Nhà nghiên cứu cổ sử Nguyễn Đình Đầu: Tỉ mỉ, say mê sẽ thành công

Thứ Hai, 01/10/2012, 09:16
Nổi tiếng là nhà nghiên cứu khoa học nghiêm túc, tận tụy với kết quả là hàng trăm công trình lớn nhỏ được công bố, trong đó điển hình nhất và gắn liền gần như suốt cuộc đời nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu không thể không kể đến các công trình nghiên cứu địa bạ và bản đồ Việt Nam. Năm 2002, công trình "Nghiên cứu địa bạ và ruộng đất triều Nguyễn" của ông vinh dự được trao giải thưởng Trần Văn Giàu lần 2.

Ngoài 90 tuổi, lại vừa bị bệnh, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu bảo sức khỏe ông yếu, không đi lại được, phải phụ thuộc vào chiếc xe lăn. Tiếp khách cũng là điều bác sĩ khuyên ông cần hạn chế. Chỉ vì lỡ hứa với tôi nên ông đành phải cố gắng... Thế nhưng, trong suốt mấy tiếng đồng hồ, ông vẫn rất mẫn tuệ.

"Kiểm kê" nhanh công trình nghiên cứu địa bạ của mình, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu cho biết đã hoàn thành 17 cuốn địa bạ về các tỉnh, thành trên cả nước. Miền Trung có 5 tỉnh: Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, phía Bắc thì có Hà Nội, Ninh Bình đã hoàn thành song không đủ phương tiện và kinh phí, phải tạm gác lại.

Ông bảo, hiện nay người ta thường chỉ chú ý những gì mang lại cái lợi ngay trước mắt. Địa bạ ghi chép tình hình ruộng đất của từng làng từng xã, tổng, phủ rất chi tiết. Nghiên cứu địa bạ rất công phu song người bình thường ít đọc vì đây là tình hình ruộng đất từ 200 năm về trước. Không thời sự nhưng quan trọng vì liên quan nghiên cứu tình hình đất đai của đất nước từ xưa đến nay. Hơn thế, tùy thuộc vào trình độ và mức độ chịu khó "đào sâu" của từng người, từ địa bạ có thể giải mã được vô vàn những bí mật khác trong đời sống văn hóa, xã hội của tiền nhân cách nay nhiều thế kỷ.

Thực ra, kết luận này được rút ra sau một thời gian rất dài ông bắt tay nghiên cứu. Trước đó, từ khi còn rất trẻ, trước năm 1975, nghe phong thanh về quyển sổ ghi chép ruộng đất, ông đã ý thức đây là tài liệu rất quý. Ông bảo, trong cuộc đời, mỗi người đều đi tìm cái mà mình cho là quý nhất. Nghiên cứu cổ sử, ông cho địa bạ là của quý nhất. Bởi lẽ, ngày nay tài sản có thể để trong ngân hàng nhưng thời xưa, tài sản chỉ có ruộng đất. Có quyển sổ ghi chép ruộng đất không chỉ biết tài sản của cá nhân mà còn biết tài sản của đất nước. Tuy nhiên, các nghiên cứu của ông chỉ có thể bắt đầu từ những tài liệu gián tiếp, viết bằng tiếng Pháp. Bản chính thức là của nhà nước giữ.

Ông còn được biết, toàn bộ bản tài liệu gốc bằng chữ Hán được Ngô Đình Diệm chuyển vào Đà Lạt cất giữ, sau chuyển về bảo quản tại Dinh Thống Nhất, không thể tiếp cận kho tư liệu quý này. Mãi đến sau năm 1975, khi chính quyền cách mạng tiếp quản, mở kho, ông mới có điều kiện tìm hiểu và chính thức bắt tay nghiên cứu.

Phải di chuyển nhờ xe lăn nhưng nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu vẫn say mê nghiên cứu cổ sử.
 

Ngày ấy, không có nhiều tài liệu để đọc, nhưng nhờ nghiên cứu địa bạ, ông mới hiểu được xã hội xưa dựa theo sĩ, nông, công, thương. Sĩ phu không có ruộng, thường thi thố, ra làm quan, sống bằng bổng lộc hoặc sống bằng chữ viết, đi làm thầy đồ dạy chữ... Trên địa bạ cũng ghi rõ mảnh ruộng đất được thể hiện là của ai nên ông nhận ra sĩ phu không sở hữu ruộng nhưng phụ nữ ngày ấy lại đứng tên khá nhiều. Đây là điểm khác biệt rất lớn giữa chế độ ruộng đất ở xã hội phong kiến Việt Nam.

