Người lính hình sự viết tiểu thuyết trinh thám
Trung tá Đào Trung Hiếu vốn là một người lính hình sự. Anh tốt nghiệp năm 1996 và được về công tác tại Phòng Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Yên Bái (từ 1996 đến tháng 8/2003); từ tháng 9/2003 đến 2005 ở Phòng Cảnh sát hình sự (CSHS) Công an tỉnh Yên Bái. Đến năm 2005, anh được điều chuyển xuống làm việc tại Phòng CSHS Công an TP Hà Nội (số 7 Thiền Quang). Vậy là trong quãng thời gian 17 năm 6 tháng làm CSHS, cái đặc thù công việc ấy đã tôi luyện cho anh một bản lĩnh vững vàng kèm theo vô số những trải nghiệm thực tế sinh động. Đó là những chất liệu quí hiếm để con người yêu văn chương ấy chắp bút cho những dòng chữ của mình.
Trung tá Đào Trung Hiếu kể với tôi rằng, anh không phải là người học văn, không được đào tạo một cách bài bản về các thể tài văn học như truyện ngắn, tiểu thuyết, nhưng trước khi bắt tay vào viết, anh đều tìm tư liệu, giáo trình để đọc và tự học thật kĩ lý thuyết. Bên cạnh đó, anh còn gặp gỡ và trao đổi với các tác giả, là những nhà văn có tên tuổi để nghe họ dạy về cách viết truyện ngắn, tiểu thuyết.
Về thể tài truyện ngắn, ngay trong thời gian còn là CSHS, Đào Trung Hiếu đã cho ra đời hai cuốn truyện và ký mang tên “Chuyện ngoài hồ sơ” (NXB Văn học 2012) và “Tiếng súng lạc bầy” (NXB CAND 2013) với khoảng 30 tác phẩm.
Còn đối với thể tài Tiểu thuyết, Đào Trung Hiếu chưa thử sức bao giờ. Thế nên, khi lần đầu anh tham gia trại sáng tác văn học viết tiểu thuyết, truyện ngắn và ký về đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” do Bộ Công an tổ chức với cuốn tiểu thuyết “Bão ngầm” và giành luôn giải A, không chỉ nhiều người, mà ngay chính anh cũng tỏ ra khá bất ngờ.
Nhớ lại buổi hôm ấy khi cùng trong trại sáng tác ở Cửa Lò, Đào Trung Hiếu có tâm sự với tôi, anh mới viết được 50 trang cho cuốn tiểu thuyết của mình. Trong những ngày ở đó, tôi quan sát và thấy, dường như những thời gian rảnh rỗi như quãng nghỉ ăn cơm, nghỉ trưa, anh đều dành dụm để nói chuyện, trao đổi, học hỏi với các nhà văn giàu kinh nghiệm cũng có mặt ở trại sáng tác. Để rồi sau khi rời trại, cái khí chất lính hình sự trong anh trỗi dậy, anh thức và làm việc một mạch 8 ngày liền (mỗi ngày ngủ 3 tiếng).
Ngoài viết báo, Trung tá Đào Trung Hiếu luôn dành thời gian cho niềm đam mê văn chương. |
Trong 8 ngày ấy, anh chỉ biết viết và viết. Anh dường như ăn và ngủ ngay tại bàn làm việc của mình. Tất cả chỉ là để nộp bản thảo cho kịp thời gian như đã hứa với cô bạn hiện đang là Biên tập viên của NXB Công an nhân dân. Vì như lời anh nói, anh tham gia viết không phải vì thi thố, mà tố chất của người lính hình sự, là nói thì phải giữ lấy lời, và đã hứa thì phải thực hiện cho bằng được.
Đọc truyện ngắn của Đào Trung Hiếu nói chung và tiểu thuyết đầu tay “Bão ngầm” nói riêng, người đọc sẽ ngay lập tức thấy được những phẩm chất của một người lính hình sự hiện hữu. Người ta nói, văn như người, đối với trường hợp của anh, thì không hề sai. Những câu văn của anh ngắn gọn, khúc chiết. Ngôn ngữ thì giàu hình ảnh và ngồn ngộn thông tin. Anh viết đến đâu, hình ảnh gần như ngay lập tức xuất hiện đến đấy. Nhưng những vấn đề đó đều thuộc về kĩ năng viết. Còn nội dung và cách tiếp cận, thì phẩm chất người CSHS mới bộc lộ rõ thế mạnh.
