Những thăng trầm với trái bóng của gia đình cầu thủ họ Văn Sỹ

Thứ Năm, 12/01/2006, 13:05

Cả người cha và 5 cậu con trai của gia đình họ Văn Sỹ ở Nghệ An đều đam mê trái bóng. Sỹ Sơn, Sỹ Hùng, Sỹ Thuỷ, Sỹ Linh đã trải qua những giây phút thăng hoa nhưng cũng nếm đủ mùi cay đắng trong sự nghiệp. Bây giờ cả nhà góp tay mở trường đào tạo bóng đá trẻ và xác định sống chết với nghiệp này.

Những năm tháng gian nan

Bà Nguyễn Thị Việt và ông Văn Sỹ Chi cùng quê, quen biết nhau từ nhỏ và yêu nhau trên quê nghèo ở Nghệ An. Năm 1958, tạm biệt người yêu, ông Chi đi bộ đội. Sau giải bóng đá toàn quân năm 1959, CLB Thể Công phát hiện tài năng bóng đá của ông Chi nên đã đón ông về. Từ đó đến năm 1972, ông khoác áo cầu thủ số 10 của Thể Công và từng là cầu thủ của đội tuyển quốc gia, tham gia thi đấu với quân đội 20 quốc gia trên thế giới.

Bấy giờ, bà Việt công tác tại Ban quản lý chợ Vườn Hoa, thị xã Thanh Hóa. Năm 1966, ông Chi về Thanh Hóa đón bà về Nghệ An làm lễ cưới và sinh ra cầu thủ bóng đá đầu tiên Văn Sỹ Ngọc. Năm 1970, bà sinh cầu thủ thứ 2 Văn Sỹ Hùng tại Hà Nội. Đó là năm bà ra ở với chồng trong khu tập thể của đội Thể Công với ý định chuyển hẳn ra Hà Nội, nhưng vì không nhập được hộ khẩu, bà phải mang Hùng về lại Thanh Hóa.

Năm 1972, ông Chi rời đội Thể Công về làm HLV cho đội bóng Công an Thanh Hóa, họ sinh tiếp Văn Sỹ Sơn (SN 1972); Văn Sỹ Thủy (SN 1974) và Văn Sỹ Linh (SN 1980). Hạnh phúc duy nhất là cả 5 cậu con trai đều nối nghiệp cha.

Liên quan đến những bê bối của Sông Lam và Hữu Thắng, cũng như những thành viên của gia đình cầu thủ họ Văn Sỹ, khi hỏi về Hữu Thắng, "gia đình nhà Văn Sỹ" đều có chung tiếng nói là không biết gì về anh Thắng. Hình như Hữu Thắng không chỉ là người có uy tín lớn đối với cầu thủ Sông Lam mà uy tín của anh trùm lên cả phụ huynh các cầu thủ. Chúng tôi cảm nhận thấy: Họ trân trọng Hữu Thắng và trong thời điểm nhạy cảm này, không ai muốn nói về mối quan hệ của mình đối với Hữu Thắng nhằm an toàn và tránh phiền phức cho mình.

Để chăm sóc sức khỏe chồng con, bà Việt đã nghỉ việc ở nhiệm sở để đi buôn gạo. Hồi đó lương thực rất khó khăn, nhưng nhờ bà mà trong lúc người ta ăn độn sắn khoai, hạt bo bo, còn chồng con bà được ăn cơm thả sức. Năm 1988, ông Chi nghỉ hưu nhưng vẫn đam mê bóng đá, mọi lo toan cuộc sống gia đình càng đè nặng lên vai bà.

"Hiến" những đứa con cho CLB Sông Lam

Hồi nhà ông Chi đang ở trên đường Kim Đồng, Tp. Vinh, bà Việt cho hay: Bà đã gặp ông Nguyễn Thành Vinh trong hoàn cảnh bất ngờ. Hôm ấy là một ngày đầu năm 1991, tình cờ một người đàn bà đang đẩy xe bán bánh kẹo trên đường Quang Trung, Tp. Vinh hỏi bà: "Có biết nhà ông Văn Sỹ Chi không?". Bà Việt hồn nhiên trả lời: "Có". Vừa lúc, ông Vinh ở sân cỏ về, lúc ấy bà mới biết mình đang đứng trước vợ chồng ông Nguyễn Thành Vinh, HLV đội Sông Lam.

