Nhìn nghiêng từ hội nghị quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài

Chủ Nhật, 31/01/2010, 09:43
Hội nghị quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài đã kết thúc. Nó không còn là thời sự. Mà dư âm của nó, trong bối cảnh cuộc sống tưng bừng dồn dập các sự kiện mà chúng ta đang sống hiện nay, có lẽ cũng chẳng còn mấy tý. Nhưng nếu nhẩn nha ngẫm nghĩ, nếu thử nhìn nghiêng một tẹo, thì từ hội nghị này xem ra cũng có khối chuyện đáng để mất chút thời gian.

Mất bao nhiêu thời gian công sức, vất vả chạy ngược chạy xuôi để lo kinh phí (cao ngất ngưởng), lo giấy tờ, lo liên hệ mời mọc, cuối cùng thì cái việc lẽ ra phải thực hiện từ trước đó rất lâu nay đã thành hiện thực: rất đông các dịch giả văn học Việt Nam người nước ngoài và đại diện của các nhà xuất bản nước ngoài đã đến Việt Nam để cùng với các nhà văn, các dịch giả, các nhà xuất bản Việt Nam bàn bạc việc xuất khẩu văn chương Việt.

Lẽ ra, một cách duy lý (và hợp lý), những người tổ chức phải tính tới chuyện "bóc lột" chất xám của người ngoại quốc một cách tối đa, phải vắt kiệt họ, bắt họ phải lao động quần quật để giúp ta tìm đường "hoằng dương" cho các sản phẩm văn chương Việt trên xứ sở của họ.

Đằng này, 5 ngày Hội nghị thì chỉ làm việc thực sự có 1 ngày rưỡi, 3 ngày rưỡi còn lại "vui là chính", theo đúng tinh thần của một câu Kiều: "Cầm đường ngày tháng thanh nhàn/ Sớm khuya tiếng hạc tiếng đàn tiêu dao". Hèn nào có bà khách người Thụy Điển phải cảm động mà thốt lên rằng bà đã tham dự nhiều hội nghị quốc tế, nhưng chưa ở đâu bà lại được người ta cho đi chơi nhiều như ở đây! Cũng phải, người Việt Nam vốn có truyền thống hiếu khách và... thương người…

Thứ hai, Hội nghị quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài, ngay cái tên của Hội nghị đã cho thấy tính chất thực dụng (đáng quý) của nó: tìm những phương cách nào đấy hiệu quả nhất để các tác phẩm văn học Việt Nam có thể được phổ biến tại nước ngoài, càng nhiều nước càng tốt, càng có đông bạn đọc ngoại quốc càng hay.

Thế mà rồi không ít đại biểu người Việt Nam chúng ta lại xem Hội nghị là Hội thảo khoa học về văn học Việt Nam. Họ mang đến Hội nghị những tham luận rất ư hàn lâm, rất ư uyên bác về văn chương Việt tự cổ chí kim, phân tích mổ xẻ đến cùng kiệt những giá trị nhân văn và giá trị nghệ thuật ngời ngời của nó.

"Tốt lắm" (nhan đề một trường ca của Maiacovsky), nhưng làm thế nào để bạn bè quốc tế cảm nhận được, thấu hiểu được những giá trị ấy (qua việc đưa cho họ đọc tác phẩm văn học Việt Nam bằng tiếng nước họ) thì người viết tham luận không mấy quan tâm.

Trong trường hợp này, nếu đi đúng đường, những người tổ chức Hội nghị hoàn toàn có thể nói câu "cảm ơn, nhưng xin lỗi". Nhưng không, với việc sắp đặt bốn nhóm thảo luận về "Văn học cổ Việt Nam", "Văn xuôi Việt Nam hiện đại", "Thơ Việt Nam hiện đại", "Nhà văn trẻ Việt Nam" đã cho thấy bản thân những người tổ chức cũng xem đây chủ yếu là Hội thảo khoa học về văn học Việt Nam.

Cái sự "Lạc rừng" (mượn tên một tác phẩm của nhà văn Trung Trung Đỉnh ) này còn thể hiện ở thành phần đại biểu tham dự Hội nghị, cả "Tây" và Ta. Về đại biểu "Tây", trong danh sách hơn trăm vị thì chỉ có chưa đầy chục vị là đại diện của giới xuất bản. (Mà lại là giới xuất bản ở những ngữ không mấy phổ biến: Rumani, Hungary, Ba Lan, Hàn Quốc...

