Nhà thơ Cầm Giang: Một miền thơ Tây Bắc

Chủ Nhật, 31/08/2008, 22:15
Ngày Thơ Việt Nam - Nguyên Tiêu Đinh Hợi (2007). Văn Miếu, Quốc Tử Giám Hà Nội. Trung tâm văn hóa doanh nhân Việt Nam công bố 100 bài thơ hay do Trung tâm tổ chức bình chọn. 100 bài thơ của 100 nhà thơ được vinh danh trong đó có 3 bài thơ "đậm chất Tây Bắc" là các bài: "Núi Mường Hung, dòng sông Mã" của nhà thơ Cầm Giang; "Nhớ vợ" của Cầm Vĩnh Ui; "Em tắm" của Bạc Văn Ùi.

Trên khán đài, tiếng công bố vừa dứt chợt thấy hiu hiu gió trên ngọn cỏ, lá cây sân sau Quốc Tử Giám. Trong mưa bụi, nhà thơ Cầm Giang xuất hiện trong dáng vẻ của một ông giáo làng vùng quê Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc…

Tôi tiến đến vái ông ba lạy: "Xin chúc mừng và bái phục nhà thơ. Trong 100 bài thơ hay thế kỷ mình ông đã chiếm 3 bài!". Cầm Giang lùi lại một chút, nheo mắt nhìn tôi: "Tôi chỉ có mỗi một bài "Núi Mường Hung, dòng sông Mã" được ông Bùi Đức Hạnh phổ nhạc thôi. Ông không nghe lầm đấy chứ!". "Không! Bài "Nhớ vợ" và bài "Em tắm" cũng là của Cầm Giang, ai chả biết!".

"Đấy là các ông nói, chứ không phải tôi nói đâu nhé". "Thì có ai bảo là bác nói đâu, bác cẩn tắc quá đấy. Thời thế bây giờ khác nhiều so với 50 năm về trước, cái ngày mà bác công bố những bài thơ Tây Bắc trong tập thơ "Thành Rồng - Thành Hổ"- nhà xuất bản Phổ thông - năm 1957". "Ừ nhỉ, ờ, ờ… Cầm Giang bùi ngùi - Nhanh quá,  chóng thật, mới đấy mà nửa thế kỷ đã trôi qua. "Em Tắm", "Nhớ Vợ", "Em là con gái Châu Yên", "Núi Mường Hung, dòng Sông Mã", có hai người… đã năm mươi tuổi, lên lão cả rồi!".

"Những bài thơ ấy không bao giờ lên lão. Vẫn mãi trẻ trung, mới mẻ, sẽ tiếp tục được bình chọn là những bài thơ hay". "Các ông quá khen đấy thôi - có thể ban tuyển chọn đã có một chút ưu tiên dân tộc khi chọn những bài thơ mang chất dân tộc của vùng Tây Bắc". "Không! Cái gọi là ưu tiên dân tộc là có đấy, nó nặng nề nữa là đằng khác. Nặng nề tới mức làm cho một số người thiếu bản lĩnh, thiếu nhân cách cứ nhận "xằng" mình để được ưu tiên… ". "Ông nói thế nghe hãi quá! Thế ra các ông cũng liệt tôi vào hạng người ấy à? Vậy thì tôi đi. Các ông không hiểu tôi".

Thoắt cái Cầm Giang vụt chạy, loang loáng trong sân Văn Miếu. Ẩn hiện sau những tấm bia đá. Rõ ràng ông vẫn bị "không khí thơ" Văn Miếu níu kéo. Tôi ân hận vì lỡ lời bèn chạy theo ông. Một hồi, thấy ông tựa lưng vào gốc cây sấu già, mặt hơi tái. Tôi lại vái ông ba lạy xin ông hai chữ đại xá: "Cầm Giang là bút danh thơ, còn trong lý lịch lưu ở tổ chức vẫn ghi đúng họ tên dân tộc, quê quán: Họ tên: Lê Gia Hợp, Dân tộc: Kinh, quê: Thanh Hóa. Ông có phải là người khai man lý lịch đâu mà sợ người đời xếp vào hạng người mạt hạng ấy. Không một ai được nghĩ xấu về ông".

Nghe những lời rất thật ấy khuôn mặt Cầm Giang đang tái bỗng tươi trở lại: "Thì vẫn biết thế, trong cuốn "Ẩn số Cầm Giang", Hoàng Quảng Uyên đã nói kỹ rồi, tôi yên tâm lắm. Nhưng sách của Uyên in ra có mấy ai đọc đâu... Thôi không nói chuyện ưu tiên dân tộc nữa nhé. Nói chuyện Thơ cho nhẹ người". "Vâng! Em cũng chỉ muốn biết về mấy bài thơ "Em tắm", "Nhớ vợ" của ông Ui, ông Ùi nào đấy, mong bác nói thật".

