NSƯT Bùi Bài Bình: Luôn hết mình cùng vai diễn

Chủ Nhật, 09/11/2008, 09:47
Một gương mặt đẹp hiền lành tử tế đến "ngơ ngác" bỗng chốc "lột xác" biến đổi thành con "ma làng" độc ác, ti tiện. Một ngôi sao màn bạc rất được yêu quý một thời bỗng trở lại, thành nhân vật "bị" ghét cay, ghét đắng qua màn ảnh ti vi. Bùi Bài Bình đang tái ngộ khán giả qua vai trưởng thôn Khuếnh trong bộ phim truyền hình 25 tập "Gió làng Kình", bắt đầu phát sóng vào tuần tới trên VTV1.
>> Muốn đóng con ma, phải sống cho ra con người

Trong mỗi người đều có một phần nông dân

- Vừa rất thành công với ông Tòng trong "Ma làng", giờ lại tiếp tục với lão Khuếnh, cũng một dạng "ma" ở thôn quê. Có phải anh đang "thừa thắng xông lên", từ bỏ những vai diễn trí thức thành thị, hiền lành ngơ ngác để đến với những vai "Chí Phèo" cao cấp ở nông thôn?

- Cũng không hẳn thế. Tôi nghĩ đã là một diễn viên chuyên nghiệp thì phải đóng được đủ mọi loại vai. Trong thời buổi "người khôn của khó" này, ai mời là hớn hở lên đường thôi. Tuy nhiên, tôi vẫn nghĩ rằng sở trường của mình là những nhân vật bộ đội, trí thức như kỹ sư… vì hợp với "tạng" người và "hoàn  cảnh xuất thân" của mình hơn.

Nói từ bỏ hình ảnh trí thức thành thị để nhập vai cường hào nông thôn cũng không đúng. Chúng ta phần lớn đều từ nông thôn mà ra, thành thị gốc có mấy người đâu. Trong mỗi người chúng ta đều có một phần nông dân. Những vai gần đây của tôi ở phim truyền hình đều xuất thân ở nông thôn, và trái ngược hẳn với trước đây, toàn là những vai đểu giả.

- Anh từng nói rằng Chủ tịch xã Tòng trong "Ma làng" là một vai quá hay, rất khó để vượt, và ban đầu anh cũng không thích vai trưởng thôn Khuếnh. Nhận một vai diễn sau gần giống vai trước, mà lại hay không bằng, anh có sợ khán giả sẽ chán mình không?

- Mỗi nhân vật có một số phận, tính cách riêng và mỗi diễn viên khi hoá thân lại thể hiện một màu sắc riêng. Hai vai này tuy có điểm tương đồng, nhưng về cơ bản là khác nhau. Cũng là một kiểu cường hào thôn quê, nham hiểm độc ác, ti tiện, nhưng Tòng là một kẻ ít học, nóng nảy cục cằn, trong khi Khuếnh là người có học, thâm trầm và xảo quyệt.

Thú thực khi đọc kịch bản "Gió làng Kình", tôi chưa thích vai Khuếnh lắm. Nhưng càng "sống" với nhân vật này, tôi càng thấm thía cái "đểu" của hắn, và thấy đây cũng là một vai khá "nặng" và nhiều đất diễn. Tôi vẫn hy vọng vai sau sẽ hay hơn, nếu không cũng phải khác trước.

- Vậy anh làm thế nào để diễn cho hết được cái "đểu" của một vị trưởng thôn có học nhưng đầy xấu xa đó?

- Khi nhận vai, tôi và anh Phần (đạo diễn Nguyễn Hữu Phần) bàn bạc với nhau phải tạo cho Khuếnh một hình ảnh thế nào để gây ấn tượng. Và tôi nghĩ ra cái kiểu phục trang "cọc cạch", cứ quần tây áo ta và ngược lại, tóc rẽ ngôi giữa, cái mặt tôi trông "đểu" hẳn ra.

Tôi nghĩ, tìm ra được ngoại hình phù hợp, ấn tượng cho nhân vật là thành công được 1/3 vai diễn rồi. Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là diễn xuất. Kịch bản có thể đưa ra một mẫu người như vậy, nhưng điều quan trọng là bản lĩnh và sự nhào nặn của diễn viên.

Phải sống tử tế thì mới diễn "đểu" được

- Một người bạn anh, nhà  thơ Hoàng Nhuận Cầm từng viết trên báo về anh rằng, "muốn làm ma thì phải sống cho ra con người", là khi nói về các vai diễn phản diện gần đây của anh. Anh nghĩ sao về điều đó?

- Tôi cũng bất ngờ vì câu đó của Hoàng Nhuận Cầm. Ngẫm lại, điều đó thật đúng. Muốn diễn cho ra cái chất "đểu", thực sự mình phải hiểu, phải thấm mọi nỗi xấu xa ở đời. Muốn vậy mình phải đủ hiểu biết, đủ tích luỹ và có cái tâm để nhìn, để sống. Tôi cũng cho rằng, phải sống tử tế lắm thì mới diễn đểu cho ra chất đểu được.

- Dù sao thì hoá thân vào hai vai độc ác ti tiện này, chắc hẳn cũng mang đến cho anh nhiều chiêm nghiệm. Có thể, đó là những dấu mốc đáng nhớ trong đời diễn viên của mình?

