Nghệ sĩ ghi ta Phạm Văn Phúc: Âm nhạc là niềm an ủi lớn trong đời

Thứ Năm, 09/06/2005, 07:56

Ở người đàn ông tuổi 66 với dáng vẻ khắc khổ này, mỗi khi tiếng đàn cất lên là một niềm vui chứa chan bất tận. Hơn 50 năm chơi đàn trong một cuộc đời đầy bão tố, nhưng tiếng đàn của ông không chút buồn đau, chán nản hay mỏi mệt bởi với ông âm nhạc là niềm an ủi lớn nhất của cuộc đời.

Phố Huế, nhà số 162 với tấm biển quảng cáo nhỏ nhỏ, cũ cũ: “Lý Sáng thuốc tê thấp gia truyền” giữa những cửa hiệu xe máy, quần áo tấp nập. Bây giờ là vậy, còn 60 năm trước là cửa hiệu của một nhà tư sản bậc nhất Hà Nội. Ông chủ tên là Phạm Văn Hiển, còn Lý Sáng là tên của người cha và ông Hiển muốn giữ tên cha như một thương hiệu uy tín lâu năm, ông có tham vọng mở rộng thị trường thuốc của mình sang Hồng Kông và đi Pháp nhưng lại thôi bởi ông dành ngôi nhà của mình để nuôi giấu cán bộ hoạt động cách mạng.

Ông Phạm Xuân Hiển có 4 người vợ và những 19 người con, khu biệt thự 162 ngày ấy giờ trở thành một dãy nhà của một số anh chị em trong 19 người ấy. Cửa hiệu Lý Sáng hôm nay là của lớp cháu cụ Hiển, tồn tại như "danh gia vọng tộc" còn có người kế nghiệp và gợi nhớ trong lòng người Hà Thành một chút hương xưa của một lớp người cũ, nghề cũ.

Ông Phạm Văn Phúc là con người vợ thứ hai của cụ Hiển. Bà sinh được 2 người con, một trai một gái, rồi người mẹ mất khi người anh mới chỉ 5 tuổi, họ về ở với bà ba, không ai khác đó chính là dì ruột của họ thay mẹ chăm sóc các cháu. Cô con gái là một người thành đạt trong ngành Giáo dục, còn người anh trai cho đến giờ này đã bước đến ngưỡng cửa của tuổi thất thập cổ lai hy nhưng vẫn là một người không nghề nghiệp theo như lời ông nói. Ông chơi đàn hơn 50 năm nay, là thành viên của nhóm "Thất tinh ghi ta" lẫy lừng Thủ đô những thập niên 60-70 của thế kỷ trước, tiếng đàn một thời làm nên nét hào hoa trên sân khấu biểu diễn của Hà Thành, đã đi cùng bao buồn vui, khổ đau của người đàn ông ấy và leo lét cho đến tận bây giờ.

Tuổi thơ ông êm đềm trôi trong những kí ức đẹp của một công tử Hà Thành. Cũng như bao đứa trẻ con nhà khá giả khác, bố ông cho ông đi học đàn, 14 tuổi ông bắt nhịp với những thanh âm đầu tiên dưới sự dìu dắt của nghệ sĩ Tạ Tấn. Lúc đầu ông cảm giác học đàn còn là sự bắt buộc nhưng càng về sau ông càng mê và suốt 3 năm "điếu đóm" cùng thầy Tạ Tấn, ông đã học được rất nhiều điều không chỉ là những thao tác trên phím đàn.

"Khi thôi học ở thầy Tấn, bắt đầu một cuộc đời mày mò tự học và học ở bạn bè của tôi cho đến hôm nay" - ông nói. Ông cảm thấy mình may mắn trong những năm tháng được tham gia nhóm "Thất tinh ghi ta" - nhóm 7 nghệ sĩ ghi ta do Hội Nhạc sĩ Việt Nam thành lập với 7 cây đàn "vùng vẫy" Hà Thành một thời. Nhóm đi biểu diễn khắp nơi, có ngày diễn đến 3 lần, và có lần diễn ở rạp Công nhân, khán giả từ Hải Phòng thuê hẳn một chuyến xe lên tận Hà Nội chỉ để nghe ghi ta và hôm đó đông quá nên phải đấu loa ra ngoài rạp để những người hâm mộ không vào được trong rạp có cơ hội thưởng thức tiếng đàn của các nghệ sĩ.

Thời "vàng son" chỉ tồn tại có 4 năm, mỗi người cùng cây ghi ta lặng lẽ trong cuộc đời như những chú ong thợ. Thi thoảng, các anh em trong nhóm "Thất tinh" lại gặp mặt, và dù nhóm không còn nhưng 7 con người với 7 cái tên không thể mất: Nghệ sĩ Đặng Quang Khôi, nghệ sĩ Hải Thoại, nghệ sĩ Phạm Văn Phúc, nghệ sĩ Nguyễn Văn Tỵ, nghệ sĩ Nguyễn Quang Tôn, nghệ sĩ Vũ Bảo Lâm, nghệ sĩ Đỗ Trường Giang.

