Nhà thơ Phạm Tiến Duật và "Những vòng tròn đồng tâm"

Chủ Nhật, 25/05/2008, 10:38
Tâm của "Những vòng tròn đồng tâm" ấy, là Trường Sơn chống Mỹ. Trong 14 năm tại ngũ của mình (1965-1977), thi sĩ đã có 8 năm lăn lộn cùng bộ đội, thanh niên xung phong, nhân dân Việt - Lào, trên tuyến đường chiến lược - lịch sử này.

Cũng từ Trường Sơn chống Mỹ, thơ Phạm Tiến Duật cất cánh, thi sĩ độc tôn đoạt giải thơ Báo Văn Nghệ năm 1969, trong lúc đang ở Tây Trường Sơn (Lào), không quen biết, không "di động" cho ai và chỉ được biết tin ấy qua một chiếc radio lính.

Rồi từ chùm thơ đoạt giải ấy, thơ anh, đặc biệt là "sự nghiệp thơ Trường Sơn chống Mỹ" của anh, đã đưa anh thành nhà thơ độc đáo nhất, mới mẻ nhất, giàu khả năng "lạ hóa" nhất, thân thuộc nhất với chiến sĩ và đồng bào thời ấy.

Không nghi ngờ gì nữa, Phạm Tiến Duật là nét son trẻ trung, lấp lánh, xuất sắc trong nền thơ chống Mỹ, cứu nước của chúng ta.

Thi sĩ đã làm cho thơ mình trở thành một "bảo tàng" sinh động, thu nhỏ nhưng điển hình của Trường Sơn chống Mỹ.

Sau này, cảm quan ấy của anh còn theo anh suốt đời, lan tỏa mãi sang các đề tài khác, song hành cùng những giai đoạn lịch sử - xã hội khác của nước ta. Nhưng dù lan tỏa thêm ra đến đâu, thì vẫn rất nhất quán, rất "đồng tâm" với "tâm chấn" Trường Sơn xưa.

Trong cái "Bóng tối phủ dầy che mắt địch" ở chiến trường, ta thấy "những ánh đèn" Phạm Tiến Duật lấp lánh, tung tóe: "Cây trúc làm duyên phải nhờ gió thổi - Cô gái làm duyên phải nhờ giọng nói - Bông hoa làm duyên phải lụy hương bay; Tiếng khẩu đội trưởng ở đâu - Đó là đuôi khẩu pháo - Tiếng anh đo xa điểm đều như đếm nhịp chày giã gạo - Vang lên ở đâu, đấy là giữa trận đồ; Những đoàn xe đi như không bao giờ hết - Chiếc sau nối chiếc trước ì ầm - Như đàn con trẻ chơi u chơi âm - Đứa này nối hơi đứa khác; Đoàn thanh niên xung phong phá đá sửa đường - Dẫu hố bom kề bên còn bay mùi khét - Tóc lá sả đâu đó bay hương;... Tiếng bước chân rậm rịch - Là tiếng những đoàn quân xung kích - Đi qua; Bóng đêm ở Việt Nam - Là khoảng tối giữa hai màn kịch để Che những bào thai chiến dịch. Đó là cái bóng tối kỳ lạ và kỳ diệu để cho những chiếc đèn chui vào ống nứa - Cho em thơ đi học đêm đêm; Chui vào lòng trái núi - Cho xưởng máy thay ca vời vợi; Chui vào chiếu vào chăn - Cho những tốp trai làng đọc những lá thư thăm.

Không phải đợi đến hòa bình sau này, thơ Phạm Tiến Duật, từ ngay thời ấy, đã là đèn lồng, đèn sao năm cánh, đèn kéo quân thật đẹp - Cho những cuộc hành quân nào còn trong bóng tối - Hiện muôn đời trên mặt ngọn đèn xoay (Lửa đèn). Phát hiện, bảo tồn sinh động hiện trạng, mách bảo sớm về ý nghĩa dài lâu của chúng, thơ Phạm Tiến Duật, giống như thơ hay mọi thời, đã cùng một lúc làm được những chức phận ấy, mà lại bằng một cách rất riêng, rất Phạm Tiến Duật.

