Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư: “Đằng sau thành công là gánh nặng”

Thứ Hai, 30/01/2006, 16:42
“Cánh đồng bất tận” là một lối viết hoàn toàn mới của nhà văn trẻ Nguyễn Ngọc Tư. Người đọc không tìm thấy sự mơ mộng, lãng mạn trên những cánh đồng như người ta tưởng. Cuộc sống người nông dân được “bóc vỏ” trần trụi như nó vốn có. Khốc liệt, quằn quại và dữ dội.

Ngay khi vừa ra đời, tác phẩm đã tạo nên cơn sốt dư luận. Sách có số lượng phát hành lên tới 25.000 bản - số ấn bản cao nhất cho sách văn học Việt Nam trong năm 2005. Sau đây là cuộc trò chuyện của chúng tôi với nhà văn Nguyễn Ngọc Tư.

 

- Đọc “Cánh đồng bất tận”, tôi thấy nhân vật bị “dồn đuổi” ráo riết quá! Vì sao chị không mở cho nhân vật một lối thoát?

- Không có lối thoát nào cho người luôn khép lòng mình vào trong nghèo đói, dốt nát và hận thù. Lối thoát chính là khi người ta mở lòng ra tha thứ cho cuộc đời vốn nhiều phản trắc.

- Nỗi đau không còn gì đau hơn, nỗi buồn không còn gì buồn hơn. Tràn ngập trong những câu văn là nỗi cô đơn “hoang hoải” của số phận con người. Bắt nguồn từ đâu mà chị đã quyết định viết những trang văn như vậy?

- Bắt nguồn từ cảm xúc. Tôi sống trong đầy ắp tình thương yêu của gia đình, đồng nghiệp, bè bạn. Vậy thì rơi vào bối cảnh hoang liêu tiêu điều như thế thì mình có điên không? Chắc có, cô đơn rất dễ sợ.

- Nhân vật trong “Cánh đồng bất tận” có nguyên mẫu không?

-  Không, tôi tự nghĩ ra. Tìm đỏ con mắt cũng không thấy người nông dân Nam Bộ nào dữ dằn vậy đâu.

-  Có người còn cho rằng “Cánh đồng bất tận” viết về sex còn hay hơn cả một số tác phẩm của các cây bút nữ thời thượng hiện nay. Lúc bắt tay vào viết “Cánh đồng bất tận”, chị có “cố tình” viết sex một tí cho tác phẩm có thêm “gia vị” không?

-  Thế bạn thấy tôi có cố tình không? Chuyện tôi có “cố tình” không là suy nghĩ của người đọc, họ cho tôi thế này, thế khác là tùy. Tôi mà nói là “không” thì họ bảo tôi chối bỏ. Nói “có” tôi thấy không đành…

-  “Cánh đồng bất tận” là một tác phẩm gây xôn xao dư luận. Vừa mới ra đời đã được độc giả nồng nhiệt đón nhận. Đây là cách viết rất mới của chị. Lần đầu tiên chị chọn cho mình một “lối đi” riêng. Để tách ra khỏi bút pháp quen thuộc của mình, chị có cần thời gian để “lắng lại” không?

- Không, tôi có bị khuấy động gì đâu mà cần “lắng”. Khi tôi  viết nó xong, tức là xao động cũng qua rồi. Lâu rày, chỉ tác phẩm làm cho tôi thấy run rẩy, những việc chung quanh nó thì không.

Chị có cho rằng đây là một “cú hích” để chị quyết định chọn hướng viết cho mình?

- Không, đây là một vụ “xen canh”.

- Năm 24 tuổi, chị đã đoạt giải nhất cuộc vận động sáng tác văn học tuổi 20. Nhưng năm nay, ở độ tuổi 29, chị đã khiến độc giả “giật mình” hơn nhiều. Cảm xúc của chị khi đón nhận thành công của mình lần này có gì khác so với cảm xúc của chị ngày ấy?

- Cảm giác đã thay đổi ít nhiều, lần này tôi thấy đằng sau thành công là gánh nặng.

Truyện ngắn “Cánh đồng bất tận” có hơi hướng của tiểu thuyết. Sắp tới, chị có dự định cho ra đời cuốn tiểu thuyết nào không? Hiện nay, có nhiều nhà văn bắt đầu “có hứng thú” với tiểu thuyết đề tài lịch sử. Chị có ý định thử sức với đề tài này không?

- Không. Ban đầu tôi định viết “Cánh đồng bất tận” như một tiểu thuyết. Nhưng tôi không đủ sức, nó quá dài mà sự kiên nhẫn của tôi thì ngắn.

- Xin cảm ơn nhà văn Nguyễn Ngọc Tư!

Nguyễn Thị Hồng Hà (thực hiện)
.
.
.