Ngày hội sách tạo được sức lan tỏa của văn hóa đọc

Thứ Hai, 23/04/2012, 15:27
Sau 2 ngày diễn ra, Ngày hội sách và văn hoá đọc 2012 đã tạo được sức lan toả ý nghĩa của ngày hội đến đông đảo du khách.
>>Ngày hội sách và văn hóa đọc 2012: Tôn vinh những giá trị đích thực

Chiều 22/4, Ngày hội sách và văn hóa đọc 2012 đã bế mạc sau 2 ngày diễn ra tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Hà Nội. Theo BTC, ngày hội năm nay có quy lớn hơn, kéo dài hơn lần đầu, các hoạt động phong phú, được đổi mới về cả nội dung lẫn hình thức, nên đã thu hút được lượng khách đông đảo hơn nhiều.

Trong ngày 22/4, hoạt động trưng bày và giới thiệu sách tiếp tục diễn ra cùng các cuộc thi: Thiếu nhi tuyên truyền giới thiệu sách; thi tìm hiểu, chia sẻ kiến thức qua sách báo trong cuộc sống; giao lưu văn nghệ; thi vẽ tranh theo sách; trao thưởng cho các cuộc thi; giao lưu tác giả, tác phẩm với bạn đọc; Talk show: Sách – chìa khóa thành công. Đặc biệt, việc ủng hộ sách báo cũ cho các em nhỏ vùng sâu, vùng xa là việc làm rất ý nghĩa và đã được các bạn nhỏ hào hứng hưởng ứng.

Sau 2 ngày hội, các nhà sách, nhà xuất bản cũng đã tiêu thụ được một lượng lớn sách ở nhiều thể loại và lứa tuổi, cho thấy nếu có cách tiếp cận tốt, văn hóa đọc vẫn được công chúng quan tâm.

*Cùng với Ngày hội sách ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Ngày hội đọc sách với chủ đề "Sách - tri thức: Khởi nguồn thành công" cũng diễn ra tại Thư viện Quốc gia (Hà Nội) và kéo dài đến hết ngày 25/4. Điểm nhấn ở đây là “Triển lãm sách hay, sách đẹp, sách quý”, giới thiệu hơn 600 tư liệu, gồm các cuốn sách đạt giải thưởng sách Việt Nam, sách quí, sách cổ, sách trên những chất liệu đặc biệt, sách có kích thước to nhất, nhỏ nhất. Các tài liệu từ cổ đến kim, lạ, độc đáo, cũng được trưng bày: Sách đồng, sách lá buông, mộc bản, sách đá, tủ sách mini…

Triển lãm còn giới thiệu nhiều loại sắc phong viết trên giấy lụa (bản gốc), sách khổ lớn, sách khổ lớn dành cho người khiếm thị, sách Hán – Nôm, sách Đông Dương...

Ngày hội sách cũng diễn ra tọa đàm “Sách - thư viện - bạn đọc” với những người yêu sách, do các diễn giả là nhà văn, nhà phê bình văn học: Trung Trung Đỉnh, Ngô Tự Lập, Duy Li, Nguyễn Viết Chức, Văn Giá v.v… đã giúp công chúng có cái nhìn tổng quan về nền văn học, cũng như văn hóa đọc nước nhà. Đặc biệt, ngày hội còn có hoạt động mang ý nghĩa sâu sắc là tiếp nhận, chia sẻ nguồn sách và thiết bị của các tổ chức và cá nhân ủng hộ thư viện các vùng sâu, vùng xa, chiến sĩ biên giới, hải đảo.

GS.TS Nguyễn Minh Thuyết: Văn hóa đọc là một biện pháp chống trẻ hóa tội phạm

Nhân dịp Ngày hội sách và văn hóa đọc khai mạc, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với GS.TS Nguyễn Minh Thuyết xung quanh vấn đề này:

PV: Thưa Giáo sư, là người viết sách, ông nghĩ sao khi được tham dự Ngày hội sách như thế này?

GS.TS Nguyễn Minh Thuyết.

GS.TS Nguyễn Minh Thuyết: Cùng với việc phát triển kinh tế và phương tiện kỹ thuật nghe nhìn phong phú như hiện nay, văn hóa đọc đang có vẻ đi xuống. Người ta đọc báo mạng nhiều hơn sách. Sách văn học và đặc biệt là thơ càng hiếm người đọc.

Vì thế, ở Ngày hội sách năm nay, tôi rất mừng khi thấy có rất đông người dự, mà lại chủ yếu là các bạn trẻ. Điều đó cho thấy rằng, nếu chúng ta có chính sách tốt với văn hóa đọc hơn từ cơ sở, sẽ dần làm tăng được số người quan tâm đến sách hơn, để văn hóa đọc không còn là nỗi lo lắng nữa.

PV: Cũng là người gắn bó cả cuộc đời với sự nghiệp giáo dục, Giáo sư có thể cho biết ý kiến về tác dụng của văn hóa đọc đối với sự phát triển nhân cách con người, đặc biệt là với các bạn trẻ?

GS.TS Nguyễn Minh Thuyết: Tác dụng của văn hóa đọc rất tốt với sự phát triển nhân cách, bởi sách cung cấp nhiều tri thức, dạy con người ta cách sống, cũng như đưa ra nhiều tình huống xử lý thông minh và thú vị trước những vấn đề gặp phải. Các bạn trẻ ham đọc sách sẽ tiếp thu không chỉ được nhiều kiến thức, mà còn được bồi dưỡng về tâm hồn, tư tưởng.

Hiện nay, tình trạng tội phạm trong xã hội diễn ra khá nhiều với những tội ác nghiêm trọng và tội phạm cũng ngày càng trẻ, để chống lại việc trẻ hóa tội phạm có nhiều biện pháp, trong đó, phát triển văn hóa đọc là một biện pháp quan trọng. Vì thế, các cơ sở, gia đình và nhà trường cần tạo điều kiện tốt cho con em mình đọc sách.

Điều quan trọng cũng cần phải nói là, các NXB đừng có đưa ra những cuốn sách không hay và có hại, vì tác động của nó đến việc hình thành và phát triển nhân cách của lớp trẻ cũng không nhỏ.

PV: Xin cảm ơn Giáo sư!

Thanh Hằng (thực hiện)

Dạ Miên
.
.
.