Cao hơn tiếng bom là khe núi tiếng đàn - Tiếng mìn công binh đánh đá - Tiếng điếu cày rít lên thong thả - Tiếng oai nghiêm xe rú máy trên đường (Tiếng bom ở Seng Phan) lại là những "lấp lánh" khác. Tôi thiết nghĩ, giá chúng ta có cái tượng đài thật to về chiếc điếu cày Việt Nam thì thật hay. Nó không chỉ là biểu tượng của cuộc sống lâu đời, thôn dã, dân tộc, mà còn vô cùng thân thiết, giàu tính tượng trưng cho cả hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ dằng dặc của chúng ta.

Cứ tạc tượng Phạm Tiến Duật gầy guộc bên chiếc điếu cày khổng lồ, là được. Điếu cày là của chung, nhưng Tiếng điếu cày rít lên thong thả là của riêng Phạm Tiến Duật.

Một dãy núi mà hai màu mây - Bên nắng bên mưa, khí trời cũng khác; Bên ấy mưa nhiều - Muỗi bay rừng già cho dài tay áo. Bên này: Nước khe cạn bướm bay lèn đá, đất lạ, đường chắn bom thù (Trường Sơn đông Trường Sơn tây). Lại thêm một "gian bảo tàng" Trường Sơn Phạm Tiến Duật. Em đóng cọc rào quanh hố bom - Cái miệng em ngoa cho các bạn cười giòn - Tiếng Hà Tĩnh nghe buồn cười đáo để; Khăn trắng khăn xanh phơi đầy lán sớm - Sách giấy mở tung trắng cả rừng chiều; Những đội làm đường hành quân trong đêm - Nào cuốc nào choòng xoong nồi xủng xoảng - Rực rỡ ánh bình minh, hấp hối chân trời pháo sáng; Bụi mù trời mùa khô - Nước trắng khe mùa lũ; Cạnh giếng nước có bom từ trường - Em không rửa ngủ ngày chân lấm - Ngày em phá nhiều bom nổ chậm - Đêm nằm mơ nói mớ vang nhà (Gửi em, cô thanh niên xung phong); Hình hoa lan trên vai áo trắng ngần - Là vết xước đinh hòm vừa xé... lại là các "gian bảo tàng" Trường Sơn khác của Phạm Tiến Duật.

Sau này, nhà văn Nguyễn Minh Châu có viết một cái ký, đăng ở QĐND cuối tuần, tên là Nhớ những cánh rừng đầy giấy bay. Cả hai anh đều làm tôi hun hút nhớ! Không có kính không phải vì xe không có kính - Bom giật bom rung kính vỡ đi rồi - Ung dung buồng lái ta ngồi - Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng - Nhìn thấy gió vào xoa mắt đắng - Nhìn thấy con đường chạy thẳng vào tim - Thấy sao trời và đột ngột cánh chim - Như sa, như ùa vào buồng lái; Xe không kính, ừ thì có bụi - Bụi phun tóc trắng như người già - Chưa cần rửa, phì phèo châm điếu thuốc - Nhìn nhau mặt lấm cười ha ha; Không có kính, ừ thì ướt áo - Mưa tuôn mưa xối như ngoài trời - Không cần thay, lái trăm cây số nữa - Mưa ngừng, gió lùa, mau khô thôi - Không có kính rồi không có đèn - Không có mui xe, thùng xe có xước - Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước... (Bài thơ về tiểu đội xe không kính)...; Có vết thương xoàng mà đi viện - Hàng còn chờ đó tiếng xe reo - Nằm ngửa nhớ trăng - Nằm nghiêng nhớ bến - Nôn nao ngồi dậy nhớ lưng đèo (Nhớ), lại là "gian bảo tàng" lái xe Trường Sơn ngày ấy của anh Duật.

Thế rồi, muốn biết hầm công binh, hầm lính thông tin... ra sao, đọc thơ anh Duật ngày ấy là thấy.

