Nhà văn Y Ban: Hãy "lắng nghe" tác phẩm của nhà văn nữ

Thứ Bảy, 04/03/2006, 08:59

“Những nhà văn nữ thực sự đang đóng góp cho sự tiến bộ của xã hội, bằng các tác phẩm của mình. Bắt đầu từ việc họ thay đổi chính mình, tiến bộ hơn, văn minh hơn. Tôi muốn xã hội hãy đọc tác phẩm của nhà văn nữ như một sự lắng nghe, một sự thấu hiểu. Vì đó chính là tiếng lòng của họ, là những khát khao tự giải phóng bản thân mình”, nhà văn Y Ban nói.

- Từ những tên sách của chị: "Người đàn bà có ma lực", "Bức thư gửi mẹ Âu Cơ", "Đàn bà xấu thì không có quà"... có thể thấy phụ nữ là đề tài mà chị quan tâm nhất. Phải chăng, chính là nhà văn Y Ban đang tự vẽ chân dung mình?

- Nói chính xác thì tôi đang vẽ chân dung đồng giới mình. Khi tôi đặt bút viết về thân phận một người đàn bà nào đó, tôi đã hóa thân vào họ, kể lại những câu chuyện của họ. Tôi chỉ có một gương mặt. Còn hình tượng người phụ nữ trong các tác phẩm của tôi có nhiều gương mặt khác nhau. Tất nhiên, trong các gương mặt ấy có một phần gương mặt của tôi. Vì vậy, có thể tôi viết chưa hay, chưa tới, nhưng tôi không viết giả tạo.

- Trong văn học thời kỳ trước đây, có rất ít cảnh phụ nữ ngoại tình. Nhưng trong các tác phẩm của chị, và nhiều nhà văn đương đại khác, hình ảnh người đàn bà ngoại tình (có thể chỉ là trong tư tưởng) lại hơi... nhiều. Vì sao vậy, chị Y Ban?

- Phải nói rằng xã hội nào thì hoàn cảnh đấy. Và thân phận của người phụ nữ thể hiện rõ nhất hoàn cảnh xã hội mà chị ta đang sống. Trong xã hội phong kiến, trong chiến tranh, thế giới quan của người phụ nữ chỉ bó gọn trong một gia đình, một cái làng nhỏ, phải đối diện với những lề thói, hủ tục, sự soi mói của người đời nên rất khó để người phụ nữ thay đổi cuộc sống của mình.

Nhưng trong xã hội hiện đại đã khác đi nhiều. Người phụ nữ độc lập, tự chủ hơn. Họ có xu hướng sống cho bản thân mình, chiều chuộng cảm xúc của chính mình. Khát vọng hạnh phúc của người phụ nữ thể hiện ở khát vọng chinh phục người đàn ông. Và chinh phục người khác giới cũng chính là để chinh phục chính mình.

Tôi có cảm giác rằng, quan hệ nam nữ là vấn đề được quan tâm nhiều nhất trong thời đại ngày nay, thậm chí nó còn được người ta bao che, dung túng. Nó là một đề tài "béo bở" cho văn học nghệ thuật.

- Vậy chị quan tâm đến đề tài này có phải là chạy theo trào lưu hay đơn thuần chỉ là sự quan sát?

- Tôi không chạy theo trào lưu. Tôi nắm bắt sự thay đổi của cuộc sống và thể hiện nó trên trang viết.

- Trong văn học hôm nay, người phụ nữ có xu hướng cởi bỏ những ràng buộc và dũng cảm mở toang những cánh cửa của những khát vọng thầm kín. Nhìn từ góc độ xã hội, điều này thể hiện sự thay đổi trong quan niệm của xã hội đối với người phụ nữ như thế nào, thưa chị?

- Tôi nghĩ, trả lời chính xác câu hỏi này cần có các nhà xã hội học. Tôi chỉ muốn tâm sự rằng, từ khi tác phẩm đầu tiên của tôi được công bố năm 1989 đến nay đã 17 năm, tôi chưa bao giờ nhận được một hồi âm chính thức nào của những độc giả nữ. Tôi không hiểu tại sao. Nhưng mà tôi biết rất rõ rằng, rất nhiều phụ nữ đã say mê đọc "Bức thư gửi mẹ Âu Cơ", "Người đàn bà có ma lực" của tôi, dù họ chẳng bao giờ có ý nghĩ cầm bút viết thư cho tôi. Bù lại, tôi thường nhận được phản hồi từ những độc giả nam giới. Họ bảo tôi ghê gớm quá, tôi khiến cho nhiều phụ nữ trở nên nổi loạn.

