NSND Bảy Nam và bộ sưu tập báo chí về cuộc đảo chính Ngô Đình Diệm

Chủ Nhật, 20/08/2006, 08:37

Ngày 27/7 âm lịch là ngày giỗ của NSND Lê Thị Nam, nghệ danh Bảy Nam, "vị tổ sống của cải lương Nam Bộ". 92 tuổi, gần 70 năm gắn bó đời mình với sân khấu cải lương và kịch nói Sài Gòn. Có biết bao câu chuyện cảm động về người nghệ sĩ tài danh này. Nhưng câu chuyện sau đây có lẽ đến bây giờ nhiều người còn chưa biết.

Nhà báo Trần Thanh Phương, nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Đại Đoàn Kết, suốt 40 năm cần mẫn sưu tầm tư liệu báo chí; đến nay đã có kho tư liệu gần hai tấn với hàng vạn bài báo và các tư liệu báo chí quý giá; lặng lẽ dành công sức và thành quả công việc của mình cho mọi người, nhất là những người yêu thích báo chí và nghề báo.

Mới đây, có dịp gặp nhà báo Trần Thanh Phương tại TP HCM, ông đưa cho tôi bản thảo của một bài viết nhan đề: "Một chuyện bây giờ mới kể", rồi hào hứng vừa kể vừa đưa cho tôi xem 6 tập tư liệu báo chí quý giá mà ông mới được gia đình nghệ sĩ Kim Cương trao tặng. Đó là 6 tập trong bộ sưu tập tư liệu báo chí Sài Gòn năm 1963 về cuộc đảo chính anh em Ngô Đình Diệm - Ngô Đình Nhu, của NSND Lê Thị Nam, nghệ danh Bảy Nam, thân mẫu của nghệ sĩ Kim Cương.

Nhà báo Trần Thanh Phương đưa cho tôi xem bức thư của nghệ sĩ Kim Cương gửi cho ông mới đây:

"Kính gửi anh Phương,
Sau nhiều ngày trăn trở và được sự nhất trí của gia đình, chúng tôi trân trọng giao lại cho anh mấy tập tư liệu về báo chí, một công trình mà má tôi đã bỏ nhiều công phu, tâm huyết để sưu tập.

Đây là một gia tài vô giá đối với chị em chúng tôi, nhưng sau nhiều ngày bàn bạc chúng tôi xét thấy anh sử dụng tài liệu này sẽ có ích cho nhiều người hơn là chúng tôi cất giữ. Chúng tôi mong tài liệu sẽ làm giàu thêm bộ sưu tập quý giá sẵn có của anh.

Chúng tôi đã chọn mặt gửi vàng, mong anh làm cho tâm huyết của má tôi có ích cho thế hệ mai sau.

Thay mặt gia đình

Nghệ sĩ Nguyễn Thị Kim Cương".

Tôi lần giở từng trang của bộ sưu tập báo chí mà NSND Bảy Nam để lại. Một cảm giác xúc động khó tả khi tận mắt nhìn thấy những bài báo, bức ảnh đã được bàn tay của một nghệ sĩ tài danh chọn lọc, cắt dán cẩn thận từ 43 năm trước, đóng thành từng tập, bìa cứng, mạ chữ vàng, nay có trang, có bài đã ngả màu, hình ảnh và chữ in đã mờ theo sự tàn phá của thời gian.

Bộ sưu tập các bài báo về cuộc đảo chính Ngô Đình Diệm- Ngô Đình Nhu được bà Bảy Nam đánh số thứ tự từng tập, từ tập 1 đến tập 6. Trên bìa tập 1, tập còn nguyên vẹn nhất trong 6 tập, có dòng chữ in đậm nét, mạ vàng: "Cuộc đảo chánh Ngô - Đình - Diệm, Ngô - Đình - Nhu (1/11/1963). Saigon. Lê Thị Nam (Sưu tập)". Giữa họ, tên và tên đệm của Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu, bà Bảy Nam đều cho gạch ngang nối giữa, lối viết cũng khá phổ biến lúc bấy giờ ở cả miền Bắc mà bây giờ không còn ai dùng.

Sự kiện đầu tiên còn rõ nét bút chì vàng khuôn theo rìa bài báo trong bộ sưu tập của NSND Bảy Nam là nội dung một bản tin của Việt tấn xã Sài Gòn ngày 10/8/1963: "Lộn xộn trong dịp lễ Phật đản tại Huế: Lựu đạn nổ làm 7 người chết, 6 người bị thương. Một số người xông vào Đài phát thanh, cơ quan an ninh phải dùng vòi xịt nước giải tán". 

