NSND Y Brơm: Lời Bác dạy khắc ghi trong tôi

Chủ Nhật, 23/05/2010, 12:30
Y Brơm là một trong 3 nghệ sĩ múa được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân trong đợt đầu tiên ở Việt Nam (1984). Tham gia đoàn nghệ thuật Tây Nguyên, nghệ sỹ 6 lần vinh dự gặp Bác. 

Nghệ sĩ nhân dân Y Brơm dân tộc Ba Na - người nghệ sỹ của núi rừng Tây Nguyên nổi tiếng với nghệ thuật múa và văn hoá cồng chiêng, từng được cử đi học trường múa ở CHDCND Triều Tiên ngay sau hòa bình lập lại ở miền Bắc và cống hiến trọn cuộc đời cho sự đam mê cháy bỏng.

"Ấn tượng sâu sắc nhất là tôi thấy một vị lãnh tụ như Yàng (tức là Thần) nhưng rất giản dị, Người mặc quần áo kaki 4 túi, chân đi dép cao su. Dạo đó, Bác biết hầu hết anh em người dân tộc thiểu số chưa biết tiếng phổ thông, thì từ "đoàn kết" cần phải giải nghĩa cụ thể mới hiểu rõ. Vậy là để giải thích câu này, Bác lấy ra một bó đũa. Bác bảo, nếu không đoàn kết thì như đũa từng chiếc, dễ dàng bẻ gãy, nếu đoàn kết thì như cả bó đũa, không thể bẻ gãy… Dựa vào hình ảnh đó, Bác căn dặn đồng bào phải đoàn kết, cùng nhau xây dựng quê hương, đất nước giàu đẹp" - nghệ sỹ Y Brơm xúc động nói.

Ông kể, nhớ năm 1946, Bác gửi thư cho Đại hội Đại đoàn kết các dân tộc, Bác căn dặn: "Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Ê Đê hay Jarai, Bana hay Sê đăng... đều là con cháu Việt Nam, là anh em một nhà, phải thương yêu nhau, giúp đỡ nhau, cùng nhau tiến bộ". Bác chưa lần nào đến Tây Nguyên, Bác mong được đến lắm, nhưng chưa đến được thì Bác đã đi xa. "Nhớ lời Bác dặn, tôi tự nhủ phải học nhiều hơn, sưu tầm, truyền bá bản sắc văn hoá các dân tộc Tây Nguyên"…

- Được gặp Bác tới 6 lần, ký ức ấy rất thiêng liêng…

- Lần đầu gặp Bác, đó là vào một ngày mùa thu năm 1956, tôi tham gia cùng đoàn diễn viên văn công Tây Nguyên. Hôm đó, chúng tôi cùng biểu diễn tác phẩm múa "Đi săn" - tác phẩm này do tôi sáng tác và dàn dựng. Xem xong, ai cũng vỗ tay khen ngợi và anh em trong đoàn được Bác khen, tặng kẹo. Lần nữa, đó là biểu diễn vở múa "Kéo pháo" nhân dịp Quốc khánh (2-9-1958), Bác cũng khen và động viên anh em diễn viên trong đoàn.

Đặc biệt, tôi nhớ mãi dịp biểu diễn vào tháng 5/1967. Lần đó, tôi dàn dựng vở "Múa trống Tây Nguyên", trước khi đi biểu diễn cho khách quốc tế ở nước ngoài, chúng tôi kiểm duyệt ở Hà Nội và Bác Hồ đã đến xem. Sau khi xem, Bác tặng hoa và gọi riêng tôi đến, động viên. Bác khen vở diễn rất tốt, cháu giỏi lắm, sau này nước nhà thống nhất, các cháu có điều kiện rồi cần phải truyền đạt lại cho đồng bào nhiều hơn nữa, phải giảng dạy hơn nữa…

- Nghệ sỹ thực hiện lời dạy của Bác và cống hiến hết mình vì nghệ thuật, văn hoá Tây Nguyên, không chỉ nghệ thuật múa mà cả văn hóa cồng chiêng?

- Lời Bác dạy khắc ghi trong tôi, tôi cùng anh chị em đoàn văn công Tây Nguyên một lòng một dạ làm theo lời Bác. Bác mất rồi, chúng tôi tự bảo nhau mỗi người phải cố gắng hơn nữa. Khi nước nhà thống nhất, anh em có điều kiện sáng tác, dàn dựng và đi biểu diễn rất nhiều nơi, phục vụ đồng bào, ở đâu cũng mang theo hơi ấm Tây Nguyên…

Gia đình NSND Y Brơm.

