Người khởi đầu nghiên cứu văn hóa Thời đại Hùng Vương
Ngày 11/4, dưới sự chỉ đạo của UBND tỉnh Phú Thọ, trường Đại học Hùng Vương, Sở Văn hóa, thể thao và du lịch, Hội VHNT tỉnh Phú Thọ và UBND huyện Cẩm Khê đã phối hợp tổ chức Hội thảo “Di sản Bút Tre” nhằm đánh giá vai trò, vị trí và những đóng góp to lớn của ông đối với sự phát triển của tỉnh Phú Thọ và thơ Bút Tre trong dòng thơ dân gian Việt Nam. Từ đó đề xuất hướng tiếp cận và nghiên cứu mới, cũng như những giải pháp khuyến nghị khoa học nhằm bảo tồn, phát huy giá trị của thơ Bút Tre trong đời sống đương đại.
Gần 40 bản tham luận của các nhà nghiên cứu nổi tiếng, như GS.TS Phương Lựu, GS.TS Nguyễn Xuân Kính, GS. TS Phạm Hồng Tung, GS.TS Lê Hồng Lý, PGS.TS Hà Quang Năng, PGS.TS Đỗ Lai Thúy, PGS.TS Phạm Văn Tình, TS Nguyễn Xuân Huy; các nhà nghiên cứu Vũ Kim Biên, Nguyễn Hữu Nhàn, Ngô Quang Nam…đã đề cập tìm hiểu thân thế, sự nghiệp của nhà thơ Bút Tre, với các bản tham luận đã cho người đọc hiểu một cách tương đối toàn diện, xác thực về cuộc đời, con người và sự nghiệp của Bút Tre- Đặng Văn Đăng.
Trước hết ông là một người cách mạng nhiệt thành, trung thực, giản dị . Ông từng tốt nghiệp tú tài thời Pháp, từng viết báo, viết truyện bằng tiếng Pháp và lấy bút danh Lục Y Lang, từng làm thư ký cho Bộ trưởng ngoại giao Ung Văn Khiêm. Đó là một người lãnh đạo văn hóa có tầm suy nghĩ, hiểu biết của một nhà văn hóa, tâm hồn ông biểu trưng cho tình cảm và tấm lòng đôn hậu của người nông dân vùng đất Tổ.
Các bản tham luận cũng đã đánh giá những giá trị cơ bản, nội dung và nghệ thuật thơ Bút Tre; thể hiện những tiếp cận nghiên cứu mới về giá trị tư tưởng, thi pháp của thơ Bút Tre ; đánh giá, khu biệt vai trò, vị trí, những đóng góp của thơ Bút Tre- Đặng Văn Đăng, hậu thơ Bút Tre trong dòng thơ dân gian Việt Nam.
Nhà thơ Bút Tre- Đặng Văn Đăng không chỉ làm thơ, mà trong hoàn cảnh còn nhiều khó khăn, với vai trò là Trưởng ty văn hóa có tầm nhìn xa, ông đã sớm triển khai kế hoạch nghiên cứu văn hóa Thời đại Hùng Vương, nhằm khẳng định Thời đại Hùng Vương là có thật trong lịch sử. Ngoài việc tổ chức nghiên cứu sưu tầm văn hóa phi vật thể tồn tại hàng ngàn năm quanh vùng đất Tổ, ông còn đẩy mạnh việc sưu tầm các di chỉ, hiện vật mới của các thời kỳ, đặc biệt là thời kỳ Hùng Vương. Chính ông đã có công rất lớn trong việc phát hiện ra các khu di chỉ Phùng Nguyên ( xã Kinh Kệ, huyện Lâm Thao) thuộc hậu kỳ đồ đá mới và giai đoạn đầu đồng thau, cách chúng ta khoảng trên 4000 năm. Khu di chỉ Đồng Đậu ( xã Minh Tân, huyện Yên Lạc) tiền thời kỳ Đông Sơn, cách chúng ta khoảng 3.000 năm và nhiều khu di chỉ khác lần lượt được phát hiện…
Cứ mỗi lần phát hiện được di chỉ mới, ông lại đạp xe về Hà Nội mời các nhà khoa học lớn, như Phạm Huy Thông, Trần Huy Liệu, Trần Quốc Vượng, Lê Văn Lan, Đinh Gia Khánh, Nguyễn Khánh Toàn, Nguyễn Đổng Chi, Hà Văn Tấn, Lê Văn Hảo…về thực địa khảo cứu. Do vậy nhiều bài nghiên cứu về thời kỳ Hùng Vương dựng nước đã được công bố ở thời điểm này. Đích thân ông đã gặp Thủ tướng Phạm Văn Đồng đề nghị cho hội thảo, và đã có 4 cuộc hội thảo về thời đại Hùng Vương được tổ chức sau đó. Tất cả những cố gắng ấy đã góp phần làm rõ thời kỳ Hùng Vương dựng nước và khẳng định nhà nước Văn Lang là Nhà nước đầu tiên của dân tộc Việt Nam ta.
Ông Đặng Văn Đăng- Bút Tre cũng là người ghi câu nói của Bác Hồ “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”, và cũng chính ông là người khởi xướng phong trào “ Tiếng hát át tiếng bom” trong những năm kháng chiến chống Mỹ.