Nhà báo Nguyễn Như Phong: “Phải nghiêm cấm những thí nghiệm đối với chữ Quốc ngữ!”

Thứ Năm, 04/10/2007, 20:45
Nên nhớ rằng những giá trị sâu sắc, trường tồn theo thời gian mới đích thị là vàng. Có cho vào axít, vùi dưới cát cũng chẳng thể nào phủ nhận được giá trị nguyên bản ấy. Vì vậy, xin hãy đừng tô vẽ gì thêm nhân danh nghệ thuật”.

>> Không được mạo danh thư pháp để làm bẩn chữ Quốc ngữ!

Ông Nguyễn Như Phong, Phó Tổng biên tập Báo Công an Nhân dân, phụ trách chuyên đề An ninh thế giới, đã khẳng định như vậy về cái gọi là “thư pháp” chữ quốc ngữ.

Phóng viên (PV): Đứng dưới góc độ một nhà báo, một người làm truyền thông, ông đánh giá gì về vấn đề mạo danh thư pháp để bôi bẩn tiếng Việt mà Vietimes đưa ra? Xu hướng viết chữ Quốc ngữ “ngụy nghệ thuật hóa” này có khác gì so với thời trước, cụ thể là thời ông còn đi học không?

Nguyễn Như Phong (NNP): Trước hết tôi phải nói rằng tôi và nhiều người nữa rất hoan nghênh Vietimes đã “chạm” được vào vấn đề “cái gọi là thư pháp tiếng Việt” và những ảnh hưởng xấu của nó đến chữ Quốc ngữ- vấn đề rất nhức nhối nhưng ít ai dám lên tiếng hay lên tiếng mà vẫn chưa giải quyết dứt khoát được vấn đề.

Nói đến thư pháp là nói đến nghệ thuật viết chữ Hán của người Trung Quốc. Thư pháp không chỉ là nghệ thuật mà còn là một thứ Đạo. Và cổ nhân đã dạy: “Học tập thư pháp khả dĩ tu thân, dưỡng tính…” Chữ Hán là chữ tượng hình với mỗi nét đều mang ý nghĩa nên mới có khái niệm “thư trung hữu họa” chứ chữ tượng thanh thì làm sao lại “họa” được!

Sở dĩ đang “loạn thư pháp tiếng Việt” là vì những người được gọi là “thư pháp gia Việt ngữ” không am hiểu thấu đáo bản chất chữ Hán và chính chữ Quốc ngữ trên quê hương mình; hoặc họ cố tình đánh tráo khái niệm để tạo ra thứ gọi là “thư pháp chữ Việt”. Chữ Quốc ngữ phải mềm mại, uyển chuyển nhưng luôn ngay ngắn, đẹp đẽ và rõ ràng, rành mạch.

Ngày xưa chúng tôi được luyện chữ với ngòi bút lá tre để chữ của mình lượn được những nét thanh, nét đậm. Đến khi ngành Giáo dục thực hiện cải cách chữ viết thì Chính ngành Giáo dục đã đi “tiên phong” trong việc “dạy” trẻ em viết chữ Quốc ngữ xấu… xấu như “thư pháp”!… Nói thẳng ra đấy là những áp dụng thiếu hiểu biết của những nhà cải cách giáo dục nửa vời khiến cho học sinh viết xấu hơn. Chữ “g” chẳng hạn, khi đáy bị thu ngắn quá thì sẽ mất cân đối, đường nét thiếu rõ ràng và thiếu thẩm mỹ, logic ngay.

Để ý gần đây có thể thấy phong trào luyện viết chữ Quốc ngữ dần hồi phục với nhiều nơi luyện chữ. Các bậc phụ huynh và chính nhiều em học sinh cũng ý thức về việc này bởi người xưa đã dạy “nét chữ, nết người”. Thế mà những kẻ tự xưng thư pháp gia lại viết hết sức loằng ngoằng.

PV: Vậy ông nhận xét gì về “cái gọi là thư pháp” và những người tự cho mình là “thư pháp gia Việt ngữ” nói trên?

NNP: Tôi hoàn toàn tán đồng nhận định về sự mạo danh thư pháp Việt của Giáo sư Trần Trí Dõi. Bản thân tôi cho rằng những người thiếu hiểu biết bị lừa khi nghe các “thư pháp gia” cho rằng kiểu viết chữ (xấu tệ) ấy là “thư pháp Việt”. Càng tệ hơn là những kẻ nói và viết ra “cái gọi là thư pháp Việt” để loè bịp thiên hạ.. Nếu gặp phải những ai hiểu biết thấu đáo tiếng Việt, tiếng Hán với đúng bản chất của nó thì những kẻ ấy sẽ không dám… to mồm.

