Nhà báo Trần Mai Hạnh người tường thuật đầu tiên tại Dinh Độc Lập ngày 30-4 lịch sử
Ngay từ sáng sớm 30/4/1975, 5 cánh quân của quân giải phóng đã đồng loạt tiến vào Sài Gòn. Giữa muôn vàn cờ sao tung bay, hàng vạn đồng bào đã đổ ra các ngả đường để đón những người con chiến thắng trở về. Và trong đoàn quân oai hùng ấy, có nhà báo Trần Mai Hạnh, đặc phái viên của Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN), người phóng viên chiến trường từ hàng tháng trời trước đó đã gắn bó sinh tử với đồng đội của mình tại các mặt trận ác liệt như: Huế, Đà Nẵng,… Và trong thời khắc huy hoàng đó, Trần Mai Hạnh trở thành nhà báo đầu tiên của Việt Nam viết bài tường thuật trực tiếp tại Dinh Độc Lập trưa 30/4. Sáng sớm hôm sau, bài báo của ông đã được phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam. Và sau đó, Báo Nhân dân cũng cho đăng tải bài viết này trong số đặc biệt chào mừng ngày đất nước Thống nhất.
Cuộc hạnh ngộ của hai anh em phóng viên chiến trường
Câu chuyện giữa chúng tôi với nhà báo Trần Mai Hạnh liên tục bị gián đoạn bởi những cuộc điện thoại cứ reo lên từng chập. Đã từng kinh qua những chức vụ như: Phó trưởng Ban Thường trực Ban tin trong nước; Phó Tổng biên tập thường trực các báo: Tuần tin tức, Tin tức Buổi chiều của TTXVN, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII, IX; Đại biểu Quốc hội; Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam,… nhưng hiện nay, khi đã bước sang tuổi 72, nhà báo Trần Mai Hạnh vẫn đang làm việc miệt mài với tư cách: Cố vấn cao cấp Báo điện tử Tổ quốc (cơ quan của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch). Con người ông, có lẽ, công việc là một phần không thể thiếu trong cuộc sống thường nhật.
Bố mẹ nhà báo Trần Mai Hạnh sinh được 5 người con: 2 trai, 3 gái. Ông và người em trai duy nhất của mình cùng là phóng viên của TTXVN. Ngay từ khi chiến dịch giải phóng miền Nam chuẩn bị nổ ra, TTXVN được cấp trên yêu cầu thành lập đoàn công tác 3 người do đích thân nhà báo Đào Tùng, Tổng Giám đốc TTXVN (thời đó gọi là Việt Nam thông tấn xã) làm Trưởng đoàn. Do có thời gian là phóng viên chiến trường ở nhiều nơi, trong đó có lúc Trần Mai Hạnh tham gia mặt trận Quảng Nam – Đà Nẵng trong các năm 1968, 1969, 1970 nên ông được chọn làm phóng viên viết tin, bài và bên cạnh ông là nhiếp ảnh gia Văn Bảo, được cử làm phóng viên ảnh.
Nhà báo Trần Mai Hạnh tại Dinh Thống Nhất trong ngày ra mắt Ủy ban quân quản TP Sài Gòn-Gia Định 7/5. |
Câu chuyện sẽ chẳng có gì phải nói nhiều khi chuẩn bị tiến công giải phóng Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, TTXVN lại quyết định thành lập thêm tổ phóng viên tại mặt trận này. Khi biết tin đó, nhà báo Trần Mai Hưởng, em trai duy nhất của nhà báo Trần Mai Hạnh đã quyết định xung phong đi tác nghiệp tại đây. Ban Giám đốc TTXVN bấy giờ nêu lý do, vì gia đình của Trần Mai Hạnh chỉ có 2 anh em trai nên không thể cùng một lúc cử cả hai người vào chiến trường miền Nam được. Nhưng dưới sự xung phong khẩn thiết, nhiệt tình của Trần Mai Hưởng, và cũng do ông có kinh nghiệm làm phóng viên ở mặt trận Quảng Trị trong thời gian dài trước đó, nên Ban Giám đốc TTXVN cuối cùng cũng đồng ý.
Ngày 25/3/1975, sau khi giải phóng Huế, Tổng Giám đốc Đào Tùng cho triệu tập cuộc họp của các thành viên TTXVN tại Huế để giao nhiệm vụ, thì bất ngờ hai anh em Trần Mai Hạnh và Trần Mai Hưởng được gặp nhau tại đó. Nhưng do tính chất là cuộc họp, và do nhu cầu thời gian gấp gáp, nên hai anh em họ chỉ kịp nhìn nhau, 4 mắt cay xè mà cũng chẳng có thời gian để mà gặp nhau kề sát, hàn huyên tâm sự. Thế rồi nhà báo Trần Mai Hạnh cùng theo Tổng Giám đốc Đào Tùng tiếp tục di chuyển theo nhiệm vụ mới. Em trai Trần Mai Hưởng thì lại bám sát các cánh quân tấn công theo các mặt trận khác. Vậy là giữa chiến trường ác liệt, hai anh em họ lại tạm thời xa nhau và không hề có bất kỳ thông tin hay liên lạc nào kể từ lúc ấy.
