Những tấm gương bình dị mà cao quý góp phần làm đẹp hơn cuộc sống
Ngày nay, trong cuộc sống tất bật, hối hả, khi mà những lo toan, bộn bề của cuộc sống đè nặng lên đôi vai của mỗi người, mỗi gia đình, chúng ta cứ ngỡ rằng, những tấm lòng, tình cảm và sự quan tâm của mỗi con người dành cho cộng đồng của mình sẽ dần ít đi. Nhưng không phải vậy, qua cuộc thi này và các cuộc thi khác, qua sự phát hiện của báo chí, truyền thông, mỗi năm, hàng nghìn tấm gương người tốt việc tốt, những tấm gương bình dị mà cao quí vẫn đều đặn được tuyên dương và không ngừng tăng lên. Họ có thể là một người bán vé số dạo, là bác sĩ, là chiến sĩ Công an, Quân đội,… nhưng họ có chung một lý tưởng, một quan điểm sống là luôn cố gắng làm những việc tốt nhất, có ích nhất cho những người xung quanh mình, cho cộng đồng và cho Tổ quốc.
Làm việc ở Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel từ năm 2004, đến nay Đại úy Vũ Tuấn Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu hệ thống chỉ huy và điều khiển (Viện Nghiên cứu và Phát triển Viettel) đã tạo cho mình một “gia sản” lớn về những công trình, đề tài nghiên cứu khoa học phục vụ nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh của tập đoàn và nhiệm vụ quốc phòng- an ninh. Đối với anh, ý chí quyết tâm làm chủ khoa học kỹ thuật để hoàn thành nhiệm vụ, bảo vệ Tổ quốc phải được thực hiện mỗi ngày.
Một số đại biểu giao lưu trong chương trình. |
Trước đây, hệ thống cảnh giới và bảo vệ vùng trời quốc gia Việt Nam phải thuê đối tác nước ngoài, bị phụ thuộc vào công nghệ và thời gian triển khai lâu. Sau một thời gian tập trung nghiên cứu, tháng 12/2013, hệ thống cảnh giới và bảo vệ vùng trời quốc gia do Đại úy Vũ Tuấn Anh cùng đồng nghiệp xây dựng được xem là một bước đột phá và lần đầu tiên người Việt Nam làm chủ công nghệ này, đã được Tập đoàn Viễn thông Quân đội, Quân chủng Phòng không- Không quân và lãnh đạo Bộ Quốc phòng đánh giá rất cao.
Hệ thống này không chỉ đảm bảo về tính năng tương đương với hệ thống cũ mà còn được bổ sung một số thuật toán mới, làm tăng hiệu năng quản lý và hỗ trợ tác chiến đúng; về quy mô hệ thống cũng được mở rộng hơn.
Đại úy Vũ Tuấn Anh chia sẻ: “Từ những thành công bước đầu của hệ thống thay thế, chúng tôi sẽ tập trung nghiên cứu và hoàn chỉnh giai đoạn 2 của hệ thống cảnh giới và bảo vệ vùng trời quốc gia với việc mở rộng, nâng cấp hệ thống, không hạn chế kết nối; nghiên cứu khả năng nâng cấp và tùy biến theo yêu cầu tác chiến với thời gian ngắn, bảo đảm tính bảo mật các định dạng dữ liệu và chủng loại ra-đa quân sự”.
Trong 36 năm qua, cựu chiến binh Đào Thiện Sính đã dành thời gian, công sức đi đến hơn 200 nghĩa trang liệt sĩ từ Quảng Trị đến Cà Mau để tìm hiểu, ghi chép thông tin liên quan đến liệt sĩ, rồi gửi thư đến tận gia đình, chính quyền địa phương của các liệt sĩ. 20.000 lá thư của ông được gửi đi đã đem lại niềm vui cho nhiều gia đình. Công việc của ông vừa tốn công sức, vừa tốn kinh phí cá nhân, nhưng ông luôn khẳng định, mình lại được rất nhiều. Trong đó, hạnh phúc hơn cả là khi nhận được tình cảm của thân nhân liệt sĩ, đồng chí đồng đội và cả những người ông chưa hề quen biết. Ông bảo, công việc thầm lặng này dường như có một động lực vô hình thúc giục từ bên trong. Thế nên ông cứ đi, gắn bó với các nghĩa trang, những nấm mộ liệt sĩ. Còn sức ông còn đi để làm yên lòng các liệt sĩ và người thân của họ.
Trung úy Đinh Văn Nam, 32 tuổi, y sĩ Hải đội 3, Lữ đoàn 125, Quân chủng Hải quân, đã bất chấp nguy hiểm, chấp hành mệnh lệnh của người chỉ huy, kịp thời hành động dũng cảm cứu tàu và đã hy sinh lúc 6h20’ ngày 16-10-2013. Sự hy sinh của anh Nam thể hiện sáng ngời phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” - Người chiến sĩ Hải quân trong thời kỳ mới, thật xứng đáng với các thế hệ cha anh.
Chị Đinh Thị Xoa, vợ Trung úy Đinh Văn Nam chia sẻ: “Cháu nhà em còn bé nhưng lắm lúc hỏi sau này con làm gì, thì cháu cũng nói sau này con làm bác sĩ giống bố. Nguyện vọng của em là xin chôn anh ấy ở gần nhà, lúc nhớ chồng thì cũng hay đi xe ra ngoài đấy thăm chồng, thắp hương cho chồng. Lắm lúc ngồi thì cứ thắp hương cho anh ấy thôi, nhiều lúc cũng tự an ủi chồng mình vẫn còn sống”.
Hiện chị Xoa chỉ buôn bán vặt để kiếm sống, chăm lo cho cuộc sống của hai bên bố mẹ và một con gái nhỏ. Chị cho biết, tuy rất khó khăn nhưng nghĩ đến sự hy sinh của chồng, chị lại có được thêm nghị lực để vươn lên. “Những người chiến sĩ như anh ấy đã hy sinh cả tính mạng của mình vì dân vì nước thì những người còn sống như chúng ta không thể bó tay trước bất cứ khó khăn, trở ngại nào” – chị Xoa mạnh mẽ nói.
Bà Trần Thị Hà, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng ban thi đua khen thưởng Trung ương nhận xét: “Với góc độ là những người làm công tác thi đua khen thưởng để tham mưu với Đảng và Nhà nước về đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước cũng như thực hiện chính sách khen thưởng, chúng tôi đánh giá rất cao về cuộc thi này. Thông qua cuộc thi, đã phát hiện ra được hàng trăm tấm gương tấm gương là tập thể và cá nhân tiêu biểu để tôn vinh, tuyên dương. Như vậy, các lĩnh vực khác người ta thấy được để mà học tập và noi theo, cho nên nó có tác dụng lan tỏa trong cuộc sống”.
Trong đêm giao lưu nghệ thuật “Xứng danh bộ đội Cụ Hồ”, Ban tổ chức đã trao 1 giải nhất, 2 giải nhì, 3 giải ba và 9 giải khuyến khích cho các tác phẩm và các tác giả đoạt giải. Trong đó, tác giả Phan Tiến Dũng đoạt giải nhất cuộc thi với tác phẩm “Người sưu tầm hàng trăm tư liệu quý về Hoàng Sa, Trường Sa”. Hai giải nhì được trao cho tác giả Phạm Xuân Vui với tác phẩm “Một tay bắc chín nhịp cầu” và tác giả Nguyễn Văn Hải với tác phẩm “Vì đôi mắt người nghèo”. |