Nhạc sĩ Hồng Đăng, một người đa tài

Thứ Hai, 27/01/2014, 10:06
Hồng Đăng (Phan Đăng Hồng), quê ở xã Hoa Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, gọi Phan Đăng Lưu (1902-1941), nhà cách mạng tiền bối, Ủy viên TƯ Đảng CS Đông Dương năm 1939, bị thực dân Pháp xử bắn tại Hóc Môn năm 1941 là bác ruột. Đó là một gia đình trí thức lớn, có truyền thống yêu nước và cách mạng.

Hồng Đăng bước vào con đường nghệ thuật năm 15 tuổi. “Con đường nghệ thuật” của tôi, ông tâm sự, thoạt đầu không phải âm nhạc mà là kịch nghệ, làm thơ. Thời kháng chiến chống Pháp, sân khấu quần chúng rất sôi động. Tôi “bẻ” sang âm nhạc vì sự ”uất ức” trẻ con. Trong trường học ở quê, có người bạn chơi ghita,  tôi phục lắm, xin mượn tập nhạc lý, nhưng anh ta rất khệnh khạng, không cho mượn. Tức quá, tôi đi bộ một mạch 60km từ Yên Thành về TP Vinh mượn được một tập tài liệu âm nhạc cũ bằng tiếng Pháp. Học nghề từ đấy. Và sáng tác “Đời học sinh”, “Nhớ ơn Cụ Hồ. Nhớ ơn Cụ Hồ” được Tân Nhân hát và nhiều người biết đến.

Ông tốt nghiệp khóa đầu (khóa 1956-1959), Khoa Sáng tác Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia), cùng lứa với các nhạc sĩ nổi tiếng Tô Ngọc Thanh, Hoàng Hiệp, Hoàng Việt, Ngô Huỳnh, Nguyễn Thành, Vĩnh Cát, Huy Thục, Hồng Thao…

 Hồng Đăng được giới chuyên môn và công chúng coi là ngôi sao sáng nhất trong các nhạc sĩ trẻ thời  1957 – 1965, bột phát tài năng với những “Đường đi có ánh mặt trời”, “Tổ quốc tôi trong mười năm đã lớn”, “Quà tháng 5”… Ông là Hội viên sáng lập Hội Nhạc sĩ Việt Nam (1957) và là hội viên trẻ nhất lúc đó.

Sau này, ông lại nổi tiếng với “Hoa sữa”, “Biển hát chiều nay”, “Kỷ niệm thành phố tuổi thơ tôi”, “Hoàng hôn xa”...

Có một vài thời kỳ gián đoạn, chỉ đi chơi (đi chơi thật sự chứ không phải thú xê dịch sang trọng như Nguyễn Tuân), vậy mà gia tài âm nhạc của ông giờ điểm lại, cũng có hơn 700 bài. Nhạc sĩ Hồng Đăng là người nổi tiếng lắm bạn và ham chơi, hay tặng quà, không cái bật lửa thì cái bút, không bút thì thanh sô-cô-la, mấy cái kẹo. Vì thế cánh nhà báo trẻ rất mê ông. Khi tôi nói ông là người đa tài, ông nói ngay: “Mình là người đa bất tài”

Tôi chẻ chữ, gọi ông là “Ông Đa – Bất – Tài” với nghĩa Ông Đa, Ông Bất, Ông Tài. Đa là cái gì cũng biết, cái gì cũng ham, mê lắm người và cũng lắm người mê. Ông là Phó Tổng Thư ký Hội Nhạc sĩ Việt Nam trong hai khóa IV và V, là hội viên Hội Điện ảnh, hội viên Hội Nhà báo… Bất là ông sống hồn nhiên, giản dị, bất cần danh vị, tiền bạc. Tôi thấy ông có cốt cách của một nhà nho thanh cao “Tri túc tâm thường thái”, “Vô cầu phẩm tự cao”. Còn Tài thì ông là người có cái tài của trời đất ban cho, lại được theo học bài bản về âm nhạc, chuyên tâm đào luyện qua trường học, trường đời. Năm 2001, ông được nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật cho các tác phẩm: ca khúc “Biển hát chiều nay”, “Hoa sữa”, “Quà tháng năm”, “Kỷ niệm thành phố tuổi thơ” và hợp xướng “Lửa rực cháy”.

