Nghĩ về sự tồn tại của các nhà sáng tác

Thứ Ba, 24/03/2015, 08:20
Gần đây có những ý kiến trái chiều về sự tồn tại của các nhà sáng tác thuộc Trung tâm Hỗ trợ sáng tác của Bộ VHTT&DL. Tôi cho đó là lẽ đương nhiên khi cùng một hiện trạng, mỗi người có thể có góc nhìn riêng. Riêng tôi vốn năm năm lăn lộn với nội dung sáng tác kịch bản (KB) của Hội NSSKVN khóa 7 cũng xin góp một tiếng nói cá nhân của mình.

Với tổng số 14 trại sáng tác cho 210 lượt tác giả cả nước tham gia, trong đó có 2 trại bồi dưỡng tác giả trẻ, một câu hỏi được đặt ra: Vậy với tần suất mở trại như vậy, thực chất có hiệu quả không? Câu hỏi này tồn tại dai dẳng ngay trong nội bộ ban lãnh đạo, bởi những hiệu quả không mấy khả quan do lịch sử để lại.

Và câu trả lời là có!

Bởi dựa trên cứ liệu thực tế trong nhiệm kỳ đã đạt một tỷ lệ rất đáng vui mừng là tới con số 35% các kịch bản được hình thành từ các trại sáng tác đã trở thành những tiết mục biểu diễn trong các đơn vị nghệ thuật và đoạt được những giải cao trong các cuộc vận động, các cuộc thi, các đợt hội diễn và trong các hạng mục xét giải thường niên. Một điều mà xưa nay chưa hề có.

Vấn đề là với nhiệt tình và sự mở rộng vòng tay của các nhà sáng tác, các hội viên và các hội ứng xử nó như thế nào. Nếu chỉ nhìn nhận nó như một nơi nghỉ ngơi, an dưỡng, thì nó sẽ mặc nhiên thành một nơi nghỉ ngơi an dưỡng, thậm chí là nơi giải quyết chính sách cho các tác giả sắp về hưu hay đã về hưu.

Nhiều vở kịch ra đời từ các sáng tác. Ảnh: Thanh Hằng.

Còn nếu nhìn nhận nó như một cú hích, một nơi luyện đan để các tác giả có dịp gặp nhau xiết chặt đội hình, thắp lửa sáng tạo, bàn bạc nghiêm cẩn, chân thành thì nó sẽ thành một địa danh cảm hứng và đúc kết nghề nghiệp vô cùng cần thiết.

Muốn vậy lại không thể nói suông, không thể chỉ hô hào này nọ mà phải cho ra được những giải pháp  một cách mềm dẻo và quyết liệt, dù có thể vấp phải những phản ứng không dễ dàng chút nào.

Đó là:

Nhằm tránh hiện tượng các tác giả chỉ hình thành đề cương vài trang sơ sài rồi đăng ký dự trại và cũng nhằm tránh những đề cương đã tồn đọng được lấy từ ngăn kéo ra như xưa nay vốn có, hội yêu cầu các tác giả phải có kịch bản chi tiết gửi lên để lựa chọn. Điều đó buộc các tác giả phải động não, nhập tâm để có những KB mới theo tiêu chí tham gia trại.

Có KB được chọn rồi, vẫn chưa xong, các tác giả còn phải vượt qua một cửa ải nữa khi nhập trại, là sẽ tập trung nâng cao bằng cách chia tổ đọc để phân tích, mổ xẻ, góp ý kỹ lưỡng, thẳng thắn từng KB một. Điều này sẽ làm cho các tác giả buộc phải đầu tư công sức để thời gian ở trại sẽ là thời gian thực sự nâng cao tay nghề, thậm chí để phá vỡ những lý luận cơ bản về nghề. Nâng cao xong, cuối trại lại chọn ra một vài KB được đọc trước toàn trại để làm điểm rút kinh nghiệm.