Tâm lý của số đông là thấy cái gì ngồ ngộ, là lạ thì túm tụm lại xem xét, chỉ trỏ và mua về vì không muốn tỏ ra ta đây… kém. Nhiều Nhà xuất bản (NXB) cũng hùa theo thị hiếu lệch lạc ấy để in ra nhiều “tác phẩm” kỳ dị về cách thể hiện nội dung. Thật đáng buồn, thời nhuộm nhoạm bây giờ các giá trị ít được nhận thức thấu đáo đen trắng, đúng sai nữa…

Người viết cẩu thả, sai sót đã đành. Ngay cả những người có trách nhiệm biên tập cũng thiếu sự am hiểu tường tận vấn đề còn các NXB thì tùy tiện in ấn vì cứ nhắm vào lợi nhuận đơn thuần, vì thế lỗi chính tả, lỗi morat nhiều đến nỗi đọc sách mà cứ như… ăn cơm độn sạn! Tôi đã từng quán triệt rằng nhân viên thư viện của báo An Ninh Thế Giới không được mua sách của NXB Thanh Niên, NXB Văn hóa Dân tộc, NXB Văn hóa Thông tin vì lẽ trên.

Và VieTimes đã làm rất hay khi cảnh báo được vấn đề này cho mọi người!

Chữ Tâm trong sáng của người Việt bị biến thành chữ gì đây?

PV: Hiện nay có nhiều người, nhiều nơi đang tổ chức giảng dạy “thư pháp Việt” cho các bạn trẻ, ở Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô chẳng hạn. Phải chăng là một cách cổ suý lệch lạc nên ngăn chặn lại?

NNP: Những hoạt động cổ súy giảng dạy, quảng bá “cái gọi là thư pháp Việt” là việc làm hết sức thiếu cân nhắc, vô trách nhiệm. Đáng ra phải ngăn chặn nó lại từ sớm nữa kìa. Trách nhiệm này thuộc về những người làm văn hóa và giáo dục bởi ngôn ngữ Việt Nam chưa bao giờ… lung tung như thế này và bị mạo danh, đánh đồng cho thứ không phải là nghệ thuật. Ở nhiều quốc gia người ta còn thành lập hẳn một Hội đồng chính tả Quốc gia để kiểm tra, quản lý những vấn đề liên quan đến ngôn ngữ. Còn chúng ta không có một qui định chính thức nào cả.

Ngay cả quyển Từ điển Bách khoa Việt Nam còn in sai nhiều chỗ nữa là. Ví dụ như dấu chữ “HÓA” với dấu sắc trên chữ “O” chứ không thể bay sang chữ “A”. “VẬT LÝ” ngày xưa viết chữ “LÝ” dùng “Y” còn bây giờ tuỳ tiện “I”, “Y” lung tung. Thử hỏi nếu viết tên cô nào đó tên Thúy mà thay “Y” bằng “I” thì…sao?

Thế mà những thứ “của rởm” kia lại được truyền bá, thật không thể hiểu nổi!

PV: Phải chăng tiếng Việt đang đóng vai trò… chuột bạch để người ta thí nghiệm “tư tưởng mới” về hình thức?

NNP: Cả về nội dung nữa chứ!

Chữ nghĩa của chúng ta đã đến hồi báo động khi những “ngôn ngữ @” đang xâm thực tiếng Việt. Ngoài ra còn có sự tuỳ tiện biến tấu tiếng Việt của những người hoạt động văn hóa. Một ví dụ cụ thể là Nguyễn Đình Chính từng lôi tiếng Việt ra “thí nghiệm” khi viết “Đêm Thánh Nhân” mà không dung bất kỳ một dấu phẩy nào trong cả tác phẩm.

Chúng ta cần giữ gìn sự trong sang của tiếng Việt cả về nội dung lẫn hình thức nên phải chặn ngay các “thí nghiệm” cả về nội dung như trên hay về hình thức như các “thư pháp gia” và “cái gọi là thư pháp” mà họ đang làm. Quan điểm của tôi là dẹp bỏ ngay những thứ văn hóa… dỏm nói trên. Và các nhà văn, nhà báo, các nhà giáo dục hãy làm gương trong việc này.

Tôi đã sợ hãi khi mới chỉ nghĩ đến việc người ta đem chữ Quốc ngữ ra vẽ rắn, vẽ giun ở chốn thanh thiên bạch nhật. lại được cổ suý bởi những kẻ không biết gì.

PV: Nhưng có người cho rằng trong sự hưởng thụ văn hóa của người dân, một bức chữ viết những điều tốt đẹp chẳng có hại gì cả?