Các nhà xuất bản hàng đầu của Anh, Pháp, Mỹ, Đức, Nga, Nhật, Trung Quốc... tuyệt không thấy tăm hơi. Không mời được họ hay thực ra họ không được mời? Thử làm một sự so sánh cơ học cũng có thể thấy ngay lập tức: tác phẩm văn học Việt Nam mà được dịch và in ở nhóm ngữ sau sẽ có được lượng người đọc tiềm năng gấp nhiều lần nếu so với việc được dịch và in ở nhóm ngữ trước).

Về đại biểu Ta cũng vậy, đến sát ngày khai mạc Hội nghị những người làm xuất bản mới "được" nhớ tới, được gửi giấy mời, và rồi họ xuất hiện mới lơ thơ làm sao giữa cả một rừng nhân sĩ đang hừng hực với khát vọng đưa văn chương Việt Nam phủ sóng khắp địa cầu! Do "Lạc rừng" mà ra thôi.

Đại phàm, nói đến chuyện xuất khẩu tác phẩm văn học, người ta ắt phải hiểu rằng về cơ bản đó là thứ sản phẩm đã được typo hóa, tức là sách in, và bởi thế không thể bỏ qua vai trò của các nhà xuất bản. Dịch trời dịch biển dịch hay dịch dở gì không biết, nhưng nếu cắm cúi dịch xong mà không được các nhà xuất bản in cho thì tác phẩm mãi mãi chỉ là bản thảo dịch, và công sức của dịch giả mãi mãi chỉ là công cốc.

Trộm nghĩ, thậm chí nếu các đại biểu tham dự Hội nghị chỉ toàn là đại diện của giới xuất bản, cả "Tây" và Ta, trong khi các nhà văn và các dịch giả vĩ đại cứ ở nhà xơi nước, thì... cũng chẳng sao. Họ thừa khôn ngoan để ngồi lại với nhau bàn xem tác phẩm nào đáng để dịch, người dịch nào cần thiết phải mời và bằng cách nào để phát tán những bản sách dịch ấy trong thiên hạ.

Thế nhưng "đời không như ước mơ", xem ra giới xuất bản, cả "Tây" và Ta, vẫn bị coi như những anh lái sách, in sách cốt để thu cho nhiều "ngân", còn lâu mới đáng mặt là những người góp phần làm nên các giá trị văn hóa. Vui thay!

Từ đây mới nảy sinh câu chuyện thứ ba, câu chuyện "Giấc mộng con" (như tên một tác phẩm của Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu, một "siêu dịch giả" thơ Đường). Hội nghị tràn ngập sự có mặt của các dịch giả văn học. Dịch giả "Tây" thì đã đành - vì họ biết tiếng Việt và họ sẽ là lực lượng quan trọng để dịch văn chương Việt ra tiếng nước ngoài. Còn dịch giả Ta?

Tuyệt đại đa số là những người dịch tác phẩm văn chương từ tiếng nước ngoài ra tiếng Việt (vì dịch ngược, như nhiều người thừa nhận, là công việc "khó nhằn" lắm lắm, nó đòi hỏi anh sử dụng ngoại ngữ ít ra cũng phải ở trình độ gần như người bản ngữ). Thế nhưng bao nhiêu gương mặt tinh hoa thuộc các thế hệ đã tụ hội về đây, giống như một cuộc biểu dương đội ngũ, giống như một sự tôn vinh nghề nghiệp (dịch văn học nước ngoài ra tiếng Việt) vậy.

Điều đó tạo nên trong không ít các dịch giả Ta một làn sóng phấn khích, một niềm tin (thêm lần nữa) không gì lay chuyển về vai trò người nối những nhịp cầu thông hiểu văn học - văn hóa của mình, và cả vai trò người đồng sáng tạo đồng tác giả đối với tác phẩm văn học.

Vai trò thứ nhất chắc chắn không có chút nào cần phải bàn cãi. Nhưng lẩn mẩn mà nghĩ mới thấy cái vai trò thứ hai xem ra rất... khả nghi. Nếu quả thực anh là đồng tác giả, là người đồng sáng tạo với nhà văn, vậy thì hà cớ gì anh không tự viết luôn ra tác phẩm của mình cho xong, hà cớ gì anh lại cứ phải thể hiện năng lực "sáng tạo" của mình trên sản phẩm "sáng tạo" đã có của người khác?

