NSƯT Phạm Bằng: Nước mắt lặn vào trong

Thứ Ba, 24/03/2009, 16:12
Tiếng là vui vẻ, hài hước vậy, nhưng trong đời sống thực hiếm ai biết rằng, thường trực bên Phạm Bằng là một nỗi cô đơn xâm chiếm mỗi lần trở về nhà sau những vai diễn hài mua vui cho thiên hạ.

Men theo con ngõ nhỏ của ngôi nhà cổ, tôi lên tầng 2 vào thăm NSƯT Phạm Bằng. Tôi ngạc nhiên vì ngôi nhà ông ở không giống với bất cứ ngôi nhà của một diễn viên sân khấu kỳ cựu nào, nhà ông đơn sơ đến lạ kỳ. Nếu như ở đâu đó nơi nhà hát, nơi rạp chiếu phim, trên logo quảng cáo của truyền hình hay trên những trang báo, hình ảnh của ông "choán ngợp", thì trong ngôi nhà của ông không có một bức ảnh nào, ngoài những bức hoành phi câu đối treo ngay ngắn trên bức tường úa màu của ngôi nhà cổ đã ngót 60 năm có lẻ.

Hồi nhỏ Phạm Bằng từng được hưởng một cuộc sống của những "cậu ấm cô chiêu" vì mẹ ông làm ăn phát đạt. Gia đình ông thuộc vào hàng giàu có ở đất Hà thành những năm 30 của thế kỷ trước. Nhưng rồi cuộc sống đổi thay, buôn bán sa sút, gia đình ông lâm vào hoàn cảnh khó khăn. Niềm ước mơ vào Đại học của ông cũng phải tạm gác lại. Đúng lúc đó, Sở Văn hóa Thông tin Hà Nội thành lập một đoàn kịch tổng hợp và ông đã xin vào Đoàn với ý nghĩ ban đầu là để kiếm thêm tiền phụ giúp gia đình.

Vai diễn đầu tiên trong nghiệp diễn của Phạm Bằng là vai một anh công nhân trong vở kịch "Giờ phút quyết định" (đạo diễn Nguyễn Bắc). Nhưng vai diễn đánh dấu niềm đam mê của ông đối với sân khấu kịch là vai thiếu úy Minh trong vở kịch tình báo "Đêm tháng 7" (đạo diễn Dương Linh). Chàng trai trẻ Phạm Bằng nhận ra rằng, đóng kịch không chỉ để kiếm vài đồng tiền về phụ giúp mẹ nữa, mà nó đã bắt đầu ngấm vào ông như một sự đam mê, thích thú. Sau những vai diễn ông lại tìm ra được sở trường, sở đoản riêng và ông đã có sự cam kết với chính bản thân mình: Sẽ diễn ngày một tốt hơn để được giao những vai diễn ghi dấu ấn vào lòng khán giả.

Sau 10 năm ở Đoàn kịch Hà Nội, Phạm Bằng chuyển sang Đoàn Kịch nói Trung ương, nơi là mảnh đất rộng hơn giúp cho diễn xuất của ông được khả dụng. Hai vai diễn đã mang lại cho ông hai huy chương Vàng trong Hội diễn Sân khấu toàn quốc là vai Lý Trưởng trong vở kịch "Hồn Trương Ba, da hàng thịt" (của Lưu Quang Vũ) và vai Thương trong "Mớ đời Thương" (của Tất Đạt). Đây là hai vai diễn hoàn toàn trái ngược nhau, một vai phản diện, một vai bi hài, nhưng Phạm Bằng đã vào vai tốt đến nỗi không ai có thể thay thế được.

Nói về điều này, Phạm Bằng kể về một kỷ niệm đáng nhớ trong nghiệp diễn của mình. Hồi ấy, vở "Hồn Trương Ba, da hàng thịt" diễn trong vài tháng, tuy vai Lý Trưởng chỉ có trong 2 màn diễn nhưng đó lại là vai phản diện mang lại được không ít tiếng cười cho khán giả. Một đợt, vì bị khản giọng nên vai diễn Lý Trưởng do Phạm Bằng đóng đã được thay thế bởi một diễn viên khác. Không ngờ, có một khán giả, vì mê lối diễn xuất của Phạm Bằng (và cũng đã đi xem tới vài đêm liền trước đó), đã mời một số người thân đi xem đúng hôm không phải Phạm Bằng đóng. Vị khán giả ấy nhận ra và sau khi hết màn diễn, đã lên phía sau cánh gà sân khấu "khiếu nại", làm ầm ĩ cả khán phòng. Và rồi, người của đoàn kịch đã phải gọi Phạm Bằng đến nơi để chứng minh "Lý Trưởng thật" đã… mất giọng và đang phải nghỉ ốm.