Hơn 17 năm trực tiếp tham gia chiến đấu với bao chuyên án phức tạp, những gì mà Đào Trung Hiếu lưu giữ lại là những vụ việc, những sự kiện, khoảnh khắc của người trong cuộc mà không mấy người viết có được. Cho nên, anh tâm sự rằng, cái khó của người lính hình sự như anh khi cầm bút là làm sao để chuyển tải những tư liệu ngồn ngộn ấy bằng chất liệu văn học, chứ không sợ thiếu về kinh nghiệm trận mạc.
Vì vậy, trong Lời tựa của cuốn tiểu thuyết “Bão ngầm”, Đào Trung Hiếu viết: “Thân tặng đồng đội tôi, những người lính can trường trên mặt trận đấu tranh phòng chống ma túy. Bước ra từ cuộc chiến đấu thầm lặng, như chất kháng thể của xã hội chống lại những kẻ gieo rắc cái chết, bao gian truân trên đường đời mà chúng tôi đã trải nghiệm bằng mồ hôi và cả máu xương, đã biến thành nguồn chất liệu sinh động cho cuốn tiểu thuyết này. Một câu chuyện do lính viết. Bút pháp hiện thực phả sức nóng của cuộc chiến trên thực địa, vào văn học một cách chân thực nhất. Sự thô ráp, xù xì, thậm chí trần trụi như bản chất cuộc sống, được mô tả không cường điệu. Bởi cái chúng tôi có, chỉ đơn giản là những gì đã trải, đã thấy, đã cảm trong hiện thực cuộc đấu tranh sinh tử với tội phạm. Vì vậy, sẽ khó tìm thấy những thủ pháp nghệ thuật cầu kỳ, những câu chữ bay bổng đầy chất thơ họa, như trong các tác phẩm của nhà văn chuyên nghiệp”.
Từ tháng 7/2013, Đào Trung Hiếu chuyển về công tác và làm phóng viên của chuyên đề Cảnh sát toàn cầu tuần, Báo Công an nhân dân. Công việc làm báo bận rộn, nhọc nhằn, nhưng ngoài những thời gian rảnh rỗi, anh vẫn đều đặn dành riêng những khoảng lặng cho mình để viết văn.
Anh có tâm sự với tôi, anh sẽ cố gắng tự chuyển thể tiểu thuyết “Bão ngầm” thành kịch bản phim truyền hình. Và tôi tin rằng, với tư cách người viết như anh chính là người trong cuộc, kịch bản ấy nếu như được dựng thành phim, thì nó chắc chắn sẽ thuyết phục được bạn đọc. Vì nó sẽ phản ánh, tái hiện một cách thực chất nhất quá trình đấu tranh trên mặt trận phòng chống tội phạm cam go, khốc liệt, cũng như tâm tư, tình cảm, suy nghĩ của người chiến sĩ Công an nhân dân trong sinh hoạt đời thường, mà nếu như người ngoài nhìn vào và tái hiện, thì sẽ khó có được.
Trung tá Đào Trung Hiếu sinh ngày 27/8/1974. Trình độ chuyên môn: Thạc sỹ Luật học. Nguyên Điều tra viên Đội Điều tra trọng án; Phó Đội trưởng Đội Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Phòng Cảnh sát hình sự - Công an TP Hà Nội. Tiểu thuyết “Bão ngầm” kể về câu chuyện Công an tỉnh Lào Cai triệt phá chuyên án ma túy lớn, tiêu diệt nhiều tên trong đường dây tội phạm, thu 500 bánh heroin. Để lần tìm ra tổ chức tội phạm này, Ban chuyên án tiếp tục cử Quỳnh Hoa, nữ trinh sát tiếp cận và đi sâu vào tổ chức. Cuộc điều tra từng bước làm sáng tỏ đường dây tội phạm. Qua nhiều biện pháp, lực lượng Công an tìm ra xưởng sản xuất ma túy và tổ chức triệt phá, thu được nhiều ma túy cùng chứng cứ về hành vi phạm tội của các đối tượng. |