Nhạc sĩ Hoài Sa: Như bãi cát dài hoài im, trải lặng...

Thứ Tư, 14/11/2012, 10:31
Người ta càng lớn khôn, tâm hồn càng xộc xệch đi nhiều, nụ cười cũng bởi thế mà méo mó đi nhiều. Anh Sa thì không, vì tâm hồn anh không chịu sự xô lệch nào từ đời sống. Tâm hồn anh, nó miễn nhiễm được với tất cả những gì muộn phiền từ đời sống, một cách tự nhiên như thể chuyện bình thường mỗi ngày.

Trời Sài Gòn mấy hôm nay nóng lạ. Cái nóng của sự bắt đầu mùa khô thì phải? Cái nóng trải dài trên những con đường chỉ có nắng và nắng. Cái nóng của không khí lặng lẽ buổi trưa. Cái nóng làm tôi nhớ về ngày xưa, những ngày đầu tiên tôi đặt chân lên thành phố này, những ngày bỡ ngỡ, những ngày hân hoan, những ngày với những hoài vọng nhiều khi quá sức mình…

Tôi nhìn ra ngoài ô cửa sổ mở rộng của Ciao Café, ngay góc ngã ba Nguyễn Thiệp - Nguyễn Huệ, ngã ba rộng mà một lần nào đó tôi đã thấy bóng một người anh tôi băng ngang qua. Cái dáng gầy gầy, bước chân vội vội như lúc nào cũng muốn lao về phía trước. Trong vóc dáng ấy không ai có thể nhận ra một nét nào tạm gọi là nghệ thuật cả. Nó khô khốc như cái dấu xổ dọc hết một trường canh trên bản nhạc. Nó khẳng khiu như một dấu lặng viết vội xen giữa những nốt nhạc bay bướm. Nó không như cái tên mà bản thể ấy đeo mang. Các cụ xưa vẫn nói trông mặt mà bắt hình dong nhưng có lẽ các cụ nhiều khi cũng nhầm. Vóc dáng ấy không thể đại diện được cho hình dong của anh tôi, nhạc sỹ Hoài Sa.

Nếu giữa đời sống, tương phản là điều luôn mang lại những kỳ thú thì có lẽ, sự tương phản trong con người Hoài Sa là kỳ thú nhất. Con người đó không bộc lộ ra bên ngoài cái bản thể nghệ sỹ của mình và bất kỳ ai gặp anh, sẽ nghĩ anh cũng chỉ như vô vàn người bình thường lướt ngang, không dấu ấn, không điểm nhấn. Nhưng đặt Sa bên cây piano, tất cả sẽ ngỡ ngàng vì những cảm nhận ban đầu của mình đã bị lật sấp một cách vội vã. Những ngón tay dài, gầy lướt trên từng phím trắng đen kia sẽ tạo ra một không gian khác. Và tất cả sẽ nhận ra trước mắt mình là một tài hoa âm thầm và lặng lẽ. Để rồi nếu có ai đó thốt lên đôi lời ngợi khen, Sa sẽ bẽn lẽn cười, nụ cười quý giá bậc nhất theo đánh giá chủ quan của tôi. Đơn giản, ở tuổi này mà anh còn giữ được nụ cười bẽn lẽn như trẻ thơ, như một cậu bé lên mười mới chơi xong một etude khó và được người lớn vỗ tay thưởng khen, điều đó hẳn là đặc ân riêng của tạo hoá.

Người ta càng lớn khôn, tâm hồn càng xộc xệch đi nhiều, nụ cười cũng bởi thế mà méo mó đi nhiều. Anh Sa thì không, vì tâm hồn anh không chịu sự xô lệch nào từ đời sống. Tâm hồn anh, nó miễn nhiễm được với tất cả những gì muộn phiền từ đời sống, một cách tự nhiên như thể chuyện bình thường mỗi ngày.

