Nhức nhối tình trạng vi phạm bản quyền mỹ thuật

Thứ Tư, 26/06/2019, 10:44
Tình trạng vi phạm bản quyền mỹ thuật ngày càng trở nên trầm trọng trong thời gian gần đây. Rất nhiều họa sĩ cực chẳng đã phải lên tiếng đòi quyền lợi cho mình.


Sao chép tranh lên áo dài, lên các không gian thương mại đang trở nên phổ biến, mà khi được phát hiện thì phía vi phạm thường chỉ xin lỗi một lời cho xong. Điều này khiến cho thị trường mỹ thuật phát triển méo mó.

Từ vi phạm bản quyền trên áo dài

Tháng 5 vừa qua, 8 họa sĩ gồm: Bùi Trọng Dư, Lâm Đức Mạnh, Ngụy Đình Hà, Nguyễn Thu Huyền (ở Hà Nội); Nguyễn Đăng Sơn, Lê Phan Quốc, Nguyễn Quý Tâm (ở Huế); Phan Linh Bảo Hạnh (ở Bình Dương) đã đồng loạt lên tiếng về việc tranh của họ bị nhiều công ty áo dài ngang nhiên sao chép in lên các sản phẩm của mình và bán ra thị trường.

Bức tranh sơn mài “Ao sen” của họa sĩ Bùi Trọng Dư bị ăn cắp để in trên áo dài.

Họa sĩ Bùi Trọng Dư cho biết, anh phát hiện ra bức tranh sơn mài “Ao sen” vẽ năm 2011 của mình bị Công ty vải in Lan Anh lấy làm nền áo, rồi cắt tranh cô gái của họa sĩ khác vào in chồng lên, gọi đó “mẫu tự thiết kế” sau đó chào bán quảng cáo công khai trên web và mạng xã hội. 

Trước đó, họa sĩ này cũng phát hiện Công ty Lotus House sử dụng tranh của anh đưa lên áo dài mà không hề xin phép cũng như trả tiền tác quyền. Tháng 9-2016, cũng chính bức tranh này của Bùi Trọng Dư  bị Ban tổ chức cuộc thi “Giọng hát Việt nhí” sử dụng làm phông sân khấu. Sau khi họa sĩ lên tiếng thì người đại diện Giọng hát Việt nhí gửi lời xin lỗi và bồi thường tiền bản quyền cho anh. 

Bức xúc trước vấn nạn này, họa sĩ Bùi Trọng Dư đã lập một group công khai trên mạng xã hội để các họa sĩ có tranh bị vi phạm bản quyền có thể gặp gỡ nhau, trao đổi thông tin, liên kết đồng lòng đòi lại công bằng cho chính mình. 

Các họa sĩ có tranh bị vi phạm bản quyền cũng chủ động trong việc đăng tải lại các sản phẩm, các tên công ty vi phạm bản quyền tranh của mình, chủ động liên hệ với báo chí truyền thông, tìm luật sư đại diện bảo vệ quyền lợi soạn thảo các văn bản cần thiết sẵn sàng kiện ra tòa những  đơn vị đã trắng trợn sử dụng tài sản, trí tuệ của các họa sĩ mà không xin phép, không trả tác quyền.

Họa sĩ Nguyễn Thu Huyền chia sẻ với báo chí: 

“Đối với những nghệ sĩ trẻ đang cố gắng hết mình để khẳng định tên tuổi như tôi thì việc bị xâm phạm bản quyền như thế này thực sự rất sốc và đáng buồn. Con đường đưa tác phẩm đến với công chúng của các họa sĩ quả thật rất gian nan, thế nhưng chỉ phút chốc đã có thể bị đánh tráo bởi sự vi phạm bản quyền một cách rất ngang nhiên, bừa bãi. Chúng tôi đang cùng nhau đấu tranh để đòi lại sự công bằng cho tác phẩm của mình. Cần có sự đền bù thiệt hại cho những hành động đó. 

