Nhà văn Dan Brown tái xuất với tiểu thuyết mới “Biểu tượng đã mất”

Chủ Nhật, 20/09/2009, 09:10
Ngay trong những ngày phát hành đầu tiên (kể từ ngày thứ ba 15/9/2009), cuốn tiểu thuyết mới và cũng là tác phẩm thứ năm của nhà văn Dan Brown "The Lost Symbol" (Biểu tượng đã mất) đã bán được ở Mỹ, Anh và Canada tới hơn một triệu bản, làm hài lòng tuyệt đối những sự trông đợi ít nhất là của các chủ nhân Nhà xuất bản Mỹ Knopf Doubleday Publishing Group, một Chi nhánh của Random House.

Theo tờ The New York Times, hiện nay tại Knopf đã đặt in thêm 600 nghìn bản sách nữa để bổ sung cho 5 triệu bản đã có. Tại Anh, theo BBC, chỉ trong vòng 36 giờ đã bán được 300 nghìn bản sách. "Biểu tượng đã mất" được xuất bản cả ở dạng sách in lẫn điện tử. Các cửa hàng sách trên mạng  BN.com, Amazon & Sony khẳng định rằng "Biểu tượng đã mất" ngay lập tức đã chiếm được vị trí đầu bảng về lượng truy cập nhưng không tiết lộ con số cụ thể. Tổng số lượng phát hành của cuốn tiểu thuyết trước của Brown "Mật mã Da Vinci", in năm 2003, là 81 triệu bản.

Nhân vật chính trong "Biểu tượng đã mất" cũng vẫn là vị giáo sư ký tự học Robert Langdon của Đại học Harvard, từng được độc giả biết tới trong các tiểu thuyết "Thiên thần và ác quỷ" và "Mật mã Da Vinci". Nội dung câu chuyện diễn ra ở Washington.

Theo chiến thuật của các ông chủ nhà xuất bản, việc phát hành tiểu thuyết "Biểu tượng đã mất" phải được tiến hành trong không khí tối mật. Tuy nhiên, có thể vô tình nhưng cũng có thể cố ý, không khí tối mật ấy đã bị vi phạm rất nghiêm trọng nhưng lại không kéo theo bất cứ một kiện tụng nào. Ngay từ ngày Chủ nhật 13-9, trên tuần san Anh The Mail on Sunday đã đăng đoạn nhập đề và hai chương trích từ "Biểu tượng đã mất".

Tiếp theo, ngày thứ hai 19/9, hai tờ báo Mỹ cũng phá bỏ "lệnh cấm vận" giới thiệu sách và đăng hai bài khá dài về tiểu thuyết này. Không có nghi ngờ gì trong việc tờ The New York Times hành xử như thế là theo sự đồng ý hoặc thậm chí là theo yêu cầu của Nhà xuất bản Random House: bài điểm sách trên ấn phẩm này không phải do bà Michiko Kakutani, nhà phê bình văn học chủ đạo của bản báo, vốn rất khắc nghiệt trong nghề, viết, mà là do cây bút nữ giàu lòng nhân ái Janet Maslin viết.

Chính bà Maslin năm 2003 cũng đã viết trên tờ The New York Times một bản tụng ca cho tiểu thuyết "Mật mã Da Vinci", góp một phần không nhỏ vào thành công vang dội của tác phẩm này trên thị trường Mỹ. Chính Brown về sau đã thú nhận trong một bài trả lời phỏng vấn là, ông đã bị khá nhiều người hỏi rằng, Maslin có họ hàng gì với ông không, có phải là thân mẫu của ông không mà lại khen gợi ông nhiều đến thế (!). Trong bất luận trường hợp nào, bài điểm sách mà bà Maslin viết về "Biểu tượng đã mất" cũng rất ít đến kỳ lạ nồng độ "bới lông tìm vết" như vẫn thường thấy trong dạng bài này của báo chí Mỹ.

Còn trên tờ The Los Angeles Times, bài viết về "Biểu tượng đã mất" có vẻ nghiêm khắc hơn nhưng cũng khá dịu dàng. Tác giả bài viết, Nick Owchar, cho rằng, "Biểu tượng đã mất" không làm độc giả rung động sâu sắc như "Mật mã Da Vinci", nhưng Dan Brown cũng đã giúp cho người đọc có được khoái cảm như đi trên đường núi ở Mỹ ("rất hãi hùng nhưng đầy hấp dẫn")…

Theo The Wall Street Journal, tiểu thuyết "Biểu tượng đã mất" sẽ được dịch ra 50 thứ tiếng trên thế giới

Hoàng Anh
.
.
.