- Còn với riêng văn hoá cồng chiêng, đây thực sự là đề tài xuất phát từ đam mê cháy bỏng?

- Người ta kể rằng, từ thuở sơ khai, cồng chiêng được đánh lên để mừng lúa mới, âm thanh khi ngân nga sâu lắng, khi trầm hùng, hòa quyện với tiếng suối, tiếng gió và với lòng người, âm thanh ấy sống mãi cùng với đất trời và con người Tây Nguyên. Tất cả các lễ hội trong năm, lễ mừng cơm mới, lễ đóng cửa kho, lễ đâm trâu... đều có tiềng cồng. Chúng tôi giúp tỉnh tổ chức các hình thức nhằm gìn giữ văn hoá cồng chiêng. Hàng năm tỉnh tổ chức liên hoan văn hóa cồng chiêng tại các buôn làng, sau đó lựa chọn các tiết mục biểu diễn xuất sắc lên hội thi cấp trên. Trên cơ sở đó tạo ra phong trào văn hóa cồng chiêng khắp Tây Nguyên. Bây giờ các các xã, buôn đều có nhà rông văn hóa.

- Ở Tây Nguyên, nghệ sỹ có biết nhiều về những chiến sỹ Công an "ba cùng"?

Có chứ, anh em với chúng tôi tình cảm lắm, có món ngon ngoài Bắc đưa vào cũng gọi tới. Anh em cũng giúp tôi làm hồ sơ xét thương binh cho tôi.

- Từng khuyên bảo bà con chăm lo lao động, cảnh giác và tẩy chay kẻ xấu, cái tên Y Brơm được bà con dành tình cảm đặc biệt?

- Đồng bào dành tình cảm cho tôi, tôi cũng giúp đỡ để bà con chăm lo lao động, sản xuất tốt, không mắc mưu kẻ xấu. Tôi từng gặp bà con nói rằng, đừng thấy kẻ xấu rêu rao tụ tập có tiền mà đi, phải cảnh giác âm mưu của chúng, lấy được của nó một đồng nhưng hại cả đời. Khi cán bộ xuống phân tích, chỉ bảo, họ hiểu rằng, FULRO là giặc, phải tẩy chay, không theo FULRO, rằng không có nhà nước Đềga nào cả, đó là bịp bợm, chỉ có Đảng, Bác Hồ mới đưa lại cơm no áo ấm cho bà con.

- Ví dụ như Ksokơk, nghệ sỹ biết rất rõ người này?

- À, Ksokơk trước ở trong đó (Tây Nguyên) học mới có lớp 4 thôi. Tôi biết anh này học kém mà lười lao động nên nhiều lần đi ăn cắp vặt. Ksokơk ăn cắp bò, lần thứ nhất, lần thứ hai bị phát hiện, người dân đưa ra UBND xã cảnh cáo, nhưng rồi y vẫn ăn cắp tiếp. Đến lần thứ tư, lại ăn cắp, bị người dân truy đuổi, y sợ quá lẩn trốn sang bên Campuchia, từ đó đi lang bạt các nơi, rồi sang Mỹ. Tôi nói với đồng bào, Ksokơk thực chất là tên ăn cắp bò của đồng bào, tự tung hô là tổng thống chứ dốt đặc, có biết gì đâu, học lớp 4 lười biếng thì có làm được gì mà xưng vậy. Bà con hiểu, tẩy chay Ksokơk rồi…

- Còn những người vì thiếu hiểu biết mà theo kẻ xấu?

-Tôi gặp nhiều người từng tham gia biểu tình, gây bạo loạn. Có người theo FULRO, chạy vào rừng, sau nghe tôi giải thích đã hiểu ra và tự nguyện về với buôn làng, nay chăm lo lao động…

Y Brơm sinh ra tại làng Đak Hlah, xã Đê Ar, huyện Đak Bơk (nay là xã Lơ Pang, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) trong gia đình người dân tộc Ba Na. Làng Đak Hlah ở gần sông A Jun và núi HMai, ở chân núi có thác HMai rất thơ mộng, dòng thác ấy như tiếp nối sức mạnh nghệ thuật trong cuộc đời sáng tác, biểu diễn của Y Brơm.

Năm 1991, NSND Y Brơm được kết nạp vào Đảng CSVN, sau đó được đề bạt làm Phó Giám đốc Sở VHTT tỉnh Gia Lai và giữ cương vị đó cho đến lúc về hưu. Năm 2001, ông được trao Giải thưởng Nhà nước đối với 3 tác phẩm: “Múa trống Tây Nguyên”, “Múa khiên”, “Múa giã gạo”.

Đăng Trường (thực hiện)

.
.
.