Nhức nhối những chuyện buồn trong mùa lễ hội

Thứ Tư, 11/03/2015, 09:58
Mùa lễ hội năm nay mới bắt đầu nhưng đã làm “dậy sóng” dư luận, khi không chỉ những vấn nạn của lễ hội những năm trước tiếp tục tái diễn, như chen lấn xô đẩy, cướp lễ, cướp lộc, rải rắc tiền lẻ trong di tích… mà còn cả ở công tác tổ chức lễ hội. Tín ngưỡng dân gian bị lạm dụng, đang thực sự là một vấn đề lớn trong đời sống tinh thần của xã hội.

Nhìn nhận qua các mùa lễ hội, có một thực tế phải thừa nhận là ở ta, văn hóa lễ hội dường như chưa có. Đến các điểm tâm linh, càng những nơi đông người, càng thấy nhiều người đi lễ mà không hiểu chút nào về các nghi thức tối thiểu của việc đi lễ. Ở các điểm tâm linh, thấy tràn lan hiện tượng gài tiền vào tượng Phật, chen chúc để lễ và xô đẩy nhau lấy lộc.

Lễ hội chùa Hương thu hút hàng vạn người.

Hiện tượng người đi lễ rắc muối, gạo cũng tràn lan ở nhiều di tích tín ngưỡng, trong khi, theo các nhà nghiên cứu, xưa, người ta chỉ rắc gạo, muối khi cúng chúng sinh vào ngày rằm tháng 7, hay cúng cô hồn trong ngày đầu năm, còn đình, chùa là nơi có thần ngự trị, linh thiêng nên không thể rắc gạo, muối được. Ở nhiều ngôi chùa, kể cả chùa Hương, vẫn thấy nhiều người mang cả gà luộc, rượu, thịt đặt lên ban thờ và mang tiền vàng (mã) dâng lên thì hầu như ai cũng có.

Sư thầy Thích Minh Hiền cho biết, người ta mang đến thì nhà chùa hóa hộ, chứ tiền vàng chỉ cúng người chết, chứ không phải để mang lên chùa. Đại đa số người đi đến các điểm di tích, tâm linh chỉ để cầu xin lộc, tài, danh vọng, chứ không phải để vãng cảnh, tịnh tâm nên việc chen lấn, tranh cướp đã xảy ra phổ biến. Ở Phủ Tây Hồ, mặc dù BQL đã có thông báo không được dâng và đốt mã ở Phủ, nhưng vẫn diễn ra.

Nhét tiền lẻ vào tượng vẫn là chuyện phổ biến ở các điểm tâm linh.

TS Nguyễn Quốc Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu tôn giáo, nhấn mạnh: Việc gài, vứt tiền vào tượng Phật, hay rắc gạo, muối ở đền, chùa vv… là sự mù quáng tâm linh. Thần linh là giá trị noi theo, không phải là nơi cầu xin. Đừng lầm lẫn. Khi con người noi theo thần linh, họ chính là họ, họ trưởng thành, họ vượt chính họ. Khi cầu xin ban phát, đó là lúc họ tự tha hóa, họ tụt hậu và bị nhấn vào vòng tội lỗi.

Tất cả những điều đang diễn ra cho thấy, công tác quản lý lễ hội có rất nhiều lỗ hổng, do tầm nhìn của người quản lý. Tổ chức, phục dựng lễ hội tràn lan nhưng không tuyên truyền, phổ biến đến người dân về giá trị, ý nghĩa của lễ hội đó. BQL lễ hội sẵn sàng thu phí các loại rất cao, nhưng lại không quan tâm đến việc giúp người dự có những thông tin tối thiểu về lễ hội. Những hành vi lệch lễ hội chuẩn đòi hỏi phải có sự can thiệp của cơ quan quản lý nhằm tránh những hiệu ứng xã hội lệch lạc.

Một vấn đề được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm mùa hội năm nay là một số lễ hội phục dựng mà không có sự chọn lựa, bởi quan niệm sai lầm về “khôi phục nguyên trạng”.

Theo TS. Nguyễn Quốc Tuấn, đừng hy vọng đưa lễ hội quay trở về với thời xa xưa, mà quan trọng hơn cả là phải giữ được không gian thiêng để mỗi người dân tham gia đều phải tự điều chỉnh để có hành vi đúng đắn. Chúng ta không thể tiếp cận lễ hội theo kiểu bảo tồn di sản vật thể, đòi nguyên gốc, trong khi lễ hội của chúng ta là một sinh hoạt hết sức sống động.

