Người tự tổ chức triển lãm thư pháp thơ chữ Hán của Bác Hồ

Chủ Nhật, 26/05/2013, 15:28
Tốt nghiệp đại học Khoa Văn chuyên ngành Hán Nôm, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Hà Nội, đang công tác tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm và là một nhà thư pháp trẻ của Hội Thư pháp trẻ Hà Nội, Nguyễn Quang Thắng đã nhiều lần tham dự các cuộc trình diễn và triển lãm thư pháp được tổ chức tại Việt Nam cũng như ở nước ngoài.

Gặp anh trong dịp triển lãm thư pháp thơ chữ Hán của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám nhân dịp sinh nhật Bác Hồ lần này, Nguyễn Quang Thắng rất say sưa khi nói về niềm đam mê thư pháp của mình...

- Anh cho biết duyên cớ nào dẫn đến sự đam mê thư pháp của mình?

+ Mình được học chữ Hán từ nhỏ, do ông nội dạy, nên đã tạo ra niềm yêu thích. Nói cách khác, mình có môi trường tốt để tiếp xúc chữ Hán. Sau này lớn lên lại được học đại học, chuyên ngành Hán Nôm nên có cơ sở để phát triển.

Ở đây, phong trào thư pháp sinh viên được đẩy cao, tạo đà cho các phong trào thư pháp về sau... Sau này được tiếp xúc (thời gian ngắn) với các nhà thư pháp lão thành như cụ Lê Xuân Hòa (đã mất), Nguyễn Văn Bách; Phan Khánh Trung (Đài Loan)...

Ngoài ra, mình chơi thân với họa sĩ Lê Quốc Việt, người gây ảnh hưởng lớn đến con đường nghệ thuật của mình. Và được gặp gỡ nhiều nhà thư pháp khác tại Hà Nội, thuộc nhiều trường phái khác nhau, từ đó tạo ra phong trào thư pháp ở đây phát triển mạnh...

Mình cũng được tiếp xúc với các nhóm thư pháp nước ngoài như nhóm Mainichi, nhóm Đông Dương của Nhật Bản, nhóm Jeju của Hàn Quốc… và các nhóm trong nước, bọn mình cũng có những sự hợp tác, giao lưu, trao đổi, triển lãm chung…

Nhưng có lẽ chủ yếu nhất vẫn là tự nghiên cứu, đọc sách, xem Internet, tham khảo tài liệu trong nước cũng như nước ngoài (chủ yếu là Anh văn và Trung văn).

Mình cũng tham gia các cuộc triển lãm, trình diễn tại nước ngoài. Sau mỗi đợt triển lãm, trình diễn lại có điều kiện học hỏi thêm.

- Trong lần triển lãm thư pháp thơ chữ Hán của Chủ tịch Hồ Chí Minh, anh trình diễn thể loại chữ nào?

+ Lần này, mình chủ yếu dùng các thể chữ: Giáp cốt văn, Chung đỉnh văn, Tiểu triện và Hán triện.

Các bài thơ của Bác do mình viết trong dịp triển lãm lần này gồm những bài thơ trong tập “Nhật ký trong tù” như Điền Đông (Điền Đông); Dạ túc Long Tuyền (Đêm ngủ ở Long Tuyền); Song thập nhật giải vãng Thiên Bảo (Tết Song thập bị giải đi Thiên Bảo); Tự miễn (Tự khuyên mình); Quả Đức ngục (nhà lao Quả Đức); Sơ đáo Thiên Bảo ngục (Mới đến nhà lao Thiên Bảo); Nạn hữu chi thê thám giam (Vợ người bạn tù đến nhà lao thăm chồng).

Thạc sỹ Nguyễn Quang Thắng, thành viên của Viện Nghiên cứu Hán Nôm phân tích ý nghĩa của những dòng thư pháp.

- Nhân nói về thư pháp, anh có thể cho độc giả hiểu rõ hơn về thư pháp qua các kiểu cách viết?

+ Thư pháp có nhiều kiểu viết, như Giáp cốt văn. Đây là thể chữ Hán cổ nhất, thường được khắc trên mai rùa, xương thú, nên được gọi như vậy. Người Trung Hoa xưa dùng dao nhọn để khắc, cho nên, các nét chữ sắc nhọn, hình thể đơn giản, và tính tượng hình cao.