Vợ chồng nhạc sĩ Hồng Đăng, GS Hồ Ngọc Đại (hàng đầu) với các nhà báo thân thiết.

Trong âm nhạc, Hồng Đăng là một góc trời, một ngọn đèn riêng. Để sống, để viết, mỗi người phải tự nghĩ ra hoặc đi theo một triết lý nào đó. Hẳn nhiên là Hồng Đăng phải có một quan điểm mỹ học rất chắc chắn, tác phẩm của ông mới có sức sống lâu bền. Nhưng ông không thích nói chuyện lý luận, lý sự về nghệ thuật. Ông đùa: “Tôi không nghĩ khi viết. Tôi viết theo cảm xúc sống của mình. Thế thôi”. Ấy, thế nhưng lại là vấn đề lý luận đấy. Cùng một hiện tượng trong cuộc sống nhưng mỗi người có một cảm xúc khác nhau, do cảm nhận khác nhau, cách nhìn khác nhau, trái tim cũng khác nhau nốt. Cảm xúc cũng có đẳng cấp! Hồng Đăng thích nói chuyện chơi. “Về chơi”, ông nhận mình có triết lý hẳn hoi: Sống trong đời này vui là chính, lúc nào không vui là không sống! Tôi hay tặng quà, tôi hay kể chuyện vui, tôi muốn giúp mọi người… Nhìn thấy họ vui là tôi thích, họ vui là tôi vui, đời vui những niềm vui có thật dù là niềm vui nho nhỏ…

Hồng Đăng còn nổi tiếng một lĩnh vực nữa: Tử vi! Trong bốn người xem tử vi có tiếng nhất Hà Nội, có tên Hồng Đăng.

Ông kể: Tôi biết xem tử vi, có lẽ do tôi khá môn toán từ nhỏ. Nhưng có một lý do trực tiếp, tôi có một cháu gái sinh năm 1968, cháu rất kháu và đáng yêu, có tư chất đặc biệt. Năm 1970, có người bạn của cha tôi từ Hà Tĩnh ra chơi. Thân sinh nhạc sĩ Hồng Đăng là đồng chí Phan Đăng Tài, cán bộ Báo Nhân Dân, em ruột nhà cách mạng Phan Đăng Lưu. Ông cụ giỏi tử vi, tôi đem giờ sinh tháng đẻ của cháu ra hỏi, cụ phán một câu xanh rờn: “Cháu rất thông minh nhưng sợ không nuôi được!”.

Tôi nghe không tin, cả nhà cũng không ai dám tin. Ngờ đâu, 2 tháng sau, cháu đang chơi ở nhà mẫu giáo thì bị ngã. Đưa vào bệnh viện hôm trước, hôm sau cháu qua đời. Không thể nói hết nỗi đau của cả nhà lúc đó, còn tôi  giật mình nhớ lại lời ông cụ và hết sức tự trách mình, sao lúc đó không hỏi thêm ông! Thế là tôi lao vào tử vi. Lúc đó GS Trần Quốc Vượng đã khá nổi tiếng về môn này. Đến mượn sách ông Vượng, không biết ông không có sách hay là giấu nghề, không cho. Vào thời kỳ này tuy dân ai cũng lấy lá số, nhưng ngành văn hóa thì coi là mê tín dị đoan. Lại một lần “ức”. Vì cũng là bạn chơi lâu năm, tôi nói với ông Vượng: “Ông nhớ nhé, ba tháng sau tôi quay lại, đố ông bằng tôi”! Ba tháng sau quay lại “sát hạch”. Ông Vượng xem lá số của ông Viện, bố của ca sĩ Hồng Nhung, đoán rằng, vợ ông sẽ sinh con trai. Tôi đoán sinh con gái. Giao kèo là một con gà và một chai rượu tây. Cuối cùng Hồng Nhung sinh ra, ông Vượng thua, tôi đến đòi gà rượu, chỉ cười trừ…

