Người trả “Quan âm thị Kính” về với chèo cổ sân đình

Thứ Năm, 26/01/2006, 07:39

“Mình đã đi chân trời góc bể, đã xem nhiều sân khấu lạ, mà chẳng thấy vở nào lạ như 'Quan âm Thị Kính', biểu diễn phá cách mọi lề lối quen, độc sáng cả về trò diễn lẫn trò lời, không thua một vở diễn mẫu mực nào trên sân khấu thế giới. Tôi đã mãn nguyện nhờ gần nửa thế kỷ tìm cách trả ‘Quan âm Thị Kính’ về với gốc rễ chèo cổ sân đình", đạo diễn Trần Bảng nói.

Cầm tinh con Hổ, sinh năm Bính Dần 1926, con trai nhà văn Trần Tiêu, đỗ tú tài Tây, mê đắm văn chương, kịch nghệ của Tây, ấy thế mà Trần Bảng đã ném cả đời mình vào chèo sân đình.

Ngồi với tôi trong căn gác nhỏ nhà tập thể cũ  5 tầng còn lại từ thời bao cấp, cửa sổ trông thẳng ra hồ Giảng Võ lộng gió nắng cuối thu Hà Nội, Trần Bảng say sưa nói về ba vở chèo cổ do một tay ông dàn dựng: “Xúy Vân” (từ vở “Kim Nham”), “Nàng Thiệt Thê” (từ vở “Chu Mãi Thần”) và “Quan âm Thị Kính”, được Nhà hát Truyền hình phát sóng trực tiếp,  để lại dư âm trong cho công chúng màn ảnh nhỏ.

Trần Bảng tâm sự: Đúng. Tôi mê chèo cổ thật đột ngột. Hồi kháng chiến chống Pháp, có lần Hoài Thanh xem tôi dựng kịch, bỗng nói: “Chèo cổ  hay lắm. Mình có cảm giác cậu sẽ lập nghiệp sân khấu bằng chèo cổ đấy”. Thế rồi lời của  Hoài Thanh vận ngay vào tôi. Định mệnh của tôi là… đạo diễn chèo. Ba vở chèo tôi thích nhất chính là ba vở có những nhân vật nữ mà tôi mê đắm, bất kể họ là nhân vật nữ chín đẹp nết, đẹp người như Thị Kính, Thiệt Thê… hay là nữ lệch, đẹp người, nhưng lẳng lơ, trắc nết, hoặc cả tin, dễ lầm lạc như Thị Mầu, Xúy Vân…

Nhưng, với tư cách đạo diễn, tôi mê nhất “Quan âm Thị Kính”, vì nó như một cổ vật còn nguyên vẹn. Về sân khấu, “Quan âm Thị Kính” mang vẻ đẹp tổng thể. Lớp lang vở diễn còn nguyên giá trị sân khấu và giá trị văn chương. Trong  vở diễn, có thể ‘’lẩy’’ ra hàng chục trích đoạn chèo cổ thật hoàn chỉnh. Như trích đoạn “Vu quy”, tả cảnh Thị Kính sánh duyên cùng Thiện Sĩ, có lớp múa đôi rất đẹp. Trích đoạn “Xử kiện” lại điển hình cho cảnh hát đôi diễm tình. Rồi những trích đoạn mẫu mực từng được trình diễn nhiều: Thị Mầu lên chùa, Việc làng, Mẹ Đốp, xã trưởng…

- Thưa ông, ông làm thế nào để giữ giá cho Quan âm Thị Kính như một cổ vật còn nguyên vẹn?

- Năm 1956, tuổi tam thập, tôi dựng “Quan âm Thị Kính”. Vì dựng mô hình “Quan âm Thị Kính” đầu tiên của mình trên sân khấu hộp, nên tôi rất chú ý đến cái để xem, tôi mời mấy họa sĩ số một thời bấy giờ: Nguyễn Đình Hàm, Sỹ Ngọc, Quang Phòng. Trên sân khấu, các họa sĩ đã dựng một không gian rất chèo,  vẽ cây mận cây đào ra hoa rực rỡ trên nền phông hậu, rất ăn ý với chất ước lệ của chèo cổ. Nhưng rực rỡ, tươi tắn nhất vẫn là trang phục của đào, kép chèo do các họa sĩ này thiết kế.

Mô hình “Quan âm Thị Kính” 1956 này của tôi được đánh giá cao. Nhưng tôi vẫn biết, phàm đã vào sân khấu hộp, cái phong vị “hương đồng gió nội” của chèo cổ đã bị… “bay đi ít nhiều”.

Năm1968, do ảnh hưởng của phương pháp sân khấu Xtanhixlavxki, tôi  dựng lại “Quan âm Thị Kính”. Sau hai tháng dựng vở, lúc diễn thử, mới vỡ ra sai lầm về đạo diễn. Cách thể hiện nhân vật bằng sự hòa cảm, chân thực, theo phương pháp kịch đã vô tình phá hỏng nguyên tắc ước lệ kiểu tả thần của sân khấu chèo cổ. Mô hình 1968 thất bại. Tôi được bài học thấm thía: đừng mong làm mới chèo, cho dù theo phương pháp sân khấu hiện đại nhất thế kỷ XX!

Năm 1985, tôi dựng mô hình thứ ba “Quan âm Thị Kính”, với ý đồ trả lại nó cho sự giao lưu thân mật với người xem và không khí hội hè sống động vốn có của chèo cổ sân đình. Trên sân khấu ba mặt được thiết kế riêng, tôi bỏ cây mận, cây đào, thay bằng phông hậu mô phỏng cửa đình. Hai bên sân khấu là dàn đế, dàn đàn, hệt như bố trí của chiếu chèo sân đình ngày xưa. Diễn viên ngồi ngay trong dàn đàn, dàn đế, khi ra vai đứng dậy diễn luôn. Tôi lấy lại y nguyên màn giáo đầu rộn ràng của chèo cổ, để phục hồi không khí lễ hội dân gian.

Tháng 11/1985, “Quan âm Thị Kính” xuất ngoại, diễn lần đầu ở Berlin, Đức, tại rạp Gorki, thành công bất ngờ. G.S âm nhạc Trần Văn Khê xem xong mừng húm, kêu lên: “Tôi xem sướng mắt, nghe đã quá”. Báo chí Đức khen không tiếc lời. Nhà hát Chèo còn diễn một đêm nữa ở Posdam, cách Berlin 80km, người xem đông, mua cả vé đứng. Bất đồng ngôn ngữ, vậy mà người  xem Đức mê thích vở chèo đến mức diễn viên chèo Việt Nam ra sân khấu chào 11 lần, họ mới chịu ra về. Tôi đã khóc vì quá hạnh phúc. Vì biết ơn sân khấu dân tộc.

Ngẫm nghĩ thấy mình đã đi chân trời góc bể, đã xem nhiều sân khấu lạ, mà chẳng thấy vở nào lạ như “Quan âm Thị Kính”, biểu diễn phá cách mọi lề lối quen, độc sáng cả về trò diễn lẫn trò lời, không thua một vở diễn mẫu mực nào trên sân khấu thế giới. Từ lâu, tôi đã mơ ước mình có vở diễn được bè bạn quốc tế thừa nhận. Có thể nói, tôi đã mãn nguyện nhờ gần nửa thế kỷ tìm cách trả “Quan âm Thị Kính” về với gốc rễ chèo cổ sân đình..

Nguyễn Thị Minh Thái
.
.
.