Nhà văn Nguyễn Đình Tú: “Nhân vật chỉ là con đẻ của trí tưởng tượng chủ quan mà thôi”

Thứ Bảy, 27/05/2006, 08:19

“Nhân vật của tôi có thể giống người này, người kia ở ngoài đời nhưng lại cũng chẳng giống ai cả. Dẫu sao thì nhân vật cũng chỉ là con đẻ của trí tưởng tượng chủ quan của người viết mà thôi”, nhà văn Nguyễn Đình Tú, tác giả của tiểu thuyết “Hồ sơ một tử tù”, chia sẻ.

 Sau hàng loạt các tập phim gay cấn trong series phim “Cảnh sát hình sự” được trình chiếu trên Đài Truyền hình Việt Nam, sắp đến, Trung tâm sản xuất phim truyền hình Việt Nam sẽ cho ra mắt bộ phim “Lời sám hối muộn màng”, được chuyển thể từ tiểu thuyết “Hồ sơ một tử tù” (NXB CAND-2002) của nhà văn trẻ Nguyễn Đình Tú (tiểu thuyết đoạt giải B - giải thưởng văn học về đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống 1995-2005” của Hội Nhà văn Việt Nam và Bộ Công an), đạo diễn: Vũ Minh Trí, biên kịch: Trần Hoài Văn, biên tập: nhà văn Thùy Linh. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với nhà văn Nguyễn Đình Tú, tác giả tiểu thuyết “Hồ sơ một tử tù” trước khi bộ phim được công chiếu.

- Được biết “Hồ sơ một tử tù” tiểu thuyết đầu tay của anh được chuyển thể thành 10 tập phim “Lời sám hối muộn màng”, dự kiến trình chiếu trên VTV1 vào đầu tháng 5 này, cảm giác của anh thế nào?

- Tôi cũng đang đón đợi xem phim. Tuy nhiên tiểu thuyết là tiểu thuyết, còn điện ảnh là điện ảnh. Nếu phim hay chẳng phải vì tiểu thuyết của tôi hay. Nếu phim dở cũng chẳng phải vì tiểu thuyết của tôi dở. Tiểu thuyết “Hồ sơ một tử tù” và bộ phim truyền hình dài tập “Lời sám hối muộn màng” là hai thể loại khác nhau, nếu ví đó là hai cô gái thì đó là hai cô gái có hai khuôn mặt khác nhau, hai tính cách khác nhau, hai đời sống khác nhau… Có cái gì đó liên quan đến nhau chẳng qua chỉ là thoạt nhìn thì thấy hai cô hình như hao hao giống nhau!

- Có người nói tiểu thuyết vốn là một thử thách đối với những nhà văn trẻ. Chọn đề tài về người chiến sĩ công an phải chăng anh tự đặt cho mình một thử thách?

- Khi bắt tay viết “Hồ sơ một tử tù” tôi mới 27 tuổi, quả là còn rất trẻ. Người viết trẻ có cái khó khi viết dài là vốn sống ít, độ từng trải kém, hiểu biết về mọi mặt của đời sống xã hội còn nhiều hạn chế, vân vân và vân vân, nhưng lại có cái hay là liều lĩnh và hăng máu. Liều thì mới dám ngồi sáu tháng trời làm cái công việc là viết ra một cuốn tiểu thuyết gần 300 trang với tất cả sự non nớt của mình, hăng thì mới dám đóng gói bản thảo gửi sang nhà xuất bản CAND và sau mỗi tuần lại điện đến hỏi: Sách của tôi in chưa? Có hay không? (Cười).

Còn về đề tài, không phải tôi chọn mà là đề tài chọn tôi. Sau khi đã viết vài chục cái truyện ngắn rồi, thấy cần phải viết một cái gì đó khác đi, thế là viết dài. Muốn viết được dài thì phải viết cái gì mình biết và hiểu nhất. Thế là viết về lĩnh vực công tác của mình. Lĩnh vực ấy có những nhân vật như công tố viên, điều tra viên, thẩm phán, luật sư… Và người chiến sĩ công an xuất hiện trong tác phẩm của tôi với một lý do giản dị như vậy.