Như vậy, để có mặt ở trại, mỗi tác giả phải tự xác định cho mình một sự cố gắng cần thiết, chứ không phải tắc trách, qua loa, miễn là có cái để đăng ký dự trại rồi sau đó, sau 15 ngày trễ nải, buông thả, KB mang về để ở một góc ngăn kéo không ai ngó ngàng gì đến. Coi như bằng không.

Động tác nâng cao là hết sức quan trọng cho chất lượng và cho không khí sáng tạo của trại, lúc nào cũng giữ được nhịp điệu say mê, hừng hực. Qua đó hội sẽ dựa vào đó mà mỗi trại tìm ra 3 KB có chất lượng nhất, để tăng cường đầu tư và tổ chức thực hiện.

Thay vì trước đây các tác giả vùng nào thì sẽ tham gia trại ở vùng đó cho tiện và đỡ kinh phí đi lại thì nhiệm kỳ này, hội đã mạnh dạn mở rộng đường biên cho tác giả cả nước có thể cùng có mặt trong một trại, dù ở bất kỳ một địa danh nào để giao thoa tình cảm, nghề nghiệp và cảm xúc.

Cũng vậy, nếu trước đây, trại chỉ mở cho các tác giả là hội viên, thì sau đó đã mời tất cả các  thành phần trong ngoài hội miễn là có KB tốt.

Hơn nữa, do tình hình tác giả sân khấu ngày càng hao hụt, thiếu vắng, hội đã chú trọng một cách thiết thực đến việc bồi dưỡng các cây viết trẻ để tìm đội ngũ kế nhiệm, bằng cách mở các lớp bồi dưỡng có thầy thợ theo sát từng người, từng KB, có thể gọi là cầm tay chỉ việc.

Sau này để tạo sự phong phú, đa dạng, hà hơi tiếp sức cho nhau trên một thể loại khó viết, các trại quyết định để các tác giả trẻ và lớn tuổi có thành tựu được cùng tham gia trong một trại nhằm nương tựa, giúp đỡ nhau, khích lệ nhau sáng tạo.

Với những giải pháp tích cực trên, cộng với những đợt đi thực tế vào các vùng trọng điểm, có thể đã khẳng định được ích lợi và không khí sáng tạo, trau dồi nghiệp vụ trong các trại, và cuối cùng đã tạo nên cái tỷ lệ 35% sáng đèn đó. Bởi sự bi kịch nhất của sân khấu, là sự tối đèn âm u của các đơn vị nghệ thuật.

Tất nhiên, điều đó có thể xảy ra ở thể loại kịch hay điện ảnh chỉ gói gọn trong năm, sáu chục trang, còn ở văn học vài trăm trang, nghìn trang lại là một chuyện khác không thể cưa đứt đục suốt được. Nhưng chủ yếu vẫn là cung cách nghiêm cẩn của người làm sáng tạo một khi đã bước chân vào trại viết.

Tài năng là thời vụ, các giải pháp chỉ là giá đỡ, còn chất lượng sáng tạo cuối cùng lại thuộc về từng cá nhân. Tuy vậy các giải pháp đó cộng với sự tận tâm, nhiệt tình, tầm nhìn của trung tâm hỗ trợ cũng đã tạo được một thói quen, một nền nếp, một tư duy sáng tạo có quyền hy vọng mọi sự sẽ khá hơn, sâu hơn ở các chặng đường trước mắt.

Hơn nữa, với cơ chế thoáng, khi trung tâm sắp cho ra mắt hai nhà sáng tác nữa ở Đà Nẵng và Cần Thơ, cũng như chế độ ăn tăng lên đáng kể, chế độ ở mỗi người một phòng riêng biệt và sẵn sàng đầu tư cho từng tác giả, nhóm tác giả đi vào chiều sâu thì càng có thể tin rằng, dầu bất cứ ở đâu, hoàn cảnh nào, các trại sáng tác bao giờ cũng là cứu cánh cho mọi năng lượng sáng tạo. Nó là cần thiết, thậm chí tối cần thiết cho sự tăng trưởng của một nền VHNT.

Chu Lai
.
.
.