Những câu chuyện đời thường xúc động

Thứ Sáu, 15/07/2011, 17:32
Bảo tàng dân tộc học Việt Nam đang khai trương gian triển lãm "Chuyện ở thành phố - Những giọng nói cộng đồng". Triển lãm với ba mảng chính: đó là cuộc sống của những người phụ nữ từ các miền quê lên thành phố làm nghề đồng nát, câu chuyện về những sinh viên làm công việc gia sư, và được gọi với cái tên trìu mến "những người thầy thầm lặng"  và phần trưng bày thứ ba đó là nhóm nhạc Hiphóp có cái  tên Minishock; cùng với đó là ba bộ phim…

Đập vào mắt người xem đầu tiên đó là phần trưng bày về cuộc sống của những người phụ nữ từ huyện Xuân Trường, Nam Định với nghề làm đồng nát, họ được gọi là những "người làng ở phố". Cuộc sống của họ có thể không nói thì ai cũng biết, đó là những công việc vất vả, cuộc sống gắn liền với với những đồ vật phế thải, những đôi quang gánh, những vật dụng thô sơ và những tiếng rao.

Những người phụ nữ phải rời quê nhà, người thân, họ là những phụ nữ tần tảo, sớm khuya làm lụng mong kiếm được chút tiền lo cho cuộc sống, lo cho con ăn học. Tuy vất vả là vậy nhưng cuộc sống của họ hết sức kham khổ, sống trong những căn phòng  chật chội, nóng bức và ăn uống tằn tiện. Tất cả được thể hiện trong những hiện vật trưng bày: những đôi dép mòn vẹt, những đôi quang gánh, chiếc nồi cơm điện nho nhỏ, chiếc giường đơn, hay những chiếc nón lá…

"Nhóm nghề đồng nát chúng tôi phần lớn đến từ huyện Xuân Trường, Nam Định lên Hà Nội. Quan hệ dòng họ và láng giềng gắn kết chúng tôi không chỉ tại quê nhà mà còn ở đô thị. Lên HN kiếm sống, chúng tôi phải xa cha mẹ già, con nhỏ, ruộng vườn nơi quê nhà. Thuê nhà ở thành phố rất đắt nên chúng tôi ở chung trong những phòng trọ chật chội, mọi người phải rất thông cảm và chia sẻ với nhau. Nhà chật nhưng vẫn phải có chỗ thờ Phật và Chúa... - chị Đào Thị Yên 34 tuổi tâm sự. - Chúng tôi kiếm tiền rất vất vả, nên phải chi tiêu tiết kiệm, thu nhập được chia thành từng khoản tiền gửi về quê để nuôi cha mẹ, tiền cho con cái học tập, tiền ăn uống hàng ngày, tiền cho việc hiếu hỉ…".

Cảnh trong phim: Đồng nát - "người làng ở phố".

Trong cuộc mưu sinh vất vả, không vì thế mà họ chán nản, trái lại, họ coi đó là niềm vui. Họ tích cóp niềm vui từ những bìa giấy, những mảnh sắt vụn hay mỗi lon bia, vỏ chai. Chúng được đưa tái chế thành nguyên liệu sản xuất, nghề này giúp họ nuôi sống gia đình, cho con ăn học.

Những người phụ nữ ngày thường lên thành phố kiếm sống, khi Tết đến hay giỗ chạp, hiếu hỉ, họ trở lại quê hương, làm sống lại không khí vui vẻ của gia đình. Đó là bên bờ, là nơi bình yên họ hướng tới sau những cuộc mưu sinh. Những người phụ nữ tầo tảo ấy họ đang góp nhặt để xây dựng một thế hệ tương lai tương sáng hơn.

Và cuộc sống dù vất vả, khó khăn, thì tình người nơi đây vẫn thắm đượm: "Các bác ở đây tốt lắm, em ốm thì bác nấu cháo, mua thịt, chị em ở với nhau cũng hoà thuận, sắp xếp chỗ ăn ở hợp lý". Chiếc giường đơn sơ, chạn bát tạm bợ, những đôi dép mòn vẹt, những chiếc nồi cơm điện bé tí, tất cả đều đơn giản đến mức tối thiểu, nhưng nuôi những ước mơ tốt đẹp cho thế hệ mai sau...

Đó là phần triển lãm về những sinh viên với nghề làm thêm phổ biến: gia sư. Có lẽ chỉ đến đây người ta mới hiểu hết những "mảng màu" còn lại của cuộc sống của họ. Đó là những vất vả, thiếu thốn. Ta hãy nghe tâm sự của các em: "Em luôn lắng nghe xem phụ huynh họ nói gì, trao đổi để họ hài lòng rằng số tiền họ bỏ ra không vô ích. Để trở thành những con người năng động, có trải nghiệm xã hội, mỗi sinh viên làm gia sư như chúng tôi phải bố trí thời gian của mình một cách hợp lý vừa đảm bảo việc học tập, vừa làm tròn trách nhiệm gia sư"- Trần Văn Hệ - Sinh viên Trường Đại học Ngoại thương Hà Nội chia sẻ.

Còn đây là tâm sự của Nguyễn Văn Thạo: "Nhà nghèo, vất vả nên mình có động lực, nếu mình phấn đấu, mình sẽ không kém ai. Tháng đầu đi dạy bằng xe buýt, lúc nào cũng như ông ăn xin, ba lô, quần áo, sách vở này nọ. 6h ở nhà đi, 11 giờ đêm về đến nhà, đi xe buýt không có chuyến, phải đem quần áo về nhà bác ngủ, mệt lắm, 1 ngày đi xe máy 54km, đi xe buýt thì 60km...".

"Chúng tôi phải dành khá nhiều thời gian cho việc đi lại. Các ca dạy thường vào giờ tan tầm nên bụi bặm, tắc đường. Học sinh thì muôn hình muôn vẻ: chăm chỉ thông minh nhưng lì lợm. Cũng có những yêu cầu khắt khe từ phía phụ huynh. Đi học về rồi lại hối hả đi dạy thêm nên đôi khi cũng thấy mệt, đôi lúc còn ngủ gật ở trên lớp nữa”- Trần văn Long, Đại học Ngoại thương, Hà Nội.

Mỗi một phần trưng bày mang một thông điệp riêng, nó là một phần của cuộc sống hiện đại ngày nay, nhưng nó nhắc ta về ý nghĩa của lao động, dù như thế nào, hãy cần mẫn sẽ tìm thấy ý nghĩa cuộc đời

Ngô Thị Chuyên
.
.
.