Lần giở từng trang trong 6 tập tư liệu báo chí bà Bảy Nam để lại, tôi thấy có rất nhiều bài báo bà Bảy đã dùng bút chì màu đóng khung cẩn thận, vẽ cả mũi tên hướng dẫn phần đọc tiếp, trong đó có không ít bài báo của ký giả nước ngoài viết về tình hình Nam Việt Nam trong giai đoạn sôi động này.

Một trong số các bài báo đáng chú ý nhất mà bà Bảy Nam sưu tập, cắt dán cẩn thận là bài viết của nhà báo Franx Connif, trên tờ Thời báo New York (Mỹ) ngày 4/9/1963 được báo chí Sài Gòn đăng lại, nhan đề: "Ai đẩy Tổng thống Kennedy vào con đường bế tắc ở Việt Nam?". Ngoài ra còn rất nhiều bài báo của các nhà báo nước ngoài khác viết về cuộc đảo chính 1/11, đã được bà Bảy Nam sưu tập, cắt dán cẩn thận.

Trong bộ sưu tập của bà, có rất nhiều ảnh các nhà sư đã tự thiêu trong phong trào đấu tranh Phật giáo trước cuộc đảo chính và hai trang ảnh, gồm 10 tấm ảnh rất sinh động về diễn biến của cuộc đảo chính và cái chết của anh em Diệm - Nhu. Trong bộ sưu tập của mình, bà Bảy Nam dùng chì đỏ đóng khung bức ảnh nhà chiêm tinh học Vigaud, người đã tiên đoán về cuộc đảo chính lật đổ anh em Diệm - Nhu ngày 1/11/1963 tại Sài Gòn và về "cái chết của Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Ngô Đình Diệm" trước khi sự kiện diễn ra nhiều tháng.

Một tin ngắn trên một trang báo trong bộ sưu tập đã được bà Bảy Nam đánh dấu khá đậm nét, chỉ có một dòng: "Lưu thông trong giờ giới nghiêm phải có giấy đặc biệt". Có lẽ do công việc biểu diễn, phải thường xuyên đi lại vào giờ giới nghiêm, nên người nghệ sĩ tài danh và nhạy cảm Bảy Nam đã đánh dấu đậm nét một thông tin ngắn, chỉ có một dòng, nhưng vô cùng quan trọng đối với mình và gia đình!

Nhà báo Trần Thanh Phương kể với tôi, trong một cuộc gặp nghệ sĩ Kim Cương sau khi NSND Bảy Nam mất, chị đã ngỏ lời muốn trao tặng ông bộ tư liệu quý báu của má chị. Ông rất bất ngờ, xúc động trước tình cảm và sự trân trọng của chị đối với công việc ông đang làm, song thật tình ông không dám nhận, bởi vì theo ông, đó là một món quà quá quý, quá lớn và quá thiêng liêng.

Gần đây, ông mới quyết định nhận bộ tư liệu quý báu này. Ông đã đến tận nhà, trước ban thờ Nghệ sĩ nhân dân Bảy Nam, thắp hương kính thỉnh Nghệ sĩ cho phép ông được giữ gìn bộ sưu tập báo chí mà bà để lại "hầu giúp những ai cần đến".--PageBreak--  

Mang về nhà, ông đã để ra hơn một tuần lễ phơi nắng từng trang và là ủi, phục hồi lại các trang báo có nguy cơ bị hỏng. Ông tính 6 tập tư liệu mà NSND Bảy Nam đã sưu tập, có tới trên 6.000 bài báo và hàng trăm bức ảnh về sự kiện chính trị sôi động này trong năm 1963. Chắc chắn nó sẽ còn tiếp tục giúp ích cho nhiều người cần đến. 

Của để dành

Tôi được nghệ sĩ Kim Cương cho biết, ngoài 6 tập tư liệu báo chí về cuộc đảo chính Ngô Đình Diệm - Ngô Đình Nhu trên đây đã trao tặng nhà báo Trần Thanh Phương, gia đình chị cũng đã trao tặng Hòa thượng Thích Giác Toàn, Phó Tổng biên tập Báo Giác ngộ của Thành hội Phật giáo TP HCM bộ sưu tập tư liệu báo chí của má chị về phong trào đấu tranh của Phật giáo tại các đô thị miền Nam năm 1963 chống lại chế độ độc tài Diệm - Nhu. Bởi lẽ theo chị cho biết, má chị và cả gia đình chị đều theo đạo Phật.

