NSƯT Mạnh Cường: Vai diễn trong phim "Trần Thủ Độ" là một thử thách

Chủ Nhật, 23/08/2009, 15:15
Trong khi dự án phim tiền tỉ "Trần Thủ Độ" đang gây nhiều bàn cãi trong dư luận về việc đốt đuốc đi tìm diễn viên cho vai diễn chính Trần Thị Dung, thì dự án phim truyền hình chào mừng 1.000 năm Thăng Long này vẫn tiếp tục bấm máy vào giữa những ngày nắng nóng cao độ ở trường quay Hoành Điếm (Trung Quốc).

NSƯT Mạnh Cường, người vào vai Thái bảo Đàm Dĩ Mông, một vai diễn phản diện nhưng xuyên suốt 27 tập phim, vẫn còn những tâm trạng phấn chấn sau ngày trở về từ trường quay được mệnh danh là Hollywood của Phương Đông. Anh tâm sự với CAND Cuối tuần về chuyến đi này.

- Thưa NSƯT Mạnh Cường, anh được coi là một người mở hàng "mát tay" nên những cảnh quay của anh thường được khai màn cho mỗi đợt bấm máy. Sau hơn nửa tháng từ trường quay Hoành Điếm (T.P Đông Dương, tỉnh Triết Giang, Trung Quốc) trở về, anh ấn tượng với điều gì nhất?

- Tôi vào vai Thái Bảo Đàm Dĩ Mông, quan đại thần nhà Lý, chú của Đàm Hoàng hậu (vợ của Vua Lý Cao Tông), là người có ảnh hưởng nhất định tới triều đại nhà Lý vì với vai trò là một ông cố vấn cho phe phái Đàm Hoàng hậu. Tất nhiên, trước sau vị Thái sư này cũng chỉ muốn củng cố vị trí của mình trong triều mà thôi. Ông lên đến chức Thái sư thì bị Đỗ Kính Chu, một đại thần nhà Lý có thâm thù với vị Thái sư này quay trở lại giết chết.

Đây là một bộ phim truyền hình dài tập được đầu tư khá lớn để thuê trường quay và dựng bối cảnh và Hoành Điếm là một địa chỉ lý tưởng để quay phim cổ trang. Chính vì thế trong những ngày làm phim ở đây chúng tôi đã tận dụng tối đa thời gian và diễn cho kịp tiến độ đã đề ra. Đạo diễn Tất Bình (Nhà sản xuất phim) vẫn nói với các anh em rằng, nếu một ngày chúng ta nghỉ quay chúng ta sẽ mất khoảng 50 triệu đồng, cho nên dù thời tiết không ủng hộ thì tất cả mọi người vẫn phải túc trực để lúc thuận lợi là ào ra ngay để làm việc.

Xui nhất là Chí Trung (vai Cả Ất), anh bay sang để quay một ngày, đã cạo tóc dán râu, trang điểm, phục trang chỉnh tề để quay ngoại cảnh thì trời đổ mưa tầm tã. Chờ mãi trời không tạnh, đoàn đành gác máy lại và quyết định sẽ về Việt Nam quay cảnh này. Nhưng may mắn thay, sáng hôm sau trời tạnh ráo, 5h sáng tất cả mọi người dậy làm việc hối hả để kịp cho chuyến bay về Việt Nam của Chí Trung đã book vé vào 9h. Cũng may là đội ngũ những người làm phục trang, hóa trang rất nhiệt tình và chuyên nghiệp, ngay cả những người vào vai quần chúng cũng thế. Dường như việc các bộ phim dã sử cần một đội ngũ vài nghìn người để vào vai quần chúng quá thường xuyên nên khi cần, chỉ trong tích tắc họ đã có mặt để tham gia vào các vai quần chúng cho phim của mình. Trường quay của họ thì khỏi phải bàn rồi, đẹp và hoành tráng lắm.

- Nhiều người đổ lỗi cho phim Việt Nam thường không thu hút người xem một phần cho ngoại cảnh. Lần này thì đoàn làm phim "Trần Thủ Độ" đã được đầu tư một số tiền lớn và được lựa chọn những ngoại cảnh phù hợp để tác nghiệp. Vậy cái còn lại chỉ phụ thuộc cả vào… con người đúng không, thưa anh?

- Thực ra, những cảnh quay ở Hoành Điếm chỉ là một phần, nhưng rất quan trọng công việc sản xuất bộ phim 30 tập. Vì sang bên đó, đoàn làm phim cũng chỉ mượn bối cảnh ngoại, còn toàn bộ chất liệu thì đều chở từ Việt Nam sang như các họa tiết trên tường, mái cung điện, hệ thống các đầu đao sao cho thật thuần việt đến những hoành phi, câu đối, cả những cánh cửa chạm trổ cầu kỳ, đạo cụ, phục trang… cũng mang từ Việt Nam. Những thứ đó khi quay xong ở Trung Quốc sẽ lại được mang trở về Việt Nam để dựng bối cảnh ở Cổ Loa. Khó khăn và tốn kém đấy, nên tôi đã thấy lãnh đạo Hãng phim truyện I bàn đến việc phải đi cầm sổ đỏ ở ngân hàng để lấy tiền chi phí cho phim khi chưa kịp có kinh phí đầu tư sản xuất từ phía đặt hàng. Tuy vậy đội ngũ nghệ sĩ diễn viên chuyên nghiệp tham gia bộ phim này đều rất nhiệt tình và làm việc hết sức mình để bộ phim thành công như mong đợi. Tôi mong rằng tất cả những cố gắng của chúng tôi sẽ có hiệu ứng tốt tới khán giả.