"Đó là thành công ngoài mong đợi của một diễn viên không được học qua bất cứ trường lớp nào như tôi - Phạm Bằng nói - nhưng cũng là niềm khích lệ lớn lao để tôi chuyên tâm đi với nghiệp diễn này suốt cả cuộc đời."

Khởi nghiệp bằng sân khấu kịch nhưng được khẳng định và được đông đảo khán giả biết đến cái tên Phạm Bằng lại là truyền hình. Đóng rất đạt những vai chính diện nhưng ông lại ghi dấu ấn trong lòng người ở những vai diễn hài cười đến chảy nước mắt. Trên màn hình, mỗi khi Phạm Bằng xuất hiện với dáng vẻ khổ sở, yếu đuối, với khuôn mặt tưng tửng và ngoại hình nhỏ thó cùng cái đầu hói đã khiến người xem phải bật cười. Ông lại luôn được vào vai "sếp", về nhà thì sợ vợ, ở cơ quan thì sợ các cô thư ký "mặt hoa da phấn" đến… vãi cả linh hồn vì trò… "ăn vụng" của mình.

Với lối diễn hài tưng tửng, tỉnh queo, ông đã định hình được một phong cách hài rất riêng mang thương hiệu Bằng "hói". Nói về cái sự "hiếm tóc" của mình, ông hóm hỉnh khoe rằng đây là do một thứ gien di truyền của dòng họ. Phạm Bằng thuộc thế hệ thứ tư bị hói quá nửa đầu như thế. Tuy nhiên ông luôn lấy thế làm tự hào: "Hói là một biểu tượng của sự thông minh và sống lâu. Nhờ nó mà tôi đắt sô đấy".

Tiếng là vui vẻ, hài hước vậy, nhưng trong đời sống thực hiếm ai biết rằng, thường trực bên Phạm Bằng là một nỗi cô đơn xâm chiếm mỗi lần trở về nhà sau những vai diễn hài mua vui cho thiên hạ. Bố ông mất sớm, để lại người vợ góa trẻ 24 tuổi và 3 người con. Mẹ ông ở vậy nuôi chị em ông khôn lớn, một tay cụ chèo lái con thuyền gia đình. Chính điều đó khiến cụ thành một người "gia trưởng", độc đoán và khắc nghiệt.

Phạm Bằng ít khi cảm nhận được tình yêu thương của mẹ mình ngay từ hồi còn là một đứa trẻ. Cụ cho con sung sướng đến dư thừa nhưng lại không cho con tình yêu thương của một người mẹ theo đúng nghĩa của nó. Cụ từng muốn con trai mình sẽ làm nghề thầy giáo như người cha quá cố, nên khi Phạm Bằng rẽ sang hướng khác thì cụ đã luôn mỉa mai cái nghiệp diễn mà Phạm Bằng theo đuổi với những câu nói chua chát, đay đả mỗi khi ai có vô tình hỏi đến: "Nó là con hát mua vui cho thiên hạ", "Nó là loại xướng ca vô loài", "Thằng hề"... Phạm Bằng chưa bao giờ thấy mẹ vui, chưa bao giờ thấy mẹ ngợi khen, bà cũng chưa bao giờ đến xem ông diễn, cho dù thời kỳ ấy ông đã được coi là một diễn viên kịch có tiếng ở đất Hà thành.

- Khi tôi chuẩn bị lập gia đình - Phạm Bằng kể - Tôi để ý tới 5 người con gái. Vợ tôi không phải là người con gái giỏi nhất, xinh đẹp nhất nhưng tôi chọn cô ấy vì tôi biết chắc rằng, chỉ có cô ấy mới có thể chịu được tính mẹ tôi. Mẹ tôi sống cuộc đời góa phụ ngót 70, trong cách nhìn của bà, con dâu  chỉ là một người hầu, một người để sai bảo, đay nghiến, chì chiết. Bởi vì, bản thân mẹ tôi, khi còn làm dâu cụ cũng đã phải chịu đựng sự khắc nghiệt của mẹ chồng. May mà vợ tôi là con nhà lễ giáo nên cắn răng chịu đựng, không một lời than vãn. Tôi biết hết sự gian khổ của vợ mình nhưng không thể mở lời ra bênh vợ.…