NNP: Bây giờ đất nước phát triển nên đời sống người dân khá hơn trước nhiều. Nhu cầu hưởng thụ cũng tăng lên theo đấy nên việc người ta đi mua tranh ảnh, tượng, phù điêu hay hoành phi câu đối về treo cũng là chuyện bình thường. Tuy nhiên, phải hiểu mình đang mua gì, treo gì, treo ở đâu, treo khi nào lại là vấn đề khác.

Tôi thấy chiều hướng những người giàu xổi do trúng mánh này nọ muốn tỏ ra mình có học khi bỏ hàng đống tiền mua những thứ nói trên về treo, đặt chật nhà mà chẳng hiểu gì cả. Đấy là thói trưởng giả, không hơn.

Có lần tôi thấy nhà nọ treo hoành phi “Ẩm thủy tư nguyên” và được giải thích là đơn giản “Uống nước nhớ nguồn”. Xét ra nó đúng nghĩa theo kiểu… học vẹt, dịch vẹt. Chẳng lẽ uống nước… cống mà nhớ nguồn được ư? Phải là “Ẩm hà tư nguyên” mới đúng. Nước sông thì mới có nguồn... Mà bức này đâu phải nơi nào cũng treo được. Phải treo nơi nhà thờ họ và do chính con trưởng tự tay treo mới xong chứ đâu đơn giản. Ngoài ra…

PV: Chắc ông vẫn còn điều gì bức xúc với mớ lộn xộn thư thư, pháp pháp ở Việt Nam?

NNP: Đến đây tôi xin lái sang vấn đề thư pháp Hán tại Việt Nam một chút. Tôi thấy người ta lập nhóm Nhị Thập Bát Tú mà… không biết xấu hổ. Tên nhóm là gồm các nhà thơ danh tiếng có từ thời vua Lê Thánh Tông được họ bê nguyên về tự gá danh cho mình. Đóng góp của mình tới đâu đã nhanh mồm tự xưng ta đây là “tinh tú”? Khái niệm “ông đồ” bây giờ biến tấu quá nhiều khi chữ “đồ” được hiểu theo nghĩa động từ là “đồ đi, đồ lại”. Có nhiều người đồ chữ mình mấy lượt cho đẹp rồi đem khoe, đem bán. Nghệ thuật thư pháp thực sự bị lạm dụng để làm kinh tế.

Về bản chất xưa nay, những người viết tiếng Hán ở Việt Nam chẳng thể mảy may tác động, đóng góp được chút lý luận nào cho thư pháp tiếng Hán cả. Nên nhớ rằng những giá trị văn hóa dân tộc nếu đã trường tồn theo thời gian thì đó đích thị là vàng mười. Có cho vào axít, vùi dưới cát cũng chẳng thể nào phủ nhận được giá trị nguyên bản ấy. Vì vậy, xin hãy đừng tô vẽ gì thêm nhân danh nghệ thuật.

PV: Xin cảm ơn ông!

Phản hồi của độc giả về bài viết này:

Ho Tan Duc - hotanduc@gmail.com: “Mạo danh cả linh hồn dân tộc: Chữ viết”

Tôi là người Việt rất kính trọng và yêu quê hương Việt Nam của tôi , nên tất nhiên tôi yêu cả chữ Quốc ngữ. Tôi không mấy thiện cảm khi nhìn những chữ Quốc ngữ bị viết loằng ngoằng để treo bán - Ngày học tiểu học tôi đã từng bị thầy giáo làng gõ sưng tay vì chữ loằng ngoằng như giun bò; Bây giờ thầy tôi không còn sống để gõ những người chắc học hơn tôi ở bậc tiểu học nhưng chữ lại loằng ngoẳng hơn...

Tôi rất cảm ơn GS Trần Trí Dõi, Nhà văn Như Phong ...đã tiên phong nêu ý kiến của mình qua sự việc mạo danh dùng thư pháp làm bẩn chữ Quốc ngữ. Hởi " các nhà thư pháp chữ Quốc ngữ " - các nhà giáo dục Việt Nam đòi "đổi mới" cả cách viết chữ Quốc ngữ ...hãy tỉnh táo xem lại.!

Nguyễn Phước - nguyenphuoctttho@yahoo.com.vn: Quá lố và không cần thiết

Tôi hoàn toàn đồng ý với nhà báo NHƯ PHONG. Viết như thế nào là quyền tự do của anh, thế nhưng anh mở lớp dạy viết chữ cho ngưòi khác rồi lập Hội, triển lãm... tự nâng việc làm của mình lên thành một "nghệ thuật" tỉ như "thư pháp Việt” thì ngành văn hóa và giáo dục phải có ý kiến.