Lệ Thư: thịnh hành kể từ đời Hán. Nó kế tục chữ Triện, mở đường có chữ Khải sau này; Khải Thư: Tổng thể, chữ Khải tự dạng hình vuông, kết cấu tập trung, nghiêm cẩn nhưng cũng phức tạp và cũng biến hóa nhiều nhất. Kết cấu của Khải Thư làm cho chữ Hán trở nên định hình theo khối vuông hoàn chỉnh.

Hành Thư: Chữ Hành bắt đầu hình thành từ đời Hậu Hán, được viết trên cơ sở giản tiện hóa và hành bút nhanh hơn chữ Khải nhưng không đến nỗi khó nhận biết như chữ Thảo.

Một chút rõ ràng mạch lạc dễ đọc, bút đi như chữ Khải gọi là Hành Khải; nước chảy mây bay và đá thảo một chút thì gọi Hành Thảo. Kết tự trong chữ Hành cũng độc lập giống chữ Khải nhưng trong quá trình viết biến hóa linh động hơn nhiều.

Theo hướng của chữ Thảo, đặc trưng lớn trong chữ Hành đó là tỉnh bút (viết bớt nét) và liên bút (viết liền nét) cho giản tiện và giúp người viết thể hiện tình cảm cũng như bút ý đi nhất quán liền mạch hơn. Chữ Hành đi bút có ý Thảo…

Ngoài ra còn có các kiểu chữ như Thảo Thư: Hàm chỉ lối viết nhanh, liền bút, kiểu chữ Sấu Kim thể: Đây là thể chữ viết theo lối trắc phong của ông vua – nghệ sĩ, Tống Huy Tông (1082 - 1135).

Với các đặc trưng nét chữ gầy, mềm mỏng, uyển chuyển, phóng khoáng, theo phong cách duy mĩ. Và, ông vua này đã tạo ra một phong cách rất đặc thù khiến cho hậu thế nhiều đời vẫn ưa chuộng và học tập theo.

Sắc Lệnh thư: Là thể chữ Khải được Việt Nam hóa, hình thành từ thời nhà Mạc, và thịnh hành thời Lê Trung hưng. Thời kì này, triều đình mở các khoa thi Thư Toán để chọn người cho các chức Thư tả (Thư lại) viết thể chữ này.

Đây là thể chữ có đặc trưng đầu cong chân quẹo, căng trên buông dưới… ưa nhìn, dễ đọc.

- Mỗi kiểu viết thường dùng trong văn bản nào?

+ Không có quy định nào về mỗi kiểu chữ thì viết trong văn bản nào đối với thư pháp. Tuy nhiên, chẳng hạn, nếu một bài thơ tình, người ta sẽ viết mềm mại, uyển chuyển. Một bài mạnh mẽ người ta sẽ viết rắn rỏi hơn.

Trên thực tế, có khi tư tưởng nghệ thuật của nhà thư pháp song hành tư tưởng của nhà thơ, có khi bài thơ chỉ là chất liệu để nhà thư pháp thể hiện tư tưởng của mình (giống như các nhạc sĩ phổ nhạc cho bài thơ của nhà thơ vậy, lúc này thơ hay hơn nhạc hay nhạc hay hơn thơ là tùy thuộc tài năng của nhạc sĩ. Đối với nhà thư pháp cũng vậy.

- Để là một nhà thư pháp giỏi, theo anh, cần những yếu tố và điều kiện gì?

+ Ngoài việc luyện tập thường xuyên, và có nhiều điều kiện học tập, về cơ bản, nhà thư pháp giỏi cũng cần những yếu tố cơ bản như học vấn, phải trau dồi kiến thức chuyên môn, luyện tập nhiều...

Thư pháp gia cũng cần phải có tài năng, phải có tính sáng tạo của người nghệ sĩ, có sự sáng tạo như người nghệ sĩ, có được phong cách riêng, mang hơi thở của thời đại mà nghệ sĩ đang sống…

- Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện

Ngô Thị Chuyên
.
.
.