Ngay chiều hôm đó, bà Việt được ông Vinh mời vào gặp lãnh đạo CLB. Tại đây, bà Việt gặp được bộ ba Thành Vinh - Hồng Thanh - ông Đức gợi ý đón các con bà. Khi bà nêu những băn khoăn của mình, ngay lập tức, ông Nguyễn Hồng Thanh, Giám đốc Ban huấn luyện trấn an: "Bóng đá không lừa ai, chị cứ đưa các cháu vào tuyển, đá được thì ở lại". Tin tưởng vào khả năng các con, bà vội vàng về Thanh và 2 ngày sau đưa cả 2 đứa con là Sơn và Thủy vào Vinh. Một tuần thi tuyển, cả 2 con bà được nhận vào đội. Lo con trẻ người non dạ, lại ở xa nhà, bà Việt chắt bóp và được ông Nguyễn Thành Vinh cho vay tiền, năm 1992, bà mua cho 2 đứa căn hộ nhỏ ở tầng 5, B6 chung cư Quang Trung rồi bắt ông Chi về Vinh ở trông chừng con.

Để “hiến dâng” Văn Sỹ Hùng cho CLB Sông Lam, cùng năm đó, bà Việt khóc xin BHL và Sở Công an Thanh Hóa cho Văn Sỹ Hùng bấy giờ đang đá cho đội Công an Thanh Hóa vào đầu quân luôn cho đội bóng quê nhà rồi bà khăn gói về Nghệ An chăm sóc chồng, con và tiếp đó “hiến dâng” thêm cậu con út Văn Sỹ Linh (SN 1980) nốt cho CLB Sông Lam.

Thăng trầm

Sau hơn 10 năm, gia đình cầu thủ họ Văn Sỹ ở tột đỉnh vinh quang. Đó là những giờ phút các con ông Chi tung hoành trên sân cỏ trước sự ngưỡng mộ của công chúng cả nước và xứ Nghệ. Bà Việt luôn hồi hộp lo lắng và xúc động đến rơi nước mắt mỗi lần con và đồng đội của con đưa bóng vào lưới đối phương. Sau mỗi lần chiến thắng, Hùng, Sơn, Thủy và cả thằng "nhí" Văn Sỹ Linh đều tìm lên chỗ mẹ ngồi để tặng hoa vấn an bà. Bà xúc động hôn lên khuôn mặt đầm đìa mồ hôi của các con trong nước mắt.

Vinh quang bao nhiêu, cay đắng bấy nhiêu. Những đứa con bà đang là những dấu lặng buồn ở phần cuối bản nhạc của một gia đình cầu thủ từng vang bóng. Văn Sỹ Ngọc, 35 tuổi giải nghệ, giờ làm thợ sửa chữa điện thoại di động tại Tp. Thanh Hóa cùng người vợ là kỹ sư nghỉ việc. Văn Sỹ Hùng lừng danh không chỉ của Sông Lam mà còn lừng danh 6 lần khoác áo tuyển thủ quốc gia, 7 lần gãy chân vẫn theo đuổi nghiệp bóng đá. Lần gãy chân cuối cùng phải đóng 7 đinh, trở về vẫn đầu quân cho Hoàng Anh Gia Lai. Năm 2004, anh phải rời sân cỏ trong nỗi bơ vơ bởi mất biên chế ở Sở TDTT Nghệ An. Nể tình, Công ty Hoàng Anh Gia Lai cho làm đại lý đồ gỗ cho Công ty này tại Tp. Thanh Hóa cùng người vợ là thợ nhiếp ảnh giải nghệ. Trong lúc cũng đi làm kinh tế, nhưng Ngô Quang Truờng đi đá cho CLB khác, nhưng vẫn biên chế của Sở TDTT Nghệ An. Theo bà Việt thì đây là sự đối xử thiếu công bằng.