Chúng ta đang tập cho học sinh viết đúng và đẹp chữ Việt, thế mà có ngưòi lại dạy cho các em viết một thứ chữ "vô nguyên tắc" như thế thì làm sao chấp nhận được. Viết kiểu "phăng" chỉ nên coi là một thứ giải trí cá nhân, tỉ như chơi "game". Đó không phải là nghệ thuật được.

Trần Quân - Phú Thọ - quantran@yahoo.com: Tôi rất đồng tình với nhà văn Như Phong và đã đến lúc ngành giáo dục không thể đứng ngoài cuộc được, nếu không chúng ta sẽ lại mất rất nhiều công sức giữ gin giá trị vốn có của ông cha để lại.

Doan Phương - Thị xã Hưng Yên - suzufen62@yahoo.com.vn: Về chữ, nghĩa cần phải được bàn, trao đổi nhiều....Tôi có quan điểm ủng hộ nhà báo Nuyễn Như Phong.

Vũ Ngọc Sơn - - ngocsonvu@gmail.com: Việc bóp méo chữ nghĩa tiếng việt đồng nghĩa với việc làm méo mó nền văn hóa Việt Nam. Pháp luật cần có biện pháp cứng rắn để chấm dứt vấn đề này.

Nguyễn Lê Minh - Đồng Hới, Quảng Bình - minh.nguyenle@gmail.com: Đọc bài phỏng vấn nhà báo Nguyễn Như Phong, tôi cảm thấy rất đồng tình với cách nhìn nhận và phân tích vấn đề của nhà báo.Hiện nay, phong trào viết chữ tiếng Việt theo phong cách thư pháp không còn lạ nữa. Tuy nhiên, đó chỉ mang tính phong trào, không thể đánh đồng với Thư pháp của Hán ngữ được.

Hiện nay, tôi đang làm trong một đơn vị hành chính Nhà nước. Hàng ngày tôi phải xử lý hàng chục văn bản và một điều đáng buồn là tỉ lệ viết sai chính tả là rất cao. Những lỗi cơ bản như sai về dấu hỏi, ngã, trạng ngữ, tính từ,... là những lỗi hay gặp nhất.

Tôi không muốn đề cập đến việc các chữ sai do lỗi đánh máy, tôi chỉ muốn nói đến trình độ tiếng Việt của một bộ phận cán bộ, công chức Nhà nước, những người đã được đào tạo một cách bài bản.

Vì vậy, tôi cũng không ngạc nhiên vì việc một số cá nhân mượn sự thiếu hiểu biết về tiếng Việt để thay đổi tiếng Việt. Chỉ mong rằng những người đó chỉ nên xem đó là một thú tiêu khiển mà thôi. Và xin hãy nghiên cứu thật kỹ tiếng Việt trước khi thay đổi nó.

Mai Thanh - 63 Le Van Luong - Ha Noi - maihathanh@yahoo.com: Tôi đồng ý với quan điểm của nhà báo Nguyễn Như Phong. Bộ Giáo dục Đào tạo cần phải đưa ra chuẩn mực về chữ quốc ngữ để giữ gìn giá trị vốn có của ông cha để lại.

Phạm Huỳnh - Đà Nẵng - tanpv@gso.gov.vn: Chữ thư pháp đẹp đâu chưa thấy, người lớn còn đọc không nỗi, huống chi trẻ con. Làm hư hết chữ. Tôi nhất trí hoàn toàn với bài viết này.

Nhữ Thanh Phong - TP HCM - Phong_kp1912@yahoo.com: Tôi hoàn toàn đồng ý với Ông Nguyễn Như Phong, vấn đề này theo tôi cần phải làm ngay từ bây giờ, nếu để lâu hơn không biết chữ Quốc ngữ có còn được như hôm nay hay không.

 

Lê Đức Thiện - Hà Nội - thienbhld@yahoo.com: Tôi nhiệt liệt cổ vũ việc trả lại sự trong sáng cho tiếng Việt. Một tấm gương điển hình đó là Hồ Chủ Tịch, Bác có thể sử dụng thông thạo rất nhiều thử tiếng mà không bao giờ dùng lẫn lộn một câu tiếng Việt nào. Đã có quá nhiều nhà cải cách giả danh mà hiểu biết về Văn hóa không tương xứng với trọng trách, những người này đang phá hoại tiếng Việt. Tôi thích tiếng Việt là ngôn ngữ riêng của Việt Nam như chính vai trò của nó, và nó phải dễ hiểu, đơn giản đối với mọi người Việt.