- Lại có người nói, anh khá thành công với mảng đề tài viết về các vụ án? Anh nghĩ thế nào? Điều này có can hệ gì với một người đã từng tốt nghiệp Trường đại học Luật Hà Nội như anh?

+ Tôi viết về nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội. Độc giả ghi nhận ở tôi điều gì tôi xin cảm ơn về điều ấy. Còn việc những sáng tác của tôi có can hệ đến ngành học của tôi hay không thì tôi nghĩ, văn học xét cho cùng là những giọt ký ức được chắt lọc, mà ký ức thì làm sao thiếu vắng những năm tháng mình đã từng ngồi trên ghế nhà trường dù đó là trường phổ thông hay các trường chuyên nghiệp sau này...!

- Vậy mà mọi người lại nghĩ anh có sự  tham gia sâu vào vấn đề kịch bản cũng như quá trình dựng phim?

- Tôi có được biên kịch chuyển cho xem kịch bản văn học. Nhìn chung tôi ưng ý và không tham gia gì. Kịch bản có xây dựng thêm một tuyến nhân vật - Điều tra viên Toàn - song song với nhân vật chính - Tướng cướp Phạm Bạch Đàn - để tạo kịch tính cho phim. Trong tiểu thuyết của tôi Điều tra viên chỉ là một nhân vật phụ. Thao tác này chứng tỏ những nhà làm phim đã rất biết khai thác tiểu thuyết của tôi cho loạt phim cảnh sát hình sự của họ.

Còn quá trình dựng phim thỉnh thoảng tôi cũng được nhà văn Thùy Linh, Trưởng phòng biên tập nội dung 1 của Trung tâm sản xuất phim truyền hình Việt Nam hỏi thêm về các chi tiết trong tiểu thuyết, nhất là có thể chỉ ra “thực địa” cho đoàn làm phim đến quay, nhưng quả thực tôi không giúp được gì vì nhiều trang tiểu thuyết là sản phẩm của trí tưởng tượng, nó phong phú hơn đời thường và khó tái tạo bằng hình ảnh thực.

- Anh có sử dụng nguyên mẫu ngoài đời nào để xây dựng nhân vật tướng cướp Phạm Bạch Đàn?

- Tôi có thời gian khá dài làm trong một cơ quan bảo vệ pháp luật nên thường xuyên được tiếp xúc với hồ sơ của các tử tội. Rồi đọc báo thấy đưa tin nhiều vụ tử hình mà phạm nhân là những sinh viên bị tha hóa. Tôi  bị ám ảnh bởi những vụ hành quyết ấy. Và tôi viết cuốn sách của mình lúc đầu chỉ để giải tỏa nỗi ám ảnh ấy thôi. Tất nhiên, khi dựng chuyện tôi có dựa vào một số vụ án cũng như một số nguyên mẫu mà tôi biết. Nhân vật của tôi có thể giống người này, người kia ở ngoài đời nhưng lại cũng chẳng giống ai cả. Dẫu sao thì nhân vật cũng chỉ là con đẻ của trí tưởng tượng chủ quan của người viết mà thôi.

- Anh muốn gửi gắm điều gì qua cuốn tiểu thuyết của mình?

- Nhà phê bình văn học Chu Thị Thơm “bắt quyết” cuốn tiểu thuyết của tôi rằng, đó là thông điệp về lẽ sống qua một cái chết. Tôi nghĩ đánh giá như thế là khái quát nhất về những điều tôi muốn nói qua cuốn sách của mình.

- Sau “Hồ sơ một tử tù”, anh có định tiếp tục khai thác đề tài an ninh trật tự? Anh sẽ cho ra mắt những bộ “Hồ sơ” mới chứ?

- “Đề tài” chẳng qua chỉ là cách định tính của các nhà phê bình. Tôi không đi chọn đề tài cho mình để viết. Tôi sẽ viết cái gì và vào lúc nào, điều ấy tùy thuộc vào điều kiện tự thân cho phép.

- Xin cảm ơn nhà văn Nguyễn Đình Tú về cuộc trò chuyện này!
Yên Trang
.
.
.