"Ông tắt ghi âm đi - Cầm Giang vẫn cảnh giác - Đơn giản thôi. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, tôi lên Tây Bắc là bộ đội Cụ Hồ thuộc C8, D7, E280, F338, sống giữa lòng dân Tây Bắc, giữa thiên nhiên khoáng đạt miền Tây Tổ quốc, sống với những người lính trẻ các dân tộc Thái, Mường, Puộc… nghe họ tâm sự về nỗi nhớ nhà, nhớ vợ, tôi đã chuyển những lời tâm sự ấy thành thơ. Đó chính là những nguồn cảm hứng và tư liệu giúp tôi viết được những bài thơ "đậm chất Tây Bắc".

Tôi đã gửi những bài thơ ấy cho Báo Quân đội nhân dân, một biên tập viên đã trả lời bằng thư cho tôi: "Tòa soạn rất hoan nghênh sự tham gia xây dựng tờ báo Quân đội nhân dân của chúng ta. Bài của đồng chí đã giúp cho tòa soạn theo dõi được thêm tình hình tư tưởng của bộ đội, nhưng không đăng trên mặt báo được vì ít giáo dục bộ đội mà lại càng khơi thêm cho bộ đội ý tò mò. Hơn nữa trên mặt báo cần nêu được nhiều gương tốt để giáo dục cái xấu".

Nhận được thư tôi suy nghĩ rất nhiều thấy biên tập viên nói cũng đúng. Ai lại đi nói cái chuyện "vớ vẩn" dù rất thật: "Tôi nhớ vợ tôi lắm/ Cho tôi về hai ngày..." "Đúng như thế! - tôi góp lời - hồi ấy muốn được về với vợ phải nói dối - phải có cái điện báo ghi trên giấy: "Bố (mẹ) ốm nặng, về ngay!" mới được xét…". "Có anh còn bảo vợ đánh điện: "Bố chết, về ngay!" - mà nào đã có ai chết! Tôi buồn quá, nói thật thì không được chấp nhận, nói dối lại được nghỉ. Tôi gửi tâm sự ấy vào thơ, nhưng thơ viết xong không được in thì buồn quá. Nghĩ chắc chẳng có báo nào chịu in những bài thơ "vớ vẩn" ấy. Buồn nhưng thơ thì không thể không viết, cứ hy vọng có một lúc nào đó những bài thơ kể về tắm suối, chuyện hai người hôn nhau… sẽ được in".

"Vào lúc nào? Tôi ngắt lời Cầm Giang". "Cũng chẳng biết bao giờ nữa. Trong lúc bí, tôi nảy ra sáng kiến: phải "trộn lẫn" thơ, may ra…". "Trộn lẫn kiểu gì?". "Tôi mang một số bài dân ca Tây Bắc dịch ra tiếng Việt, tu chỉnh lại, ấy là một loại. Loại thứ hai là những bài mình sáng tác "giả giọng" dân tộc, đặt cho bài thơ một cái tên tác giả dân tộc nào đấy, thơ do Cầm Giang dịch. Loại thứ ba là những bài thơ "hoàn toàn" Cầm Giang. Đem ba loại thơ ấy "trộn" vào nhau thành một tập thơ lấy tên "Thành rồng, Thành hổ", gửi Nhà xuất bản Phổ Thông. Họ in ngay. Sách in ra được hoan nghênh lắm". "Bác tài quá, bái phục, bái phục". "Tài cán gì! Bất đắc dĩ mới làm như thế. Đó chỉ là một trò chơi". "Nếu không có cách xuất hiện tài tình như thế thì chắc không có những bài thơ đậm chất Tây Bắc, đậm chất dân tộc như thế".

"Các ông làm lý luận - phê bình, cứ hay soi mói, tìm gốc rễ. Mệt quá". Nói rồi Cầm Giang chợt im lặng. Không ra buồn, không ra vui. Quả thật Cầm Giang có cả một miền thơ Tây Bắc đủ làm nên tên tuổi của ông. Với hơn 100 bài thơ và nhiều truyện thơ được in (Người bản Nà Phiêu, Rừng trắng hoa ban, Quê tôi Điện Biên,…). Ông xứng đáng là người đại diện thơ cho người Thái, người Mường, người Puộc, người Lự… Họ chấp nhận Cầm Giang là người nói thay cho họ, là người phát ngôn (bằng thơ) của họ.--PageBreak--

Dứt ra khỏi miền thơ Tây Bắc, tôi trở lại với nhà thơ Cầm Giang. Ông vẫn đứng đó, không buồn, không vui. Lần này, tôi hỏi cụ thể hơn: "Thưa nhà thơ, xin ông cho biết Cầm Vĩnh Ui, tác giả bài thơ "Nhớ vợ" là ai?". Cầm Giang nhìn thẳng vào tôi: "Trong bản in đầu tiên tôi đã có "chua" một dòng tên tác giả: "Cầm Vĩnh Ui là ai? Ghi bằng chữ Lào, bút chì, trên bẹ nứa mờ gần hết". Làm sao tôi biết Cầm Vĩnh Ui là ai, ngay lúc bấy giờ cơ quan tư pháp có tra tôi để lấy chứng cứ thì cũng chẳng lần ra chứng cứ!". "Bác giấu kín như thế thì có thánh cũng chẳng lần ra".

