Nhân vật lịch sử Việt Nam trong phim truyện

Thứ Ba, 13/11/2012, 19:44
Phim lịch sử Việt Nam không chỉ là “ngôi đền thiêng ít người hương khói”, mà gần đây, một số văn nghệ sĩ lại có khuynh hướng “giải thiêng”, thậm chí xuyên tạc lịch sử và anh hùng dân tộc.

Với 4.000 năm dựng nước và giữ nước, lịch sử Việt Nam rất đỗi hào hùng với những nhân vật đã đi vào sử vàng chói lọi, từ Bà Trưng, Bà Triệu, đến các triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần…, xứng đáng là mảnh đất màu mỡ cho các nhà làm phim truyện khai thác. Thế nhưng, phim lịch sử không chỉ là “ngôi đền thiêng ít người hương khói”, mà gần đây, một số văn nghệ sĩ lại có khuynh hướng “giải thiêng”, thậm chí xuyên tạc lịch sử và anh hùng dân tộc. Điều này làm dấy lên những tranh cãi. Nhưng có ý kiến cho rằng: nghệ thuật là hư cấu. Vậy, hư cấu cái gì và hư cấu đến mức độ nào, là câu hỏi đang cần lời giải đáp.

Chưa xứng tầm với quá khứ hào hùng

Theo nhà thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Điện ảnh Việt Nam, trong 60 năm điện ảnh nước ta, phim lịch sử dù đã có bước tiến nhưng còn ngập ngừng và chưa thoát khỏi qui mô nhỏ lẻ.

Từ thập niên 80 mới có một số ít phim lịch sử như “Đêm hội Long Trì”, “Kiếp phù du”, “Tráng sỹ Bồ Đề”, “Thăng Long đệ nhất kiếm”. Gần đây mới có thêm một vài phim, trong đó, có lẽ chỉ điểm mặt được một số phim có chất lượng: “Khát vọng Thăng Long”, “Long thành cầm giả ca”, “Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông”, “Vượt qua bến Thượng Hải”, “Tây Sơn hào kiệt” vv… Số phim lịch sử được làm rất khiêm tốn, nên mảng phim này dường như không để lại dấu ấn với khán giả.

Được đầu tư và quảng cáo rầm rộ, nhưng loạt dự án phim lịch sử mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội cũng nhiều trắc trở: phim “Thái tổ Lý Công Uẩn” phải bỏ ngang, phim “Trần Thủ Độ và người tình” không gây được tiếng vang gì, ngoại trừ việc diễn viên Thiên Lý bỏ phim vì cho là có “cảnh nóng” làm ảnh hưởng đến hình ảnh của cô. Phim “Huyền sử thiên đô” thì bị tố làm sai lệch lịch sử, vì có nhiều chi tiết lịch sử không có vv…

Cảnh trong phim Lý Công Uẩn, đường đến thành Thăng Long”.

Trong những phim sản xuất dịp này, “Lý Công Uẩn, đường đến thành Thăng Long” là một bộ phim gây tai tiếng nhất, nên hết hội đồng này đến hội đồng khác duyệt lên duyệt xuống, nhưng cuối cùng phim vẫn không được công chiếu. Có thể nói, đây là bộ phim gây phản ứng nhất trong làng điện ảnh Việt Nam từ trước đến nay. Bởi không chỉ ở hình thức, trang phục, cảnh trí, lời thoại và diễn xuất đều thuần Trung Quốc, mà chính nội dung phim đã tạo nên những cơn “dư chấn” của dư luận vì không thể hiện được tính xác thực của lịch sử Việt Nam.

