Nhiều bộ phim hay về hành trình tìm đường cứu nước của Bác Hồ

Chủ Nhật, 05/06/2011, 19:45
Trong hành trình huyền thoại của Người còn biết bao bí ẩn mà chúng ta cần khám phá. Chưa ai trong chúng ta hình dung hết trong khoảng thời gian đằng đẵng ba mươi năm ở nước ngoài Người đã sống, đã lao động, đã học hỏi và suy nghĩ như thế nào khi đi qua nhiều châu lục. Những điều ấy vẫn còn là một nguồn đề tài phong phú mà các nghệ sỹ cần khám phá tái hiện.

Hôm nay, 5/6/2011, cả nước kỷ niệm 100 năm Ngày Bác Hồ rời cảng Sài Gòn ra đi tìm đường cứu nước. Đó là một hành trình huyền thoại suốt ba mươi năm, trải qua gần ba mươi quốc gia, trên bốn châu lục.

Đó cũng là hành trình gian khó vượt qua biết bao thử thách gian nan, làm đủ mọi nghề để kiếm sống và để hoạt động cách mạng, gặp gỡ biết bao danh nhân ưu tú của nhân loại, tiếp cận và học hỏi bao nhiêu lý thuyết, tham khảo bao nhiêu con đường khác nhau và chọn lựa, rồi tiến hành các hoạt động gây dựng lực lượng cách mạng và đấu tranh giải phóng dân tộc, bị truy đuổi, thậm chí có khi bị tù đày… Nhưng cuối cùng đã vượt qua tất cả để trở về Tổ quốc mùa xuân năm 1941.

Hành trình huyền thoại ấy của Bác đã trở thành nguồn cảm hứng, nguồn đề tài cho nhiều tác phẩm nghệ thuật như văn học, âm nhạc, sân khấu và điện ảnh…

Cảnh trong phim "Hẹn gặp lại Sài Gòn".

Có lẽ người đầu tiên trong điện ảnh thể hiện cái giờ khắc thiêng liêng Nguyễn Tất Thành rời cảng Sài Gòn đi tìm đường cứu nước là đạo diễn Long Vân trong bộ phim Hẹn gặp lại Sài Gòn (được chuyển thể từ tiểu thuyết nổi tiếng Búp sen xanh của nhà văn Sơn Tùng). Những trường đoạn cuối phim kể lại một cách cảm động cuộc chia ly giữa Nguyễn Tất Thành và người con gái mà anh yêu mến là Út Vân. Khi ấy Út Vân muốn anh nói với cô một lời thiêng liêng từ trái tim cháy bỏng tình yêu, anh đã lặng đi giây lát rồi trao cho cô chiếc lược, một kỷ vật mà cha anh tặng mẹ anh ngày trước, và mẹ anh đã mất, anh mang theo như một báu vật bên mình. Anh nói trong xúc động: "Chiếc lược này nói hộ anh". Nước mắt Út Vân chảy ra. Út Vân hỏi khi nào anh trở về, anh nói: "Con đường anh đi, không biết nó ở phía trước hay ở phía sau, anh đang phải dò dẫm từng bước, từng bước một". Tiếng còi tàu từ cảng Nhà Rồng vọng lên, tiếng còi tàu như khoan vào không gian, khoan thấu vào nỗi lòng lưu luyến. Và Nguyễn Tất Thành phải chia tay Út Vân ra đi vì nghĩa lớn…

Tôi đã đọc cảnh này trong tiểu thuyết Búp sen xanh (xuất bản năm 1982) trước khi được chuyển thành phim. Có lần tôi đã hỏi nhà văn Sơn Tùng, mối tình trong truyện có điểm nào xuất phát từ sự thật? Nhà văn Sơn Tùng cho biết, ông đã gặp người phụ nữ suốt đời tôn thờ thần tượng Nguyễn Tất Thành. Người đó là nguyên mẫu để ông dựng lên mối tình trong tác phẩm. Cũng theo nhà văn Sơn Tùng, Nguyễn Tất Thành yêu nước cháy bỏng, có một mối tình đẹp với một người con gái đẹp thuở đầu đời, nhưng anh phải gác tình riêng và ra đi vì nghĩa lớn. Lúc ấy, phong trào Duy Tân còn đang phát triển, lãnh tụ Phan Bội Châu đưa nhiều thanh niên sang Nhật học, với mong muốn Nhật sẽ giúp ta đánh Tây, nhưng Nguyễn Tất Thành đã chọn con đường riêng sang phương Tây. Đó là con đường lặng lẽ, cô đơn và dài như vô tận…

Từ Sài Gòn, con tàu đưa Nguyễn Tất Thành đến cảng Marseille. Ở Pháp một thời gian không lâu, Nguyễn Tất Thành "đi xem các nước" và anh đã đến Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Algieria, Tunisie, Libya, rồi đến Congo, sang nước Anh, sang nước Mỹ, xuống Nam Mỹ, sang tận Australia… Cuối năm 1913 Nguyễn Tất Thành mới trở lại London và dừng chân tại đây một thời gian rồi trở lại Pháp... Năm 1923 lúc này với tên Nguyễn Ái Quốc, Người đến Liên Xô mong gặp Lênin, sau đó Nguyễn Ái Quốc về Trung Quốc, Hongkong, Thái Lan tiếp tục hoạt động trước khi trở lại Liên Xô…