Lèo Đức Dung - Định Hoá, Thái Nguyên - leoducdung@yahoo.com: Cảm ơn Vietims, cảm ơn Giáo sư Trần Trí Dõi và nhà báo Như Phong. Các ông đã có thái độ dứt khoát với những ai, những gì đang làm mất đi sự trrong sáng của chữ viết hiện nay. Cái gọi là "Thư pháp Việt ngữ" đang làm bẩn chữ Quốc ngữ. Mong rằng có nhiều người cùng có quan điểm như vậy và lên tiếng để bảo vệ những giá trị văn hoá dân tộc

Một độc giả giấu tên: Tôi cũng rất đồng ý với tác giả bài viết này tuy tôi không biết nhiều về chữ Hán nhưng tôi biết rằng chữ Hán là loại chữ tượng hình khác hẳn với chữ quốc ngữ nên không thể đánh đồng hai thứ ngôn ngữ này được. Chữ quốc ngữ là cả một công trình mà cha ông chúng ta đã xây dựng nên với mong muốn nước nhà có một thứ ngôn ngữ của riêng mình. Vậy thì tại sao chúng ta lại quay lại thời kỳ phải mượn chữ hán để thể hiện văn bản của mình khi chúng ta đã có ngôn ngữ của riêng mình.

Nhiều lúc nhìn thấy cái gọi là thư pháp Việt mà tôi không thể đọc và hiểu đưọc nó muôn nói gì nhưng chúng lai đưọc treo trang trọng giữa nhà không biết liệu chủ nhà có hiểu không khi treo chúng lên như vậy.

Từ ngày còn học phổ thông tôi luôn tự hào mình là người không bao giờ viết sai lỗi chính tả vậy mà bây giờ khi đọc bài văn hay bài báo tôi vẫn thây có rất nhiều lỗi chính tả.

Nguyễn Ngọc Chấn - 25/1 Trương Định Q3 TP HCM - nnchan2001@vnn.vn: Tôi hoàn toàn đồng tình với ý kiến của nhà văn Nguyễn Như Phong và Giáo sư Trần Trí Dõi, xin cám ơn các ông đã lên tiếng. Từ rất lâu tôi đã dị ứng với kiểu chữ viết như vẽ dun vẽ rắn nầy, đáng tiếc là chúng ta lại phải gặp những thứ rác rưởi nầy nhan nhản trên các bìa lịch, sách báo. Buồn thay cho các nhà quản ngành văn hóa lý giáo dục.

Hoàng Vân - 46 Ngô Quyền Hà Nội - gexim@generalexim.com.vn: Khẩn thiết đề nghị bộ, sở văn hóa, giáo dục và các cơ quan liên quan nghiêm cấm, xử phạt các trung tâm thư pháp quốc ngữ này. Hãy liên tưởng rằng, không có quy định, luật lệ cấm chửi bậy văng tục nhưng khi giới trẻ thích những cái không xấu xa như chửi bậy văng tục mà thích những cái ngụy nghệ thuật hóa thì còn khó đào tạo lại hơn. Văn hóa là vấn đề nhạy cảm, không dễ dàng xử lý, truy tố nhưng không xử lý truy tố thì hậu quả sẽ thật khôn lường.

Y phương - hội nhà văn VN - yphuonghnv@yahoo.com: Về việc này tôi thấy tự nó đã tố lên cái rối loạn thẩm mỹ thiếu văn hoá của một phần nhỏ công chúng VN trong nhiều năm trở lại đây. Thật buồn cho cái gọi là Văn hoá nước nhà. ..

Phùng Dung - Đồng Nai - phung_dung26@yahoo.com: Quá đồng tình với Như Phong, Tôi đã từng có ý kiến việc này, liệu có ai nghe bạn; Từ cải cách chữ  viết, cải cách thứ tự mẩu chữ latin đưa vào quốc ngữ cho thế hệ con cháu mai sau, phải chăng vẽ ra để có việc làm ?

Va - Công an tỉnh Hòa Bình - tholeva@gmai.com: “Hữu thức vô nan nan thức đáo/Vô danh bất hoãn hoãn danh phù". Câu đối trên tạm dịch là: Hiểu biết không khó mà khó là hiểu biết thấu đáo/ Vô danh không xấu mà xấu ở hão danh. Rất mong những nhà gọi là thư pháp Việt ngữ đọc và hiểu kỹ câu đối này để không tiếp tục làm xấu chữ Việt. Xin cám ơn Vietimes, cám ơn giáo sư Trần Trí Dõi và nhà văn Như Phong

Theo Mai Quốc Ấn (VieTimes)
.
.
.