Giáo sư sử học Lê Văn Lan, người gắn bó từ đầu với bộ phim này cho rằng, cảnh chém giết dài dặc ngay từ mở đầu phim nhằm miêu tả cảnh loạn 12 sứ quân, là hoàn toàn khác với lịch sử. Bởi tinh thần dân tộc Việt Nam vốn là hòa hiếu, nếu có chiến tranh, xung đột cũng chỉ thu phục là chính. Thực chất của loạn 12 sứ quân cũng chỉ là việc cát cứ của các thủ lĩnh và trong hơn 20 năm, chỉ có 3 cuộc giao tranh, nhưng chủ yếu là gọi hàng, mua chuộc, chứ không có cảnh đầu rơi máu chảy giữa anh em, trong triều đình như phim miêu tả: việc Đinh Liễn giết Hạng Lang rất rùng rợn với hình ảnh những chiếc chông xuyên lên mặt, lên trán, lên má.

GS. Lê Văn Lan nhấn mạnh: Những ekip làm phim người Trung Quốc đã đem gán lịch sử ở đất nước họ vào lịch sử Việt Nam là không thuyết phục. Cuộc kháng chiến chống Tống lần I của Lê Hoàn cũng bị phản ánh sai lệch. Chính sử còn ghi, khi quân Tống lăm le xâm lược nước ta, Lê Hoàn và triều đình khẩn trương tổ chức kháng chiến. Tinh thần và ý chí quyết thắng đã làm nên chiến thắng Bạch Đằng – Tây Kết lừng lẫy, có ý nghĩa cực kỳ to lớn khi đưa quân Tống vào thế đại bại, góp phần củng cố nền độc lập dân tộc trong gần một thế kỷ. Thế nhưng, bộ phim lại miêu tả trận đánh rất đơn giản, diễn ra ở một ngọn núi nào đó là Chu Tước, mà lịch sử Việt Nam chưa hề nhắc tới.

Chưa hết, tư tưởng phim còn có vấn đề, khi ở cảnh sư Vạn Hạnh ra đón đầu Lê Hoàn trước lúc ra trận, đã căn dặn “chớ có đánh, chỉ sau 21 ngày quân Tống tự rút quân” cùng với cẩm nang có câu “án binh bất động, giặc tự mà tan” và cảnh Lê Hoàn ra lệnh cho quân sĩ “ai đánh thì chém đầu”. Rõ ràng, tư tưởng này mâu thuẫn với truyền thống yêu nước, kiên cường bất khuất của dân tộc ta. Bởi thế, nhà sử học Lê Văn Lan xót xa: Việc phim cho rằng, chúng ta không cần đánh, mà giặc tự đến rồi sẽ tự rút, là cố tình phủ nhận lịch sử oai hùng của dân tộc đã dũng cảm đánh tan giặc Tống, giữ yên bờ cõi.

Đặc biệt, việc dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long là quyết định lịch sử sáng suốt và trí tuệ thiên tài của vị vua đầu triều Lý, vậy mà, phần kết bộ phim lại cho khán giả thấy rằng: việc dời đô ra Thăng Long chỉ là do học theo nhà Chu bên Trung Quốc!

Rõ ràng, trong nhiều bộ phim, giữa người nghệ sĩ và các nhà lịch sử đã không có cái nhìn đồng nhất trong thể hiện nhân vật lịch sử. Một bên đòi hỏi sự chân xác của lịch sử, một bên đòi được hư cấu để sáng tạo. Vì thế, chưa một bộ phim lịch sử nào của Việt Nam lại không bị coi là có “sạn”.

Trong khi đó, phim lịch sử của Trung Quốc, Hàn Quốc lại liên tục “bành trướng” trên sóng truyền hình, cũng như ở hệ thống rạp cả nước: Võ Tắc Thiên, Tam Quốc, Tân Tam Quốc, Binh pháp Tôn Tử, Càn Long, Từ Hy Thái Hậu, hay phim Hàn Quốc: Truyền thuyết Jumong, Nàng Dea Chang Cưm, Chốn hậu cung vv… Điểm chung ở các phim này là, dù có hư cấu về tính cách nhân vật, hay phản ánh dưới các góc nhìn khác nhau về nhân vật, thì những dấu mốc lịch sử quan trọng vẫn được đảm bảo. Chính điều đó không khiến người xem hoài nghi, hay gây tranh cãi

Thanh Hằng
.
.
.