Ở vào thời khắc lịch sử 11h30 ngày 30/4, nhà báo Trần Mai Hưởng là một trong những người Việt Nam đầu tiên chụp được cảnh xe tăng của bộ đội ta tiến vào Dinh Độc Lập. Ngay sau đó, người anh trai Trần Mai Hạnh cũng tiến vào Dinh Độc Lập, trở thành phóng viên Việt Nam đầu tiên viết bài tường thuật về cuộc tiến công vào Dinh Độc Lập, giải phóng hoàn toàn miền Nam. Từ đó, ông cũng dành rất nhiều thời gian, tâm sức của mình cho việc tìm kiếm tư liệu để viết nên cuốn sách “Biên bản chiến tranh 1.2.3.4 – 75”- cuốn sách mà ông đã ấp ủ ngay khi Sài Gòn được giải phóng với lý do, lịch sử chỉ diễn ra một lần và ông muốn, sự thật lịch sử ấy phải được ghi lại một cách đầy đủ, khách quan nhất.
Một “biên bản” đặc biệt
Trong cuộc hội thảo được Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức dành riêng cho cuốn tiểu thuyết tư liệu lịch sử “Biên bản chiến tranh 1.2.3.4 – 75” vào ngày 16/4 vừa qua, Nhà văn Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, đánh giá: “Đây là một trong số ít các cuốn sách giành được sự nhất trí trao giải tuyệt đối 100% của Ban giám khảo trong các vòng chấm sơ khảo và chung khảo của chúng tôi. Việc cuốn “Biên bản chiến tranh 1.2.3.4 – 75” của nhà báo Trần Mai Hạnh là cuốn văn xuôi duy nhất nhận được giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2014 còn nhận được sự đồng thuận của rất nhiều nhà văn trong hội, và đây là một trong những cuốn sách có ít người bày tỏ quan điểm đối lập nhất”.
Nếu có thể so sánh một cách dễ hiểu nhất, thì ví như người ta đổ cả một đống con ốc vít với đủ các kích cỡ, các thể loại ra trước mặt chúng ta, rồi bắt chúng ta phải chọn lựa từng con ốc vít trong số ấy để lắp ráp cho hoàn chỉnh một cỗ máy phức tạp nào đó, thì công việc mà Trần Mai Hạnh phải làm để cho ra đời cuốn sách “Biên bản chiến tranh 1.2.3.4 – 75” cũng gần giống như vậy. Bởi vì, mỗi dòng trong cuốn sách này của ông, là từng từ, từng chữ chứa đọng thông tin mà ông phải mất hàng chục năm, bằng mối quan hệ, công sức của mình, sưu tập tài liệu từ các nguồn chính thống từ trong đến ngoài nước mới có được (do được sự giúp đỡ của các cấp chính quyền, của Bộ Quốc phòng, của các cơ quan đoàn thể từ Trung ương đến địa phương, tác giả mới may mắn được tiếp cận). Rồi trên cơ sở nền tảng ấy, ông công phu chọn lọc, sắp xếp nó lại theo trật tự, logic về thời gian, về không gian, về diễn biến tâm lý và tính cách của gần 300 nhân vật theo sự thật khách quan của lịch sử để dựng lại quá trình sụp đổ của cái chính thể Việt Nam Cộng hòa một cách bài bản, sinh động.
Nhà văn, nhà báo Trần Mai Hạnh trao đổi với PV về cuốn sách “Biên bản chiến tranh 1.2.3.4-75”. |
Thêm vào đó, đọc “Biên bản chiến tranh 1.2.3.4- 75” của Trần Mai Hạnh, người đọc không hề thấy sự xuất hiện của cái tôi tác giả. Không những người viết ở ngôi thứ 3, hoàn toàn đứng biệt lập với các nhân vật, mà ông còn không hề biểu lộ bất cứ một lời bình luận, phán xét nào trong suốt hơn 500 trang sách ngồn ngộn thông tin. Hơn thế nữa, cái cao tay của tác giả không chỉ tái hiện ở việc lên các bối cảnh cụ thể sinh động cho từng hoàn cảnh, phân cảnh, mà đi đôi với sự tái hiện, tác giả còn đưa ra những dẫn chứng hết sức cụ thể, chân thực trên cơ sở các tài liệu có được tuyệt mật của chính quyền Việt Nam Cộng hòa do Nguyễn Văn Thiệu làm Tổng thống mà phía cách mạng thu giữ được sau khi tiếp quản Sài Gòn. Thêm vào đó là những lời khai của hàng chục viên tướng của chính quyền Việt Nam Cộng hòa khi chạy sang Mỹ, đã được các cơ quan quân sự của Mỹ ghi lại, đóng dấu tuyệt mật và mãi 20 năm về sau mới được giải mật.
Có một điều cần bàn luận ở đây, đó là cuốn sách thuộc thể loại “Tiểu thuyết tư liệu lịch sử”. Tiểu thuyết là một thể loại của văn học, nó cho phép tưởng tượng, hư cấu. Nghe có vẻ vô lý, nhưng nếu tư liệu lịch sử là một loại thể cho phép tác giả có thể tái hiện lịch sử khách quan nhất, thì sự kết hợp của nó với loại thể tiểu thuyết lại cho phép tác giả có thể hư cấu logic để tạo ra bối cảnh phù hợp, đặt sự thật lịch sử ấy vào một cách hợp lý nhất. Nhưng tác giả đã dùng kiến thức thực tế của mình để tạo ra các hoàn cảnh hoàn toàn phù hợp với thực tế, tạo nên những phân cảnh sinh động, khiến cho các chương của cuốn sách hấp dẫn hệt như thực tế. Và điều đó có thể kiểm chứng bằng việc, qua mỗi phân cảnh mà tác giả đề cập, thì người viết đều dẫn chứng những văn bản, là những lời khai của những người phía “bên kia chiến tuyến” nói về sự việc ấy. Nên, những thứ gì mà Trần Mai Hạnh viết ra, đều khiến độc giả không những cảm thấy sinh động, mà còn cảm thấy xác tín ngay tức thời.