Thực ra, khi viết về những người phụ nữ hôm nay, mổ xẻ và phân tích thân xác cũng như thân phận của họ, tôi muốn rằng các tác phẩm của tôi sẽ là thứ để họ vin vào và đứng dậy. Tôi muốn chỉ ra rằng, đàn bà chúng ta, họ đau khổ và phức tạp hơn, ngay từ trong ý nghĩ. Họ bị hành hạ bởi những suy nghĩ, có khi chỉ là rất nhỏ nhoi, như một phút xao lòng. Tôi muốn chỉ cho họ một lối đi, để họ hiểu rằng, cuộc sống là thế đấy, đàn bà là thế đấy, đừng dằn vặt bản thân mình, đừng hỏi tại sao.

Từ các câu chuyện của mình, tôi cũng có thêm tham vọng là chỉ cho phụ nữ những ranh giới, để họ biết dừng lại, khi họ là phụ nữ. Đó là con đường mà các nhà văn nữ trước tôi và cả các bạn nữ viết văn sau này vẫn sẽ tiếp nối nhau. Những nhà văn nữ thực sự đang đóng góp cho sự tiến bộ của xã hội, bằng các tác phẩm của mình. Bắt đầu từ việc họ thay đổi chính mình, tiến bộ hơn, văn minh hơn. Tôi muốn xã hội hãy đọc tác phẩm của nhà văn nữ như một sự lắng nghe, một sự thấu hiểu. Vì đó chính là tiếng lòng của họ, là những khát khao tự giải phóng bản thân mình.

- Chị đánh giá thế nào về vai trò của người đàn ông trong công cuộc giải phóng phụ nữ?

- Tôi có suy nghĩ là, mỗi người phụ nữ phải luôn luôn có ý thức tự cởi trói cho mình khỏi những ràng buộc. Họ sẽ phải giải quyết những vấn đề của chính mình trên con đường đi tới sự thừa nhận của toàn xã hội. Ở nước ta, và nhiều nước khác, kể cả những nước phát triển, nơi phụ nữ được phát huy tối đa quyền bình đẳng của mình, vẫn có các ủy ban, các hiệp hội bảo vệ phụ nữ, vì sự tiến bộ của phụ nữ. Nhìn, để thấy rằng, phụ nữ, dù thế nào cũng là những người yếu đuối và cần được bảo vệ, được chia sẻ. Phụ nữ cần nhận được từ phía những người đàn ông sự khích lệ, tình yêu thương. Đó còn là trách nhiệm của người đàn ông, vì họ hiểu hơn ai hết, rằng người phụ nữ mang một sứ mệnh quan trọng, có ảnh hưởng lớn với người đàn ông và những đứa con. Chính là những người đàn ông sẽ góp phần tạo ra một thế giới bình đẳng hơn.

- Chị Y Ban, chị đã từng là mẹ và cũng đã có con gái. Hãy nhìn vào 3 thế hệ phụ nữ trong gia đình: mẹ chị, chị, con gái chị để nhìn ra sự khác biệt của cuộc sống hôm nay...

- Mẹ tôi, tôi và con gái tôi đều là những người phụ nữ mạnh mẽ. Tôi cảm nhận rằng mạnh mẽ là một điểm nổi bật trong phẩm chất của người phụ nữ Việt Nam, dù nhìn vẻ ngoài họ là những phụ nữ nhu mì, cam chịu. Họ đã phải nén cảm xúc của mình hàng nghìn năm và lúc nào họ cũng có "nguy cơ" bùng nổ. Mẹ tôi phải nuôi một bầy con khi bố tôi đi chiến trường. Bà chèo chống với thời kỳ đói nghèo để nuôi gia đình.

Tôi là thế hệ giao thời, với những buồn - vui, sướng - khổ không rành rẽ. Giống như mẹ tôi, tôi luôn coi trọng việc học hành của con cái. Thời của mẹ tôi, nghèo khó nhưng không phải lo lắng nhiều về cái gọi là đạo đức của con gái mình. Tôi đầy đủ hơn nhưng lại luôn lo lắng. Con gái tôi 15 tuổi và lúc nào tôi cũng tự hỏi cháu sẽ tránh khỏi những cám dỗ của đời sống hiện đại ồn ào như thế nào. Nhưng con gái tôi khác biệt với tôi và mẹ tôi một điểm lớn, đó là tính độc lập.

- Xin cảm ơn chị Y Ban!

Đoan Trang
.
.
.