TS khảo cổ học Nguyễn Thị Hậu đặt câu hỏi: Có nên làm “sống dậy” những giá trị văn hóa của quá khứ, nhưng không còn hợp thời, thậm chí “giá trị” ấy còn dung dưỡng, khuyến khích những hành vi tâm lý xấu trong xã hội hiện nay?

Các giá trị tinh thần tốt đẹp của truyền thống mất đi, con người sẽ phải tìm đến và tin vào những giá trị “ảo”, dần dần sẽ làm băng hoại xã hội! Nhà nước đã cho thấy không thể quản lý được các lễ hội nếu cứ tổ chức tràn lan và tùy tiện như vậy. Quá khứ phải là nguồn mạch trong lành để nuôi dưỡng tâm hồn con người hiện tại và tương lai.

Các nhà nghiên cứu, nhà quản lý không thể vô can trong việc phục dựng các lễ hội phản cảm. Lễ hội Ném Thượng (Bắc Ninh) gây ồn ào dư luận hàng tháng trước khi diễn ra và có nhà nghiên cứu đã ủng hộ với lý do “lễ hội truyền thống”, dù đến nay chưa ai chỉ ra được nguồn gốc thực của lễ hiến sinh này nên đã góp phần để BTC lễ hội “mạnh tay” tổ chức.

Nhưng, khi dư luận phản đối mạnh mẽ, thì chính nhà nghiên cứu đó lại thay đổi quan điểm và phê phán nghi thức hiến sinh trên. Trước một loạt lễ hội phản văn hóa, vẫn rất ít nhà nghiên cứu lên tiếng và số người có các lập luận và căn cứ để dư luận “tâm phục khẩu phục” lại càng ít. Cũng chưa thấy một hội thảo nào về các lễ hội đó được tổ chức.

Đặc biệt, trong bối cảnh dư luận ồn ào mà Bộ VH,TT&DL, trực tiếp chịu trách nhiệm về công tác lễ hội là Cục Văn hóa cơ sở và Cục Di sản văn hóa đã không hề lên tiếng, dù hướng dẫn hay cảnh báo nơi tổ chức về những hành vi gây phản cảm.

Vì thế, dù gây tranh luận ồn ào trước cả tháng, lễ hội chém lợn vẫn diễn ra, để ngay sau đó là lễ hội Cầu Trâu (Phú Thọ) như một sự “đáp lễ”. Đặc biệt, đáng ra phải phê phán việc đánh nhau, cướp lộc ở lễ hội đền Sóc và lễ hội cướp phết (Hà Nội) thì lãnh đạo Ban Tuyên giáo Hà Nội lại cho rằng đó là hành vi “cướp có văn hóa”, khác gì cổ vũ cho những tệ nạn này trong lễ hội và là lý do khiến dư luận lại “dậy sóng”.

Bàn về giải pháp cho những vấn nạn của lễ hội hiện nay, TS Nguyễn Quốc Tuấn nêu quan điểm: Phải chấn chỉnh cả hai đối tượng: Người dự hội cần được trang bị kỹ năng hành xử trong lễ hội, không thể vì cá nhân mà tuỳ tiện, coi thường cộng đồng. Chỉ khi nào cộng đồng bộc lộ khao khát đi hội với một ứng xử văn minh, lúc đó mới hy vọng tình hình lễ hội tốt đẹp hơn. Còn nhà quản lý ở các cấp phải có cơ chế, có sự giám sát để chống vụ lợi trong lễ hội, cũng như phải biết chắt lọc, hướng dẫn, quy định.

Trước mắt, nhà quản lý phải phân loại được lễ hội, chứ không thể đưa ra một chính sách chung cho mọi loại lễ hội. Muốn như thế thì phải có những lãnh đạo, quản lý văn hóa chịu nghe tiếng nói của nhà nghiên cứu. Nhưng bao năm nay, liên kết đó lỏng lẻo, các khuyến cáo khoa học có vẻ đã không được tiếp nhận một cách nghiêm túc.

Thanh Hằng
.
.
.