bộ văn hóa xã Thượng Long cho biết, hiện tượng nhà mồ của người Cơ Tu trên địa bàn đang dần mất đi bản sắc so với ngày xưa bởi cách chế tác tượng không còn nguyên bản...

Trước thực trạng trên, UBND huyện Nam Đông đã lập nhiều phương án để gìn giữ văn hóa truyền thống của người Cơ Tu liên quan đến nhà mồ và tượng nhà mồ. Ông Hồ Văn Nhũ, Phó trưởng Phòng Văn hóa huyện Nam Đông nhận định: “Hiện nhà mồ chỉ còn tập trung chủ yếu ở xã Thượng Long và số nghệ nhân am hiểu, chế tác được tượng nhà mồ còn đếm trên đầu ngón tay. Do thiếu kinh phí mở lớp dạy chế tác tượng nên phòng đã tuyên truyền và khuyến khích các nghệ nhân nỗ lực truyền dạy nghề tạc tượng nhà mồ cho con cháu, qua đó góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của người Cơ Tu tránh bị mai một”.

Anh Khoa
.
.
.