Chị nhớ lại, suốt nhiều tháng liền trong năm 1963 sáng nào cũng vậy, má chị đều mua hàng xấp báo đủ các loại để mọi người cùng xem. Sau khi xem xong, má chị cặm cụi cắt dán, tự tay đóng thành từng tập, lưu giữ những bài báo, bức ảnh mà bà thấy quý. Thấy má làm công việc đó vất vả, tốn khá nhiều thời gian, có lần chị hỏi vì sao lại làm như thế, má chị trả lời: "Má muốn giữ lại những tin tức và hình ảnh về những sự kiện to lớn đã xảy ra để cho các con, các cháu sau này còn đọc, còn biết. Bây giờ chưa thấy nhưng mấy chục năm sau các con mới thấy quý". Khi chị Kim Cương sang Pháp du học, viết thư cho chị, má chị bảo vẫn tiếp tục lưu giữ những bài báo mà má thấy quý để khi nào về nước chị sẽ được đọc.

Chị cũng cho tôi biết, bộ tư liệu báo chí má chị sưu tập về cuộc đảo chính Ngô Đình Diệm - Ngô Đình Nhu cũng đã giúp ích cho một số nhà văn, nhà báo trong công việc của mình. Khi má chị còn sống, bà đã cho học giả, nhà văn, nhà báo Trần Bạch Đằng mượn bộ sưu tập tư liệu này để nghiên cứu khi ông viết cuốn tiểu thuyết "Ván bài lật ngửa", sau đó truyền hình chuyển thành kịch bản bộ phim truyện nhiều tập từng thu hút hàng vạn người xem.

Không là kỷ lục nhưng là chuyện hiếm hoi

NSND Lê Thị Nam sinh ngày 10/7/1913 tại Mỹ Tho trong một gia đình có 9 người con thì có tới 7 người là nghệ sĩ sân khấu, trong đó có hai người, nghệ sĩ Năm Phỉ và nghệ sĩ Bảy Nam, được phong tặng danh hiệu NSND. Bà Bảy Nam trở thành diễn viên sân khấu từ năm 14 tuổi, với vai đầu tiên đóng cô gái câm trong vở "Xử án Bàng quý phi".

Bà là người phụ nữ đầu tiên làm chủ một gánh hát cải lương từ năm 19 tuổi, là nữ tác giả kịch bản của gần 20 vở cải lương nổi tiếng ở Sài Gòn, trong đó có những vở diễn đến nay nhiều người vẫn nhớ, như: "Nỗi đau lòng mẹ", "Người đàn bà Việt Nam", "Gươm vàng máu đỏ", "Điều Tam Xuân", "Tiêu Anh Phụng"… Trước năm 1945, bà là nữ nghệ sĩ Sài Gòn đầu tiên được Hãng Intermondial Film của Pháp mời đóng vai cô thôn nữ Việt Nam trong bộ phim "Mort en Fraude" của đạo diễn Marcel Camus.

Trên sân khấu kịch nói, bà là một tên tuổi diễn viên lừng danh, là người qua các vai diễn đặc sắc về các bà mẹ với nhiều số phận éo le trong các vở "Lá sầu riêng", "Dưới hai màu áo", "Bông hồng cài áo", "Nhân danh công lý"… đã lấy không biết bao nhiêu nước mắt của người xem. Bà được Nhà nước ta phong tặng danh hiệu NSND năm 1993 và cùng NSND Phùng Há là hai nghệ sĩ tài danh, tiêu biểu trong làng ca kịch Việt Nam trong thế kỷ trước, thọ ngoài 90 tuổi.

Có lẽ vì nhiều cái đầu tiên ấy, mà NSND Bảy Nam đã được các vị thức giả tên tuổi trong Hội đồng tư vấn của Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam đề xuất là một trong những người lập nên kỷ lục Việt Nam. Trong tập sách "Những kỷ lục Việt Nam 2005" (Vietnam records book 2005) do NXB Thông tấn xã ấn hành, phần Danh mục đề xuất kỷ lục Việt Nam trong lĩnh vực Con người, NSND Bảy Nam đã được đề xuất là "Nữ bầu gánh trẻ nhất, nữ soạn giả cải lương và đóng phim đầu tiên tại Việt Nam". 

Có thể nhiều vị trong Hội đồng tư vấn của Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam không biết NSND Bảy Nam từng là một người say mê sưu tập tư liệu báo chí và đã để lại hai bộ sưu tập báo chí quý báu nói trên, nên trong phần giới thiệu về Nghệ sĩ trong tập sách "Những kỷ lục Việt Nam" không thấy nói tới công việc này của bà

.
.
.