Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý: Vẫn đợi chờ những dư âm đồng vọng
Sau khi bài báo về nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, tác giả của nhiều ca khúc để đời: Dư âm, Mẹ yêu con, Dáng đứng Bến Tre, Khúc tâm tình của người Hà Tĩnh, Người đi xây hồ kẻ gỗ… được đăng tải trên Cảnh sát Toàn cầu - một trong những ấn phẩm chuyên đề của Báo Công an nhân dân, nhiều bạn đọc trên cả nước đã chung tay ủng hộ người nhạc sĩ lão thành: nhà báo Lê Phương Dung gửi tặng 20 triệu đồng, chị Phương ở 26 Hàn Thuyên gửi tặng 20.000 đồng…
Tiếp tục chia sẻ khó khăn với nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, ngày 21/9, Trung tướng Hữu Ước, Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Xây dựng lực lượng, Tổng Biên tập Báo Công an nhân dân, đã chỉ đạo đồng chí Nguyễn Xuân Xe đại diện Báo Công an nhân dân trích từ quỹ thảo thơm của những người làm báo trao tặng ông 20 triệu đồng…
Đón chúng tôi trong căn nhà nhỏ trên con hẻm của đường Trần Khắc Chân, quận 1, TP HCM, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý rưng rưng lệ cho biết: Sau cơn tai biến vừa qua, sức ông đã yếu lại càng yếu thêm. Đến nay, tuy đã nhúc nhắc đi lại được nhưng cuộc sống gần như gói gọn trong vài chục mét vuông của ngôi nhà cùng người cháu.
Thượng tá Nguyễn Xuân Xe, đại diện Báo CAND trao tặng 20 triệu đồng của Báo CAND cho nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý. |
Ông tâm tình: Nhiều lúc ông thấy cuộc sống cô đơn quá, chỉ có một vài người ghé thăm, còn cho tiền. Ông thấy mừng, thấy vui. Không phải vui vì đồng tiền người ta cho. Đồng tiền cũng quý lắm, không có tiền nhiều khi chả làm được gì. Nhưng, trên cả đồng tiền, đó là tấm lòng, là thể hiện cái cách đối đãi của con người với con người. Bởi, chỉ có con người với con người mới có đôi mắt nhìn thấu lòng nhau…
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý kể rằng, bây giờ, một ngày mới của ông bắt đầu từ những 1h đêm. Không ngủ được, chỉ trằn trọc hoặc nhắm mắt để đấy nên ngày càng dài hơn. Con cái có cuộc sống riêng. Một người con làm giáo viên ở ngoài Hà Nội, thường mỗi năm thăm cha được 1, 2 lần. Một người con làm việc ở nhạc viện TP HCM, mỗi tháng qua thăm vài lần. Bạn bè thì ngày càng ít, thi thoảng mới có người ghé thăm nên có khách, có người trò chuyện là mừng lắm.
Khác xa hẳn cái thời tuổi trẻ, xông xáo khắp nơi, được hòa mình vào cuộc sống rồi viết, sáng tác. Nhớ, tiếc nhưng không dám nghĩ nhiều, sợ huyết áp tăng. Việc sáng tác thì bỏ hẳn. Cách đây vài năm, khi có đợt vận động sáng tác về Ngã ba Đồng Lộc, nghĩ đến sự hy sinh cao cả của 10 cô gái trong kháng chiến, cầm lòng không đặng, ông quyết định làm việc.
Thêm một ca khúc mới ra đời nhưng ít người biết rằng, để hoàn thành ca khúc ấy, ông đã phải vào viện thêm 2 lần. Đến lần thứ 2, nghe bác sĩ hỏi rằng: Ông có biết vì sao phải vào viện không? Nhạc sĩ gật đầu. Vị bác sĩ nọ trách: Biết rồi sao còn làm?... Tất nhiên người nghe qua câu chuyện đều hiểu nụ cười trừ của người nhạc sĩ già gượng gạo đến chừng nào. Sau "trận" ấy, ông bỏ hẳn công việc sáng tác. Có người bạn tặng cây đàn, nhớ nghề quá thì ông lại ngắm đàn chơi.
Về ca khúc cuối cùng ông sáng tác, nhạc sĩ bảo ông không nhớ chính xác tên nữa. Tính ông xưa nay vẫn thế, chỉ sáng tác, chưa bao giờ thống kê và nhớ chính xác mình đã viết bao nhiêu ca khúc, bởi ông quan niệm rằng, ca khúc nào mình viết ra mà không ai nhớ thì mình cũng không nên nhớ đến làm gì… Nhưng với bạn bè, người thân, người tri kỷ thì khác. Ông nhớ và luôn mong. Có người đến thăm để ông được trò chuyện vẫn là món quà vô giá lúc này