- Một nhân vật "ác" như ông Tòng, "ghê" như ông Khuếnh, cuối cùng đều không có chốn dung thân. Tôi nghiệm, thế cũng là thoả đáng, và tôi chỉ cố gắng lột tả cho hết cái sự thoả đáng đó. Tôi không nghĩ hai vai diễn này là thành công gì lớn lắm trong đời, cũng không phải dấu mốc gì ghê gớm lắm.

Còn nếu để nhớ, thì có vô vàn điều đáng nhớ. Nhưng tôi nhớ nhất kỷ niệm này. Đó là cảnh quay cuối  cùng, sau khi ông Khuếnh vơ vét tiền nong đủ rồi, phá phách xóm làng tơi tả đủ cả rồi, không còn đường sống, ông phải chạy trốn khỏi làng vào một đêm mưa gió. Chúng tôi quay cảnh này đúng một buổi chiều mùa đông năm ngoái, rét cắt da cắt thịt, trên bờ sông Đuống.

Đoàn đạo cụ chở đến bốn, năm cái xe phun mưa, phun suốt từ 6 giờ chiều đến 8h tối. Tôi dầm nước trong bộ quần áo mỏng manh như thế này, quay xong thì về ốm đúng một tuần. Vậy đấy, những cái gì gian khổ thì mình thường thương nhớ mãi…

Mơ một vai phim nhựa

- Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần cho biết rằng, cát xê cho những vai diễn này rất thấp, thường chỉ độ 6, 7 triệu cho vai chính. Vậy chắc hẳn có một động lực lớn lao gì để anh bỏ cả công việc kinh doanh đang kiếm ra tiền của mình để đi đóng phim?

- Thực sự nếu nghĩ đến tiền thì đừng bao giờ đi làm nghề, còn nếu đã làm nghề thì đừng lăn tăn chuyện tiền bạc. Điều kiện làm phim truyền hình bây giờ thế cả. Thường thì vai chính cho một tập phim truyền hình khoảng 700 nghìn đồng, 150 đến 200 nghìn cho một ngày quay từ 8h sáng đến 8h tối. Kinh phí cho cả phim chỉ có thế, mình phải biết chấp nhận. Vai diễn hay, ê kíp làm phim vui vẻ, đó là điều kiện để mình nhận lời.

- Từng là một "ngôi sao màn bạc" làm quay quắt trái tim người hâm mộ một thời, bẵng đi một thời gian dài, bỗng dưng lại trở nên "hot", nhưng là vai diễn qua màn ảnh nhỏ, anh có chạnh lòng không? Phải chăng điện ảnh không còn chỗ cho lớp diễn viên như anh?

- Tôi vẫn mơ ước một vai phim nhựa thật hay trong một kịch bản tốt, phù hợp với tuổi mình. Làm phim nhựa vẫn thích hơn nhiều chứ. Thường một bộ phim quay vài ba tháng, trong khi đó, một tập phim truyền hình chỉ quay trong vài ngày. Chỉ riêng lời thoại, mỗi ngày phải thoại gần 5 đến 10 trang lời. Không có thời gian thuộc, huống hồ để ngấm là điều không thể.

Nên nói đúng ra, đóng phim truyền hình cho tốt, còn khó hơn phim điện ảnh nhiều. Làm diễn viên thì chỉ biết chờ đợi thôi, huống hồ lớp diễn viên như chúng tôi, tuổi đã xế chiều cả rồi…

- Bây giờ khán giả lại nhớ anh là ông Tòng trong "Ma làng", chứ mấy ai nhớ anh Hoà hâm trong "Mùa ổi"?

- Phim truyền hình có cái hay chỗ đó. Nó đến được mọi ngõ ngách nhà dân. Dù bản thân tôi cũng không nghĩ vai Tòng là thành công gì ghê gớm lắm, nhưng thấy người dân đón nhận, cũng lấy làm vui.

Nhớ năm ngoái khi quay phim "Gió làng Kình" ở Tây Mỗ, khi đó đang phát sóng "Ma làng", thấy cảnh người dân háo hức chờ đón xem phim, có khi mất điện, họ kéo nhau đi bộ sang làng bên để  xem, thật sự xúc động.

Vai Hoà trong "Mùa ổi" là một vai tôi tâm đắc, nhưng thật sự ra thì, dù đã đi hết liên hoan phim này và gặt hái giải thưởng nọ kia, nhưng vẫn ít người xem lắm. Làm phim, dù hay đến mấy mà không có người xem cũng buồn.

- Vâng, vậy năm nay chắc anh lại tiếp tục "hớn hở lên đường" cho những vai truyền hình mới?

- Điện ảnh thì mười năm mới có một vai diễn cho mình. Còn truyền hình mấy năm nay như vậy là nhiều rồi. Năm ngoái có ông Khuếnh trong "Gió làng Kình", còn năm nay tôi hoàn toàn chơi không, chưa làm gì cả. Nghề của chúng tôi là chờ đợi mà.

- Cảm ơn anh vì cuộc trò chuyện này

Minh Nhật (thực hiện)
.
.
.