Một ngày cuối năm 2013. Sa Pa và các tỉnh miền núi đổ tuyết. Về nông nghiệp, đó là “rét đậm, rét hại”, nhưng cái hiện tượng hy hữu ấy lại lôi cuốn khách du lịch, trong hai ngày 15,16/12 đến ngắm tuyết. Như đã có một châu Âu trong lòng Việt Nam. Hà Nội cũng rét run. Chị Thúy, một người rất yêu quý bè bạn của chồng lại tổ chức một buổi cà phê sáng bên hồ Thiền Quang. Hoa sữa đường Nguyễn Du không còn ngào ngạt bay hương nữa nhưng những kỷ niệm xưa vẫn còn đâu đó. Nhạc sĩ Hồng Đăng sinh vào ngày đầu tiên của năm 1936, đang bước vào tuổi bát thập, cái tuổi người xưa không dám mơ đến. Từ Khổng Tử đến Đỗ Phủ chỉ nói đến tuổi bảy mươi. Tôi thì cũng đã bước vào tuổi sáu mươi, tức là tròn một hội. Tôi đọc cho anh nghe bài thơ mới viết chưa ráo mực về một hội xuân đời của mình:

Ờ nhỉ, năm nay tròn một hội
Ta như đồng bãi đã xong mùa
Mà sao xuân đến từng gốc cỗi
Cũng bật mầm lên để mướt tơ…

Anh nói “yêu đời nhỉ” rồi trầm ngâm hồi tưởng nhịp trôi chảy của thời gian. Anh nhớ về quê hương, về tuổi nhỏ, về cái ngày mà cha mẹ đặt tên cho anh là Hồng, em gái tên Lam. Hồng Lam là tên một ngọn núi, dòng sông của Xứ Nghệ. Ê-ren-bua viết: “Dòng suối đổ vào sông, sông đổ vào dải trường giang Volga, con sông Volga đi ra bể. Lòng yêu nhà, yêu làng xóm, yêu miền quê trở nên lòng yêu Tổ quốc”. Chế Lan Viên viết: “Tình yêu quê hương là đỉnh núi dòng sông, Đến khi tột cùng là dòng huyết chảy”. Thế hệ Hồng Đăng là thế hệ nhạc sĩ cách mạng, của lòng yêu nước không ngừng cuộn chảy. Cuộc sống kháng chiến là cuộc sống trải qua những đau thương, thử thách hết sức khốc liệt. Cả dân tộc và mỗi số phận. Ông nói vui là không nghĩ nhiều về quan niệm thẩm mỹ trong hoạt động nghệ thuật của mình. Chỉ sống cho hết yêu thương, cho đến ngọt ngào. “Nhiều người thường than thân trách phận - nhạc sĩ Hồng Đăng châm thêm một điếu thuốc, rồi trầm giọng như tự nói cho mình một tổng kết cuộc đời - nhưng tôi rất cám ơn số phận. Số phận cho tôi sống vào một thời thật đẹp. Cho tôi được gặp những người anh, người bạn, người em thật tuyệt vời. Một truyền thống rất quý giá của lớp văn nghệ sĩ kháng chiến nói riêng, của văn nghệ sĩ Việt Nam là rất yêu thương, chia sẻ nhau. Có giận nhau, cãi nhau đôi chút rồi lại thương nhau...

Cuộc đời riêng của nhạc sĩ Hồng Đăng cũng không ít thăng trầm. Và ông muốn lắng lại thăng trầm, vùi sâu mất mát để cả cuộc đời chung, để mỗi một cuộc đời riêng luôn được xôn xao niềm vui trong nắng, mỗi con đường đều ngọt ngào kỷ niệm. “Kỷ niệm ngày xưa vẫn còn đâu đó, Những bạn bè chung, Những con đường nhỏ, Hoa sữa vẫn ngọt ngào đầu phố đêm đêm…”(Hoa sữa).