Ở các nước có ảnh hưởng Nho giáo khác như Nhật Bản, Trung Quốc, Triều Tiên không có chế độ tư điền. Nhà nước không làm thống kê, không có thống kê. Ông lại mày mò làm thử xem mỗi người ngày ấy có bao nhiêu ruộng đất, tiếp tục phát hiện không những phụ nữ sở hữu nhiều ruộng đất mà mức độ sở hữu mỗi miền rất khác nhau. Nếu ở miền Trung, tư điền ít hơn công điền và phụ nữ sở hữu ít thì ở miền Nam, tư điền nhiều hơn công điền, phụ nữ sở hữu nhiều ruộng đất. Thống kê cho thấy, ngay tả quân Lê Văn Duyệt cũng chỉ có 40 mẫu đất nhưng có những bà mệnh phụ đứng tên sở hữu 70 mẫu đến 80 mẫu đất. Nghiên cứu mở rộng thêm, ông hiểu đây là hệ quả tất yếu, quan hệ đến hành trình mở rộng bờ cõi, quá trình di dân và phân công lao động để thích nghi với hoàn cảnh của tiền nhân...

Nhà nghiên cứu lão làng kể rằng, để ra một thời gian gần 1 năm tìm hiểu, ông cũng mới phát hiện các đơn vị đo mẫu, sào, thước, tấc của người xưa không trùng với áp đặt sau này của Pháp. Ngay việc đo thước tấc của người xưa cũng không hoàn toàn thống nhất. Tìm hiểu đến cùng ông lại phát hiện, thước xưa là thước đồng, không phải 10 cái sản xuất đều chính xác như nhau cả 10, chưa kể mỗi ông quan thực hiện đo đạc có thể có những xê xích khác nhau. Thế nên ông phải thống kê cả ngàn chỗ rồi lấy quân bình mới được độ chính xác tương đối. Hơn thế, ruộng đất thì liên quan đến thuế má. Thuế đóng bằng đấu, bằng hộc nhưng cụ thể một đấu, một hộc bằng bao nhiêu thì chịu. Bí quá, ông đành dùng phương pháp thủ công là đếm từng hạt thóc để so sánh...

Cứ mày mò như thế, từ chỗ đơn thương độc mã, công việc của ông dần được nhiều bạn bè biết, tìm đến giúp đỡ. Từ nghiên cứu địa bạ lại mở rộng ra nhiều công trình khác, tích lũy cho bản thân thêm nhiều thứ khác. Đơn cử là vốn chữ Hán. Ông vốn học tiếng Pháp nhưng địa bạ bằng chữ Hán, muốn nghiên cứu cần có vốn liếng nhất định nên buộc phải học, phải biết. Vừa nghiên cứu, vừa học hỏi, đến nay, vốn chữ của ông cũng "đã kha khá", đủ để đọc tài liệu. Nghiên cứu địa bạ thì cần bản đồ. Mà bản đồ thì không chỉ cần một cái, vẽ ở một thời điểm nhất định và không phải lúc nào cũng dễ tìm.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu bảo, đời sống gia đình trước đây khó khăn. Ông phải dung hòa, vừa phục vụ mục đích nghiên cứu khoa học, vừa làm sao để không quá ảnh hưởng đến đời sống gia đình. Còn nhớ, ngày đất  nước mới thống nhất không lâu, một nhà văn xin được giấu tên mang đến giới thiệu với ông cuốn sách "Niên giám hành chính Đông Dương" xuất bản năm 1910. Người bán nói sách nghiên cứu thuộc hàng gia bảo, vì khó khăn nên mới phải mang đi. Sách quý nhưng cũng chỉ người làm nghiên cứu như ông mới biết giá trị của nó. Ông muốn mua song cái giá khá cao, không thể hỏi vợ lấy tiền đổi sách. May là trước đó, để phòng có những trường hợp tương tự, ông đã tích cóp được gần lượng vàng liền đem cả ra đưa nhà văn nọ...

Những cuộc trao đổi như thế, trong suốt cuộc đời làm nghiên cứu của ông không phải chỉ một lần. Gần chục năm trở lại đây, kết quả công việc nghiên cứu của ông được nhìn nhận, có tác dụng với yêu cầu xây dựng và bảo vệ đất nước

Ngọc Nguyễn
.
.
.