Từng họa sĩ đã lên tiếng với các công ty in, đơn vị vi phạm bản quyền tác phẩm nhưng hầu như đều không nhận được câu trả lời thích đáng, cùng lắm là một lời xin lỗi qua quýt. Vì vậy, chúng tôi đã quyết tâm sẽ nhờ luật sư và pháp luật can thiệp. Nếu các đơn vị vi phạm không thiện chí và nhận lỗi, cam kết chấm dứt vi phạm thì giải pháp mạnh nhất là đệ đơn kiện sẽ được họa sĩ thực hiện”. 

Nữ họa sĩ cho biết, ngoài tác phẩm “Đóa hoa vô thường” của chị bị phát hiện in trên áo dài, tranh của chị còn bị sử dụng trái phép cho các mục đích khác như vẽ tường, trang trí quán ăn. Cuối năm 2018, họa sĩ Nguyễn Thu Huyền đã tổ chức một triển lãm tranh cá nhân, ở đó giới thiệu 20 tác phẩm nhưng sau đó nữ họa sĩ phát hiện tác phẩm của mình bị xâm phạm ở nhiều nơi. 

Đến chép tranh bỏ qua bản quyền tác giả

Gần đây nhất, họa sĩ Hà Hùng Dũng đã phát hiện ra một đơn vị kinh doanh mang tên Tranh tường Trần Tuân đã sao chép toàn bộ 15 bức tranh của anh trưng bày trong một triển lãm mỹ thuật tại Sa Pa. 15 bức vẽ đã được vẽ lên tường để trang trí cho không gian của một khách sạn tại Sa Pa. 

Không chỉ dừng lại ở đó, đơn vị Tranh tường Trần Tuân còn ngang nhiên chép lại cả 15 bức tranh của họa sĩ Hà Hùng Dũng để treo ngay trong quán bar của khách sạn. 

Chưa hết, đơn vị này còn cho đăng công khai các bức tranh sao chép trái phép của họa sĩ Hà Hùng Dũng lên mạng xã hội nhằm mục đích quảng cáo nữa. 

Bức xúc vì tranh của mình bị vi phạm tác quyền nghiêm trọng, họa sĩ Hà Hùng Dũng đã liên lạc với đơn vị Tranh tường Trần Tuân thì được trả lời qua quýt, lấy danh “sinh viên đi làm thêm, không biết như vậy là vi phạm bản quyền”. 

Trên thực tế Tranh tường Trần Tuân đã vi phạm pháp luật khi chép tranh của họa sĩ. Hợp đồng vẽ tranh tường cho một khách sạn 5 sao không thể nói là ít tiền, và đây rõ ràng tranh của họa sĩ Hà Hùng Dũng đã được dùng vào mục đích thương mại, nhưng không hề trả tác quyền cho tác giả của bản gốc. 

Sau khi họa sĩ tỏ ra cương quyết vào cuộc bảo vệ quyền lợi của mình, không cho phép đơn vị kia vi phạm quyền sở hữu trí tuệ ngang nhiên như vậy, thì phía đối tác mới gửi lời xin lỗi họa sĩ. 

Tranh tường Trần Tuân hứa sẽ chỉnh sửa hình ảnh trên tường ở khách sạn sao cho không còn giống với tranh của họa sĩ Hà Hùng Dũng. Họa sĩ Dũng đã làm việc với luật sư, sẵn sàng khởi kiện chủ shop tranh tường ra tòa.

Bức tranh lụa  sao chép của họa sĩ Nguyễn Văn Đông được nhà đấu giá Chọn đưa lên sàn đấu giá với chữ kỹ giả của họa sĩ Vũ Giáng Hương. Vụ việc gây tai tiếng trong giới mỹ thuật năm 2018.