Những câu thơ hay về Trường Sơn của anh còn có thể kể ra vô vàn. Nói tình, cảnh, sự của cộng đồng Trường Sơn thực vô cùng, phong phú vô cùng; vừa xót xa, hào hùng lại vừa tài hoa, hài hước; vừa chắt lọc vừa dân dã; vừa điển hình vừa gần gũi; vừa sâu xa chiêm nghiệm vừa gấp gáp như tốc độ chiến tranh; vừa cá thể vừa bao trùm; vừa là hoa pháo hoa tung tóe vừa là cả một đêm pháo hoa, Phạm Tiến Duật chói sáng nhất Trường Sơn thi ca. Sau này, nhà thơ - nhà phê bình "trẻ" Nguyễn Hoàng Sơn có đánh giá rất cao, công lao "cách tân" thơ của Phạm Tiến Duật thời ấy.

Đánh giá cao là phải. Tôi chỉ đồ rằng, với khí chất của mình, anh Duật không quá nghĩ ngợi, quá công phu trong việc lựa chọn hình thức khi làm thơ. Anh cố luyện đức, luyện trí, luyện công từ trước đó rồi, viết thơ ra là nó cứ thế thôi. Anh Duật chả giấu ai được cái gì - cả ưu lẫn nhược - cứ như là sống trong lọ thủy tinh. Giá bảo anh Duật viết khác đi, anh cũng không làm được.

Anh Duật hay hăng hái nhận mình là nhà thơ giàu lý trí chứ không phải là nhà thơ bản năng, nhưng có lẽ, anh là một "Lý trí giàu bản năng" hay là một "Bản năng giàu lý trí" trong thơ, cũng được và mới phải. Thơ hay thế mà suốt đời ngây thơ, có lúc còn "thơ dại".

Nhận thơ Phạm Ngọc Cảnh cả tháng chả xem, rồi khi gặp anh Cảnh thì lại reo lên: "Anh Cảnh đấy à, sao lâu nay không gửi thơ cho Văn nghệ?". Anh Phạm Ngọc Cảnh, nhân lúc anh Duật xuống bếp đun nước, bèn lật chiếu ngủ của vợ chồng "ông" Duật lên, thì thấy chùm thơ của mình nằm trong bụi cùng một đống lai cảo khác!

Nhà thơ Vương Trọng, có lúc vừa bực mình vừa buồn cười, bảo tôi: "Ông Phạm Tiến Duật bây giờ đổi tên thành Phạm Tiến Hứa rồi!". Hứa nhiều mà không làm. Anh Duật có thế thật. Nhưng với thi sĩ đích thực, có lẽ cũng chả nên trách làm gì.

Sống thì thế, song với nàng thơ, anh Duật không bao giờ hứa hão, không bao giờ thiếu nghiêm cẩn, xúc động. Có một "nhà thơ" nữ, vừa được đăng vài bài, đã đùng đùng định bỏ nghề để "tự do sáng tác", anh Duật đọc thơ cô ấy và khuyên một lời khuyên "ruột": "Em đừng bỏ nghề, tài thơ em khó giúp em sống lắm!".

Rồi anh thở dài giải thích với tôi: "Không có tài mà lao vào thơ thế thì chết! Bảo họ để họ khỏi phải xót xa, ân hận cả đời sau này!". Thế là vì người rồi vì thơ. Không có cách ứng xử nào tốt hơn!

Thế là, tôi đã nói, có những "Những vòng tròn đồng tâm" của Phạm Tiến Duật, mà "tâm" của chúng là Trường Sơn chống Mỹ, và chỉ mới nói về cái "tâm chấn" thơ anh và "vòng tròn" đầu tiên, chói sáng: Tình yêu mến, sự ngưỡng mộ, gần gũi, máu thịt giữa Phạm Tiến Duật với bộ đội, thanh niên xung phong, đồng bào đồng chí Việt - Lào, trên con đường huyết mạch chiến tranh kia nói riêng và cả cuộc kháng chiến chống Mỹ nói chung, cũng như điểm qua vẻ đẹp có một không hai, cả về hình thức và nội dung, thơ anh Duật ở Trường Sơn.