Đến cuối đời, ngày mẹ tôi mất, thì người duy nhất mẹ tôi gặp, lại không ai khác ngoài vợ tôi. Cụ đang nằm trên võng, vợ tôi đang bóp chân cho bà. Cụ bảo với vợ tôi một câu rất văn hoa: "Sống chẳng được nhờ, chết phải khói hương", nói rồi cụ nấc lên một tiếng và đi. Sau này, vợ tôi cũng hiểu được lòng cụ nên cô ấy cũng chẳng nghĩ ngợi về quãng thời gian khổ sở ấy mà cho nó lui vào dĩ vãng…".

Nói đến câu chuyện này, giọng của nghệ sĩ Phạm Bằng nghẹn lại, có lẽ ông đang hồi tưởng lại quãng đời xa xưa, cũng có thể, ông đang nhớ người vợ đã quá cố của mình. Bà đã rời xa ông hơn bảy năm nay. Bảy năm, ông sống như một "người lạ" trong ngôi nhà của mình vì không có người chăm sóc chu đáo. Ông không có một bữa cơm ấm cúng gia đình với tiếng cười giòn tan như những vai diễn trên sân khấu.

Hiện nay, ông sống cùng hai người con, một gái, một trai. Con gái ông đã chớm tuổi 40, chưa lập gia đình, nhưng cũng không thể lo lắng chu tất cho bố. "Con chăm cha, không bằng bà chăm ông". Giờ đây, ông bữa thì ăn cơm bụi, bữa lại phở. Những ngày đi lưu diễn ở tỉnh xa sống cùng đoàn kịch thì anh em vui vầy cũng bớt cô đơn. Âu cũng là số phận đã ban cho ông những điều may rủi, được mất, mà dù ông có muốn hay không cũng không thể thay đổi được.

Ông bảo: "Tôi là diễn viên hài, nhưng trong đời sống thường nhật, tôi ít khi "phát tiết ra ngoài" cái sự hài hước của mình như một số diễn viên hài khác, một phần cũng là do dấu ấn của mẹ tôi để lại. Sự nghiêm ngặt của bà khiến tôi sợ, nhưng vô hình nó đã ăn vào tâm thức tôi. Tôi không đối xử với con cái theo cách của mẹ tôi, nhưng tôi cũng không xuề xòa với con cái giống như cách của ông Bằng "hói" trên màn ảnh. Giờ đây cuộc sống càng buồn vì không có người vợ dịu hiền bên cạnh. Tôi lặng lẽ như chính con người mà bạn đang thấy đây."

Tôi thì thấy rằng, chữ "lặng lẽ" có lẽ chưa đủ để diễn tả tâm trạng của nghệ sĩ Phạm Bằng ở thời điểm bây giờ. Trong căn nhà cổ của ông, mọi thứ đều chông chênh vì không có bàn tay người đàn bà sắp xếp. Cái điện thờ Tam tòa Thánh Mẫu với đủ ba Ban choán hết hơn hai phần ba ngôi nhà khiến tôi cảm thấy lạnh, hoang vu như lạc vào một ngôi chùa cổ. Điện thờ này được chính tay của bà cụ thân sinh ra nghệ sĩ Phạm Bằng lập nên từ cách đây hàng chục năm để "nhảy đồng" theo tín ngưỡng của riêng cụ. Dường như đoán biết được ý nghĩ của tôi, nghệ sĩ Phạm Bằng nói: "Thôi thì coi như đấy là của hồi môn mà bà cụ để lại cho mình. Thờ Mẫu để Mẫu ban cho sức khỏe, con cái thành đạt".

Nếu không phải đi diễn, đêm đêm nghệ sĩ Phạm Bằng lại đứng ra bán lục tàu xá, chí mà phù, bánh trôi tàu ở phố Hàng Giầy - quán bánh trôi đã nổi tiếng hơn 30 năm nay. Ông duy trì một phần vì mưu sinh, một phần vì để bớt đi quãng thời gian rảnh rỗi. Bởi vì, như ông nói, ở cái tuổi 78 của ông, ngủ không phải bao giờ cũng ngon giấc, thôi thì coi như đó là một cách giao lưu với khán giả, để không phải nghĩ ngợi, buồn phiền cho nước mắt lặn vào trong

Song Kim (Văn nghệ Công an số 100)

.
.
.