Nhà văn Đỗ Bích Thúy: Tác phẩm đầu tay hay “ám” vào số phận văn chương

Chủ Nhật, 02/03/2014, 10:00
Đỗ Bích Thúy là tác giả thuộc thế hệ nhà văn được sinh ra và trưởng thành sau năm 1975. Văn của chị dung dị, đẹp thuần khiết như không khí của núi rừng nơi chị đã sinh ra và lớn lên. Chị có biệt tài tả cảnh, nói đúng hơn là chị vẽ cảnh miền núi bằng những con chữ.

Cách đây gần mười năm, trên văn đàn chứng kiến sự vụt sáng của chị cùng không quá nhiều người thuộc lứa nhà văn trẻ đã cho chúng ta thêm hy vọng về một giai đoạn văn học Mới, nhưng luôn có sự tiếp nối và làm giàu đẹp thêm vốn văn hóa dân tộc. Hiện nay, Đỗ Bích Thúy là Phó Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Chúng tôi xin giới thiệu cuộc trò chuyện giữa phóng viên Báo CAND và nữ nhà văn Đỗ Bích Thúy.

PV: Lần đầu tiên tôi được đọc những truyện ngắn của chị là những truyện in trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Vậy đó có phải là những tác phẩm đầu tay của chị không?

Nhà văn Đỗ Bích Thúy: Thực ra thì tôi viết trước khi tham gia cuộc thi ở VNQĐ từ khá lâu rồi, và truyện ngắn đầu tay là “Chuỗi hạt cườm màu xám”, một truyện in trên Báo Tiền phong năm 1994 và được trao tặng thưởng “Tác phẩm tuổi xanh” năm đó. Một truyện ngắn nhỏ xinh, đơn giản, hơi buồn buồn. Sau này tôi nghe một số người nói, tác phẩm đầu tay hay “ám” vào số phận văn chương của mỗi nhà văn. Kiểu như truyện đầu tay mà viết buồn thì văn chương sau đó cứ viết buồn mãi, mà viết vui cũng khó hay; hoặc thậm chí là cái tên truyện thôi, đôi khi nó cũng giống như một “định mệnh”. Tôi thấy cái cách đúc kết ấy rất thú vị. Cho đến giờ, gần hai chục năm sau khi viết truyện ngắn đầu tay, tôi cảm thấy đúng là văn chương của mình khó mà viết hay về những điều vui vẻ được. Tôi viết vui, viết hài nó vô duyên lắm.

PV: Ngày đó tôi cũng mới chập chững vào nghề viết nên theo dõi cuộc thi trên VNQĐ khá sát sao, tôi thấy mỗi truyện ngắn của chị in ra là mỗi bước tiến mới, truyện cuối cùng in dự thi là một cú “nốc ao”. Vậy đây là “chiến thuật” của chị hay đơn thuần là sự trưởng thành lên qua từng trang văn của chính bản thân?

Nhà văn Đỗ Bích Thúy: Làm gì có cái gọi là “chiến thuật” chứ (cười). Văn chương đâu phải thứ mà hễ muốn có là được. Có những cái ấp ủ nhức nhối mãi mà viết chẳng nổi, có những cái nó vụt đến như trời cho. Tôi thì hồi ấy vừa thi ở VNQĐ vừa run, vì thấy hàng loạt tên tuổi đã xuất hiện rồi. Nhưng tôi nhớ là các anh ở Ban Biên tập hay động viên, kiểu như: Cái chuyện này vào sơ khảo rồi đấy. Viết tiếp đi nhá. Rồi, cái này đã lọt vào chung khảo. Viết cố cái nữa. Rồi cuối cùng thì nhà văn Khuất Quang Thụy đùa: Em chuẩn bị bao tải đến để lĩnh tiền thưởng, gì chứ tiền 500 đồng thì phải đựng bao tải là cái chắc. Sau này nghĩ lại thì thấy nếu như mình không tham gia ở cuộc thi của VNQĐ năm ấy thì không biết bao giờ mình mới viết được về miền núi như thời gian qua. Người khơi cái mạch nguồn miền núi trong văn chương của tôi chính là các nhà văn ở VNQĐ năm ấy.

PV: Để tạo ra được sự ảo diệu trong mỗi trang văn của mình, chị có thường đi về miền núi, có thường đọc những tác phẩm viết về miền núi của các nhà văn như Ma Văn Kháng, Phạm Duy Nghĩa, Nguyễn Huy Thiệp…

Nhà văn Đỗ Bích Thúy: Mỗi người viết về miền núi có một cách tiếp cận khác nhau cũng như cái bối cảnh mà họ sống, làm việc, sáng tác cũng khác nhau. Ví dụ nhà văn Ma Văn Kháng viết về miền núi Lào Cai, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp nhiều năm ở Sơn La, còn tôi lại ở Hà Giang… điều này chi phối nhiều trong cách nhìn, cách cảm về miền núi. Tôi phải đọc của họ chứ. Với tôi đọc không chỉ để thưởng thức mà là một công việc. Trong khi đọc mình có thể tránh những cái mà người khác đã viết, cũng trong khi đọc, có rất nhiều ý tưởng được bật ra.

PV: Văn nghệ Quân đội đang mở cuộc thi truyện ngắn, hằng ngày chị tiếp xúc nhiều với những tác phẩm của người viết, trong đó không thiếu những tác phẩm đầu tay, chị có ấn tượng với sự xuất hiện của tác giả nào? Chị có thấy ai đang đi lại những bước đi của mình gần mười năm về trước?

Nhà văn Đỗ Bích Thúy: Cuộc thi của VNQĐ mới đi được một nửa chặng đường, tôi xin không đưa ra bất kỳ đánh giá cụ thể nào về các tác giả, tác phẩm đã xuất hiện trên tạp chí trong một năm qua. Nhưng cuộc thi này của chúng tôi đang hé lộ những gương mặt mới, trong đó đáng kể nhất là một số tác giả trẻ, rất trẻ đã và đang có cách tiếp cận, khai thác, xử lý đề tài người lính và chiến tranh cách mạng rất thú vị, hấp dẫn, mới mẻ. Chúng tôi hy vọng họ sẽ vào sâu hơn nữa, từng bước một, giống như tôi, Nguyễn Đình Tú đã từng làm hơn mười năm trước.

PV: Xin cảm ơn chị về cuộc trò chuyện này

Nguyễn Thế Hùng (thực hiện)
.
.
.