Sau này, lan rộng ra, còn nên nói đến những "vòng tròn đồng tâm" khác nữa, nếu không thì không hiểu Phạm Tiến Duật.

Năm 1997, khi biết ở Thái Bình có hàng trăm sư nữ vốn là cán bộ, chiến sĩ thanh niên xung phong thời chống Mỹ, anh đến tận nơi rồi viết trường ca Tiếng bom và tiếng chuông chùa. Ta hãy nghe ít đoạn: Nhưng tại sao, tại sao họ lại đi tu - Những đồng đội của anh, của tôi, tại sao lại thế - Chẳng lẽ trong trái tim chúng ta, chẳng nhẽ - Không còn chỗ nào cho đồng đội nữa hay sao? - Chẳng lẽ trong xóm mạc kia, không có một nơi nào - Đủ hơi ấm cho những người mấy chục năm ra trận? - Chẳng lẽ cuộc đời này quá nhiều lận đận - Để những anh hùng mệt mỏi nghỉ rồi sao?... Dưới mái chùa kia là bóng mát u trầm - U uẩn, u mê, u minh và u uất nữa - Tìm đến nơi Phật ở - Người đời dễ nhớ mái chùa, đâu dễ nhớ nhà sư - Sư mặc áo vàng, áo nâu là tự ngàn xưa - Chẳng khi nào pha sắc xanh bộ đội - Anh muốn hỏi và tôi muốn hỏi - Chỉ màu chiều tím biếc trả lời thôi.

Nhà thơ Phạm Tiến Duật. Tranh: Đỗ Trung Lai.

Dưới đây là một đoạn anh Duật viết về sư thầy Đàm Phương, một thanh niên xung phong Trường Sơn cũ: Hết chiến tranh Phương trở về quê mẹ - Năm năm rồi mười năm lặng lẽ - Ngày mưa ngày nắng, ngày ốm ngày khỏe - Phương thành cô giữ trẻ cho làng - Rồi một buổi mai chỉ còn váng nắng - Nghe tin Đạt hy sinh ngoài mặt trận - Nguyễn Thị Phương vào chùa, cắt tóc đi tu... Phương thành sư thầy Đàm Phương là thế - Nửa đời trước hy sinh - Nửa đời sau nữa, lại hy sinh.

...Mười tám đôi mươi trẻ trung là vậy - Hầu hết các em không có tuổi già - Không được quyền già - Các em nằm lại trên đường ra trận - Các em là lính mà không có số lính - Các em có tên mà lại hóa không tên - Mỗi người có phận riêng mà không có mồ riêng - Đến tấm ảnh cũng mờ - Thời gian xóa dần gương mặt.

Dưới đây lại là những đoạn anh Duật viết về sư thầy Đàm Thân, nguyên Chuẩn úy quân y Trường Sơn cũ: Bây giờ, cố nhiên Lê Thị Thân không còn tóc nữa - Nhưng người gọt tóc Thân đầu tiên, không phải nhà chùa - Người đầu tiên làm rụng tóc cô - Là tướng Thô-bớt Hao-kin - Và các viên phi công của ông ta - Màn mưa nửa trắng nửa vàng - Màn mưa thuốc độc.

...Một quả đạn súng cối - Bắn trúng trạm phẫu thuật tiền phương - Chuẩn úy quân y Lê Thị Thân - Một mảng da đầu bị phạt mất - Người cạo tóc cho sư lần này chắc là một tên binh nhất.

Và ngày Lê Thị Thân trở về Thái Bình: Thân mở mắt ra, không nhìn thấy mẹ đâu - Chỉ hàng xóm quấn quýt bên cô - Đứa em gái duy nhất của cô cũng đã chết trận lâu rồi, cô nào có biết - Không một ai trong làng dám viết thư báo cho cô những cái tin quá chừng khủng khiếp, chỉ biết trông hộ ngôi nhà hoang vắng đợi cô về! v.v... và v.v...