Cầm Giang ngửa mặt cười.

"Nhưng mà, thưa nhà thơ. Tài và khéo như thế nhưng trong bài "Nhớ vợ" vẫn còn có chỗ sơ hở!". "Sơ hở chỗ nào? - Cầm Giang giật mình. "Ở cái câu: "Nhà tôi ở Mường Lay/ Có con sông Nậm Rốm". Con sông Nậm Rốm cách Mường Lay gần 100 cây số - nếu quả có ông Cầm Vĩnh Ui, người Thái, quê Mường Lay thì không bao giờ có sự nhầm lẫn ấy". "Ông có nhớ một triết gia phương Tây nói thế này không - Cầm Giang chống chế - Nếu thực tiễn không phù hợp với lý thuyết thì phải thay đổi thực tiễn"!

Tôi xin nói lái: "Nếu thực tiễn không phù hợp với thơ, thì phải thay đổi thực tiễn". Đem con sông Nậm Rốm về đặt tại Mường Lay! Nói vui thế thôi, ai lại đi chú ý đến những chi tiết vặt vãnh ấy. Bài thơ viết cho người Kinh đọc là chính. Người đọc chỉ biết ở Tây Bắc có Mường Lay, có Nậm Rốm, chứ cần gì biết xa hay gần. Thật không thể giấu các ông được".

Lại một khoảng lặng, lúc sau tôi lại rụt rè hỏi: "Thế còn ông Bạc Văn Ùi tác giả bài thơ "Em tắm" mà Cầm Giang dịch là ai? Mà chỉ xuất hiện một lần rồi mất tăm cùng ông Cầm Vĩnh Ui!". "Đời nó lạ thế - khi bài thơ xuất hiện rồi chiếm được vị trí trên thi đàn, lúc đó tác giả đã hoàn thành nhiệm vụ. Lúc đó người ta chỉ còn nhớ đến thơ. Tôi nghĩ tác giả của nó là Bạc Văn Ùi hay Cầm Giang cũng chẳng quan trọng gì. Có đúng thế không?".

"Vâng, Đúng thế, xin tán đồng. Nhưng cái "giả" Trong "Em tắm" nó cứ lồ lộ trên văn bản. Này nhé, cái người "rình xem em tắm" là Bạc Văn Ùi là người dân tộc Thái, mà đối với con trai người Thái thì việc tắm tiên của các cô gái giữa suối là "chuyện thường ngày" chẳng việc gì phải rình, phải trộm xem cả. Cứ thoải mái đi! Chỉ có anh bộ đội người Kinh mới thấy điều ấy là lạ, gây tò mò tới mức đi rình xem rồi bị người con gái phát hiện, "nói lỡm". Như vậy, người đi rình - tác giả bài thơ là một anh Kinh một trăm phần trăm, chứ chẳng có ông Bạc Văn Ùi nào cả".

Lần này thì Cầm Giang không giở lý luận nữa. Ông nhỏ nhẹ: "Đúng là tôi không giấu được các ông. Tôi đã đọc hết cuốn sách của ông viết về tôi rồi. Tôi không có ý kiến gì vì khen ông viết hay về tôi thì nó buồn cười quá. Đúng, sai, hay, dở cứ để người đọc phán xét. Riêng cái tên sách "Ẩn số Cầm Giang" tôi thấy được, nhưng tôi không thể hiểu nổi là các ông cứ cố công đi tìm lời giải cho những ẩn số đó, những bài thơ nghi vấn ấy để làm gì!

Ở đời mà tất cả những ẩn số đều tìm được lời giải, mọi việc cứ trắng đen rõ ràng, cứ lúc nào cũng tới bến… thì cái đời ấy nhạt nhẽo, bằng phẳng vô cùng. Hãy cứ để Cầm Giang với những ẩn số, những bài thơ nghi vấn để mà còn có dịp gặp nhau, đàm đạo thơ và đời. Mà này thơ tôi cũng có những câu hay đấy, nhưng không nằm ở những bài ấy. Có thể sẽ có lúc nhìn ra. Thôi tôi đi đây".

Cầm Giang vụt biến mất trong thinh không... Hóa ra những điều tôi vừa trao đổi với ông chỉ là trong tưởng tượng - trong đời thực, Cầm Giang đã giã biệt trần thế từ năm 1989...

Đê La Thành, nhớ lại đêm 23/8/2008

Hoàng Quảng Uyên
.
.
.