Hai bộ phim truyện quan trọng tái hiện một khoảng thời gian vô cùng gian khó của Nguyễn Ái Quốc thời kỳ Người hoạt động và bị bắt giam ở Hongkong (năm 1931-1933) là Nguyễn Ái Quốc ở HongkongVượt qua bến Thượng Hải. Đây là những tác phẩm do Hãng phim Hội Nhà văn Việt Nam và Hãng phim Châu Giang của Trung Quốc thực hiện.

Một trong những điểm mấu chốt trong bộ phim Nguyễn Ái Quốc ở Hongkong là ai thực sự đã cứu Nguyễn Ái Quốc? Lúc ấy thực dân Pháp ở Đông Dương đã kết án tử hình vắng mặt Nguyễn Ái Quốc, nếu chính quyền Hongkong cho dẫn độ Nguyễn Ái Quốc về Đông Dương thì rõ ràng mạng sống của nhà hoạt động cách mạng vĩ đại của chúng ta bị đe dọa nghiêm trọng.

Trong một lần trò chuyện với nhà văn Hữu Mai, người viết kịch bản cho bộ phim này, ông cho rằng: Chính Nguyễn Ái Quốc với tài năng đặc biệt, với sức cảm hóa phi thường đã tự cứu mình. Bộ phim hé lộ những chi tiết đắt. Dù được các cộng sự là những người đồng chí Việt Nam và Trung Quốc giúp đỡ, và luật sư Loserby hết sức bào chữa cho Nguyễn Ái Quốc trong các phiên xử, đồng thời sử dụng các quan hệ thân tín ở London hỗ trợ thêm, song điều bí mật chính là ở chỗ, mối quan hệ giữa vợ luật sư Loserby và vợ của Phó Thống đốc Hongkong.

Bà vợ Phó Thống đốc Hongkong là một trí thức, trong một lần đến thăm Nguyễn Ái Quốc ở nhà lao (cùng vợ luật sư Loserby), đã cảm phục tài trí của nhà cách mạng và tìm cách để giúp đỡ rất có hiệu quả. Sau này, bộ phim Vượt qua bến Thượng Hải còn tiết lộ những quan hệ khác, đặc biệt là Tống Khánh Linh đã giúp Nguyễn Ái Quốc trong giai đoạn cuối của cuộc hành trình thoát khỏi âm mưu độc ác của kẻ thù và an toàn trở lại Liên Xô. Đó cũng lại là một bằng chứng nữa, về sức cảm hóa và quan hệ lớn lao, cũng như tầm vóc của Nguyễn Ái Quốc trong hoạt động cách mạng quốc tế. Nguyễn Ái Quốc đã vận dụng được mọi khả năng và mối quan hệ trong những điều kiện ngặt nghèo nhất để chủ động vượt qua nó.

Trong lĩnh vực phim tài liệu, đạo diễn Bùi Đình Hạc và nhà biên kịch Hồng Hà đã được Nhà nước cử sang Liên Xô và một số nơi khác để tìm hiểu và làm phim về những năm tháng Nguyễn Ái Quốc ở nước ngoài. Sau một thời gian làm việc tích cực, hai bộ phim Nguyễn Ái Quốc đến với LêninĐường về Tổ quốc đã được thực hiện. Các nghệ sỹ này đã có cống hiến trong việc khám phá nhiều tư liệu được lưu trữ bí mật trong các kho tư liệu của Liên Xô, đã xác định được khoảng thời gian chính xác Nguyễn Ái Quốc đến với đất nước Lênin và làm rõ nhiều mối quan hệ, nhiều hoạt động quan trọng của Người.

100 năm đã qua.

Trong hành trình huyền thoại của Người còn biết bao bí ẩn mà chúng ta cần khám phá. Chưa ai trong chúng ta hình dung hết trong khoảng thời gian đằng đẵng ba mươi năm ở nước ngoài Người đã sống, đã lao động, đã học hỏi và suy nghĩ như thế nào khi đi qua nhiều châu lục. Những điều ấy vẫn còn là một nguồn đề tài phong phú mà các nghệ sỹ cần khám phá tái hiện.

Và tôi vẫn mong, vẫn hy vọng chúng ta có thêm những bộ phim hay hơn nữa về những năm tháng Bác Hồ đi tìm đường cứu nước. Góp phần lý giải những cội nguồn thiêng liêng và sâu thẳm của con đường cách mạng Việt Nam đã làm nên những thắng lợi thần kỳ trong thế kỷ XX, cũng như mở rộng hướng nhìn về tương lai, vượt qua những thách thức của một thời đại mới...

Thiên Sơn
.
.
.