Phải thừa nhận lứa sinh năm 1973 của anh Sa toàn người tài. Họ là những người thành danh sớm như anh Sa, như Đức Trí, như Anh Khoa, như A Dzìn, như Vĩnh Tâm… Nhưng trong cái đội hình đặc biệt đó, có lẽ không có ai để lại dấu ấn trong bạn bè như anh Sa. Tất cả đều nhìn vào anh Sa với một con mắt chung, con mắt mở rộng đầy tôn trọng. Khi nhìn vào Sa, người ta phải dẹp đi hết mọi mưu toan của đời thường lại, dẹp hết mọi ganh đua ghét ghen tầm thường lại, dẹp hết cả mọi xấu xa vốn vẫn thi thoảng (hoặc thậm chí là nhiều khi) nổi trội trong lòng mình.

Dễ hiểu, anh Sa không sân si, anh Sa không tham dự vào bất kỳ một âm mưu nào của đời sống âm nhạc vốn dĩ phức tạp. Anh Sa đơn thuần chỉ làm nhạc, làm nhà sản xuất và chơi đàn. Với anh như thế là đủ. Anh thích làm dấu lặng giữa những nốt nhạc đẹp đẽ nhảy múa quanh mình. Đời sống của anh cũng giản đơn chỉ thế, đúng như một nghệ sỹ thực sự chỉ biết đến nghệ thuật và chỉ nghệ thuật mà thôi. Đối diện một Hoài Sa như thế, ai dám và ai nỡ tính đến chuyện sân si của đời nữa.

Những ai từng biết anh Sa, từng chơi với anh Sa có lẽ chỉ “ngại” Sa đúng một điểm duy nhất mà thôi. Ấy là cái sự khó tính đến dị biệt của anh. Hoài Sa luôn đòi hỏi rất khắt khe trong những thứ anh tham gia, nhất là chơi nhạc và chơi đá bóng. Sa không chấp nhận sự “chơi cho có” mà anh đòi hỏi ở đó là chất lượng tối đa mà một cá nhân có thể làm được. Thế nên mới có chuyện vui, đội bóng đá nghệ sỹ hồi đó đi đá với nhau, một đội cởi trần, một đội mặc áo. Hễ anh Sa mặc áo thì đa số anh em cởi trần ngay. Họ sợ ở cùng đội với anh Sa, đá mà không hết mình là kiểu gì cũng nghe Sa la, nghe Sa cằn nhằn. Chuyện ấy vui nhưng nó mang lại nhiều cái lợi trong đời sống âm nhạc. Chơi nhạc với Sa, chắc chắn sẽ tiến bộ rất nhanh và cũng từ anh, đã rất nhiều nhạc công trẻ trở nên lành nghề hơn, nghiêm túc với nghề hơn và chính họ cũng thừa nhận điều đó, như Nguyễn Hữu, như Ngô Hoàng, như Minh Quân hay bây giờ là Khoa guitar…

Thật ra, Sa không đặt ra một tiêu chuẩn nào quá cao cho đồng đội của mình cả. Nhưng anh luôn đưa ra những yêu cầu làm cho đúng, cho “chất” để đồng đội phải cải thiện mình. Là người sản xuất, phối khí, Sa quá hiểu sự đồng đều về chất lượng sẽ tạo ra một sản phẩm theo đúng mong muốn và vì lẽ ấy, anh khắt khe với những đồng nghiệp với mình là vậy. Sự khắt khe của Sa, suy cho cùng, là sự khắt khe đáng yêu của một người cần hiểu rằng đối với âm nhạc, người nhạc sỹ, nhạc công phải “cư xử cho phải đạo”. Không thể qua loa với âm nhạc được, không thể tắc lưỡi theo kiểu “ừ vậy là đủ rồi” được. Sa sống vì âm nhạc, từ âm nhạc và trong âm nhạc trọn vẹn cả bản thân mình cũng là vì thế.

Sa vốn dĩ ít nói, ít xuất hiện trước công chúng. Nhưng khi anh đã xuất hiện, tất nhiên là phải có chuyện. Như cách anh trả lời phỏng vấn sau vụ lùm xùm của chương trình Giọng hát Việt vậy. Anh nói rất thẳng, nói rất quyết liệt không ngại va chạm, không ngại đánh giá nào cả. Nhưng trong những điều anh nói, người ta nhìn thấy sự cảm thông và thấu hiểu đối với Phương Uyên, người ta cũng thấy cả trách nhiệm của anh với những công việc mà anh đã nhận, đã làm. Đọc những điều Sa trả lời, ngay cả bạn bè thân nhất của anh cũng không nghĩ rằng đó là Sa. Sa vốn ít nói, vốn không giỏi hoạt ngôn, vốn thích lui lại phía sau những hào nhoáng của showbiz. Vậy mà đã xuất hiện. Đó là vì bạn, vì nghề, vượt ra ngoài tất cả những nghi ngại để khẳng định được rằng trong cuộc chơi đầy rẫy những toan tính kia, âm nhạc vẫn còn tồn tại những gì đáng được coi là tử tế.