Phải hiểu khác đi nội dung nghĩa của khái niệm "đồng sáng tạo, đồng tác giả" chăng, hay tốt nhất cứ giữ nguyên quan điểm (từng gây khá nhiều ấm ức) của nhà văn G.Macquez: "Dịch giả là con khỉ của nhà văn"? Xét ra thì việc cũng không có gì quan trọng lắm, nhưng "giấc mộng con" nuôi mãi sẽ thành "giấc mộng lớn", mà một khi đã vỡ mộng thì...

Thứ tư, là câu chuyện "Thuốc" (tên một truyện ngắn của văn hào Trung Quốc Lỗ Tấn). Thuốc, có loại công phạt, tốc chiến tốc thắng, nhưng có thể gây nhiều hiệu ứng phụ, đôi khi lợi bất cập hại; có loại "Chầm chậm tới mình" (tên một tập thơ của nhà thơ Trúc Thông), trị dứt bệnh trên nguyên lý "nâng cấp" toàn bộ nền tảng sức khoẻ của bệnh nhân.

Trộm nghĩ, tính đường xuất khẩu văn chương Việt ra nước ngoài bằng cách tổ chức Hội nghị rầm rộ như trên chính là ta đã chọn loại thuốc thứ nhất. Tình hữu nghị và sự yêu mến những người chủ nhà tốt bụng rất có thể sẽ khiến bạn bè quốc tế nhiệt tình với việc dịch và quảng bá văn học Việt Nam.

Nhưng chỉ được một thời gian thôi, nếu sản phẩm văn chương "made in Viet Nam" mãi vẫn là thứ hàng hóa chưa đủ chất lượng, không nằm trong nhu cầu tiêu thụ của bạn đọc nước ngoài, bán không ai mua. Vậy thì phải chọn loại thuốc thứ hai, loại thuốc có dược năng "nâng cấp" sức khoẻ nền tảng của văn chương nội địa, từ đó mà sản sinh ngày càng nhiều tác phẩm có giá trị.

Về chuyện này, ắt có người sẽ bảo rằng trên đời làm gì có loại thuốc ấy, rằng tác phẩm văn học hay hay dở là phụ thuộc hoàn toàn vào tài năng của cá nhân tác giả, chẳng thuốc nào chữa được bệnh nhàn nhạt tầm thường cả. Cũng đúng. Nhưng ít nhất thì ta vẫn có thể làm được một việc, ấy là thôi tôn vinh sự nhàn nhạt tầm thường.

Lâu nay ta đã quá quen tôn vinh sự nhàn nhạt tầm thường bằng các giải thưởng văn chương vốn chỉ dành cho tác phẩm thực sự có giá trị. Mọi sự vì thế lẫn lộn hết cả, đa phần các tác phẩm được trao giải xong là lập tức bị rơi vào quên lãng, người đọc chẳng biết đâu mà phân biệt chân với ngụy. Giải thưởng văn chương mất giá, và cũng mất luôn cái khả năng kích thích tiềm lực sáng tạo đáng quý của nhà văn.

Thử nhìn xem: Nobel, Goncourt, Booker hay Asturias, Orange, Mao Thuẫn... những giải thưởng danh giá ấy nhuộm vàng (mà là vàng thật) các tác phẩm được chúng trao giải. Anh có thể thích hoặc không thích một tác giả Nobel văn chương nào đó, nhưng dù sao chăng nữa anh vẫn buộc phải thừa nhận rằng ông (bà) ấy thực sự là một "quái kiệt". Hội đồng giải thưởng của họ chắc không bao giờ ủ rũ trong lúc chấm giải, hẳn thế.

Chẳng cần một lời quảng cáo (chứ chưa nói tới việc tổ chức hẳn một Hội nghị quốc tế đầy tốn kém) vậy mà cả thế giới vui mừng lao vào dịch và xuất bản những tác phẩm đó. "Hữu xạ tự nhiên hương"- cổ nhân bảo thế. Chẳng lẽ đây không phải là những bài học, những sự tham khảo cần thiết đối với nền văn học của chúng ta?

"Sông Đuống trôi đi/ Một dòng lấp lánh/ Nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kỳ...".

Cái dáng nằm nghiêng nghiêng của con sông Đuống trong thơ Hoàng Cầm đã khiến cho bao thế hệ bạn yêu thơ phải rung động suốt hơn sáu mươi năm nay. Cũng có thể đó là cái nhìn nghiêng về con sông Đuống thời kỳ đầu kháng Pháp. Vì nhìn nghiêng nên thành ra sông Đuống đầy chất thơ. Còn với Hội nghị quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài, nhìn nghiêng thì không có được cảm giác ấy. Cầm lòng vậy, đành lòng vậy, biết làm sao được?

Hoài Nam
.
.
.