Từ Trường Sơn chống Mỹ, bao nữ chiến sĩ về làng rồi vào... chùa! "Tâm chấn" Trường Sơn lan đến đâu, ở đó ta thấy Phạm Tiến Duật. Hay có thể nói ngược lại, khi Phạm Tiến Duật đi đến đâu, thì "dư chấn" Trường Sơn lan theo đến đó. Khi anh Duật sang Mỹ, gặp Ghên-xơ, con của tướng Hao-kin, Tư lệnh Sư đoàn 25 "Tia chớp nhiệt đới" tham chiến ở miền Nam và cho rải chất độc xuống đơn vị của Lê Thị Thân ngày ấy, anh viết: Và ngày tôi rời đất Mỹ - Ghên-xơ cắt tóc hai con - Một nạm tóc vàng, một nạm tóc kim cương - Tặng tôi trong ròng ròng nước mắt... Tôi nhận hai nạm tóc này, cầm lòng sao được, thì vẫn là trong vòng lan tỏa của "Những vòng tròn đồng tâm" kia đấy chứ.

Sư thầy tụng kinh từ đầu đêm - Sao quá nửa đêm vẫn chưa đi ngủ - Sao sư thầy không gõ mõ - Lại vừa tụng kinh vừa gõ đầu mình - Có thể nào những day dứt thời bình - Cũng làm cho vết thương thuở xưa tái phát?

Từ các sư nữ Thái Bình, Phạm Tiến Duật nhớ và viết về đồng đội: Hình như một lớp người thuộc thế hệ các anh đều thế - Đã từng lấy vợ mà không được làm chồng - Đã từng có con mà không được làm bố - Việc vất vả thay là phải làm một anh hùng! v.v...

Rõ ràng, "tâm chấn" Trường Sơn của Phạm Tiến Duật không dừng lại.

Trong tập thơ "Đường dài và những đốm lửa" (NXB Hội Nhà văn- 2001), anh Duật viết: Trong làng, anh là quán quân cờ tướng - Bây giờ đi đánh cờ vua - Cũng xe, cũng mã, cũng tốt - Mà sao ván nào cũng thua - Ờ tượng mà không phải là tượng - Kìa quân hoàng hậu kề bên - Điều cần biết thì chưa biết - Điều nên quên thì chưa quên - Âm i bàn mới lối cũ - Cho nên ván nào cũng thua! Đó chính là "Trường Sơn ở giữa thời bình"!

Anh viết về cây tháp nước bỏ không ở Trung Tự, bên nhà anh: Cây tháp nước cô đơn giữa một trời dông gió - Mà vẫn cứ vô tri, không buồn vui, sướng khổ - Không cần biết người khát nước là ai - Em cứ chông lênh tồn tại giữa khung trời - Anh nhớ, anh thương, em chẳng đoái hoài - Anh gầy guộc, em nào có biết - Trót quen lối đi về nên nhớ em da diết - Vô tích sự là em, nỗi nhớ lại là anh... Hay là người này cũng là vật bỏ của người kia - Là những tháp nước lô nhô giữa một vùng khô hạn? Nghe mà cô đơn vô cùng, thương vô cùng, thông cảm vô cùng: Hình thức thuở Trường Sơn còn đó, mà nỗi đau trong tình riêng "hậu Trường Sơn", đã đầy vẻ ngậm ngùi. Các anh là ai, tôi không dám hỏi - Các anh mang cơ bắp mình lên phố chào mời - Các ông chủ xây nhà dựng cửa - Cũng không hỏi anh từ đâu và anh là ai... Các anh đứng đó, thưa dần trong chiều muộn - Chỉ còn một người tôi bỗng nhận ra - Đức kiên trì đứng cùng vết sẹo - Anh là mảnh vỡ cuối cùng của cuộc chiến tranh (Chợ lao động ở đường Giảng Võ). Tâm trạng "hậu Trường Sơn", lại một "vòng tròn đồng tâm" nữa xuất hiện!

