NSND Ngô Mạnh Lân: Nhìn lại và đối thoại với…chính mình
Triển lãm cá nhân thứ hai của NSND Ngô Mạnh Lân (khai mạc từ 1/11 tại nhà triển lãm 16 Ngô Quyền - Hà Nội) như một cuộc tổng động viên toàn diện, toàn lực các tác phẩm chọn lọc thuộc nhiều loại hình,thể loại nghệ thuật với mong muốn nhìn lại và đối thoại với chính mình cùng đồng nghiệp về con đường nghệ thuật đầy gian khó.
Hơn nửa thế kỷ gắn bó với hội họa, từ cậu học trò 16 tuổi, trẻ nhất khoa Mỹ thuật năm 1950 tại chiến khu Việt Bắc, NSND Ngô Mạnh Lân đã để lại một dấu ấn rõ rệt trong hội họa và điện ảnh.
Nhiều khán giả nhỏ tuổi sẽ nhớ tới họa sỹ, NSND Ngô Mạnh Lân với hàng loạt phim hoạt hình, như "Chuyện ông Gióng", "Mèo con"... với hàng loạt giải thưởng lớn của điện ảnh Việt Nam và quốc tế.
Với người chơi tem, Ngô Mạnh Lân thực sự là một bộ sưu tập lớn với những bộ tem trải dài trong nhiều năm, trải dài cùng hành trình sáng tạo nghệ thuật của ông. Bộ tem Kỷ niệm những ngày lịch sử của đất nước phát hành năm 1987 đã được đánh giá là có nội dung xúc tích, chỉ cần bốn mẫu mà nói được những mốc lịch sử lớn, những dấu son của cách mạng Việt Nam. Bộ tem "Quan Âm Thị Kính" phát hành năm 1998 lại là một mốc dấu khác, lần đầu tiên nghệ thuật sân khấu chèo được lên tem.
Nhưng còn một mảng khác trong hành trình sáng tạo của ông, chiếm của ông nhiều thời gian và tâm huyết, đó chính là các bức họa. Các tác phẩm sơn dầu, ký họa lần đầu được công bố theo thể loại, chất liệu lần này giúp người xem cảm nhận bề dày sáng tác của tác giả.
Nếu như các tác phẩm ký họa đã khắc họa được cảm xúc trực diện, tươi nguyên, sống động cuộc sống một thời chiến tranh, một thời hòa bình, thực sự thức dậy những kỷ niệm sâu sắc và đẹp đẽ thì các tác phẩm sơn dầu, từ các nghiên cứu hình họa cho đến các tranh phong cảnh, sinh hoạt, chiến đấu nhuốm màu thời gian với nhiều chiều không gian, đã hàm chứa một phẩm chất nghệ thuật: hiện thực pha chất lãng mạn. Đó chính là phẩm chất nghệ thuật bền vững, chắp cánh cho các tác phẩm hoạt hình, tranh cổ động, tranh truyện, minh họa sách... dung dị mà gần gũi.
Là phó giáo sư, tiến sỹ, đạo diễn, họa sỹ... nhưng trên hết Ngô Mạnh Lân là một nghệ sỹ. Ngay từ năm 1971, trong triển lãm đầu tiên của Ngô Mạnh Lân, cố họa sỹ Trần Văn Cẩn đã viết rằng: "Nghệ thuật của Ngô Mạnh Lân là một nghệ thuật trong sáng, khoáng hoạt mà chừng mực, biểu lộ một cái nhìn lạc quan, dí dỏm, thoáng trào lộng nhưng không lộ liễu, với một bảng màu phong phú và giàu sắc nhị đi đôi với một tạo hình thông tuệ, vững vàng và nhã thú".
Phải chăng đó chính là phong cách nghệ thuật xuyên suốt cuộc đời Ngô Mạnh Lân? Bởi suy cho cùng, phong cách nghệ thuật chính là cuộc đời mỗi người nghệ sỹ. Mỗi loại hình, thể loại nghệ thuật ở Ngô Mạnh Lân đều đã được định hình, định vị một phong cách riêng, làm phong phú phong cách nghệ thuật hiện thực và có khả năng đối thoại rộng rãi.
Nhìn lại và đối thoại với chính mình, nhìn lại một hành trình đủ dài về cuộc đời gắn bó với nghệ thuật, nhưng Ngô Mạnh Lân không dừng lại. Ông vẫn còn tràn trề sức sáng tạo so với tuổi 72 của mình. Có lẽ với người họa sỹ này, tuổi tác đã đứng ngoài cửa mỗi khi ông đứng trước giá vẽ