Nghệ sĩ Mạc Can tìm chốn bình yên
Nằm hút sâu trong gần tận cuối con ngõ nhỏ, Hội quán Đảo Xanh mới được bài trí khá đơn giản nhưng khá đặc biệt bởi hầu như toàn bộ bàn ghế, tường, thảm đều một màu xanh. Tại đây, khách có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh ông già Mạc Can cặm cụi làm việc bên "kho báu cổ" của mình với lỉnh kỉnh những máy đánh chữ, máy ảnh đã rất cũ kỹ từ thế kỷ trước cho đến hình ảnh những vai diễn tâm đắc đầu tiên, trang truyện đầu tiên, cuốn sách đầu tiên của ông…
Chia sẻ về ngôi nhà mới của mình trong ngày ra mắt Hội quán, nghệ sĩ Mạc Can cho biết ông thực sự xúc động. Đời cha Mạc Can đã phải sống lang bạt kỳ hồ. Đến đời Mạc Can cũng không biết lo toan cho mình có được cuộc sống yên ấm. Cô con gái của Mạc Can từng than thở với mẹ: Ba như người không có thật…
Ngay bản thân nhà văn cũng thừa nhận mình sống về ảo tưởng, luôn khao khát được đi, được viết, được sáng tạo nghệ thuật. Ông đã từng làm phép thử bằng một hành trình đi bộ từ mũi Cà Mau đến tận các tỉnh thuộc cực Bắc của Tổ quốc mà không mang theo một đồng cắc nào trong túi. Rốt cuộc ông vẫn sống được nhờ tình yêu thương, sự bao bọc của đồng bào.
Lang thang gần suốt cả cuộc đời, đã trải qua không ít cơn bĩ cực, đã có lúc trong túi không còn tiền để đổ xăng xe, chiếc máy tính cũng phải mang đi cầm cố nhưng Mạc Can vẫn luôn ao ước có được một "chốn bình yên" của riêng mình, một nơi để cùng bạn hữu giao lưu gặp gỡ. Chỉ có điều ông luôn coi đó là một trong số các "ảo tưởng" của bản thân, chưa bao giờ nghĩ nó trở thành sự thật.
Cơ hội đến sau một lần Mạc Can được mời tham gia chương trình thi viết về công nhân và giao lưu với các nhà văn viết về công nhân do quỹ hỗ trợ công nhân thành phố tổ chức. Biết được niềm mong mỏi của ông, anh Trần Minh Trọng, người của tổ chức gây quỹ đã cùng với người bạn là chị Nguyễn Thị Bích Thu và họa sĩ Sa Tế chung tay góp sức cùng giúp Mạc Can biến giấc mơ của ông trở thành hiện thực. Hội quán Đảo Xanh trở thành ngôi nhà cho ông có điều kiện thuận lợi để ngồi viết, có địa điểm để đàm đạo với bạn hữu, chia sẻ những cuốn sách mới, sách hay, trưng bày, phục vụ nhu cầu đọc sách và tất nhiên không thể không phục vụ kèm cà phê, giải khát, điểm tâm để lấy kinh phí duy trì hoạt động…
Trở thành "chúa đảo" nhưng lão nghệ sĩ, nhà văn Mạc Can cũng không quên "mặc cả" với các bạn đồng nghiệp: Lâu lâu phải để Mạc Can lang thang đi tìm tư liệu để viết. Ông cũng "bật mí" rằng trong các chương trình giao lưu sẽ dành thời gian để dạy lại các kỹ năng biểu diễn của mình cho các trẻ em có nhu cầu tìm hiểu, học hỏi, đặc biệt là các em lang thang cơ nhỡ