Nghệ danh cũng "lai ngoại"

Thứ Ba, 30/06/2009, 09:28
Cho đến thời điểm này, trong làng nhạc trẻ đã xuất hiện vô vàn những cái tên lai của các danh ca gốc Việt. Nó không chỉ gây khó hiểu cho khán giả mà còn ảnh hưởng tiêu cực tới văn hoá Việt. Đã đến lúc chúng ta cần có một thái độ nghiêm túc đối với hiện tượng này.

Không khó để tìm trên các trang web âm nhạc, thậm chí trên cả truyền hình những cái tên Việt lai Hàn Quốc, Mỹ, Nhật, Anh… như Wanbi N.A.T., Kiwi N.M.T., Akira P., Mickey T.M.H., Hamlet T., Nadan H.G., Be be T., Bambi T., Baby J.… Một danh mục hỗn độn khiến người ta tưởng như đây là một cuộc hội ngộ của những danh ca ngoại quốc. Nhưng sự thực, họ đều là những người Việt Nam, sinh sống tại Việt Nam và hát cho người Việt Nam. Vậy, lý do gì khiến họ lựa chọn cho mình những cái tên lai?

Baby J. là nghệ danh của người đẹp T.D. khi cô đến với làng âm nhạc. Theo cô giải thích, lý do chọn nghệ danh này để phân biệt T.D. trong vai trò người mẫu và khi làm ca sĩ. Với người mẫu ảnh P.V.T.H. thì việc chọn nghệ danh Akira P. cho sự nghiệp ca hát của anh chỉ đơn giản bởi ít có ai theo "phong cách" Nhật.

Hay như người mẫu N.M.T. tâm sự thì cái tên Kiwi... có "những nét chấm phá đầy tính nghệ thuật" để khi bước lên sân khấu ca nhạc sẽ "tạo nên dấu ấn riêng của mình". Còn với Mickey T.M.H. thì nghệ danh này là "một cái tên dễ nhớ, như vậy sẽ đem đến gần khán giả hơn" v.v…

Có 101 lý do dẫn đến nghệ danh trở nên "tây hơn", "lạ hơn"; song, tựu trung lại thì đều là một cách để gây ấn tượng, thu hút khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ - những người dễ đưa các tân danh ca đến với sự nổi tiếng nhanh nhất bằng các hoạt động tôn vinh thần tượng.

Tìm cho mình một nghệ danh, đó là quyền chính đáng của những ai muốn trở thành "người của công chúng". Song, chính vì muốn là "người của công chúng" thì trước hết phải làm cho đông đảo công chúng hiểu. Người ta không thể yêu thứ mà họ không biết đó là cái gì!

Qua hàng ngàn năm lịch sử, dân tộc Việt Nam đã phải đối mặt với biết bao kẻ thù xâm lược. Việc đầu tiên mà mỗi kẻ thù đặt chân đến nước ta đều lập tức thực hiện chính là đồng hoá ngôn ngữ và văn hoá. Vậy mà, thật diệu kỳ biết bao, vượt lên trên mọi nỗ lực đồng hoá cao nhất, mạnh nhất của kẻ thù, dân tộc Việt Nam vẫn đứng vững cùng tiếng nói và chữ viết của mình. Chúng ta có quyền tự hào về điều đó!

Không phải ngẫu nhiên mà Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nhấn mạnh: "Tiếng Việt của chúng ta rất giàu. Tiếng Việt của chúng ta rất đẹp. Giàu bởi kinh nghiệm đấu tranh của nhân dân ta lâu đời và phong phú. Đẹp bởi tâm hồn của người Việt Nam ta rất đẹp.

Hai nguồn của cái giàu, cái đẹp ấy là ở chỗ tiếng Việt là tiếng nói của nhân dân, đầy tình cảm, màu sắc và âm điệu, hồn nhiên, ngộ nghĩnh và đầy ý nghĩa…". Không có lý do gì để chúng ta thay thế tiếng Việt bằng một thứ ngôn ngữ khác, lại càng không thể có lý do khi dùng ngôn ngữ khác để… đặt tên cho mình!

Những người nghệ sĩ, ca sĩ là những người của công chúng, hơn ai hết, họ phải mang trong mình tinh thần dân tộc, tự tôn dân tộc - phải chăng đó cũng chính là lòng tự trọng của người nghệ sĩ chân chính.

Trao đổi với phóng viên về hiện tượng nghệ danh lai ngoại, ông Lê Ngọc Cường - Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn - khẳng định: "Chính phủ đã quy định rõ không được lấy tên nước ngoài, không được quảng cáo thương hiệu tên nước ngoài, trường hợp buộc phải sử dụng thì phải phiên âm sang tiếng Việt. Cần phải báo động hiện tượng nghệ danh lai tiếng nước ngoài; nếu không nó sẽ trở thành phong trào, khi đó sẽ rất nguy hiểm bởi nó sẽ tạo nên cái ảo trong nhận thức của công chúng, cũng như hạ thấp giá trị của tiếng Việt. Việc này thuộc quyền quản lý cấp phép của các sở văn hoá. Chúng tôi sẽ có công văn nhắc nhở các sở thực hiện gắt gao vấn đề này"

Phan Liên
.
.
.