Đây chỉ là câu chuyện mới nhất được nêu ra, còn thực tế việc nhiều cơ sở kinh doanh tranh vô tư chép tranh của các họa sĩ nổi tiếng thì nhiều không kể xiết. Một số họa sĩ khẳng định rằng, việc chép tranh vi phạm bản quyền từ lâu đã là chuyện thường tình, đến nỗi nhiều khi phát hiện ra cũng chặc lưỡi bỏ qua, vì theo đuổi những vụ việc như này chỉ thêm mệt mỏi, tốn thời gian. Tuy nhiên, chính vì tình trạng này mà câu chuyện bản quyền trong mỹ thuật hiện nay trở nên nặng nề hơn nhiều lĩnh vực khác. 

Người yêu mỹ thuật chắc hẳn vẫn còn nhớ những vụ lùm xùm gần đây liên quan đến bản quyền tranh, như vụ “Những bức tranh đến từ Châu Âu” được triển lãm tại TP Hồ Chí Minh của một nhà sưu tập được kết luận là đa số các bức tranh đều giả. Hay vụ Nhà đấu giá Chọn’s cho đấu giá bức tranh giả chữ ký của nữ họa sĩ Vũ Giáng Hương.

Họa sĩ không nên im lặng

Lý lẽ của phần đông họa sĩ thường là nếu chuyện nhỏ bỏ qua, để thời gian làm việc. Đây là lý do, những vụ vi phạm bản quyền nhiều nhưng thường chẳng đi đến đâu về kết quả, vì họa sĩ không muốn “làm to chuyện”. Nhưng đã đến lúc họa sĩ phải lên tiếng, thậm chí phải kiên trì đấu tranh bảo vệ lợi ích của mình, thì thị trường mỹ thuật mới có thể được trả lại bầu không khí trong lành.

Họa sĩ Bùi Trọng Dư cho rằng, để đi đến tận cùng những vụ việc vi phạm bản quyền, các họa sĩ phải đồng lòng và cương quyết. “Cá nhân tôi đã dành rất nhiều thời gian để vừa đòi công lý cho mình, vừa đôn đốc các họa sĩ mạnh mẽ lên tiếng. Nếu ai cũng ngại va chạm mà ậm ừ cho qua thì không biết đến khi nào những vụ việc xâm phạm bản quyền như thế này mới chấm dứt...”.

Lên tiếng một cách mạnh mẽ bằng nhiều cách khác nhau chính là bảo vệ mình. Tâm lý cả nể từ lâu vốn có trong các nghệ sĩ, ở nhiều lĩnh vực khác nhau chứ không riêng gì họa sĩ, nó rất không tốn cho công việc đấu tranh đòi bình đẳng. Chúng ta có Luật Bản quyền, Luật Sở hữu trí tuệ rồi, nghĩa là có những cơ sở pháp lý đầy đủ để bất kỳ ai vi phạm bản quyền đều có thể bị xử phạt. 

Theo điều 18 Nghị định 131/2013/NĐ-CP quy định hành vi sao chép tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả bị phạt tiền từ 15 - 35 triệu đồng; khoản 1, điều 15 của Nghị định cũng quy định mức phạt tiền từ 10 - 30 triệu đồng đối với hành vi phân phối tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả. 

Còn theo khoản 1 điều 225 Bộ luật Hình sự 2015 quy định: Người nào không được phép của chủ thể quyền tác giả mà sao chép tác phẩm, bản ghi âm, bản ghi hình thu lợi bất chính từ 50 - 300 triệu đồng hoặc gây thiệt hại cho chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan từ 100 - 500 triệu đồng hoặc hàng hóa vi phạm trị giá từ 100 - 500 triệu đồng, thì bị phạt tiền từ 50 - 300 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.

Như vậy vấn đề còn lại là các nhà sáng tạo phải hành động thực sự trong công cuộc bảo vệ chính mình.  Khi phát hiện ra tác phẩm của mình bị xâm phạm, phải kiên quyết đến cùng sự việc. Nhiều sự việc vi phạm được giải quyết sẽ tạo hiệu ứng răn đe để những kẻ cơ hội không còn dám làm bậy nữa. Chỉ khi đó người nghệ sĩ mới yên tâm sáng tác và mọi giá trị được trả về đúng như nó có.

Bùi Xuân
.
.
.