Cách đây chưa lâu, Hồng Kiên, một người hay đùa tếu táo có đưa lên facebook một đường dẫn tới một ca khúc được ghi là “sáng tác: Hoài Sa”. Những người gần anh, hiểu anh đều biết đó là trò đùa từ sự sai lệch của những người đưa thông tin về ca khúc ấy. Sa không sáng tác bao giờ, anh chỉ làm hòa âm phối khí mà thôi. Nhưng sau câu chuyện đùa tếu táo kia, tôi chợt nghĩ đến một điều rất thực. Bây giờ, nhiều nhạc sỹ đang đi đòi sự tôn trọng đối với quyền tác giả, với bản quyền bản ghi bằng những phong trào mạnh mẽ. Nhưng mấy ai nghĩ đến chuyện quyền tác giả của những người phối khí như Sa hay không? Ca khúc, viết ra rồi, chỉ là phần hồn mà thôi. Cái thịt da, xương cốt của nó có được là nhờ những người như Sa. Tôn trọng tác quyền là tôn trọng lao động sáng tạo của người nghệ sỹ. Vậy thì những lao động sáng tạo của anh Sa và những nhạc sỹ như anh phải đòi hỏi sự tôn trọng đó từ nơi nào đây?

Sa đã sản xuất bao nhiêu album cho ca sỹ rồi? Có ai nhớ được điều đó hay không? Người ta ít khi để ý đến tên những người làm hòa âm phối khí như anh dù rằng chính những người đó đã tạo ra đời sống cho tác phẩm. Nhiều khi, nghĩ về Sa, tôi cứ hình dung ra anh như bãi cát dài, hoài im, trải lặng làm nền cho những đợt sóng vỗ vào mình. Những ca sỹ được Sa sản xuất giúp những tác phẩm của mình giống như những đợt sóng như thế. Để rồi nếu có ai viết lên trên bãi cát kia dòng chữ Hoài Sa đi nữa thì chỉ một đợt sóng thôi đã đủ xoá nhòa hết cả dòng chữ. Trong đời sống âm nhạc, Sa giống y như thế, cứ lặng lẽ mỗi ngày. Những hào nhoáng lộng lẫy bên ngoài đều thuộc về những đợt sóng, không thuộc về anh. Nhưng không có bờ cát là Sa, những đợt sóng cồn cào kia sẽ vỗ về đâu? Hay là chỉ vỗ về nơi vô vọng nào đó???

Tôi ngồi lặng nhìn ra ngoài phố. Chỗ đó, nơi đó, tôi đã từng một lần thấy anh băng qua, đẩy chiếc xe nôi bé xinh và đi bên người vợ trẻ. Sa bây giờ đã là chủ gia đình rồi, đã sống một cuộc sống khác ngày tôi gặp anh lần đầu, ở nhà anh chị Cẩm Vân-Khắc Triệu. Nhưng bản thân anh thì vẫn vậy thôi, vẫn chỉn chu, vuông tròn với từng nối nhạc. Anh sinh ra là để sống trong không gian ấy, không khác được và không thoát ra khỏi nó được. Kể cả khi anh chơi đá banh cũng vậy, cũng mềm mại y như cách anh dạo ngón tay trên từng phím piano. Và có lẽ, lúc đó, trong mắt Sa, những người cùng chơi trên sân bóng với anh cũng như từng nốt nhạc đang nhảy múa mà anh như một dấu lặng, đùa chơi với những nốt nhạc ấy, một cách nhịp nhàng và khéo léo để rồi từ chỗ ẩn mình đâu đó, thỉnh thoảng, chính anh, là người sẽ tung cú dứt điểm cuối cùng để ghi bàn…

Hà Quang Minh (Chuyên đề An ninh thế giới giữa tháng số 58)
.
.
.