Ai cũng yêu đất nước, nhưng viết được tự nhiên, tha thiết và sâu lắng tình mình, sâu lắng lẽ muôn đời như Hồng Đăng thì không dễ: “Ơi biển Việt Nam, ơi sóng Việt Nam; Qua bao nhiêu thăng trầm mà chiều nay vẫn dịu dàng; Vùi sâu dưới đáy những gì đau thương; Biển lại hát tình ca, biển kể chuyện quê hương; Mỗi một tình yêu, mỗi một cuộc đời; Qua bao nhiêu thăng trầm lửa thử vàng mới nên người; Biển xanh vẫn nhắc những lời yêu thương; Biển lại hát tình ca, biển kể chuyện quê hương…”(Biển hát chiều nay).

Vậy đó, ông đã hát, cần gì phải nói; đã tinh chất, cần gì phải nói!

Nhưng đây là lúc tổng kết cuộc đời. Tôi hỏi ông về hạnh phúc, về ý nghĩa của cuộc sống con người. Thì ý nghĩa cuộc sống con người là hạnh phúc, ông nói. Được sinh ra trong đời là đã hạnh phúc rồi. Nói vậy thôi chứ quãng dài vừa qua cho đến nay của dân tộc là một quãng hào hùng nhưng gian khổ, đau thương quá. Mỗi người đều thăng trầm, đau khổ, nhưng người nghệ sĩ càng đau khổ hơn vì không chỉ chịu số phận của mình mà còn đau khổ vì lo nghĩ, thương cho nhiều số phận khác, cho cả dân tộc. Cái anh nghệ sĩ nó thế. Ông Nguyễn Du còn thương cho cả vong hồn của thập loại chúng sinh. Nhưng hạnh phúc có được cũng rất lớn, như trên đã nói. Với người nghệ sĩ, có được bài hát mà công chúng yêu thích, cũng là một hạnh phúc lớn. Lại có hạnh phúc nhỏ mà có thật như hôm nay chúng ta ngồi với nhau ở đây. Còn em Thúy, anh chỉ người vợ yêu của mình, thì là hạnh phúc khổng lồ!

Tất cả cùng cười. Chị Thúy tươi nhất. Quả thật so với anh Hồng Đăng, chị Thúy ngoài gương mặt đẹp, lại cao lớn, nhỉnh hơn anh một chút về vóc dáng…

Tôi lại hỏi anh về những sáng tác mới. Anh nói có đấy. Nhưng âm nhạc cũng như điện ảnh khó lắm, khổ lắm. Phải có người hát hay, có phối khí, có điều kiện biểu diễn tốt... Có những bản nhạc có giá trị nhưng cũng phải chịu số phận lênh đênh. Ngay cả Hoa sữa cũng phải mười năm mới được phổ biến.

- Anh có băn khoăn, hối tiếc gì về những điều mình chưa làm được, những điều mình chưa được làm?

- Về cá nhân thì không. Nhưng về cái chung cũng có điều đáng tiếc. Nước ta có một đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức rất quý. Tiếc là chủ trương, chính sách của Đảng rất đúng nhưng những người lãnh đạo chưa gần gũi, chưa có tình cảm, tương giao cần thiết để hiểu họ, động viên, khích lệ họ, cùng họ giải quyết các vấn đề một cách sát sao, cụ thể nhằm đưa hoạt động sáng tạo tiến lên mạnh mẽ hơn, tạo ra sự gắn bó máu thịt hơn. Những chuyên viên theo dõi các hội vừa không đủ năng lực, uy tín, thẩm quyền giải quyết nên chỉ nói chơi, nói suông… Tôi thấy cái sự “thay mặt” ở ta hơi bị lạm dụng. Có rất nhiều cái không thay mặt được. Cần phải đem chính danh và trách nhiệm cá nhân để tương tác và giải quyết vấn đề. Không biết tôi có đi hơi quá vấn đề không, ta trở lại âm nhạc nhé. Thấy anh “mướt tơ” thế, ông già 80 trong xuân này, cũng xin hiến tặng bè bạn và công chúng một bài hát mướt tơ và ngọt ngào về tình yêu…

N.S.Đ.
.
.
.