Văn Sỹ Sơn, tài tử của Sông Lam, từng là đội trưởng nảy lửa trên sân cỏ thì nhận "án" kỷ luật cảnh cáo, treo giò 1 năm rưỡi vì thiếu tinh thần trách nhiệm trong mùa bóng 2003-2004 đến nay vẫn chưa hết "án". Với bà Việt thì Hùng và Sơn là những dấu lặng buồn đau nhất cho gia đình bà. Sơn mới đây cũng đã bị cơ quan CSĐT triệu tập.

Văn Sỹ Thủy vào đội trẻ cùng Sơn, nhưng vào đội chính thức sau Sơn 1 năm. Năm 2003, bị chuyển nhượng cho đội ACB với giá 100 triệu đồng. Hết thời hạn chuyển nhượng, Thủy ôm 10.000.000 đồng tiền phần trăm được hưởng bơ vơ về ở với cô vợ trẻ là diễn viên đoàn cải lương Bông Sen Trắng, chờ đợi hợp đồng với một đội bóng khác, nhưng vận may đã không đến và tệ hại hơn là Sơn cũng không có trong biên chế.

Cậu út Văn Sỹ Linh mà bà đặt niềm hy vọng cuối cùng lại là một dấu lặng buồn kiểu khác. Theo bà Việt thì Linh đã bị Sở TDTT Nghệ An hành xử cạn tàu... Năm 14 tuổi, Linh vào đội trẻ, 18 tuổi trở thành cầu thủ chính thức và là cầu thủ "chuyên nghiệp", Sở TDTT cho hết đội Đường Sắt, Hoàng Anh Gia Lai đến ACB... mượn. Kết cục là năm 2003, Linh nhận quyết định trả về địa phương.

Sống nghề, tử nghiệp   

Ông Văn Sỹ Chi nghỉ hưu, Văn Sỹ Ngọc hết thời ở lại xứ Thanh, Văn Sỹ Hùng, Văn Sỹ Thủy, Văn Sỹ Linh bị sa thải, còn lại mình Văn Sỹ Sơn đang mang án treo giò nhưng còn biên chế nhờ câu tuyên bố chắc nịch, nổi tiếng sẽ cho nổ "bom" nếu động đến Sơn dịp “đại phẫu” PJICO Sông Lam. Năm 2004 là năm gia đình cầu thủ họ Văn Sỹ hoang mang cực điểm. Ông Chi tính đường bán nhà về sống ở quê (Quỳnh Thiện, Quỳnh Lưu). Bà Việt khóc mòn hai mắt. Nhưng hình như người mẹ đã từng “hiến” các con cho bóng đá này có lòng sắt đá: Sống nghề tử nghiệp. Bà nhận rõ nghị lực, chuyên môn, uy tín của chồng con đối với người hâm mộ nên đề xuất lập một trung tâm đào tạo bóng đá trẻ của gia đình.

Văn Sỹ Thủy là người nung nấu ý chí này được bà Việt chắp cánh. Bà cùng ông Chi bán đất ở Quỳnh Lưu, bán nhà ở Tp. Vinh, huy động vốn liếng của mình và các con trên 2 tỷ đồng, lập dự án thuê đất, được tỉnh cấp phép mở Công ty Đào tạo bóng đá trẻ do Văn Sỹ Thủy làm Giám đốc. Ban huấn luyện gồm ông Văn Sỹ Chi, Văn Sỹ Hùng, Văn Sỹ Linh và thuê 2 thầy tốt nghiệp Đại học TDTT. Hai năm nay đang đào tạo 125 cầu thủ, đã có 10 em lọt vào mắt của CLB Hòa Phát và Hoàng Anh Gia Lai.

Công ty của gia đình họ Văn Sỹ dự định sẽ đầu tư tiếp 2 đến 3 tỷ đồng nữa để mở rộng quy mô, nếu tỉnh đồng ý cho thuê thêm 10.000m2 đất nữa. Tiếng tăm đã vang xa, đại diện Tổ chức Tầm nhìn châu Á¸ đã về thăm và hứa giúp đỡ. Vượt lên nỗi cay đắng, gia đình cầu thủ họ Văn Sỹ đã thực sự sống bằng nghề, đầu tư cho nghề bóng đá và nếu chết, cũng vì cái nghiệp bóng đá của một dòng họ từng vang bóng

Hải Ninh
.
.
.