Rời nhóm, ông làm công việc của một thầy đồ ghi ta, chuyên dạy các phong trào nghệ thuật quần chúng ở Trường Cao đẳng Nhạc họa Trung ương và Trường Văn hóa quần chúng cũng như những chương trình nâng cao của Bộ Văn hóa - Thông tin. Nhiều lần nghe tiếng đàn của ông, nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát viết một lá thư tay giới thiệu ông vào Nhạc viện Hà Nội làm công tác giảng dạy. Nhưng khi ông vào trường thử tay nghề lại không bằng lá thư đó mà từ một giới thiệu khác và khả năng của ông được ghi nhận ngay lần thử thách đầu tiên. 47 tuổi, ông bước vào giảng đường của Nhạc viện quốc gia Hà Nội - niềm vui, niềm ao ước, "nhưng có lẽ vì nó lớn quá chăng mà suốt 15 năm ở đây, tôi không thể với tới được nó mà chỉ là một anh dạy theo mùa vụ, không được biên chế, và hợp đồng giảng dạy cũng không nốt". Chính vì thế mà khi chơi đàn nơi đâu, ông không dám nhận mình là giáo viên Nhạc viện vì sợ người ta cho là… nhận vơ.

Năm ông vào dạy ở Nhạc viện quốc gia Hà Nội cũng là năm mà cuộc đời ông phải đối mặt với một biến cố khắc nghiệt trong hạnh phúc riêng tư. Vợ ông, người phụ nữ bao năm chung sống và có với ông 5 mặt con, mắc bệnh thần kinh và bỏ ông đi năm ấy, ông và các con không biết bà đi đâu, và cuộc sống như thế nào. Một mình ông, bên nách 5 người con, vừa phải sống cuộc đời làm cha, vừa phải sống cuộc đời làm mẹ. Con trai khi lớn lên, ông có thể tâm sự như hai người đàn ông, còn con gái với những chuyện riêng tư thầm kín, ông mua sách về cho con đọc.

Với đồng tiền thu nhập tính theo tiết dạy, ông trang trải cuộc sống cho cả gia đình và lo cho các con ăn học đến nơi đến chốn. Cơm gạo nuôi con không phải tính từng ngày mà là từng bữa, bạn bè thương ông nên họ thường xuyên cho ông gạo để đỡ phần nào những miệng ăn trong nhà.

Giờ nghỉ hưu rồi, nhưng cuộc sống của ông vẫn không thể thanh thản. Bao năm bà bỏ đi, ông không đi bước nữa mà một mình lo cho các con, để đến bây giờ vẫn một mình lặng lẽ trên căn gác nhỏ tìm tiếng đàn làm bạn. Để có thêm thu nhập, ông đi đánh đàn thuê nếu như có lời mời, thời gian còn lại ông dành để giảng dạy ghi ta tại nhà. Hiện tại, học sinh ông dạy tại nhà có 5 người, số tiền dạy cũng đủ tiêu vặt. Tháng nào học trò ít, ông lại xin thêm tiền các con cho đủ chi tiêu.

Học trò của ông có nhiều người rất thành đạt như Phạm Tuấn Khang từng đạt giải nhất Đại nhạc hội ghi ta toàn quốc lần thứ 2, Lê Sa Anh ở ban nhạc Đồng đội hay Trần Tuấn Hùng ở ban nhạc Bức tường… Nhiều học trò hỏi ông "trước đây thầy học khóa nào ở Nhạc viện?", ông cười rằng: "Thầy chẳng học khóa nào, cả đời thầy là mày mò tự học, và bây giờ, thầy vẫn có thể học ở các em sự nhạy bén, sự bài bản. Thầy đã phải bỏ đi nhiều cái kiến thức của một nghệ sĩ chơi đàn bản năng để hoàn thiện mình hơn bằng những kiến thức mới".

Một cuộc đời nhiều uẩn khúc vậy là chuyện cuộc đời, còn âm nhạc với ông, từ khi biết chơi ghi ta đến giờ ông thường chơi những bản vui vẻ, yêu đời và chứa chan hy vọng. Nhiều người bạn của ông đã từng khóc khi nghe ông  chơi Người ở đừng về, Lagrima hay Tiếng hát giữa rừng Pắc Bó… họ cố tìm ở đó một chút uẩn khúc, một tâm sự nào chăng, nhưng không, những thanh âm vẫn cứ phơi phới bay lên trên những tâm tư khổ đau của người nghệ sĩ ấy.

Là một nghệ sĩ từng chuyển soạn thành công nhiều tác phẩm ghi ta, thể hiện thành công những tác phẩm kinh điển, đôi khi nhìn lại, ông thấy rất tủi nghề. "Cả đời tôi dường như ôm đàn đánh một mình, tiếng đàn của mình tự mình mày mò, chỉ mình mình biết nên nhiều lúc cũng một mình mình khóc với nó. Nhiều nghệ sĩ nước ngoài sang đây đánh còn thua xa chúng tôi, nhưng họ vẫn được mời đánh trên các sân khấu lớn ở Việt Nam và được tung hô, còn các nghệ sĩ của ta thì cứ ngồi đấy không có cơ hội để được đánh đàn phục vụ khán giả nước mình. Không chỉ là với riêng thế hệ chúng tôi, mà các em học sinh bây giờ cũng thế, đầu ra cho tiếng đàn vẫn còn bế tắc. Bao nhiêu năm tu nghiệp với cây đàn, được giải thưởng này giải thưởng nọ nhưng vẫn phải đi đánh đàn cho các nhà hàng để kiếm sống"

Hoàng Nguyên Vũ
.
.
.