Nhiều cảm xúc tại bảo tàng những ngày lịch sử

Thứ Ba, 21/12/2004, 07:31

Nhiều sinh viên Nhật khi xem chứng tích chiến tranh tại bảo tàng lực lượng vũ trang Đông Nam Bộ, đã không cầm được nước mắt. Các cựu binh Mỹ đến thăm Bảo tàng, người thì thẳng thắn bày  tỏ sự hối hận, ăn năn, nhưng cũng có người tỏ ra lạnh lùng, khép kín rồi nép mình vào một góc, lặng lẽ khóc…

Gần đến ngày kỷ niệm 60 năm thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, Bảo tàng lực lượng vũ trang Đông Nam Bộ liên tục đón các đoàn khách. Ông Nguyễn Tấn Hoài - người lính năm xưa nay trở thành người hướng dẫn, thuyết minh cho khách tham quan, đã hào hứng giới thiệu với chúng tôi một trong những góc trưng bày thu hút sự chú ý của người xem - đó là Phòng "Vũ khí tự tạo" của Ban liên lạc truyền thống quân giới Nam Bộ - B2 gồm 350 món vũ khí tự tạo của quân ta, từ những quả lựu đạn tự chế đến những quả thủy lôi, hỏa tiễn, đại bác… Bộ sưu tập này còn mang một ý nghĩa sâu sắc hơn, đó là bằng tâm huyết, những người lính quân giới năm xưa đã phải mất 10 năm lặn lội, mày mò mới thu thập được.

Trong cuốn sổ lưu niệm của Bảo tàng, qua nhiều năm tháng đã ghi lại hàng trăm ngàn cảm nghĩ, suy tư, nỗi xúc động của những người từng đến nơi đây. Trong đó có dòng chữ trĩu nặng niềm day dứt của một người con đối với những gì mà cha mình đã làm trong quá khứ: "Tôi xin hứa, sẽ cố gắng tiến bộ để đổi lại những sai lầm mà cha tôi đã theo Mỹ gây ra". Ở một trang khác là một cách nhìn khác của một người về cuộc chiến tranh:  "Trước đây tôi rất mơ hồ về cuộc kháng chiến của người dân miền Đông Nam Bộ, nhưng hôm nay tận mắt nhìn thấy những vũ khí thô sơ của quân dân đối phó với những vũ khí tân kỳ của địch, tôi rất tự hào".

Một trong những câu hỏi mà các đoàn khách quốc tế khi đến tham quan Bảo tàng chứng tích chiến tranh ở Tp.HCM thường hay hỏi là: "Làm sao mà Việt Nam chịu đựng nổi trước bom đạn Mỹ, làm cách nào mà người Việt Nam đánh trả và thắng Mỹ như vậy…?". Không ở đâu xa, chính những hiện vật tại Bảo tàng đã nói lên tất cả. Đó cũng chính là những vật chứng biểu tượng cho lòng tin sắt son của người Việt Nam -  "Dù có phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn, Việt Nam cũng quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc".

Theo tổng kết của Ban Giám đốc Bảo tàng, năm 2004 đã có 334.265 lượt người đến tham quan Bảo tàng, trong đó có 240.677 lượt người nước ngoài. Trong suốt 29 năm qua, Bảo tàng đã đón tiếp hơn 20 triệu lượt khách tham quan, trong đó có đến 8 triệu lượt khách là người ngoại quốc. Người Việt Nam đến Bảo tàng để nhìn lại và tự hào về chặng đường lịch sử mà dân tộc ta đã đi qua. Khách quốc tế đến đây với mục đích nghiên cứu về lịch sử, để tìm hiểu về cuộc chiến tranh, về công cuộc xây dựng đất nước, khắc phục hậu quả chiến tranh của người Việt Nam.

Nhiều hoạt động văn hoá nghệ thuật

Hàng loạt hoạt động lễ hội, văn hóa văn nghệ kỷ niệm 60 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam đã và đang diễn ra khắp cả nước. Tại Tp.HCM,  nhiều hoạt động phong phú nhằm ôn lại một thời hào hùng của quân dân ta đã được tổ chức. Một trong những hoạt động thu hút sự chú ý của người dân là cuộc triển lãm 400 bức ảnh mang chủ đề "Quân đội nhân dân Việt Nam tự hào 60 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành" do Thành đoàn, Bộ Chỉ huy Quân sự Tp.HCM, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tổ chức tại Nhà văn hóa Thanh niên từ ngày 18 đến 30/12.

Nhằm tôn vinh những chiến sĩ tiêu biểu của thời bình, Liên đoàn Lao động Tp.HCM cũng tổ chức cuộc giao lưu "Người chiến sĩ hôm nay" - những người  đã cống hiến tuổi trẻ cho đất nước, nay vẫn đang phấn đấu vươn lên trong công cuộc đổi mới, trở thành người thành đạt, đóng góp cho xã hội, như một giám đốc trung tâm y tế đầy trách nhiệm, một giám đốc doanh nghiệp vốn là một người lính, nay có phần đông cán bộ, công nhân viên cũng một thời là lính...

Đêm 20/12, người dân Tp.HCM sẽ xem, nghe những bài hát, những câu chuyện xúc động và nhìn thấy những hình ảnh về người lính đảo trên sóng truyền hình trực tiếp (HTV 7).  Đêm nhạc này cũng là đêm để mọi tấm lòng hướng về người lính đảo, cùng chia sẻ, động viên tinh thần và thể hiện được những tình cảm của người hậu phương luôn dõi theo người lính nơi đảo xa..

Hương Chi - Ngọc Hân
.
.
.