Thế còn tình yêu thì đóng hộp thế nào? - Vừa dễ ướt lại vừa dễ vỡ - Dù có vẽ ký hiệu bằng chữ song hỉ - Những bức tường bao bì liệu có vẹn nguyên không? - Thế còn tinh thần, tâm tưởng thì đóng hộp thế nào? - Thứ hàng vừa dễ nở ra lại vừa dễ co lại (Tặng ngành hàng bao bì xuất khẩu)... thì cũng là vậy! Không chỉ đuổi muỗi đâu, khi cần, Jumbo đuổi hết - Đuổi được cả nỗi lo âu buồn chán mọi bề - Căn phòng tương lai sẽ không còn muỗi nữa - Muỗi trong câu hát cũ cũng bay đi - Muỗi bay đi đâu? Muỗi rời thành phố - Muỗi bay về với những kiếp nghèo, cũng chẳng khác gì lối viết Phạm Tiến Duật ngày xưa: qua một giọt nước mà yêu thương, xót xa cùng biển cả.

Ôi Việt Nam muôn ngàn lần yêu dấu của ta ơi - Ta chưa công bằng với người, phía Rừng và phía Biển - Biển thì nhớ mà Rừng thì lỗi hẹn - Biển mỡ màng nhường này, Rừng xơ xác nhường kia... Đất phía Đông Trường Sơn vẫn còn rất nóng - Dưới đất nhiều vật thiêng, nhát cuốc hãy dè chừng (Tôi mơ một con đường cao tốc), thì anh lính, thi sĩ Trường Sơn xưa lại vẽ thêm một "vòng tròn đồng tâm" mới.

Khi các cháu trở lại nơi này, thế kỷ cũ đã hết - Mà người cần đánh giầy thì ngày một đông lên - Chăm sóc hai bàn chân thì loài người rất nhớ - Chăm sóc trái tim mình thì có lúc người quên (Tiễn các cháu đánh giầy về quê ăn tết). Những câu thơ trên, ta vẫn thấy tấm lòng Trường Sơn nổi sóng vòng tròn?

Những "vi ba" Phạm Tiến Duật như thế, có thể lẩy ra rất nhiều từ thơ anh, kể cả trong văn xuôi anh nữa (Vừa làm vừa nghĩ là một ví dụ). Cái tên Phạm Tiến Duật là một cái tên rất đẹp trong thi ca hiện đại Việt Nam. Tính phổ biến - phổ cập, chất dân gian (trong đó có khiếu hài hước - nói trạng), tính hiện thực và điển hình trong thơ Phạm Tiến Duật "đậm đặc" nhất trong thế hệ các nhà thơ chống Mỹ.

Nhiều lúc, tôi cứ nghĩ, đường và phố, đường cao tốc, đại lộ nữa, theo quá trình hiện đại hóa mà nhiều mãi lên, dài mãi ra. Giá có một cụm đô thị nào, hay cụm làng nào, cũng được, được đặt tên là Trường Sơn, rồi ở đó, quây quần các tên phố, tên làng, tên xóm như là Quang Trung, Trần Quang Diệu, Võ Bẩm, Đồng Sĩ Nguyên, Đặng Tính...

Và, không thể không có tên Phạm Tiến Duật, thì hay biết bao! Điện Biên Phủ đã thành tên đường, chiến dịch Hồ Chí Minh đã đến đích là TP Hồ Chí Minh "rực rỡ tên vàng". Cụm đô thị Trường Sơn, cụm làng Trường Sơn phải có những cái tên kia. Phạm Tiến Duật là danh nhân Trường Sơn hẳn hoi. Các nhà thơ thời chống Mỹ không những không ghen, mà lại tự hào ấy chứ. Còn bộ đội, thanh niên xung phong, đồng bào Việt - Lào, thân nhân và con cháu họ nhiều đời (không biết bao nhiêu triệu), thì chắc càng không ai phản đối.

Còn nếu không được thế, thì riêng tôi, xin tặng thi sĩ của Trường Sơn, của kháng chiến chống Mỹ, mấy câu này: Dây đàn cũ, lâu ngày không rung nữa - Người chơi đàn cũng đã bỏ đi rồi - Chỉ có tiếng đàn xưa, đôi lúc - Ngân trong lòng người ở lại mà thôi - Người ở lại cũng già theo năm tháng - Tiếng đàn ngân trong lòng cũng thưa dần...

Hà Nội, tháng 5/2008

Đỗ Trung Lai
.
.
.