- Anh đã có những vai diễn chính diện đi vào lòng người xem, liệu anh có tin mình cũng sẽ thành công trong vai diễn phản diện của một bộ phim cổ trang như "Trần Thủ Độ"?

- Thực ra, đây không phải là lần đầu tiên tôi đóng phim cổ trang. Tôi đã vào vai vua Quang Trung trong phim sân khấu "Hoàng Lê Nhất Thống". Tuy nhiên, ở thể loại phim này, khó khăn của các diễn viên là việc thuộc lời, vì trong phim sử dụng rất nhiều lời cổ khó thuộc và khó nhớ. Đây cũng là một thử thách của nhiều thế hệ diễn viên bởi vì khâu thực hiện tại trường quay trực tiếp của 2 máy và thu đồng bộ như vậy nên đòi hỏi diễn viên phải nhuần nhuyễn trong lời thoại, không lẫn, không nhịu... Chưa kể sự tác động của ngoại cảnh có thể làm phân tán nếu diễn viên không tập trung cao độ thì dễ quên lời lắm.

Bản thân tôi thì có một nhược điểm cố hữu là mùa hè tôi nhiều mồ hôi. Nhược điểm này cũng khiến tôi thường từ chối các phim quay vào mùa hè. Những ngày quay nóng bức ở Hoành Điếm không điều hòa, không quạt, trang phục lại thường dày 2 hoặc 3 lớp bằng vải satanh và gấm (có nhiều nhân vật phải mặc áo giáp bằng chất liệu da ép lại thành nhiều lớp) thì thực sự là cả một… cực hình, nhưng rồi tất cả cũng vượt qua được. Có lúc tôi khát nước mà phải nhịn vì sợ uống nước, ra nhiều mồ hôi sẽ ảnh hưởng trong việc ghi hình. Chưa kể người hóa trang trực hiện trường phải chạy ra để thấm mồ hôi cho tôi. Bản thân tôi luôn quan niệm rằng, phải diễn bằng cái tâm, bằng những trải nghiệm thực tế, thì dù ở dạng vai nào thì khán giả chắc cũng sẽ đón nhận được thôi.

- Cho dù đã bấm máy được nhiều cảnh quay nhưng vai diễn Trần Thị Dung vẫn chưa tìm được chủ nhân. Là người sát sao với phim "Trần Thủ Độ" từ buổi đầu, anh đánh giá thế nào về vai diễn này và việc tìm kiếm những gương mặt ứng cử viên cho vai Trần Thị Dung?

- Theo như kịch bản phim thì Trần Thị Dung là một nhân vật mà nhìn vào bà, người ta thấy toát lên một sự trong sáng, trung thực, thẳng thắn, nhưng cũng thật duyên dáng. Ở bà, người ta nhìn rõ nét thuần khiết của người phụ nữ Việt Nam. Những diễn viên đã từng thử vai thì chưa ai thể hiện rõ được điều đó. Có vai diễn đã tưởng là phù hợp thì khi quay lại không ăn nhập gì cả, thực ra là họ không có tố chất làm diễn viên. Bản thân tôi cũng đã được đạo diễn Đào Duy Phúc nhờ lựa chọn diễn viên cho vai này nhưng vẫn chưa có hồi kết.

Với con mắt của một đạo diễn, tôi có ấn tượng với gương mặt của diễn viên Minh Hương (người hiện đang vào vai Lành, người hầu của Trần Thị Dung), vì về cơ bản thì diễn viên này phần nào đáp ứng được những tiêu chí có được từ kịch bản. Song, đạo diễn Bùi Duy Phúc vẫn đang mở cuộc tìm kiếm trên diện rộng và theo tôi biết quyết định sẽ được đưa ra vào tháng 9 tới, để phim được tiếp tục quay cho kịp tiến độ.

- Đang là Chủ nhiệm Khoa Sân khấu, Điện ảnh và Viết văn của Trường Đại học Nghệ thuật quân đội. Liệu việc tham gia đóng phim có ảnh hưởng gì đến việc quản lý và giảng dạy của anh?

- Không hoàn toàn là tốt. Tôi chỉ nhận tham gia làm phim trong các dịp nghỉ hè, nghỉ Tết. Hơn nữa, khoa của tôi cũng có những đặc thù riêng về sáng tạo nghệ thuật. Việc làm phim giúp tôi có được những trải nghiệm thực tế để truyền đạt lại cho sinh viên, cũng là điều cần thiết để tránh lối mòn cũ kỹ.

- Vâng, xin cảm ơn anh đã chuyện trò!

Trần Hoàng Thiên Kim (thực hiện)
.
.
.